Nguyễn Văn Tân
Trường Đại học Lạc Hồng
Võ Thị Tâm
Trường Đại học Phú Yên
Nguyễn Ngọc Hân
Trường Đại học Lạc Hồng
Email liên hệ: Han030183@gmail.com
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm khám phá tác động của chuyển đổi số đến hiệu quả khởi nghiệp (startup) trong ngành du lịch tại Việt Nam, thông qua việc phân tích 5 thành phần chính, bao gồm: ứng dụng công nghệ số, năng lực số nhân viên, quản lý nội bộ số hóa, marketing số và tích hợp dữ liệu khách hàng. Nghiên cứu định lượng với thiết kế cắt ngang được thực hiện trên 285 startup du lịch tại 4 trung tâm chính của Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc), sử dụng phương pháp phân tích mô hình cấu trúc PLS-SEM để kiểm định các mối quan hệ giả thuyết. Kết quả cho thấy, tất cả 5 giả thuyết đều được hỗ trợ thống kê, trong đó, ứng dụng công nghệ số có tác động mạnh nhất đến hiệu quả khởi nghiệp, tiếp theo là quản lý nội bộ số hóa, marketing số, năng lực số nhân viên và tích hợp dữ liệu khách hàng.
Từ khóa: Chuyển đổi số, startup du lịch, hiệu quả khởi nghiệp, Việt Nam
Summary
This study explores the impact of digital transformation on entrepreneurial performance in Vietnam’s tourism sector by analyzing five key components: digital technology adoption, employees’ digital competency, digitalized internal management, digital marketing, and customer data integration. A cross-sectional quantitative study was conducted on 285 tourism startups across four major Vietnamese hubs, including Hanoi, Ho Chi Minh City, Da Nang, and Phu Quoc, using partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) to test hypothesized relationships. The findings indicate that all five hypotheses are statistically supported. Among the factors, digital technology adoption exerts the most enormous influence on entrepreneurial performance, followed by digitalized internal management, digital marketing, employees’ digital competency, and customer data integration.
Keywords: Digital transformation, tourism startup, entrepreneurial performance, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp (Vial, 2019). Ngành du lịch, với đặc tính phụ thuộc cao vào trải nghiệm khách hàng và tương tác số, đang trải qua những biến đổi căn bản thông qua việc ứng dụng công nghệ.
Tại Việt Nam, ngành du lịch được xem là động lực tăng trưởng quan trọng, với doanh thu 850.000 tỷ đồng năm 2024. Hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) du lịch phát triển mạnh mẽ với 189.000 doanh nghiệp hoạt động, tăng trưởng 15,3% so với năm trước (Nguyễn Văn Toại, 2025). Dù vậy, chỉ có 35% startup du lịch áp dụng CĐS một cách hiệu quả (Nguyễn và cộng sự, 2022), cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa tiềm năng và thực tế.
Từ góc độ nghiên cứu, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về CĐS trong du lịch, nhưng các nghiên cứu tập trung vào tác động cụ thể đến hiệu quả của startup du lịch vẫn còn khan hiếm. Đặc biệt, cơ chế tác động đa chiều của CĐS - từ ứng dụng công nghệ, năng lực nhân viên, đến quản lý nội bộ và marketing số - tới hiệu quả khởi nghiệp chưa được nghiên cứu một cách hệ thống trong bối cảnh Việt Nam. Do đó, việc tiến hành nghiên cứu về tác động của CĐS đến hiệu quả khởi nghiệp trong ngành du lịch tại Việt Nam là cần thiết.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Nghiên cứu được xây dựng trên nền tảng 3 lý thuyết cốt lõi:
Lý thuyết năng lực động (Dynamic Capabilities Theory) của Teece và cộng sự (1997) định nghĩa, năng lực động là khả năng tích hợp, xây dựng và tái cấu trúc các năng lực bên trong và bên ngoài để đối phó với những thay đổi nhanh chóng của môi trường, cung cấp khung lý thuyết để hiểu cách các yếu tố CĐS tác động đến khả năng thích ứng và phát triển của startup trong ngành du lịch có tính biến động cao.
Lý thuyết doanh nghiệp dựa trên nguồn lực (Resource-Based View) của Barney (1991) khẳng định rằng, lợi thế cạnh tranh bền vững đến từ việc sở hữu và khai thác các nguồn lực có giá trị, hiếm có, khó bắt chước và không thể thay thế (mô hình VRIN). Trong đó, các tài sản số, như: dữ liệu khách hàng, nền tảng công nghệ và khả năng phân tích dữ liệu đã trở thành nguồn lực chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên số (Bharadwaj, 2000; Sambamurthy và cộng sự, 2003).
Lý thuyết chấp nhận và sử dụng công nghệ thống nhất (UTAUT) của Venkatesh và cộng sự (2003) xác định 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định và hành vi sử dụng công nghệ, gồm: kỳ vọng hiệu suất, kỳ vọng nỗ lực, ảnh hưởng xã hội và điều kiện thuận lợi, giúp giải thích tại sao một số startup thành công trong việc áp dụng CĐS, trong khi những startup khác lại thất bại.
Sự tích hợp 3 lý thuyết này tạo ra khung lý thuyết toàn diện để phân tích mối quan hệ đa chiều giữa các thành phần CĐS và hiệu quả khởi nghiệp trong bối cảnh startup du lịch Việt Nam.
Nghiên cứu tập trung vào 2 khái niệm cốt lõi:
CĐS được định nghĩa là việc sử dụng các công nghệ số mới để tạo ra hoặc sửa đổi các quy trình kinh doanh, văn hóa và trải nghiệm khách hàng, nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và thị trường đang thay đổi (Vial, 2019), bao gồm 5 thành phần chính: ứng dụng công nghệ số (tích hợp AI, IoT, blockchain vào sản phẩm dịch vụ), năng lực số của nhân viên (khả năng sử dụng và khai thác công cụ số), ứng dụng trong quản lý nội bộ (số hóa quy trình quản lý), marketing số và tiếp thị (sử dụng kênh số tiếp cận khách hàng), và tích hợp dữ liệu khách hàng (thu thập, phân tích dữ liệu để cá nhân hóa trải nghiệm).
Hiệu quả khởi nghiệp là mức độ mà startup đạt được các mục tiêu đề ra về tài chính, thị trường và tổ chức (Murphy và cộng sự, 1996), được đo lường thông qua 3 khía cạnh: hiệu suất tài chính (tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận), hiệu suất thị trường (thị phần, mức độ hài lòng khách hàng) và hiệu suất tăng trưởng (khả năng mở rộng quy mô, thu hút đầu tư).
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên các lý thuyết nền tảng và tổng hợp từ các nghiên cứu trước, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![]() |
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất, 2025
Các giả thuyết nghiên cứu đặt ra như sau:
H1: Ứng dụng công nghệ số có tác động tích cực đến hiệu quả khởi nghiệp.
H2: Năng lực số của nhân viên có tác động tích cực đến hiệu quả khởi nghiệp.
H3: Ứng dụng trong quản lý nội bộ có tác động tích cực đến hiệu quả khởi nghiệp.
H4: Marketing số và tiếp thị có tác động tích cực đến hiệu quả khởi nghiệp.
H5: Tích hợp dữ liệu khách hàng có tác động tích cực đến hiệu quả khởi nghiệp.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu áp dụng phương pháp định lượng, đối tượng nghiên cứu là các startup du lịch tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện với quy mô 285 startup du lịch, phân bố tại 4 trung tâm du lịch chính: Hà Nội (85 startup, 29,8%), TP. Hồ Chí Minh (95 startup, 33,3%), Đà Nẵng (60 startup, 21,1%) và Phú Quốc (45 startup, 15,8%). Dữ liệu được thu thập vào tháng 3/2025, thông qua bảng câu hỏi khảo sát kết hợp biểu mẫu trực tuyến và bảng câu hỏi giấy.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá mô hình đo lường
Độ tin cậy và giá trị hội tụ
Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các thang đo đều đạt được độ tin cậy và giá trị hội tụ tốt (Bảng 1). Hệ số Cronbach's Alpha dao động từ 0,784 đến 0,897, độ tin cậy tổng hợp từ 0,799 đến 0,924, đều > 0,7 (Hair và cộng sự, 2019). Thang đo Ứng dụng công nghệ số (DTA) có độ tin cậy cao nhất, với Cronbach's Alpha = 0,897 và composite reliability = 0,924. Phương sai trích trung bình (AVE) của tất cả các construct đều > 0,5, dao động từ 0,604 (CDI) đến 0,710 (DTA), chứng tỏ các nhân tố có giá trị hội tụ tốt.
Bảng 1: Độ tin cậy và giá trị hội tụ của các thang đo
Biến | Cronbach's Alpha | CV | AVE |
CDI | 0,784 | 0,799 | 0,604 |
DCE | 0,796 | 0,802 | 0,621 |
DMP | 0,829 | 0,836 | 0,662 |
DTA | 0,897 | 0,900 | 0,710 |
IMA | 0,819 | 0,823 | 0,648 |
SP | 0,822 | 0,830 | 0,655 |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu, 2025
Giá trị phân biệt
Giá trị phân biệt được đánh giá thông qua tiêu chuẩn Fornell-Larcker (Bảng 2). Kết quả cho thấy, tất cả các nhân tố đều đạt được giá trị phân biệt tốt, với căn bậc hai của AVE đều cao hơn các hệ số tương quan giữa các nhân tố. Hệ số tương quan cao nhất là 0,621 (giữa DTA và SP), vẫn thấp hơn căn bậc hai AVE của cả 2 nhân tố (0,842 và 0,809), khẳng định các nhân tố đo lường những khái niệm riêng biệt.
Bảng 2: Ma trận giá trị phân biệt (Tiêu chuẩn Fornell-Larcker)
Biến | CDI | DCE | DMP | DTA | IMA | SP |
CDI | 0,777 |
|
|
|
|
|
DCE | 0,138 | 0,788 |
|
|
|
|
DMP | 0,149 | 0,481 | 0,814 |
|
|
|
DTA | 0,207 | 0,350 | 0,385 | 0,842 |
|
|
IMA | 0,114 | 0,309 | 0,315 | 0,378 | 0,805 |
|
SP | 0,260 | 0,589 | 0,605 | 0,621 | 0,562 | 0,809 |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu, 2025
Đánh giá mô hình cấu trúc
Kiểm định các giả thuyết nghiên cứu
Kết quả phân tích mô hình cấu trúc cho thấy, tất cả 5 giả thuyết đều được hỗ trợ thống kê, với mức ý nghĩa p
Bảng 3: Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết | Mối quan hệ | Hệ số đường dẫn (β) | Độ lệch chuẩn | Giá trị t | Giá trị p | Kết luận |
H1 | CDI → SP | 0,091 | 0,036 | 2,539 | 0,011 | Chấp nhận |
H2 | DCE → SP | 0,258 | 0,050 | 5,132 | 0,000 | Chấp nhận |
H3 | DMP → SP | 0,263 | 0,037 | 7,086 | 0,000 | Chấp nhận |
H4 | DTA → SP | 0,308 | 0,042 | 7,281 | 0,000 | Chấp nhận |
H5 | IMA → SP | 0,273 | 0,040 | 6,882 | 0,000 | Chấp nhận |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu, 2025
Trong số các yếu tố CĐS, ứng dụng công nghệ số (DTA) có tác động mạnh nhất với β = 0,308, tiếp theo là ứng dụng quản lý nội bộ (IMA, β = 0,273), marketing số (DMP, β = 0,263), năng lực số nhân viên (DCE, β = 0,258) và tích hợp dữ liệu khách hàng (CDI, β = 0,091). Kết quả khẳng định, việc tích hợp công nghệ tiên tiến vào sản phẩm dịch vụ và số hóa quy trình quản lý nội bộ là 2 yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả khởi nghiệp của startup du lịch.
Mô hình cấu trúc tổng thể
Hình 2 trình bày mô hình cấu trúc tổng thể với các hệ số đường dẫn và mức ý nghĩa thống kê. Mô hình cho thấy sự phù hợp tốt với dữ liệu thực nghiệm, với tất cả các chỉ số t-statistics đều vượt ngưỡng 1,96.
Hình 2: Mô hình cấu trúc và kết quả kiểm định
![]() |
Nguồn: Kết quả xử lý dữ liệu, 2025
Kết quả cho thấy, các yếu tố CĐS có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả khởi nghiệp của các startup du lịch tại Việt Nam. Giá trị R² = 0,679 cho biến hiệu quả khởi nghiệp cho thấy, mô hình có khả năng giải thích và dự đoán tốt, vượt ngưỡng 0,67 được Hair và cộng sự (2019) đánh giá là “cao”.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng thực nghiệm quan trọng về tác động tích cực của CĐS đến hiệu quả khởi nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam. Với dữ liệu từ 285 startup du lịch và khả năng giải thích 67,9% phương sai của hiệu quả khởi nghiệp, nghiên cứu khẳng định rằng, CĐS là yếu tố then chốt quyết định thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành du lịch.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các tác giả đề xuất một số hàm ý như sau:
Đối với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước
Cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ CĐS toàn diện cho startup du lịch, thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế số, đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thiết lập các chương trình ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào CĐS. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Đối với các startup du lịch
Các startup nên ưu tiên đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, như: AI, IoT, blockchain, để tạo ra sản phẩm dịch vụ đổi mới và số hóa toàn diện các quy trình quản lý nội bộ. Đồng thời, cần phát triển chiến lược marketing số hiệu quả và xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu khách hàng để cá nhân hóa trải nghiệm.
Đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp
Cần thiết kế các chương trình ươm tạo và tăng tốc tập trung vào phát triển năng lực CĐS, cung cấp cố vấn chuyên môn về công nghệ và kết nối startup với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. Đặc biệt, cần có các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số cho đội ngũ nhân viên của startup./.
Tài liệu tham khảo:
1. Barney, J. B. (1991). Firm resources and sustained competitive advantage. Journal of Management, 17(1), 99-120.
2. Bharadwaj, A. S. (2000). A resource-based perspective on information technology capability and firm performance: An empirical investigation. MIS Quarterly, 24(1), 169-196.
3. Hair, J. F., Risher, J. J., Sarstedt, M., & Ringle, C. M. (2019). When to use and how to report the results of PLS-SEM. European Business Review, 31(1), 2-24.
4. Murphy, G. B., Trailer, J. W., & Hill, R. C. (1996). Measuring performance in entrepreneurship research. Journal of Business Research, 36(1), 15-23.
5. Nguyễn Văn Toại (2025). Tác động của ứng dụng công nghệ số đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, 1(86), 48-55.
6. Nguyễn, H. P. T., and Ho, T. A. (2022). Factors affecting the willingness to accept digital transformation by small and medium enterprises in Ho Chi Minh City. Science and Technology Development Journal: Economics-Law and Management, 6(2), 2752-2762.
7. Sambamurthy, V., Bharadwaj, A., & Grover, V. (2003). Shaping agility through digital options: Reconceptualizing the role of information technology in contemporary firms. MIS Quarterly, 27(2), 237-263.
8. Teece, D. J., Pisano, G., and Shuen, A. (1997). Dynamic capabilities and strategic management. Strategic Management Journal, 18(7), 509-533.
9. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., & Davis, F. D. (2003). User acceptance of information technology: Toward a unified view. MIS Quarterly, 27(3), 425-478.
10. Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda. Journal of Strategic Information Systems, 28(2), 118-144. https://doi.org/10.1016/j.jsis.2019.01.003
Ngày nhận bài: 20/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 30/6/2025; Ngày duyệt đăng: 4/7/2025 |