Tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động ngân hàng tại Việt Nam

Trong bối cảnh môi trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động, việc duy trì thanh khoản trở thành một trong những thách thức hàng đầu đối với hoạt động ngân hàng.

ThS. Tạ Thu Hồng Nhung

Email: nhungtth@hub.edu.vn

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Email: hungnm@hub.edu.vn

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Trong khi hiệu quả hoạt động luôn là mục tiêu mà các ngân hàng thương mại hướng đến, thì rủi ro thanh khoản là một trong những vấn đề phổ biến mà các ngân hàng phải đối mặt, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế có nhiều biến động. Nghiên cứu này thu thập dữ liệu từ 25 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2023, sử dụng phương pháp hồi quy hiệu ứng cố định fix effect (FEM). Kết quả nghiên cứu cho thấy Rủi ro thanh khoản tác động cùng chiều đến Hiệu quả hoạt động ngân hàng; Đòn bẩy tài chính tác động ngược chiều, trong khi Kích cỡ tổ chức tác động cùng chiều đến Hiệu quả hoạt động ngân hàng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý chính sách để các ngân hàng thương mại tại Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.

Từ khóa: Hiệu quả hoạt động, ổn định ngân hàng, rủi ro thanh khoản, Việt Nam

Summary

While operational efficiency is always the goal that commercial banks strive for, liquidity risk is one of the common challenges faced by commercial banks, especially during periods of economic volatility. The study collects data from 25 joint-stock commercial banks in Viet Nam over the period 2012-2023, employing the Fixed Effects Model (FEM) regression method. The findings indicate that liquidity risk has a positive impact on bank operational efficiency; financial leverage has a negative impact, while organizational size positively affects bank operational efficiency. Based on these findings, the study proposes some policy implications to improve the future performance of commercial banks in Viet Nam.

Keywords: Operational efficiency, bank stability, liquidity risk, Viet Nam

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh môi trường tài chính toàn cầu ngày càng biến động, việc duy trì thanh khoản trở thành một trong những thách thức hàng đầu đối với hoạt động ngân hàng. Rủi ro thanh khoản là khả năng ngân hàng không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính đến hạn và phải chịu tổn thất đáng kể (Karim và cộng sự, 2019). Rủi ro này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của tổ chức tài chính mà còn đe dọa trực tiếp đến hiệu quả hoạt động tổng thể. Hiệu quả hoạt động ngân hàng thường được đo lường bằng các chỉ số như: tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (Return on Assets - ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity - ROE), phản ánh khả năng tối ưu hóa sử dụng nguồn lực để tạo ra lợi nhuận.

Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng, rủi ro thanh khoản có mối quan hệ mật thiết với hiệu quả hoạt động của ngân hàng, trong đó mức độ rủi ro cao thường làm suy giảm lợi nhuận do chi phí huy động vốn tăng và áp lực duy trì tài sản thanh khoản lớn hơn (Tan và Floros, 2013; Mennawi, 2020; Hacini và cộng sự, 2021). Tuy nhiên, tác động này có thể thay đổi tùy theo bối cảnh quản trị, quy mô ngân hàng và điều kiện kinh tế vĩ mô. Do đó, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa rủi ro thanh khoản và hiệu quả hoạt động ngân hàng không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn mang giá trị thực tiễn đối với việc hoạch định chính sách quản trị rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng.

TỔNG QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tổng quan nghiên cứu

Hiệu quả hoạt động ngân hàng là một chỉ số then chốt phản ánh khả năng của ngân hàng trong việc sử dụng các nguồn lực tài chính và phi tài chính để tạo ra lợi nhuận một cách bền vững (Chen và cộng sự, 2018). Hiệu quả này thường được đo lường thông qua các chỉ tiêu như ROA và ROE, thể hiện mức sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. Theo Athanasoglou và cộng sự (2008) thì hiệu quả hoạt động của ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm: đặc điểm nội tại của ngân hàng (như quy mô, đòn bẩy tài chính, chất lượng tài sản) và yếu tố kinh tế vĩ mô (tăng trưởng GDP, lạm phát, môi trường pháp lý). Việc nâng cao hiệu quả hoạt động không chỉ giúp ngân hàng cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn góp phần vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính.

Rủi ro thanh khoản là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các ngân hàng phải đối mặt, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn và duy trì hoạt động liên tục (Mennawi, 2020). Việc ngân hàng không quản lý tốt thanh khoản có thể dẫn đến căng thẳng tài chính, giảm lợi nhuận và thậm chí là mất khả năng thanh toán. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (Loan-to-Deposit Ratio - LDR) được sử dụng phổ biến như một đại diện cho rủi ro thanh khoản. LDR cao thể hiện mức độ phụ thuộc lớn vào hoạt động cho vay so với tiền gửi, từ đó làm giảm khả năng dự trữ thanh khoản. Theo Vodová (2011), các ngân hàng có LDR cao sẽ dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc thanh khoản, điều này có thể làm suy giảm hiệu quả hoạt động (Huong và cộng sự, 2021). Các nghiên cứu thực nghiệm như Tan và Floros (2013), Hacini và cộng sự (2021) đã chỉ ra rằng rủi ro thanh khoản cao có mối quan hệ tiêu cực với ROA, làm suy giảm lợi nhuận ngân hàng. Do đó, việc quản lý thanh khoản một cách hiệu quả không chỉ đóng vai trò then chốt trong ổn định hoạt động, mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì hiệu quả dài hạn của ngân hàng.

Hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm thể hiện mối quan hệ tiêu cực giữa rủi ro thanh khoản và ROA, ROE. Ví dụ, nghiên cứu về các ngân hàng tại Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Bangladesh, Iran và Nam Á cho thấy rủi ro thanh khoản cao hơn dẫn đến hiệu quả thấp hơn, thường là do chi phí tài trợ cao hơn và nhu cầu duy trì tài sản thanh khoản tốn kém, làm giảm lợi nhuận. Trong khi đó, Hacini và cộng sự, (2021); Arif và Anees (2012) cũng cho rằng rủi ro thanh khoản và nợ xấu đều ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro tại Pakistan.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu tại các nền kinh tế phát triển và Đông Nam Á nhấn mạnh rằng trong điều kiện bình thường, rủi ro thanh khoản vừa phải có thể làm cho biên lãi ròng cao hơn hay hiệu quả hoạt động được cải thiện, nhưng trong các cuộc khủng hoảng tài chính, rủi ro thanh khoản lại trở nên bất lợi (Chen và cộng sự, 2018; Huong và cộng sự, 2021). Ngoài ra, việc quản lý thanh khoản hiệu quả, duy trì tỷ lệ thanh khoản phù hợp và cân bằng tài sản thanh khoản giúp hiệu quả hoạt động tốt hơn và rủi ro phá sản thấp hơn (Chen và cộng sự, 2018). Nhìn chung, các bằng chứng thực nghiệm chủ yếu đề cập đến rủi ro thanh khoản quá mức thường làm giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 25 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2023, đồng thời loại trừ những ngân hàng TNHH một thành viên, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh do không đủ dữ liệu nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy mô hình tác động cố định FEM (Fixed Effects Model) với mô hình hồi quy như sau:

ROAit = + 1LDRit +2LEVit + 3SIZEit + 4OIit +it

Trong đó: ROA là các biến phụ thuộc thể hiện các thước đo về hiệu quả hoạt động của ngân hàng; LDR: Rủi ro thanh khoản, được đo lường bằng Tổng số tiền cho vay/tổng tiền gửi; LEV: Đòn bẩy tài chính được đo lường bằng Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu; SIZE: Kích cỡ của tổ chức, được đo lường bằng nhật ký tổng tài sản; OI: được đo lường bằng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/thu nhập lãi.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu thu thập được 300 quan sát. Thống kê mô tả các biến trong mô hình hồi quy cho thấy số quan sát trong mẫu thu thập, giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất của các biến trong nghiên cứu như (Bảng 1).

Bảng 1: Mô tả các biến trong mô hình hồi quy

Tên biến

Số quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

ROA

300

0,9669

0,7846

-0,72

3,58

LDR

300

81,3380

13,5314

35,15

119,49

LEV

300

11,3277

4,01323

3,1949

23,6198

SIZE

300

32,6051

1,1745

30,3178

35,3721

OI

300

0,2804

0,2619

-0,206

3,438

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích từ phần mềm STATA 17

Nhằm kiểm tra mối quan hệ tuyến tính cũng như đánh giá hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập, nghiên cứu tiến hành phân tích ma trận hệ số tương quan và hệ số phóng đại phương sai (VIF). Kết quả trong Bảng 2 về ma trận hệ số tương quan cho thấy các biến có mức tương quan thấp, phần lớn các hệ số đều nhỏ hơn 0,3, phản ánh mối tương quan yếu giữa các biến. Mối tương quan cao nhất được ghi nhận giữa biến SIZE và LEV với hệ số là 0,4155.

Bảng 2: Phân tích tương quan giữa các biến trong mô hình hồi quy

ROA

LDR

LEV

SIZE

OI

ROA

1

LDR

0,3553

1

LEV

-0,2666

-0,1019

1

SIZE

0,4357

0,1898

0,4155

1

OI

0,1316

-0,1056

-0,0867

0,1482

1

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích từ phần mềm STATA 17

Khi kiểm định đa cộng tuyến ở Bảng 3, kết quả cho thấy hệ số VIF = 1,22

Bảng 3: Hệ số phóng đại phương sai VIF

Tên biến

VIF

1/VIF

SIZE

1,37

0,7274

LEV

1,31

0,7621

LDR

1,12

0,8954

OI

1,09

0,9216

Mean VIF

1,22

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích từ phần mềm STATA 17

Khi hồi quy mô hình, đầu tiên, tác giả thực hiện chạy lần lượt mô hình tác động cố định (FEM) và mô hình tác động ngẫu nhiên (REM). Sau đó nghiên cứu sử dụng kiểm định Hausman test để đánh giá mô hình phù hợp. Kết quả cho ra Prob = 0,000

Bảng 4: Kết quả hồi quy tác động của rủi ro thanh khoản đến hiệu quả hoạt động
của các ngân hàng thương mại

ROA

Hệ số hồi quy

Độ lệch chuẩn

LDR

0,0134***

0,0025

LEV

-0,0770***

0,0093

SIZE

0,6355***

0,0525

OI

-0,017

0,1035

_cons

-19,9642***

1,5945

* Ghi chú: (***, **, *) có ý nghĩa thống kê ở mức lần lượt là: 1%, 5% và 10%.

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích từ phần mềm STATA 17

Kết quả hồi quy Bảng 4 cho thấy, biến LDR có hệ số dương 0,0134 với mức ý nghĩa 1%. Điều này cho thấy các ngân hàng có thể đang tận dụng tốt nguồn vốn huy động để tạo ra lợi nhuận mà chưa rơi vào trạng thái rủi ro thanh khoản vượt ngưỡng. Phát hiện này phù hợp với một số nghiên cứu gần đây như Chen và cộng sự (2018) và Huong và cộng sự (2021), cho rằng trong điều kiện thị trường ổn định, mức LDR cao vừa phải có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, kết quả cũng đặt ra yêu cầu về quản trị thanh khoản chặt chẽ để tránh đảo chiều tác động nếu thị trường tài chính có nhiều biến động. Các biến độc lập còn lại như LEV có tác động tiêu cực và SIZE có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động ngân hàng, trong khi OI không có ý nghĩa thống kê.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Có thể nói, rủi ro thanh khoản là một trong những vấn đề phổ biến mà các ngân hàng thương mại phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. Nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa rủi ro thanh khoản và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2023. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam:

Thứ nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) có tác động tích cực đến ROA, gợi ý rằng các ngân hàng thương mại có thể tận dụng tốt hoạt động cho vay để nâng cao hiệu quả sinh lời, nhưng cần thận trọng trong việc kiểm soát ngưỡng LDR phù hợp nhằm tránh rơi vào trạng thái rủi ro thanh khoản cao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động. Các ngân hàng nên áp dụng khung quản trị thanh khoản linh hoạt và theo dõi sát các chỉ số cảnh báo sớm để duy trì cân bằng giữa lợi nhuận và an toàn hệ thống.

Thứ hai, tác động tiêu cực rõ rệt của đòn bẩy tài chính (LEV) đối với hiệu quả hoạt động nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quản lý cấu trúc vốn theo hướng bền vững, trong đó nâng cao năng lực vốn tự có và hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngắn hạn.

Thứ ba, với tác động tích cực mạnh mẽ từ quy mô, các ngân hàng thương mại có thể xem xét chiến lược tăng trưởng theo chiều sâu, kết hợp ứng dụng công nghệ số, hiện đại hóa hệ thống quản trị và mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tận dụng lợi thế kinh tế quy mô.

Tài liệu tham khảo:

1. Arif, A., & Nauman Anees, A. (2012). Liquidity risk and performance of banking system. Journal of Financial Regulation and Compliance, 20(2), 182-195.

2. Athanasoglou, P. P., Brissimis, S. N., & Delis, M. D. (2008). Bank-specific, industry-specific and macroeconomic determinants of bank profitability. Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, 18(2), 121-136.

3. Chen, Y.-K., Shen, C.-H., Kao, L., & Yeh, C.-Y. (2018). Bank liquidity risk and performance. Review of Pacific Basin Financial Markets and Policies, 21(01), 1850007.

4. Hacini, I., Boulenfad, A., & Dahou, K. (2021). The Impact of Liquidity Risk Management on the Financial Performance of Saudi Arabian Banks, EMAJ: Emerging Markets Journal, 11(1), 67-75.

5. Huong, T. T. X., Nga, T. T. T., & Oanh, T. T. K. (2021). Liquidity risk and bank performance in Southeast Asian countries: a dynamic panel approach. Quantitative Finance and Economics, 5(1), 111-133.

6. Karim, N. A., Alhabshi, S. M. S. J., Kassim, S., & Haron, R. (2019). A Critical Review of Bank Stability Measures in Selected Countries with Dual Banking System. Revista Publicando, 6(19), 118-131.

7. Mennawi, A. N. A. (2020). The the impact of liquidity, credit, and financial leverage risks on financial performance of Islamic banks: a case of Sudanese banking sector. Risk and Financial Management, 2(2), 78-85.

8. Tan, Y., & Floros, C. (2013). Risk, capital and efficiency in Chinese banking. Journal of International Financial Markets, Institutions and Money, 26, 378-393. https://doi.org/10.1016/j.intfin.2013.07.009.

9. Vodová, P. (2011). Liquidity of Czech commercial banks and its determinants. International Journal of Mathematical Models and Methods in Applied Sciences, 5(6), 1060-1067.

Ngày nhận bài: 17/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 21/7/2025; Ngày duyệt đăng: 22/7/2025