Những yếu tố chiến lược khiến Israel và Iran tránh cuộc chiến toàn diện

() - Lệnh ngừng bắn chưa phải là dấu chấm hết cho xung đột giữa Israel và Iran, mà là “khoảng lặng chiến lược” để cả hai bên bảo toàn sức mạnh và tránh một kịch bản tàn khốc hơn.
Những yếu tố chiến lược khiến Israel và Iran tránh cuộc chiến toàn diện - 1

Thủ tướng Israel Netanyahu và Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei (Ảnh: Arabobserver).

Cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran trong tháng 6 đã khiến cả thế giới nín thở khi Trung Đông đứng trước bờ vực chiến tranh toàn diện. Hàng trăm cuộc không kích, hơn 550 tên lửa đạn đạo và hàng nghìn UAV đã được phóng đi, gây ra nhiều thương vong và thiệt hại.

Bất chấp căng thẳng leo thang, cả hai quốc gia đã nhanh chóng đạt được lệnh ngừng bắn vào ngày 24/6, Vì sao hai đối thủ không đội trời chung lại chọn cách dừng lại thay vì lao vào một cuộc chiến kéo dài?

Bối cảnh cuộc xung đột: Mồi lửa từ chương trình hạt nhân của Iran

Theo giới chuyên gia quân sự, xung đột giữa Israel và Iran có nguồn gốc lâu đời. Kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã coi Israel là kẻ thù chính, trong khi Israel xem chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn vong của mình.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), căng thẳng đã leo thang từ tháng 4/2024, khi Israel tấn công lãnh sự quán Iran tại Damascus, giết chết nhiều quan chức cấp cao. Iran đáp trả bằng các cuộc tấn công tên lửa vào Israel vào tháng 4 và tháng 10/2024, nhưng các cuộc tấn công này vẫn mang tính chất hạn chế.

Đỉnh điểm xảy ra vào rạng sáng ngày 13/6, khi Israel bất ngờ mở chiến dịch không kích quy mô lớn “Sư tử Trỗi dậy” nhắm vào các cơ sở hạt nhân, quân sự và lãnh đạo cấp cao của Iran, bao gồm cả việc ám sát các nhà khoa học hạt nhân và phá hủy hệ thống phòng không của Tehran. Iran đáp trả bằng 11 đợt tấn công tên lửa và UAV, với hơn 550 tên lửa đạn đạo và hơn 1.000 UAV nhằm vào các thành phố và căn cứ quân sự của Israel. Tuy nhiên, chỉ sau 12 ngày, lệnh ngừng bắn được công bố dưới sự trung gian của Qatar và áp lực từ Mỹ, khiến cả thế giới bất ngờ.

Tiến sĩ Heather Williams, chuyên gia tại RAND, nhận định: “Cuộc xung đột này là sự bùng nổ của hàng thập kỷ căng thẳng nhưng cả hai bên đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh kéo dài sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục”. Điều gì đã khiến hai quốc gia này, vốn luôn có lập trường cứng rắn, chọn cách kiềm chế? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố chiến lược, áp lực quốc tế và những hạn chế nội tại.

Những yếu tố chiến lược khiến Israel kiềm chế

Một là sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Mỹ. Israel, dù sở hữu quân đội mạnh nhất khu vực, vẫn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ quân sự và chính trị của Mỹ. Các hệ thống phòng thủ tên lửa như Arrow và THAAD, vốn đã chặn được 92% tên lửa của Iran trong cuộc xung đột, được Mỹ tài trợ và vận hành một phần. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh ông không muốn Mỹ bị kéo vào một cuộc chiến kéo dài ở Trung Đông. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây ở The Hague (Hà Lan), ông Trump tuyên bố Mỹ chỉ muốn ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, không phải tham gia một “cuộc chiến dài hơi”.

Theo chuyên gia Daniel Levy, cựu nhà đàm phán hòa bình Israel, “Israel nhận thức rõ rằng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, việc đối đầu trực tiếp với Iran sẽ trở nên vô cùng rủi ro. Ông Netanyahu không muốn mạo hiểm bị cô lập khi Washington rút lui”. Bối cảnh trên buộc Israel phải nhanh chóng đạt được mục tiêu chính - làm suy yếu chương trình hạt nhân của Iran và chấp nhận ngừng bắn để duy trì sự ủng hộ của Mỹ.

Hai là áp lực kinh tế ngày càng nặng nề. Cuộc chiến ở Dải Gaza kéo dài từ tháng 10/2023 đã khiến chính phủ Israel tiêu tốn hơn 67 tỷ USD, đẩy nền kinh tế vào tình trạng căng thẳng. Cuộc xung đột với Iran, với chi phí hàng trăm triệu USD mỗi ngày và thiệt hại tài sản ước tính 1,5 tỷ USD, càng làm trầm trọng thêm tình hình. Theo Al Jazeera, chỉ số chứng khoán Tel Aviv 35 giảm 1,5% ngay sau khi xung đột bùng nổ, phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư về một cuộc chiến kéo dài.

Tiến sĩ Toby Dodge từ Trường Kinh tế London (Anh) đưa ra nhận định: “Israel không thể duy trì một cuộc chiến tranh tốn kém với Iran khi nền kinh tế đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi các xung đột trước đó. Một cuộc chiến kéo dài có thể đẩy Israel vào khủng hoảng kinh tế chưa từng có”. Điều này giải thích tại sao Israel tập trung vào các cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm gây thiệt hại tối đa cho Iran trong thời gian ngắn, thay vì kéo dài xung đột.

Ba là sức chịu đựng của công chúng. Người dân Israel đã kiệt sức sau gần hai năm chiến tranh liên tiếp ở Dải Gaza và Li Băng. Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10/2023 đã để lại vết thương sâu sắc, công chúng chỉ sẵn sàng ủng hộ các chiến dịch quân sự nếu chúng mang lại kết quả rõ ràng. Theo một cuộc thăm dò của Fox News vào tháng 6, chỉ 53% cử tri Mỹ ủng hộ việc cung cấp tài trợ quân sự cho Israel, con số này giảm mạnh trong số những người độc lập và đảng Dân chủ. Điều này cho thấy áp lực quốc tế và nội bộ lên Israel ngày càng gia tăng.

Arwa Damon, chuyên gia tại Atlantic Council, nhấn mạnh: “Công chúng Israel sẽ không chấp nhận một cuộc chiến kéo dài với Iran nếu không thấy mục tiêu cụ thể như tiêu diệt hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, mục tiêu lật đổ chế độ Iran là quá tham vọng và có thể gây phản tác dụng”.

Bốn là lo ngại cho cộng đồng Do Thái ở Iran. Khoảng 15.000 người Do Thái sinh sống tại Iran; một cuộc chiến tranh kéo dài có thể đặt họ vào tình thế nguy hiểm. Israel lo ngại rằng leo thang xung đột có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Iran nhắm vào cộng đồng này, cũng như các cộng đồng Do Thái trên toàn cầu. Yếu tố trên tạo thêm động lực để Israel kiềm chế, tránh đẩy Iran vào tình thế tuyệt vọng.

Năm là hạn chế về năng lực quân sự. Mặc dù Không quân Israel (IAF) sở hữu sức mạnh vượt trội, việc duy trì các chiến dịch cách xa 1.500 km từ lãnh thổ Iran là thách thức lớn. Theo Afshon Ostovar, chuyên gia tại Naval Postgraduate School, hệ thống phòng không của Iran đã bị vô hiệu hóa phần lớn nhưng IAF vẫn đối mặt vấn đề về máy bay tiếp dầu và bảo trì phi đội F-15, F-16, F-35 sau gần hai năm hoạt động liên tục. Mất một máy bay hoặc phi công sẽ là đòn giáng mạnh vào tinh thần Israel.

Hơn nữa, kho đạn dược của Israel, đặc biệt là tên lửa cho hệ thống Arrow, đang ở mức thấp. Việc phụ thuộc vào viện trợ Mỹ khiến Israel phải tiết kiệm nguồn lực cho các mặt trận khác, đặc biệt khi mối đe dọa từ các nhóm ủy nhiệm - đồng minh của Iran như Houthi hay Hezbollah vẫn “chưa hoàn toàn bị dập tắt” sau những chiến dịch tập kích của Israel năm 2024.

Tính toán của Iran: Kiềm chế để tồn tại

Iran, dù sở hữu dân số đông hơn và kho vũ khí tên lửa lớn nhất Trung Đông, cũng có những lý do thuyết phục để tránh chiến tranh kéo dài.

Thứ nhất, nguy cơ can thiệp của Mỹ. Mối đe dọa lớn nhất đối với Iran là sự can thiệp trực tiếp của Mỹ. Ngày 22/6, Mỹ đã triển khai chiến dịch “Búa Đêm” tấn công ba cơ sở hạt nhân của Iran, bao gồm cả việc sử dụng bom xuyên phá boong-ke nhắm vào cơ sở Fordow. Tổng thống Trump cảnh báo rằng có thể nhắm vào các lãnh đạo cấp cao của Iran, bao gồm cả Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, nếu xung đột tiếp diễn.

Hamidreza Azizi, chuyên gia tại Middle East Council, nhận định: “Iran hiểu rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ kéo theo sự can thiệp sâu hơn của Mỹ, điều mà Tehran không thể chịu đựng. Lãnh đạo Iran đang ở chế độ sinh tồn, buộc phải kiềm chế để tránh một cuộc tấn công tổng lực từ Lầu Năm Góc”.

Thứ hai, nguy cơ phong tỏa eo biển Hormuz. Eo biển Hormuz, nơi vận chuyển 1/3 lượng dầu thô trên biển toàn cầu, là tuyến đường sống còn của Iran. Việc phong tỏa eo biển này có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các nước vùng Vịnh, làm tổn hại nghiêm trọng đến kinh tế Iran. Hamzeh Al Gaaod, nhà phân tích kinh tế tại TS Lombard, cảnh báo: “Đóng cửa eo biển Hormuz sẽ là con dao hai lưỡi, gây thiệt hại cho chính Tehran nhiều hơn là đối thủ”.

Thứ ba, hạn chế về phòng không - không quân; hiệu quả tên lửa giảm sút. Không quân Iran, với các máy bay lạc hậu, không thể sánh với IAF. Hệ thống phòng không của Iran cũng bị phá hủy nghiêm trọng những ngày đầu của xung đột, khiến Tehran gần như mất khả năng bảo vệ bầu trời. Điều này khiến Iran không thể duy trì một cuộc chiến kéo dài khi Israel có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Iran.

Mặc dù Iran đã phóng hơn 550 tên lửa đạn đạo, nhưng hiệu quả của chúng giảm dần do các cuộc tấn công của Israel nhắm vào các bệ phóng và cơ sở sản xuất. Theo ISW, Israel đã phá hủy nhiều cơ sở tên lửa ở miền tây Iran, buộc Tehran chuyển sang sử dụng các tên lửa tầm xa hơn từ miền trung, làm giảm tần suất và hiệu quả tấn công.

Thứ tư, khủng hoảng kinh tế và bất ổn trong nước. Nền kinh tế Iran vốn chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế và quản lý yếu kém. Đồng Rial đã chạm mức thấp kỷ lục, các cuộc biểu tình trong nước liên tục nổ ra những năm gần đây. Theo Kelly J. Shannon từ Atlantic Council, “Người dân Iran tức giận vì chính quyền không bảo vệ được họ trước các cuộc tấn công của Israel, một cuộc chiến kéo dài có thể châm ngòi cho bất ổn nội bộ nghiêm trọng”. Một cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran sẽ cắt đứt nguồn thu nhập chính, đẩy Tehran vào khủng hoảng.

Thứ năm, nguy cơ trừng phạt quốc tế. Nếu Iran bị nghi ngờ tăng tốc chương trình hạt nhân trong bối cảnh xung đột, các nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức có thể khôi phục các lệnh trừng phạt theo JCPOA. Ngày 12/6, IAEA đã thông qua nghị quyết tuyên bố Iran không tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân, làm tăng nguy cơ này. Iran nhận thức rõ rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ làm trầm trọng thêm khó khăn kinh tế.

Áp lực quốc tế: Vai trò của Mỹ và các cường quốc

Áp lực quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đã đóng vai trò trung gian thông qua Qatar, với Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani hỗ trợ đàm phán. Nhóm G7, trong hội nghị thượng đỉnh tại Canada mới đây đã kêu gọi cả hai bên giảm leo thang, nhấn mạnh quyền tự vệ của Israel nhưng ưu tiên giải pháp ngoại giao.

Nga và Trung Quốc, dù là đối tác chiến lược của Iran, cũng kêu gọi Tehran kiềm chế. Theo Chatham House, Trung Quốc lo ngại một cuộc chiến kéo dài sẽ làm gián đoạn thị trường dầu mỏ và quan hệ với các nước vùng Vịnh, trong khi Nga không muốn mạo hiểm quan hệ với Mỹ và Israel. Các nước vùng Vịnh Ả Rập Saudi và UAE cũng bày tỏ sự phản đối với một cuộc xung đột khu vực, tạo thêm áp lực lên Iran.

Theo giới chuyên gia, cuộc chiến 12 ngày giữa Israel và Iran là minh chứng cho sự cân bằng mong manh giữa các tính toán chiến lược và những hạn chế nội tại. Israel, dù đạt được thành công trong việc làm suy yếu chương trình hạt nhân và hệ thống phòng không của Iran, không thể mạo hiểm kéo dài xung đột do áp lực kinh tế, giới hạn quân sự và nguy cơ mất hỗ trợ từ Mỹ. Iran, dù sở hữu sức mạnh tên lửa đáng kể, phải đối mặt với nguy cơ can thiệp của Mỹ, khủng hoảng kinh tế và bất ổn trong nước.

Tiến sĩ Raphael S. Cohen từ RAND nhận định: “Cả hai bên đều nhận ra rằng cuộc chiến tranh toàn diện sẽ không mang lại chiến thắng rõ ràng, mà chỉ dẫn đến thiệt hại không thể khắc phục cho cả khu vực”. Lệnh ngừng bắn chưa phải là dấu chấm hết cho xung đột giữa Israel và Iran, mà là “khoảng lặng chiến lược” để cả hai bên bảo toàn sức mạnh và tránh một kịch bản tàn khốc hơn.

Tuy nhiên, nguy cơ leo thang vẫn hiện hữu, đòi hỏi sự can thiệp ngoại giao liên tục từ các cường quốc toàn cầu để duy trì sự ổn định mong manh ở Trung Đông.