Ngai vàng triều Nguyễn đẹp và tinh xảo cỡ nào trước khi bị bẻ gãy?

Ngai vàng đặt tại điện Thái Hòa được đánh giá là cổ vật còn khá nguyên vẹn và quan trọng bậc nhất của vương triều Nguyễn.
NGAI VÀNG - Ảnh 1.

Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa - bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2015 - Ảnh: NHẬT LINH

Từ mặt ngai đến chân gồm 2 phần: Nối giữa mặt ngai và 4 chân là một dải ô hộc hình vuông và hình chữ nhật xen kẽ, trong lót kính, xung quanh viền hoa văn chạm lộng - Ảnh: NHẬT LINH

Tất cả được sơn son, các chi tiết trang trí được thếp vàng. Ngai đặt trên một đế gỗ hình chữ nhật nằm dọc, khung viền xung quanh chạm nổi đề tài "long vân" với 6 đầu rồng nhô hẳn lên. Phần ván giữa được sơn son.

Ngai và đế ngai đặt trên một bệ gỗ sơn son thếp vàng, gồm 3 tầng đặt chồng lên nhau.

Các mặt xung quanh 3 tầng bệ ngai đều chạm nổi đề tài "long vân" với những mô tuýp khác nhau: Các mặt của tầng trên cùng đều chạm nổi đề tài "lưỡng long triều nhật"; các mặt của tầng thứ hai đều chạm nổi hình 2 con rồng chầu vào một mặt rồng ngang ngậm chữ thọ, các mặt của tầng dưới cùng có phần giữa chạm nổi hình 2 con rồng chầu mặt rồng ngang ngậm chữ thọ, riêng các góc chạm hình long mã cõng bát quái và hòm sách.

Toàn bộ các mảng trang trí ở 4 mặt của 4 tầng bệ đều được thếp vàng, xung quanh có đường viền.

Mặt bên trái và bên phải của tầng dưới cùng có gắn 2 chốt kèm 2 vòng sắt, là tay cầm khi di chuyển ngai.

Vào thời điểm ngai vàng được công nhận là bảo vật quốc gia, các chỗ ghép mộng của ngai bị long và hở. Phần sơn thếp bị bám bụi bẩn. Các ô kính tráng thủy trang trí phía dưới bệ ngai bị hư hỏng.

Tay ngai bên phải bị gãy rời, đã được gia cố tạm bằng dây thép. Một mảng ván của đế ngai bị mục và bong lớp sơn son thếp vàng.

NGAI VÀNG - Ảnh 3.

Biểu tượng đầu rồng được chạm khắc tinh xảo ở phần bệ tỳ tay của ngai vàng - Ảnh: NHẬT LINH

Về nguồn gốc, đây là ngai của các vua triều Nguyễn (1802 - 1945), được thiết trí trong điện Thái Hòa (bên trong Hoàng Thành Huế) từ trước đến nay.

Năm 1923, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh của vua Khải Định, triều đình cho làm thêm bửu tán bằng gỗ thếp vàng che phía trên ngai. Người làm bộ bửu tán này tên là Nguyễn Văn Khả, được vua ban chức "Hàn lâm kiểm thảo" nên thường được gọi là Kiểm Khả.

Chiếc ngai vàng này từng được di dời khỏi điện Thái Hòa để về đặt tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế khi ngôi điện này bắt đầu trùng tu lớn vào cuối năm 2021. Đến năm 2024, ngai vàng triều Nguyễn được đưa về trưng bày tại chính điện Thái Hòa phục vụ khách tham quan sau khi ngôi điện này hoàn thành trùng tu.

Sẽ trưng bày ngai vàng triều Nguyễn phiên bản phục chế

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết sau sự việc, chiếc ngai vàng bảo vật quốc gia đã được đưa về Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để cất giữ. Những mảnh gãy của ngai vàng đã được Công an TP Huế niêm phong làm vật chứng của vụ án.

Trước mắt, trung tâm sẽ cho trưng bày chiếc ngai vàng vừa được trung tâm phục chế theo phiên bản 1:1 (trước đây từng được trưng bày tại lầu Ngũ Phụng) để phục vụ khách tham quan điện Thái Hòa.

Một số hình ảnh liên quan ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa trước khi bị bẻ gãy:

NGAI VÀNG - Ảnh 4.

Điện Thái Hòa - nơi đặt ngai vàng triều Nguyễn - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 5.

Ngai vàng triều Nguyễn được trưng bày tại chính điện Thái Hòa, bên trên là bửu tán cũng được công nhận là bảo vật quốc gia - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 6.

Ngai vàng triều Nguyễn nguyên vẹn trước khi bị khách tham quan bẻ gãy hôm 24-5 vừa qua - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 7.

Phần lưng của ngai vàng triều Nguyễn - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 8.

Ngai vàng, bệ đặt ngai và bửu tán nguy nga đặt tại điện Thái Hòa - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 9.

Du khách tham quan điện Thái Hòa hôm 23-11-2024 - Ảnh: NHẬT LINH

Ngai vàng triều Nguyễn đẹp và tinh xảo cỡ nào trước khi bị bẻ gãy? - Ảnh 11.

Du khách nước ngoài chụp hình ngai vàng triều Nguyễn tại điện Thái Hòa. Đây là dịp hiếm hoi du khách được phép chụp ảnh ngai vàng, bởi theo quy định khách tham quan không được quay phim, chụp hình trong ngôi điện này - Ảnh: NHẬT LINH

NGAI VÀNG - Ảnh 11.

Một hàng rào chắn bằng gỗ ngăn cách du khách tham quan điện Thái Hòa với khu vực đặt ngai vàng triều Nguyễn - Ảnh: NHẬT LINH

Ngai vàng triều Nguyễn đẹp và tinh xảo cỡ nào trước khi bị bẻ gãy? - Ảnh 5.Người bẻ gãy ngai vàng triều Nguyễn có dấu hiệu loạn thần

UBND TP Huế đã có thông tin ban đầu về người bẻ gãy bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề