
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp năm 2018 (Ảnh: EPA).
Ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Điện Kremlin vì không đàm phán lệnh ngừng bắn với Ukraine, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng tiếp tục cân nhắc tăng cường trừng phạt đối với Nga. Đây được xem là động thái leo thang căng thẳng, thay đổi so với giọng điệu thân thiện trước đây của Tổng thống Trump đối với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi nhà lãnh đạo Mỹ ngày càng hoài nghi về khả năng làm trung gian hòa bình ở Ukraine.
Trong phát ngôn được cho là gay gắt chưa từng có nhằm vào nhà lãnh đạo Nga, ông Trump tuyên bố ông Putin đang "đùa với lửa", ám chỉ việc Nga tăng cường các cuộc không kích vào Ukraine trong những ngày gần đây, bất chấp nỗ lực của tổng thống Mỹ nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và Moscow.
Ông Trump đã đưa ra những thông điệp trái chiều về ông Putin. Ông chủ Nhà Trắng từng khen ngợi ông chủ Điện Kremlin là một nhà lãnh đạo mà ông tin rằng có thể hợp tác kinh doanh. Nhưng sau đó, Tổng thống Trump lại bày tỏ sự thất vọng về việc ông không thể đưa Nga vào bàn đàm phán để đạt được lệnh ngừng bắn.
Ông Trump được cho là đang cạn dần sự kiên nhẫn và sự thất vọng của nhà lãnh đạo Mỹ dường như bùng nổ trong tuần này. Vào ngày 27/5, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã bảo vệ Tổng thống Putin khỏi những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Điều mà ông Vladimir Putin không nhận ra là nếu không có tôi, rất nhiều điều thực sự tồi tệ đã xảy ra với Nga, và ý tôi là thực sự tồi tệ. Ông ấy đang đùa với lửa!”, ông Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Phát biểu với các phóng viên vào ngày 25/5, ông Trump phàn nàn rằng: "Tôi không hài lòng với những gì ông Putin đang làm. Và tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với ông Putin".
Trước đó, Tổng thống Trump đề xuất rằng ông có thể sẽ trừng phạt Nga, một sự thay đổi đáng kể sau nhiều tháng ông thận trọng trong việc gây sức ép với Tổng thống Putin. Ông Trump thậm chí còn không công bố mức thuế với Nga, trong khi ông áp thuế với hầu hết các nước còn lại trên thế giới.
“Cuộc chiến này là lỗi của ông Joe Biden và Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông muốn thấy một thỏa thuận hòa bình được đàm phán. Tổng thống Trump cũng đã giữ mọi lựa chọn trên bàn đàm phán”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết hôm 27/5.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Trump có chuẩn bị áp thêm lệnh trừng phạt hay không. Cho đến nay, ông vẫn giữ im lặng về việc liệu ông có ủng hộ nỗ lực của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ về việc tăng cường các lệnh trừng phạt hay không.
Nga đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong suốt nhiều năm, mặc dù các chuyên gia cho biết các lệnh trừng phạt mới có thể được thắt chặt đối với lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Moscow.
Một nhà ngoại giao quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đều đã soạn thảo các gói trừng phạt đối với Nga, tập trung vào các lĩnh vực trên.
Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của Tổng thống Trump, khi ông từng tuyên bố chỉ ông là người có thể quyết định chính sách của Mỹ.
Hiện tại, vẫn chưa có hành động nào gây sức ép với Tổng thống Putin hoặc thúc đẩy Ukraine, quốc gia đang nhận được các đợt viện trợ quân sự cuối cùng được phê duyệt dưới thời chính quyền Biden. Khoản viện trợ này sẽ hết hạn trong những tháng tới và ông Trump vẫn chưa đưa ra tín hiệu cho thấy kế hoạch khôi phục hoặc gia hạn, khiến Kiev rơi vào tình thế mông lung về chiến lược.
"Chính quyền hiện tại phải đối mặt với một lựa chọn, đó là cho phép viện trợ an ninh bổ sung cho Ukraine để họ tiếp tục nhận được vũ khí cần thiết bảo vệ đất nước của mình. Một lựa chọn khác là giảm dần viện trợ an ninh của Mỹ, điều này sẽ gây bất lợi cho Ukraine, có lợi cho Nga và cuối cùng là khuyến khích và tạo động lực cho Nga tiếp tục cuộc chiến này”, David Shimer, cựu lãnh đạo về Ukraine tại Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, cho biết.

Cảnh đổ nát ở Kiev sau trận tập kích của Nga (Ảnh: Reuters).
Trong nhiều năm, ông Trump đã ca ngợi mối quan hệ thân thiết của mình với ông Putin, bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời không quá gay gắt với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ông Trump thậm chí đổ lỗi cho Ukraine vì để xảy ra cuộc xung đột, đồng thời chỉ trích ông Biden vì cho phép cuộc chiến này diễn ra. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố ý định giải quyết cuộc chiến trong vòng "24 giờ", thậm chí trước khi nhậm chức, mặc dù sau đó ông thừa nhận đây là lời nói đùa.
Từ đó đến nay, ông Trump vẫn luôn quan tâm đến nhà lãnh đạo Nga. Tuần trước, ông thậm chí còn nói rằng ông đã có "cuộc trò chuyện tốt đẹp với một quý ông tốt bụng tên là Vladimir Putin", trong đó "giọng điệu và tinh thần của cuộc trò chuyện rất tuyệt vời".
Ông Trump đã nêu rõ mong muốn giải quyết cuộc xung đột để khôi phục quan hệ thương mại Mỹ - Nga, mặc dù ông Putin đã từ chối yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức của Tổng thống Trump, trong khi Ukraine đã chấp nhận. Trong một cuộc gọi với các nhà lãnh đạo châu Âu sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump nói rằng nhà lãnh đạo Nga dường như không sẵn sàng cho hòa bình.
Ông Trump đôi lúc đã bùng phát sự thất vọng của mình với các cuộc tấn công liên tục của Nga vào Ukraine, mặc dù ông không có động thái nào để ngăn chặn điều này.
Vào cuối tháng 4, cùng ngày ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại tang lễ của Giáo hoàng Francis ở Rome, Tổng thống Trump đã bày tỏ nhiều bất bình về tình hình đàm phán hòa bình và cách truyền thông mô tả những nỗ lực của ông nhằm mang lại lệnh ngừng bắn cho Ukraine. Ông cũng chỉ trích cam kết của ông Putin đối với tiến trình này.
“Không có lý do gì để ông Putin bắn tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng cuộc chiến, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi, và điều này phải được giải quyết theo cách khác, thông qua “ngân hàng” hay “trừng phạt thứ cấp”? Quá nhiều người đang chết!!!”, ông Trump tuyên bố.
Các chuyên gia về Ukraine cho biết việc Washington không phản ứng mạnh mẽ đã bật đèn xanh cho Moscow tiếp tục các cuộc tấn công.
“Chúng ta đã thấy những tuyên bố từ tổng thống và những người xung quanh ông ấy rằng ông ấy đang thất vọng, rằng ông ấy đang tức giận. Tất cả những tuyên bố như vậy đều không có tác dụng gì. Điều có thể khiến ông Putin coi trọng chúng ta là những hành động thực tế”, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor cho biết.
Ông Taylor cho rằng việc tăng cường trừng phạt Nga, tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và khuyến khích châu Âu sử dụng 300 tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine đều có thể giúp đảo ngược tính toán của Tổng thống Putin về việc ngồi vào bàn đàm phán.
Hơn 80 thượng nghị sĩ đã ủng hộ một dự luật lưỡng đảng tìm kiếm các biện pháp mới toàn diện, bao gồm các lệnh trừng phạt thứ cấp và thuế quan 500% đối với các quốc gia mua năng lượng của Nga.
"Tất cả chúng tôi, thông qua các tuyên bố công khai cũng như các mối liên hệ riêng tư, đang gây sức ép rất mạnh mẽ", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal nói.
Theo Edward Fishman, quan chức đứng sau các lệnh trừng phạt Nga trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, khó có thể áp đặt trừng phạt Nga và lập tức một tuần sau đạt được lệnh ngừng bắn.
“Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một bước thực sự quan trọng để đưa ông Putin thoát khỏi tính toán hiện tại của ông ấy rằng thời gian đang đứng về phía ông ấy", ông Fishman nhận định.