
Xác máy bay Boeing 787-8 Dreamliner của Air India nằm trên bãi đất trống, bên ngoài Sân bay Quốc tế Sardar Vallabhbhai Patel hôm 12/7 (Ảnh: Reuters).
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Willie Walsh, một cựu phi công hàng không, hôm 15/7 cho biết, tại Singapore đã bùng nổ tranh luận mạnh mẽ về việc lắp đặt camera giám sát trong buồng lái máy bay để giám sát hành động của phi công, nhằm bổ sung cho máy ghi âm giọng nói và dữ liệu chuyến bay (còn gọi là hộp đen).
Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) ngày 11/7 công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay Boeing 787 của hãng Air India, cho hay các công tắc điều khiển nhiên liệu vào hai động cơ đã bị gạt từ vị trí "hoạt động" xuống "ngắt", lần lượt cách nhau một giây, chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất, khiến các động cơ mất lực đẩy và máy bay nhanh chóng mất độ cao.
Báo cáo sơ bộ đã nêu nguyên nhân chính khiến máy bay Air India gặp nạn, nhưng không cho biết vì sao công tắc nhiên liệu bị chuyển sang trạng thái ngắt, liệu đó là hành động vô tình, cố ý hay lỗi kỹ thuật.
Hiệp hội phi công Thương mại Ấn Độ (ICPA) đề cập ý kiến một số chuyên gia hàng không cho rằng công tắc điều khiển nhiên liệu động cơ chỉ có thể được gạt có chủ đích.
Trong khi đó, các chuyên gia hàng không cho biết, báo cáo sơ bộ từ AAIB đã đặt ra câu hỏi về việc liệu một trong những phi công của chuyến bay 171 của Air India có cắt nhiên liệu của chiếc Boeing 787-8 Dreamliner, chỉ vài giây sau khi cất cánh, dẫn đến tình huống không thể phục hồi hay không.
Vụ tai nạn ở Ahmedabad đã khiến 241 trong số 242 người trên khoang máy bay và 19 người trên mặt đất thiệt mạng.
Tính đến thời điểm hiện tại, "dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, nếu có video ghi hình, bên cạnh đoạn ghi âm giọng nói, nó sẽ hỗ trợ đáng kể cho các nhà điều tra trong việc tiến hành cuộc điều tra về vấn đề sức khỏe tâm thần", ông Walsh nói.
Những người ủng hộ lắp camera ở buồng lái cho rằng, những hình ảnh từ camera có thể lấp đầy những khoảng trống mà máy ghi âm và dữ liệu còn thiếu, trong khi những người phản đối lo ngại về quyền riêng tư và việc sử dụng sai mục đích vượt xa những gì họ cho là lợi ích cận biên cho các cuộc điều tra.
Hồi năm 2003, một đoạn video ghi hình trở nên giá trị đối với các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay Australia, những người đang xác định nguyên nhân dẫn đến vụ trực thăng Robinson R66 nổ tung giữa không trung khiến phi công, người duy nhất trên máy bay, thiệt mạng.
Theo báo cáo cuối cùng của Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia, video cho thấy phi công đã làm quá nhiều việc không liên quan đến nhiệm vụ bay trong phần lớn thời gian này, cụ thể là sử dụng điện thoại di động và tiêu thụ thực phẩm, đồ uống.
Cơ quan An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB) hoan nghênh Robinson Helicopters vì đã cung cấp camera lắp đặt tại nhà máy và khuyến khích các nhà sản xuất và chủ sở hữu khác xem xét các lợi ích an toàn hiện có của các thiết bị tương tự.
Năm 2000, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) Jim Hall đã thúc giục Cục Hàng không Liên bang yêu cầu các máy bay thương mại phải được trang bị thiết bị ghi hình ảnh buồng lái.
Khuyến nghị của ông Hall được đưa ra sau vụ tai nạn máy bay Boeing 767 của hãng Egypt Air năm 1999, khi cơ phó cố tình đâm chiếc Boeing 767 khiến toàn bộ 217 người trên máy bay thiệt mạng.
"Trong việc cân bằng giữa quyền riêng tư và an toàn, cán cân nghiêng về phía an toàn một cách rõ ràng. Bảo vệ hành khách là một nghĩa vụ thiêng liêng", chuyên gia an toàn hàng không và cựu phi công hàng không thương mại John Nance cho biết.
Một chuyên gia an toàn hàng không khác, Anthony Brickhouse, cho biết với tư cách là một điều tra viên tai nạn, ông ủng hộ việc sử dụng video buồng lái, nhưng thừa nhận rằng các phi công thương mại có những lo ngại thực sự.
"Nếu có một đoạn video trên chuyến bay 171 của Air India thì sẽ giải đáp được rất nhiều câu hỏi", ông nói.
Trong khi đó, Air India từ chối bình luận về vụ việc. AAIB của Ấn Độ, dự kiến sẽ công bố báo cáo kết quả điều tra cuối cùng trong vòng một năm sau vụ tai nạn theo quy định quốc tế, cũng không có bình luận gì về việc này.
Sự phản đối của phi công
Các công đoàn phi công Mỹ như Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA) và Hiệp hội Phi công Đồng minh (APA) cho biết các thiết bị ghi âm giọng nói và dữ liệu đã cung cấp đủ thông tin để xác định nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời cho rằng việc sử dụng camera sẽ xâm phạm quyền riêng tư và có thể bị lạm dụng.
Người phát ngôn của APA, Dennis Tajer, một phi công của American Airlines, cho rằng việc kêu gọi lắp đặt camera trong buồng lái là một phản ứng dễ hiểu trước "sự căng thẳng khi không biết chuyện gì đã xảy ra ngay sau một vụ tai nạn".
"Tôi có thể hiểu được phản ứng ban đầu rằng càng nhiều thông tin càng tốt", ông nói nhưng cho rằng, các nhà điều tra đã có đủ dữ liệu để xác định nguyên nhân vụ tai nạn một cách đầy đủ, do đó không cần đến camera.
Theo một phát ngôn viên của ALPA, để đảm bảo an toàn bay, các hệ thống an toàn hiện tại nên được cải thiện để ghi lại dữ liệu chất lượng cao hơn, thay vì bổ sung camera.
John Cox, một chuyên gia an toàn hàng không và cựu chủ tịch điều hành an toàn hàng không của ALPA, cho biết cũng có những lo ngại rằng các đoạn phim có thể bị các hãng hàng không sử dụng để xử lý kỷ luật hoặc video có thể bị rò rỉ sau vụ tai nạn.
"Cái chết của một phi công được phát sóng trên "bản tin 6 giờ tối" không phải là điều mà gia đình phi công mong muốn chứng kiến", ông nói.
Theo ông, nếu tính bảo mật có thể được đảm bảo trên toàn thế giới, "tôi có thể thấy có lý do để lắp đặt camera".
Các bản ghi âm buồng lái thường được các nhà điều tra giữ bí mật, thay vào đó, họ muốn công bố một phần hoặc toàn bộ bản ghi trong báo cáo cuối cùng.
Mặc dù vậy, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Phi công Hàng không cho biết họ nghi ngờ tính bảo mật của các video buồng lái.
"Do nhu cầu cao về những hình ảnh câu khách, IFALPA nghi ngờ rằng, việc bảo vệ dữ liệu (máy ghi hình ảnh trên không), bao gồm hình ảnh nhận dạng của các thành viên phi hành đoàn, cũng sẽ không được đảm bảo", tổ chức trên cho biết trong một tuyên bố.