Phát triển khu kinh tế ven biển Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước: Trường hợp Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Nghiên cứu này góp phần đề xuất các giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững cho Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng và các khu kinh tế ven biển của Việt Nam nói chung phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước.

ThS. Lê Thu Hiền

Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Email: hienlt1612@gmail.com

PGS.TS. Phan Thế Công

Trường Đại học Thương mại

Tóm tắt

Trên cơ sở phân tích các dữ liệu của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2023, bài viết làm rõ những thành tựu, thách thức phát triển của Khu Kinh tế Nghi Sơn trong kỷ nguyên mới. Từ đó, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, nhằm tăng cường vai trò kinh tế tư nhân trong đầu tư phát triển và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các khu kinh tế ven biển Việt Nam nói chung và Khu Kinh tế Nghi Sơn nói riêng.

Từ khóa: Khu kinh tế ven biển, Khu Kinh tế Nghi Sơn, kỷ nguyên vươn mình, tăng trưởng hai con số, kinh tế tư nhân

Summary

Based on an analysis of data from the Management Board of Nghi Son Economic Zone and Industrial Parks of Thanh Hoa Province during the 2016-2023 period, this paper clarifies the development achievements and challenges of Nghi Son Economic Zone in the new emerging era. Finally, the paper proposes strategic and breakthrough solutions to enhance the role of the private sector in investment and development, while leveraging the full potential and comparative advantages of Vietnam’s coastal economic zones in general, and the Nghi Son Economic Zone in particular.

Keywords: Coastal economic zones, Nghi Son Economic Zone, emerging era, double-digit growth, private sector economy

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trước bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, việc phát triển kinh tế biển trở thành một trong những định hướng chiến lược quan trọng của Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nhấn mạnh vai trò then chốt của việc xây dựng, nhân rộng mô hình khu kinh tế (KKT) ven biển gắn với phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, kết hợp tăng cường quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó, KKT Nghi Sơn được đánh giá là “hạt nhân” tăng trưởng, giữ vai trò động lực của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ.

Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu nổi bật, việc phát triển các KKT ven biển nói chung và KKT Nghi Sơn nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Điều đó đặt ra đòi hỏi là cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa KKT Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, đóng góp tích cực vào sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghiên cứu này đề xuất các giải pháp góp phần phát triển hiệu quả, bền vững cho KKT Nghi Sơn nói riêng và các KKT ven biển của Việt Nam nói chung phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn, thu thập số liệu thứ cấp từ các nghiên cứu đã được công bố, các báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2023, các quyết định của Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa về việc phát triển KKT ven biển. Đồng thời, gắn kết quả nghiên cứu với các chính sách, cơ chế mới của đất nước nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế biển, Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thành tựu đạt được

Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, KKT Nghi Sơn đã thu được nhiều thành tựu, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa, khẳng định vị trí địa lý chiến lược và vai trò động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Đóng góp tăng trưởng kinh tế

KKT Nghi Sơn có nhiều đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế tỉnh Thanh Hóa (Hình 1). Giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị sản xuất của KKT đạt 94,2% kế hoạch đề ra (390,413 tỷ đồng). Tổng giá trị sản xuất tăng 125%. KKT Nghi Sơn đã đóng góp 51,863 tỷ đồng vào thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 và 51,221 tỷ đồng giai đoạn 2021-2023. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 3.713 triệu USD và giai đoạn 2021-2023 tăng lên 6.453 triệu USD.

Hình 1: Giá trị xuất khẩu của KKT Nghi Sơn từ năm 2016 đến năm 2023

Đơn vị: Triệu USD

Phát triển khu kinh tế ven biển Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước: Trường hợp Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Nguồn: Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN

Thu hút đầu tư

Giai đoạn 2016-2023, hoạt động thu hút đầu tư vào KKT Nghi Sơn có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư. Lũy kế đến năm 2023, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 336 dự án, chiếm 46% tổng các dự án đầu tư vào các KKT và KCN tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 311 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 161.619 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 12.827 triệu USD, vốn thực hiện đạt 76.744 tỷ đồng và 12.702 triệu USD. Giai đoạn 2016-2020, huy động đầu tư hạ tầng KKT và các KCN là 3,319.9 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2022, tổng nguồn vốn đầu tư công là 522.427 triệu đồng.

Quản lý xây dựng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội

Công tác quản lý xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông: cảng biển, hạ tầng KCN, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải, hệ thống điện và viễn thông, xây dựng các khu tái định cư và hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở… Công tác quản lý hiệu quả thông qua việc thường xuyên đôn đốc các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện các dự án chuyển tiếp đảm bảo tiến độ, chất lượng; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, tiến hành cấp phép cho các dự án xây dựng đúng thời hạn; cấp phép thi công xây dựng các hạng mục công trình, tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu theo kế hoạch.

Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng tại KKT Nghi Sơn được nâng cấp và cải thiện đáng kể. Hệ thống giao thông đối ngoại được mở rộng; các nhà ga, khu bến cảng được nâng cấp; giao thông đối nội với các đường liên khu vực, đường chính khu vực được xúc tiến đầu tư duy tu, bảo dưỡng, hệ thống thông tin, điện nước.. được hoàn thiện hơn.

Cơ chế, chính sách cải cách hành chính và hỗ trợ giải phóng mặt bằng

Cơ chế, chính sách có những điểm nổi trội nhằm tạo ra môi trường minh bạch, thuận lợi thúc đẩy thu hút vốn FDI, khuyến khích các doanh nghiệp mới được thành lập hoặc đầu tư thêm vốn, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất. Trong giai đoạn 2016-2023, nhiều cơ chế, chính sách đã được triển khai như: chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công vận động đầu tư vào KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tối thiểu 100 triệu đồng và tối đa là 500 triệu đồng/dự án; chính sách hỗ trợ 10% chi phí san lấp mặt bằng đối với dự án đầu tư vào KCN số 3, 4, 5 KKT Nghi Sơn, tối đa không quá 500 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn…

Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn được đẩy mạnh: thực hiện một cửa liên thông; công khai quy trình thủ tục đầu tư trực tiếp. Phương thức tiếp nhận hồ sơ chuyển dần sang trực tuyến, được giải quyết sớm, đúng hạn hồ sơ. Việc tiếp nhận và xử lý văn bản đến nhanh chóng; ban hành văn bản đi đúng quy định của pháp luật. Việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính góp phần xây dựng nền hành chính công, nêu cao tinh thần sẵn sàng phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ấn tượng tốt và niềm tin đối với tổ chức, cá nhân và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với KKT Nghi Sơn.

Mặt khác, công tác quản lý, vận hành hệ thống mạng và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu tra cứu thông tin và hoạt động chỉ đạo, điều hành. Việc khai thác các phần mềm ứng dụng đạt hiệu quả tốt, đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính gắn với tổ chức thực hiện chuyển đổi số.

Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, quá trình phát triển KKT Nghi Sơn vẫn đối mặt với nhiều thách thức:

Một là, cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, tài chính đất đai, hỗ trợ tài chính chưa thực sự nổi trội, chưa tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chưa phù hợp; chậm trễ trong sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới quá trình thẩm định phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Hai là, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công giải ngân chậm so với yêu cầu.

Ba là, việc quản lý, đầu tư quy hoạch vẫn còn những bất cập, thiếu quỹ đất sạch. Tình trạng giao đất chậm, xây dựng, cơi nới trái phép, lấn chiếm đất đai vẫn diễn ra và chưa được xử lý triệt để. Một số quy hoạch lớn chậm được phê duyệt. Công tác bồi thường còn vướng mắc chưa giải quyết, gây khó khăn trong giao đất cho các chủ đầu tư.

Bốn là, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội tại KKT Nghi Sơn tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại một số KCN còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu. Vẫn còn tồn tại các dự án chậm tiến độ chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định, trong đó có các dự án lớn, trọng điểm; một số KCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng.

Năm là, công tác xúc tiến đầu tư chưa thu hút nhiều dự án trọng điểm, các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao theo định hướng phát triển. Có dự án không triển khai, kéo dài thời gian, đầu tư dang dở gây lãng phí đất, ảnh hưởng môi trường đầu tư.

Sáu là, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư về số lượng, và chất lượng. Chuyển đổi nghề cho lao động địa phương còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Từ nghiên cứu thực trạng đầu tư phát triển KKT Nghi Sơn giai đoạn 2016-2023, nhóm tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nhằm tăng hiệu quả đầu tư phát triển KKT Nghi Sơn, xây dựng KKT Nghi Sơn trở thành điển hình, kiểu mẫu và là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển trọng điểm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030:

Một, hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư phát triển KKT ven biển, xây dựng chính sách đồng bộ, linh hoạt. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong KKT ven biển thống nhất, tránh chồng chéo và có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Xây dựng các cơ chế ưu đãi đặc thù cho đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics, năng lượng tái tạo, công nghiệp hiện đại, thông minh và thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chip, bán dẫn, công nghiệp vật liệu, đổi mới sáng tạo trong KKT ven biển. Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi cho việc thuê mặt bằng trong KKT tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công và hiệu quả dự án đầu tư công kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Nghiên cứu về thực hiện thể chế quản lý đặc biệt, tạo điều kiện cho KKT Nghi Sơn áp dụng thí điểm các chính sách mới, chính sách quản lý đặc thù, phù hợp đặc điểm kinh tế, xã hội của khu vực.

Hai, tăng cường thu hút, phát huy vai trò kinh tế tư nhân trong đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng cơ sở, hạ tầng công nghệ thông tin; tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ trong KKT Nghi Sơn thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Xây dựng, đầu tư có trọng điểm đặc biệt là hệ thống cảng biển, hạ tầng KCN, giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải, hệ thống điện và viễn thông, các khu tái định cư và hạ tầng xã hội. Tập trung tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; điều chỉnh đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; bố trí quỹ đất phù hợp để tái định cư. Phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT Nghi Sơn.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính và các dịch vụ công. Tập trung rà soát, loại bỏ các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch gắn với Nghị quyết số 68-NQ/TW. Giảm quy trình, thời gian xử lý hồ sơ thủ tục; chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính tại KKT Nghi Sơn. Triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hồ sơ công việc và dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng nền hành chính phục vụ; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp; thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bốn là, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển. Xây dựng kế hoạch đào tạo và thu hút nguồn nhân lực tới làm việc tại KKT Nghi Sơn phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng nguồn năng lực của tỉnh, các ngành mũi nhọn, định hướng phát triển của KKT như: lọc hóa dầu, nhiệt điện, luyện cán thép, xi măng, chế biến hàng xuất khẩu, công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp hỗ trợ; định hướng chuyển đổi nghề và phục hồi sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư tại KKT. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia, công nghệ tiên tiến vào KKT Nghi Sơn.

Năm là, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có trọng điểm. Tập trung thu hút các nhà đầu tư trọng điểm, tập đoàn công nghệ quan trọng giúp tạo động lực thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tăng cường mức chi ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư, thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế có uy tín, lồng ghép với các hoạt động ngoại giao của tỉnh Thanh Hóa, chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kết hợp trên nhiều nền tảng xã hội, thông qua nhiều sản phẩm, tiếp cận các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, kết hợp nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất công nghệ cao.

Sáu là, đảm bảo phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường thông qua việc áp dụng công nghệ trong xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường xanh, sạch; xây dựng quy hoạch phát triển KKT Nghi Sơn gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, đất đai và năng lượng; khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và quản lý biến đổi khí hậu trong phát triển hạ tầng và sản xuất tại KKT.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa (2016-2023). Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ các năm từ 2016 đến 2023, phương hướng nhiệm vụ các năm từ 2017 đến 2024.

2. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa (2022). Công văn số 1456/BQLKKTNS&KCN-QLĐT ngày 18/5/2022 về việc hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện công tác tham mưu chấp nhận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp tại KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.

3. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

4. Bộ Chính trị (2025). Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

5. UBND Tỉnh Thanh Hóa (2018). Quyết định số 5151/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa tại chỗ, một đầu mối tại Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN.

6. UBND Tỉnh Thanh Hóa (2020). Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình phát triển KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Ngày nhận bài: 14/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 6/7/2025; Ngày duyệt đăng: 17/7/2025