Triều Tiên bắt 3 quan chức sau sự cố tàu chiến nát đáy

() - Triều Tiên đã bắt giữ 3 quan chức liên quan đến sự cố hạ thủy khiến tàu khu trục nát đáy.
Triều Tiên bắt 3 quan chức sau sự cố tàu chiến nát đáy - 1

Hình ảnh vệ tinh cho thấy những tấm bạt màu xanh phủ lên tàu chiến của Triều Tiên sau sự cố hạ thủy (Ảnh: Open Source London).

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/5 đưa tin, 3 người bị bắt giữ gồm Kang Jong-chol, kỹ sư trưởng tại nhà máy đóng tàu Chongjin; Han Kyong-hak, trưởng phân xưởng đóng tàu; và Kim Yong-hak, phó giám đốc phụ trách hành chính.

KCNA cho biết 3 người này "chịu trách nhiệm" về sự cố hạ thủy tàu chiến tại nhà máy ở thành phố cảng Chongjin vào ngày 21/5.

KCNA đưa tin giám đốc nhà máy đóng tàu Hong Kil-ho cũng bị triệu tập để phục vụ quá trình điều tra.

Theo truyền thông Triều Tiên, tàu khu trục mới Choe Hyon có trọng tải 5.000 tấn đã gặp "sự cố nghiêm trọng" khiến con tàu bị nát đáy trong lễ hạ thủy.

Trước đó, Bình Nhưỡng cho biết tàu Choe Hyon được trang bị "vũ khí mạnh nhất" và sẽ "đi vào hoạt động vào đầu năm sau".

Sự cố hạ thủy tàu chiến xảy ra trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và đông đảo quan chức.

Ông Kim Jong-un đã trực tiếp chứng kiến toàn bộ vụ việc và tuyên bố đây là một "hành vi phạm tội do sự bất cẩn hoàn toàn", đồng thời cảnh báo "không thể dung thứ cho điều này".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng những "sai lầm vô trách nhiệm" của các quan chức có liên quan sẽ được "xử lý tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động dự kiến triệu tập vào tháng tới".

Theo KCNA, Triều Tiên ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra toàn diện. Khi kiểm tra bên trong, các nhà điều tra phát hiện không có lỗ nào ở đáy tàu chiến, nhưng thân tàu bên mạn phải bị trầy xước và nước biển đã tràn vào đuôi tàu.

Nguyên nhân được cho là do "sự thiếu kinh nghiệm trong chỉ huy và sự cẩu thả trong vận hành", khiến "một số phần ở đáy tàu bị nghiền nát". Triều Tiên cũng cho biết vụ việc xảy ra do sự cố mất thăng bằng khi tàu đang hạ thủy.

Theo quân đội Hàn Quốc, các cơ quan tình báo Mỹ và Seoul cho rằng sự cố xảy ra do Triều Tiên thiếu kinh nghiệm trong việc hạ thủy tàu chiến cỡ lớn và cố gắng thực hiện "theo phương ngang".

Shin Seung-ki, một nghiên cứu viên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nói với NK News rằng vụ tai nạn có thể do "thiếu sự chính xác, kỹ năng và chuyên môn" cần thiết để hạ thủy một con tàu lớn như vậy, cũng như do trọng lượng của thân tàu và khả năng chịu tải không đối xứng, trong đó các lực tác động lên thân tàu không được phân bổ đều và gây ra các vấn đề về cấu trúc.

Ryo Hinata-Yamaguchi, phó giáo sư tại Viện Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Quốc tế Tokyo, cũng nhấn mạnh việc Triều Tiên thiếu kinh nghiệm kỹ thuật trong kỹ thuật hạ thủy từ bên hông có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại này.

Mặc dù Triều Tiên đã sử dụng kỹ thuật đó đối với tàu thương mại, nhưng trong vụ việc lần này, sự cân bằng của tàu chiến có thể bị ảnh hưởng bởi "thiết kế mới lạ" và số lượng hệ thống vũ khí "tương đối nặng ở phía trên".

Ngoài ra, nhà phân tích Joost Oliemans cho rằng xưởng đóng tàu Chongjin không có đủ không gian cho một con tàu lớn như vậy, không có ụ tàu nổi như ụ tàu được sử dụng để hạ thủy một tàu chiến tương tự vào tháng trước tại cảng Nampho.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết xưởng đóng tàu ở Chongjin chủ yếu sản xuất tàu chở hàng và tàu đánh cá và "chắc chắn thiếu chuyên môn đáng kể" trong việc hạ thủy các tàu chiến lớn như tàu khu trục mới.