
Đại biểu Quốc hội đề nghị có cơ chế giải phóng gần 6 triệu tỉ đồng từ hơn 2.200 dự án bất động sản bị đình trệ, vướng mắc. Trong ảnh: nhiều mảnh đất chưa được xây dựng ở khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) - Ảnh: THÀNH CHUNG
Trao đổi tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội ngày 23-5 về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,
Sản xuất săm lốp ô tô xuất khẩu tại nhà máy Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Gỡ thủ tục, tạo môi trường kinh doanh
Cùng với thúc đẩy các dự án đầu tư, khơi thông dòng vốn và tháo gỡ các dự án tồn đọng, nhiều đại biểu mong muốn có các chính sách tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lo ngại chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay.
Dù Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, ông Đồng cho rằng cần nhiều nỗ lực hơn để giữ mục tiêu tăng trưởng, đồng thời kiến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn đầu tư.
Ông Đồng đề nghị Quốc hội cho Thủ tướng quyết định miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu mua sắm công và nhà đầu tư để đẩy nhanh cải thiện cán cân thương mại. Ngoài ra, việc kiểm soát nguồn gốc hàng hóa minh bạch sẽ tạo niềm tin cho đối tác.
Rà soát các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan... để có thể đạt được mức đàm phán thuế đối ứng 10%, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.
Đại biểu Đồng cũng khuyến nghị cần cải thiện môi trường kinh doanh - yếu tố quyết định tăng trưởng. Ông lo ngại dù có nghị quyết thúc đẩy khoa học công nghệ, pháp luật và kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vẫn đang vướng nhiều bất cập.
Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và dòng chảy pháp luật kinh doanh cho thấy đầu tư dự án sử dụng đất của Việt Nam hiện nay gặp nhiều thủ tục rườm rà như một "rừng thủ tục, núi thủ tục", từ việc xin quy hoạch đến nghiệm thu công trình.
"Với tình trạng "rừng thủ tục" như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân cho mục tiêu tăng trưởng. Theo tính toán, tỉ lệ đầu tư phải trên 40% chúng ta mới có thể duy trì tăng trưởng cao.
Làm sao có thể đầu tư nhiều như vậy nếu thủ tục đầu tư bị chậm trễ, kéo dài. Trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài khiến các dự án bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà tăng mạnh thời gian qua", ông Đồng nói.
Còn đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Cần Thơ) lưu ý cần thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, bền vững với các chính sách hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, ít phát thải. Cùng với chính sách phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần đầu tư cho ngành thủy sản với chương trình quốc gia chuyển đổi công nghệ, xây dựng thương hiệu thủy sản với chiến lược cạnh tranh, tập trung gỡ thẻ vàng.
"Thúc đẩy phát triển du lịch với phương châm sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, giá cả cạnh tranh, điểm đến an toàn, thân thiện, chính sách miễn thị thực mở rộng, thuận tiện xin visa và dài ngày hơn, đặc biệt ưu tiên cho các nhà khoa học, nghệ sĩ, vận động viên...", đại biểu Phương nêu giải pháp.
* Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM):
Tháo gỡ nhanh cho các dự án vướng mắc

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Nội chính Trung ương đã nói nếu không triệt để chống lãng phí, thực hành tiết kiệm sẽ rất khó để đạt mục tiêu 8% tăng trưởng kinh tế.
Thực tế, cần thẳng thắn nhìn nhận một số công trình, dự án đã đầu tư nhiều năm trước giờ đang chậm tiến độ, chưa biết thời gian về đích như thế nào.
Tôi đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp, nếu vướng mắc ở thủ tục hành chính cần phải điều chỉnh để tháo gỡ. Càng để tình trạng này kéo dài sẽ lãng phí thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực.
Việc này phải mạnh dạn nhìn nhận thẳng sự thật, có đề xuất giải pháp rõ ràng, có lộ trình để tìm hướng khắc phục.
Một số nơi tài sản công, đặc biệt trụ sở dôi dư sau sắp xếp các cơ quan không được sử dụng dẫn đến lãng phí. Trong nhiệm vụ trọng tâm sắp tới cần yêu cầu cụ thể các địa phương có danh mục trụ sở dôi dư, tính toán chuyển đổi công năng để không lãng phí.
* Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM):
Cấp chính quyền gần dân được phân cấp nhiều hơn

Ngoài việc sắp xếp bộ máy, phân cấp phân quyền, một trong những công việc quan trọng sắp tới phải làm là tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để giảm bớt chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, điều chỉnh quy định để cấp chính quyền gần dân được phân cấp nhiều hơn, giải quyết công việc thuận lợi.
Chủ trương này quan trọng, mong thời gian tới, Chính phủ ban hành kịp các nghị định.
Trước đây hằng năm Chính phủ đều có nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng có nhiều nội dung đề ra chưa thực hiện được, hoặc chưa hiệu quả.
Cần rà soát lại các nghị quyết đã ban hành về kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh xem những gì làm được, chưa làm được, trên cơ sở đó đặt ra mục tiêu cụ thể.
Ví dụ nguyên tắc mỗi mặt hàng phải chịu sự quản lý của một cơ quan chuyên ngành đã đặt ra từ năm 2019 nhưng đến nay chưa ban hành được nghị định này. Có những mặt hàng vẫn phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, thậm chí điều kiện, quy chuẩn khác nhau. Lần này phải có đánh giá cụ thể để ban hành thực hiện.
Chuyển từ "tư duy sổ đỏ" sang "tư duy dòng tiền"
Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành "đòn bẩy tăng trưởng".
Thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực với các chính sách như nghị định 82/2025 (gia hạn thuế, tiền thuê đất), nghị định 31/2022 (hỗ trợ lãi suất 2%)... Tuy nhiên thực tế triển khai lại rất chật vật. Ví dụ như gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được kỳ vọng là "phao cứu sinh" nhưng gần hai năm mới giải ngân chưa tới 5%.
"Thực tế không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là "xương sống" của nền kinh tế bị loại khỏi cuộc chơi vì không có báo cáo tài chính được kiểm toán hay tài sản thế chấp đạt chuẩn. Chính sách có, tiền có nhưng doanh nghiệp không chạm được. Đó là sự thất bại trong thực thi.
Vì vậy bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, điều cấp thiết hơn là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết", ông So kiến nghị.
Về giải pháp, theo ông So, cần cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, chuyển từ "tư duy sổ đỏ" sang "tư duy dòng tiền", đánh giá năng lực trả nợ dựa trên dữ liệu kinh doanh, lịch sử đóng thuế, hiệu quả vận hành thực tế thay vì chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.
Giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng, giống như giao kế hoạch sản xuất kinh doanh với tiêu chí đánh giá là tiền "đã đến tay ai, hiệu quả ra sao". Khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập, công khai, với bộ chỉ tiêu đo lường minh bạch.

Hàng hóa container xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái - Ảnh: TỰ TRUNG
Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển
Nêu ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong năm nay sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế để tạo thành lợi thế cạnh tranh. Thúc đẩy đột phá nguồn nhân lực để cải thiện năng suất lao động, kỹ năng nghề và trình độ chuyên môn với đội ngũ lao động đẳng cấp quốc tế khi đã hội nhập sâu rộng.
Cùng đó đẩy mạnh đột phá hạ tầng chiến lược nhằm giảm chi phí logistics hiện đang rất cao để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Đầu tư đồng bộ cả 5 phương thức vận tải gồm đường cao tốc với việc hoàn thành 3.000km đường cao tốc; triển khai hệ thống đường sắt kết nối hàng không, hàng hải với giá thành rẻ hơn và vận hành liên tục.
Nâng cấp hệ thống đường sắt, đường sắt liên kết với Trung Quốc như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để mở sang Trung Á và châu Âu; đường sắt đô thị... Thúc đẩy đường thủy nội địa, dự án đường hàng không, sân bay tầm cỡ thế giới, đường hàng hải với cảng biển và các đội tàu lớn.
Thủ tướng cũng cho hay vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua 4 nghị quyết gồm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình mới; xây dựng và thực thi pháp luật, cải cách thể chế; phát triển kinh tế tư nhân, tạo thành bộ tứ chiến lược cho phát triển.
"Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả các nghị quyết này, gắn thúc đẩy các động lực tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Bao gồm hoạt động đầu tư công, đầu tư tư nhân, thu hút FDI.
Thúc đẩy xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực đàm phán với Mỹ đảm bảo lợi ích cốt lõi với tinh thần bình tĩnh, không đối đầu, đối thoại và lắng nghe kiên trì, thuyết phục, sẵn sàng giải quyết các vấn đề mà các đối tác quan tâm, bảo vệ lợi ích cốt lõi", ông cho biết.
Với động lực tiêu dùng sẽ tập trung vào chính sách tài khóa giảm thuế phí lệ phí, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp trên cơ sở đột phá thể chế, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Tăng thu giảm chi, tiết kiệm chi, thu đúng thu đủ, thu kịp thời, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, đẩy mạnh tiết kiệm, cắt bỏ chi cho hoạt động không cần thiết.
Sẽ tháo gỡ cho hàng ngàn dự án
Theo Thủ tướng, việc thực hiện chính quyền hai cấp sẽ chuyển đổi quan trọng, thay vì cấp phép sẽ hậu kiểm, kiểm tra giám sát, quản lý nhà nước. Cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi từ trạng thái thụ động sang chủ động với tinh thần phân cấp phân quyền đi đôi phân bổ nguồn lực, tăng năng lực thực thi và kiểm tra giám sát.
Hay với 2.200 dự án có tổng vốn khoảng 235 tỉ USD, chiếm tới 50% GDP, cần tập trung tháo gỡ với tinh thần không hợp thức hóa cái sai, nhưng phải chấp nhận "mổ xẻ đau đớn", mất tiền để có những bài học sau này.
