Tính năng đặc biệt khiến "mắt thần trinh sát" Nga nguy hiểm thêm nhiều lần

() - Hình ảnh xuất hiện trên tiền tuyến cho thấy các UAV trinh sát Nga dùng năng lượng mặt trời để hoạt động dài ngày, gây ra mối đe dọa liên tục tới Kiev.
Tính năng đặc biệt khiến mắt thần trinh sát Nga nguy hiểm thêm nhiều lần - 1

UAV gắn pin năng lượng mặt trời để sạc điện (Ảnh: BM).

Tuần trước, một bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một UAV trinh sát của Nga dường như đã hạ cánh trong khu vực do Ukraine kiểm soát. Điều gây chú ý nhất chính là việc chiếc UAV này sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời để sạc điện, dấu hiệu cho thấy một chiến lược hoàn toàn mới nhằm giám sát lâu dài phía sau phòng tuyến đối phương.

Chiếc UAV trong ảnh có vẻ là mẫu tự chế hoặc được sửa đổi, với thiết kế 4 động cơ cánh quạt và khung làm từ vật liệu nhẹ như nhựa hoặc gỗ. Một tấm pin mặt trời được gắn thêm lên phần thân nhằm cung cấp nguồn điện cho hoạt động kéo dài. Nhiều khả năng đây là một nguyên mẫu hoặc thiết bị được tối ưu để bay lâu nhờ năng lượng mặt trời.

Cuộc chiến tại Ukraine đang trở thành mặt trận thử nghiệm công nghệ quân sự mới, trong đó UAV là lĩnh vực chứng kiến nhiều đổi mới táo bạo nhất. Cả Nga và Ukraine đều đang tích hợp năng lượng mặt trời vào hệ thống UAV nhằm cải thiện thời gian hoạt động và tính tự chủ trong môi trường tác chiến.

Phía Nga đã bắt đầu trang bị các tấm pin mặt trời nhẹ cho UAV hạng nhẹ và UAV tấn công FPV. Những tấm pin này có khối lượng dưới 0,5kg và giá dưới 50 USD.

Dù không đủ để vận hành UAV khi bay, chúng có thể sạc lại pin trong khi UAV nằm chờ trên mặt đất. Nhờ đó, các UAV có thể duy trì hoạt động trinh sát, truyền hình ảnh hoặc chờ lệnh khai hỏa mà không phụ thuộc vào nguồn điện từ hậu cần.

Mục đích chính của các tấm pin này là tăng thời gian sẵn sàng chiến đấu và giảm phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống của UAV. Khi UAV đậu một chỗ, các tấm pin này có thể sạc đủ điện để duy trì camera, hệ thống định vị và truyền tín hiệu. Đồng thời, UAV không hoạt động động cơ cũng sẽ không phát sinh nhiệt lượng, điều khiến chúng khó bị phát hiện bằng hồng ngoại hoặc máy bay không người lái săn mồi.

Thêm vào đó, việc sử dụng pin mặt trời giúp Nga giảm áp lực hậu cần. Các UAV có thể sạc pin ở bất kỳ địa điểm kín đáo nào như dưới cầu, tán cây hay trong các công trình bỏ hoang, biến bất kỳ vật thể nào thành trạm tiếp năng lượng tạm thời ngay giữa vùng chiến sự.

Dù những tấm pin này không thể cung cấp năng lượng cho UAV trong lúc bay, chúng vẫn có thể tạo ra đủ năng lượng để duy trì hệ thống định vị và truyền dẫn dữ liệu.

Cách tiếp cận này mang lại lợi thế chiến thuật cho lực lượng trinh sát của Nga: Các UAV có thể nằm im nhiều giờ, theo dõi mục tiêu và chỉ cất cánh khi được lệnh.

Như vậy, UAV gắn pin mặt trời không chỉ là công cụ giám sát mà còn là một phần trong mạng lưới tấn công thời gian thực.

Trong khi đó, phía Ukraine triển khai các trạm phóng UAV được ngụy trang dưới hình thức nhà dân với mái gắn pin mặt trời. Những trạm này có khả năng sạc pin UAV, cấp nguồn cho hệ thống điều khiển, và có thể mở mái bằng cơ cấu ray tự động để phóng UAV mà không bị lộ vị trí.

Những đổi mới từ cả hai phía cho thấy năng lượng mặt trời đang dần trở thành một yếu tố chiến thuật mới trên chiến trường hiện đại.

Một UAV năng lượng mặt trời hiện đại không chỉ là phương tiện bay mà là nền tảng trinh sát tự động. Khi được triển khai ở khu vực thích hợp, nó có thể hoạt động nhiều ngày liên tiếp mà không cần bảo dưỡng hoặc tiếp năng lượng. Nhờ mức tiêu thụ điện năng rất thấp ở chế độ chờ, những UAV này hoạt động như “mắt thần giám sát trên không”, luôn sẵn sàng kích hoạt khi phát hiện mục tiêu.

Việc “tự sạc” cũng giúp UAV hoạt động trong điều kiện liên lạc gián đoạn, đặc biệt hữu ích ở những khu vực bị đối phương gây nhiễu điện tử. Điều này khiến UAV dùng pin mặt trời không còn là một thử nghiệm, mà là phản ứng tất yếu trước các điều kiện tác chiến hiện đại.