Quản lý vốn lưu động: Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu thời kỳ COVID-19

Mô hình kinh doanh linh hoạt giúp tăng trưởng doanh thu, tăng hiệu quả trong quản lý vốn lưu động giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng mà còn hỗ trợ phát triển bền vững trong tương lai.

ThS. Huỳnh Thị Thùy Dương

Email: huynhthithuyduong@tckt.edu.vn

Trường Đại học Tài chính - Kế toán

Tóm tắt

Quản lý vốn lưu động trước sự bất ổn của thị trường trong các cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và phục hồi của các doanh nghiệp bán lẻ. Nghiên cứu thực hiện phân tích tình hình hoạt động và quản lý vốn lưu động ở 3 doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới là Inditex, JD.com và Target, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đối sách cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam khi đối mặt với những biến động tương tự trong tương lai. Các hàm ý chủ yếu liên quan đến: chú trọng thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng tăng cường thương mại điện tử, thực hiện chuyển đổi số, kiểm soát chi phí, quản lý hàng tồn kho hiệu quả và chiến lược quản lý nhà cung cấp hợp lý.

Từ khóa: COVID-19, doanh nghiệp bán lẻ, quản lý vốn lưu động

Summary

Working capital management in the face of market instability during crises, especially the COVID-19 pandemic crisis, plays a very important role in the development and recovery of retail businesses. Based on the results of analyzing the operating situation and working capital management of 3 large retail businesses in the world, Inditex, JD.com and Target. The study draws lessons and recommends countermeasures for Vietnamese retail businesses when facing similar fluctuations in the future. The main implications are related to: focusing on changing business models towards increasing e-commerce, implementing digital transformation, controlling costs, effectively managing inventory and having a reasonable supplier management strategy.

Keywords: COVID-19, retail businesses, working capital management

GIỚI THIỆU

Quản lý vốn lưu động (QLVLĐ) hiệu quả giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên, liên tục, đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh (HĐKD). Đại dịch COVID-19 gây tác động lớn đến hiệu quả HĐKD khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, thanh khoản kém do đó ảnh hưởng xấu đến QLVLĐ. Cụ thể, theo nghiên cứu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC, 2021), hiệu quả QLVLĐ của các doanh nghiệp trên toàn cầu giảm đáng kể, số ngày thu hồi các khoản phải thu và số ngày thanh toán nợ phải trả đều tăng lên 7%, số ngày luân chuyển hàng tồn kho cũng tăng lên 5%. Khi hành vi tiêu dùng thay đổi và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, các doanh nghiệp bán lẻ buộc phải thay đổi chính sách QLVLĐ để vượt qua cú sốc dịch bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam có thể áp dụng, tự tin đối mặt với các cú sốc tương tự trong tương lai.

KINH NGHIỆM QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

Tập đoàn Inditex

Inditex là một tập đoàn bán lẻ thời trang toàn cầu có trụ sở chính tại Tây Ban Nha, được phát triển từ xưởng may nhỏ thành lập vào năm 1963. Sản phẩm của Inditex bao gồm: quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện, trang sức và đồ nội thất trang trí nhà cửa, phổ rộng từ phân khúc bình dân cho đến phân khúc cao cấp. Inditex với một loạt thương hiệu thời trang như Zara, Pull&Bear, Massimo Dutti, Bershka, Stradivarius, Oysho. Trong đó, Zara là thương hiệu đầu tiên và thành công nhất, chiếm gần 69% doanh số của Inditex. Quý I/2024, Inditex công bố doanh số bán hàng tăng 7,1% đạt 8,2 tỷ Euro, quy mô vốn hóa đạt 128.18 tỷ USD (khoảng 3,24 triệu tỷ VND). Inditex đứng thứ ba sau thương hiệu thời trang xa xỉ LVMH, Hermes và đứng đầu nếu so sánh với các tập đoàn thời trang khác. Tỷ lệ hàng tồn kho của Inditex rất thấp, chỉ khoảng 15-20%, trong khi tỷ lệ của các hãng đối thủ dao động từ 30-60%.

Trải qua nhiều thập kỷ không ngừng phát triển và lớn mạnh, tính đến cuối năm 2019, Inditex đã mở được 7.469 cửa hàng trên 216 thị trường, đạt doanh thu ròng 28.286 tỷ Euro. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh, cụ thể: doanh thu ròng giảm từ quý I/2020, chỉ đạt 3,3 tỷ Euro (so với con số 5,9 tỷ Euro của quý I/2019); số lượng cửa hàng còn mở cửa chỉ còn 965 cửa hàng (trước đại dịch 7.500 cửa hàng).

Trước tình hình đó, chiến lược hoạt động và mô hình kinh doanh của Inditex đã có những thay đổi căn bản, tác động tích cực đến doanh thu ròng từ 4,7 tỷ Euro vào quý II/2020 lên 6,1 tỷ Euro trong quý III/2020 và đến quý IV/2020 đạt 6,3 tỷ Euro. Cùng với đó, Inditex vẫn duy trì được khả năng thanh khoản cao khi giá trị tiền mặt ròng là 5,752 tỷ Euro vào quý I/2020, tăng lên 7,560 tỷ Euro vào cuối năm 2020 và tăng mạnh vào năm 2021 đạt 9,359 tỷ Euro - cao hơn cả năm 2019 trước đại dịch. Hàng tồn kho liên tục được điều chỉnh giảm trong các quý của năm 2020 so với các quý tương ứng trong năm 2019, cụ thể: quý I giảm 10%, quý II giảm 19%, quý III giảm 11% và cả năm 2020 giảm 9%, nếu không tính khoản trích lập dự phòng. Năm 2021, Inditex đã điều chỉnh tăng lượng hàng tồn kho trở lại khi các cửa hàng dần mở cửa và tình hình dịch bệnh đỡ căng thẳng hơn.

Để tạo ra dòng tiền vững mạnh trong tài sản lưu động, đáp ứng thanh khoản cho hoạt động hàng ngày, Inditex đã tập trung vào 3 chiến lược chính: số hóa, tích hợp giữa bán hàng trực tiếp và trực tuyến, tính bền vững (Báo cáo thường niên Inditex, 2020). Năm 2020, 1 tỷ Euro được đầu tư vào số hóa và 1,7 tỷ Euro được đầu tư vào việc kết hợp công nghệ mới nhất trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng gồm 12 cụm trải khắp trên toàn cầu, với các nhà sản xuất, nhà cung ứng vật tư tập trung gần các trung tâm thiết kế đã được củng cố để điều chỉnh sản phẩm theo bất kỳ sự thay đổi nào trong xu thế tiêu dùng và nhu cầu thực tế, giảm thiểu việc sản xuất hàng hóa dư thừa trong thời kỳ COVID-19, góp phần vào việc quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Tiếp đến, Inditex quản lý tích hợp xuyên suốt từ lưu trữ, vận chuyển và phân phối nhờ vào các công cụ quản lý hàng tồn kho độc quyền dựa trên công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification - RFID), hệ thống quản lý kho tích hợp (Integrated stock management system - SINT) và nền tảng mở Inditex (Inditex Open Platform - IOP). Các công nghệ này giúp các đơn hàng trực tuyến được xử lý nhanh chóng, giảm thiểu hàng tồn kho và cho phép tăng trưởng doanh thu cao thông qua kênh trực tuyến. Doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh lên đến 77% năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Cùng sự linh hoạt và năng lực thích nghi của Inditex trong việc quản lý chi phí hoạt động đã giúp tập đoàn cắt giảm được 21% chi phí trong quý 1 và quý II/2020; giảm 17% cho cả năm 2020.

JD.com

JD.com còn được gọi là Jingdong (trước đây là 360buy) là một trong các doanh nghiệp bán lẻ lớn ở Trung Quốc, chuyên về thương mại điện tử. JD.com mua trực tiếp những sản phẩm từ những thương hiệu lớn và phân phối lại cho khách hàng.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc. Với những phản ứng nhanh nhạy, chiến lược phù hợp, JD.com đã vượt qua được khủng hoảng và đạt được những thành công đáng kể. Doanh thu ròng của JD.com trong năm 2020 tăng so với năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu là 29,3%. Khi xét riêng từng quý của năm 2020, doanh thu ròng trong quý I, II, III và IV lần lượt là 146,2 tỷ Nhân dân tệ, 201,1 tỷ Nhân dân tệ, 174,2 tỷ Nhân dân tệ và 224,3 tỷ Nhân dân tệ. Doanh thu ròng tiếp tục tăng trong giai đoạn 2021-2023, mặc dù tốc độ tăng trưởng có chậm hơn so với năm 2020. Việc QLVLĐ của JD.com có sự chuyển biến trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19. Với dòng tiền hoạt động mạnh mẽ, tại thời điểm đó, JD.com cho rằng có đủ vốn lưu động cho các yêu cầu hiện tại và ít nhất duy trì là trong 12 tháng tới (Báo cáo thường niên, 2020). Về hiệu quả quản lý hàng tồn kho, số ngày luân chuyển hàng tồn kho (DIO) năm 2020 là 33,3 ngày, giảm hơn 2 ngày so với năm trước. Tương tự, số ngày thu hồi các khoản phải thu (DSO) và số ngày thanh toán các khoản phải trả (DPO) cũng bị sụt giảm, cụ thể: DPO từ 54,5 ngày (năm 2019) xuống còn 47,1 ngày (năm 2020); DSO giảm từ 3,2 ngày (năm 2019) xuống còn 2,7 ngày so với năm 2020.

Tăng trưởng doanh thu và tăng hiệu quả trong QLVLĐ của JD.com nhờ mô hình kinh doanh linh hoạt, mạng lưới hậu cần rộng khắp với cơ sở hạ tầng hoàn thiện đơn hàng nhanh chóng. Sự lây lan của đại dịch COVID-19 khiến nhiều khách hàng chuyển đổi mô hình mua hàng từ ngoại tuyến sang trực tuyến; nhu cầu một số sản phẩm hàng hóa như dược phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng và sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng cao. Nắm bắt được điều đó, doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, mở rộng thêm nhiều kênh bán hàng đồng thời với nhiều chương trình khuyến mãi. Trong đó, JD.com đã chú trọng áp dụng các công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm trực tuyến như dịch vụ "thử giày" ảo, dịch vụ đánh giá làn da dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI)… Ngoài ra, JD.com đã nhanh chóng điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và tận dụng hệ thống hậu cần tự vận hành để khắc phục những khó khăn, đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. JD thiết lập các tủ đựng đồ nơi khách hàng chỉ cần nhập mã để nhận hàng tại các điểm cố định; trang bị hệ thống lưu trữ và lấy hàng tự động; triển khai các phương tiện giao hàng không người lái, bao gồm cả rô-bốt giao hàng tự động và máy bay không người lái; tận dụng các công nghệ AI để phát hiện và phân loại các gói hàng bị xử lý sai, giảm hàng hóa bị hư hỏng. Đặc biệt, bên cạnh chiến lược hoạt động cho riêng công ty, JD.com còn thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ các nhà cung cấp của mình như đẩy nhanh việc thanh toán hoặc trả trước tiền hàng, nhằm giảm tác động tiêu cực mà COVID-19 có thể gây ra đối với hoạt động, đảm bảo việc cung ứng hàng hóa xuyên suốt cho doanh nghiệp.

Tập đoàn Target

Target là một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia của Mỹ, hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa tổng hợp, với các cửa hàng và kênh bán hàng trực tuyến. Tính đến năm 2019, Target điều hành 1.931 cửa hàng trên khắp nước Mỹ và được Fortune 500 xếp hạng 37 trên trong danh sách các tập đoàn lớn nhất Mỹ theo tổng doanh thu năm 2020. Trước COVID-19, doanh thu của Target đạt 75.356 triệu USD năm 2018 và 78.112 triệu USD vào năm 2019, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong năm 2020, năm COVID-19 xuất hiện, doanh thu tăng trưởng vượt bậc với tỷ lệ tăng trưởng lên tới 19,78% so với năm 2019, và đạt 93.561 triệu USD.

Trong đại dịch COVID-19, Target cũng tập trung nhiều vào việc QLVLĐ. Để duy trì tính thanh khoản trong bối cảnh COVID-19, Target tăng dự trữ tiền mặt với số dư vào cuối năm 2020 tăng lên 8,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 2,6 tỷ USD vào năm 2019. Đồng thời, Target đã tạm dừng chương trình mua lại cổ phiếu vào tháng 3 năm 2020 để giữ lại tiền mặt, cho đến tháng 11 năm 2020 mới dỡ bỏ lệnh tạm dừng này. Tiếp đến, doanh nghiệp cũng chú trọng đến công tác dự báo và lập kế hoạch nhu cầu hàng tồn kho cũng như duy trì mối quan hệ tích cực với nhà cung cấp. Target đã điều chỉnh chiến lược hàng tồn kho để tập trung vào các sản phẩm có nhu cầu cao, chẳng hạn như thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, các sản phẩm điện tử. Đối với các hàng tồn kho có nhu cầu thấp như quần áo và phụ kiện, Target kéo dài hoặc hủy đơn đặt hàng mua và thanh toán các khoản phí hủy liên quan; yêu cầu nhà cung cấp lưu trữ hàng tồn kho dư thừa tại cơ sở của họ và đẩy nhanh việc giảm giá hàng tồn kho. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng tích cực làm việc với các nhà cung cấp để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt hàng tồn kho và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định trong thời gian gián đoạn. Họ cũng nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho những nhà cung cấp gặp khó khăn và không thể tồn tại trong đại dịch COVID-19. Mặc dù hàng tồn kho của Target cuối năm 2020 tăng lên 10,7 tỷ USD (so với 9 tỷ USD năm 2019), doanh nghiệp vẫn cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ trong DIO, giảm từ 62 ngày của năm 2019 xuống còn gần 54 ngày trong năm 2020. Tương tự, mặc dù các khoản phải trả trong năm 2020 cao hơn so với năm 2019 do nhu cầu hàng hóa tăng lên, nhưng để hỗ trợ cho đối tác cung ứng trong giai đoạn khó khăn và nhằm tránh bị gián đoạn nguồn cung hàng hóa, Target chủ động thanh toán sớm hơn cho các nhà cung cấp. Vì thế, DPO trong năm 2020 giảm gần 2 ngày so với năm 2019.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHO CÁC DOANH NGHIỆP BÁN LẺ CỦA VIỆT NAM

Khủng hoảng do COVID-19 gây ra khác với các cuộc khủng hoảng khác khi nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người, kéo theo những tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế và sự ổn định của các doanh nghiệp. Vì thế, những kinh nghiệm đối phó và xử lý các cú sốc do đại dịch mang lại sẽ cung cấp các góc nhìn thực tiễn cần thiết cho các doanh nghiệp tại Việt Nam để có thể lựa chọn, cân nhắc khi xảy ra các tình huống tương tự trong tương lai. Dựa trên việc phân tích tình hình hoạt động cùng QLVLĐ của Inditex, JD.com và Target, tác giả đã đưa ra các hàm ý cho các doanh nghiệp Việt Nam như sau:

Thứ nhất, mở rộng thương mại điện tử và tăng cường thực hiện chuyển đổi số. Trong khi sự lây lan mạnh của COVID-19 và các chính sách phong tỏa đã khiến phần lớn các cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa thì các phương án tăng cường thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng để các doanh nghiệp tồn tại và duy trì sự cạnh tranh. Các doanh nghiệp như JD.com, Inditex và Target đều cho thấy việc áp dụng tích cực các hoạt động bán hàng trực tuyến và đa dạng hóa các kênh bán hàng đã đem đến sự cải thiện đáng kể trong doanh thu, hàng tồn kho, dòng tiền và thanh khoản. Để hỗ trợ cho thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường đầu tư vào công nghệ số, tích cực thực hiện chuyển đổi số. Các công nghệ hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, phân tích nhu cầu và đáp ứng mong muốn của khách hàng thông qua các kênh trực tuyến, cũng như cải tiến được các khâu hậu cần, giúp quá trình hoàn tất đơn hàng được diễn ra nhanh chóng. Việc đầu tư đúng mức vào kỹ thuật số cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp quản lý hiệu quả hàng tồn kho trên cơ sở dự báo, phân tích và đẩy nhanh quá trình tiêu thụ hàng tồn kho.

Thứ hai, kiểm soát chi phí. Mục tiêu chính của QLVLĐ là đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp. Vì thế, xem xét lại các khoản chi phí có thể giúp doanh nghiệp tăng lượng tiền mặt, góp phần ổn định dòng tiền, vừa thêm nguồn tài trợ cho vốn lưu động, vừa tránh tình trạng thiếu hụt thanh khoản. Trong COVID-19, nhiều doanh nghiệp bán lẻ gặp phải những hạn chế nghiêm trọng về dòng tiền, khiến họ phải đưa ra nhiều chiến lược quản lý thanh khoản, bao gồm các chiến lược kiểm soát chi phí. Qua nghiên cứu có thể thấy một số doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp liên quan đến quản lý chi phí như cắt giảm chi phí không cần thiết và không cấp bách, ưu tiên các khoản chi tiêu thiết yếu, cắt giảm các chương trình mua lại cổ phiếu, giảm chi phí hoạt động.

Thứ ba, quản lý hàng tồn kho hiệu quả. Trước tiên, các doanh nghiệp bán lẻ cần cải thiện công tác dự báo, lập kế hoạch hàng tồn kho bằng việc áp dụng AI, phân tích dữ liệu và các công nghệ hiện đại khác. Ngoài ra, họ cần tận dụng các công nghệ này để quản lý hàng tồn kho tự động, thường xuyên theo dõi hàng tồn kho để giảm lượng hàng tồn kho dư thừa và ngăn ngừa tình trạng hết hàng. Hơn nữa, khi việc kinh doanh chuyển dịch mạnh sang thương mại điện tử thì các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch phân phối lại hàng tồn kho giữa các cửa hàng và các kho trữ hàng để phù hợp với số lượng mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến. Cuối cùng, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần xem xét cải tiến bộ phận hậu cần trong quá trình hoàn tất đơn hàng.

Thứ tư, xây dựng chiến lược quản lý nhà cung cấp hợp lý. Tùy vào năng lực tài chính, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể cân nhắc việc hỗ trợ các nhà cung ứng của mình thông qua thanh toán trước hoặc rút ngắn thời gian thanh toán như JD.com và Target đã thực hiện. Các giải pháp này nhằm hỗ trợ nhà cung cấp giảm bớt áp lực về tài chính, để đảm bảo việc cung cấp đủ hàng hóa, cũng như đảm bảo quyền ưu tiên đối với các mặt hàng thiết yếu trong thời gian thiếu hụt. Đối với các nhà cung cấp có vị thế tài chính tốt hơn, doanh nghiệp bán lẻ có thể thực hiện đàm phán để có các khoản chiết khấu thương mại và các điều khoản thanh toán có lợi hơn. Ngoài ra, để giảm sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp duy nhất, cũng như tìm các nhà cung cấp có các điều khoản mua hàng và thanh toán tốt hơn, các nhà bán lẻ có thể thay đổi các nhà cung cấp mới để đảm bảo tính linh hoạt hoặc hợp tác với các nhà cung cấp ở vị trí thuận lợi để đẩy nhanh quá trình giao hàng và tiết kiệm chi phí.

Tài liệu tham khảo:

1. JD.com (2020). Annual Report 2020. https://ir.jd.com/annual-reports

2. Inditex (2020). Annual Report 2020. https://www.inditex.com/itxcomweb/es/en/investors/finance#accounts-reports

3. PricewaterhouseCoopers (PwC, 2021). Working Capital Study 21/22. https://www.pwc.com/gx/en/services/deals/business-recoveryrestructuring/working-capital-study.html

4. Target Corporation. (2020). Annual Report 2020. https://corporate.target.com/investors/annual/annual-reports-and-archive

Ngày nhận bài: 10/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 17/7/2025; Ngày duyệt đăng:18/7/2025