"Át chủ bài" trong chiến dịch truy quét người nhập cư của Tổng thống Trump

() - Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) là một trong những cơ quan thực thi pháp luật quan trọng của Mỹ, chịu trách nhiệm quản lý nhập cư, thực thi luật hải quan và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Át chủ bài trong chiến dịch truy quét người nhập cư của Tổng thống Trump - 1

Chính quyền Tổng thống Mỹ Doanld Trump thực thi chính sách nhập cư cứng rắn (Ảnh: Reuters).

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt trong nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu từ tháng 1, ICE trở thành mũi nhọn trong chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp quy mô chưa từng có, được mệnh danh là “chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.

Với nguồn tài chính khổng lồ, quyền lực mở rộng và sự chỉ đạo quyết liệt từ Nhà Trắng, ICE đang định hình lại bức tranh nhập cư của Mỹ, đồng thời gây ra những tranh cãi gay gắt về tác động kinh tế.

Nguồn lực cho chiến dịch trục xuất

Ngày 4/7 Tổng thống Trump ký “Đạo luật to đẹp” (OBB), một gói tài chính trị giá 350 tỷ USD dành cho an ninh biên giới và quốc gia. Trong đó, 170 tỷ USD được phân bổ trực tiếp cho các hoạt động nhập cư và biên giới, với ICE là trung tâm thụ hưởng. Theo Washington Post, khoản ngân sách này bao gồm 45 tỷ USD để xây dựng các trung tâm giam giữ mới, 29,9 tỷ USD cho các hoạt động thực thi và trục xuất, 30 tỷ USD để tuyển dụng thêm nhân sự, cải thiện cơ sở hạ tầng của ICE.

Tổng cộng, ngân sách này vượt xa tổng ngân sách hàng năm của các cơ quan thực thi pháp luật liên bang khác như FBI, DEA, ATF và Dịch vụ Thống chế Mỹ cộng lại, biến ICE thành cơ quan thực thi pháp luật nội địa lớn nhất nước Mỹ.

David Bier, chuyên gia nghiên cứu nhập cư tại Viện Cato, nhận định rằng ngay cả trước khi có gói tài chính này, chi tiêu cho thực thi nhập cư của Mỹ đã “cực kỳ cao”, với 34 tỷ USD được phân bổ cho ICE và CBP trong năm tài khóa 2025, gấp đôi ngân sách của các cơ quan thực thi pháp luật khác. Với khoản đầu tư mới, ông Bier cảnh báo rằng “sự mở rộng này sẽ biến ICE thành một cỗ máy trục xuất với sức mạnh chưa từng có, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về hiệu quả và tính nhân đạo”.

Một phần quan trọng của kế hoạch là tăng cường nhân lực và cơ sở hạ tầng cho ICE. Tổng thống Trump cam kết tuyển thêm 10.000 đặc vụ ICE, một mục tiêu đầy tham vọng mà Tom Homan, “ông trùm biên giới” được ông Trump bổ nhiệm, thừa nhận là “không hề dễ dàng”.

Ngoài ra, ICE dự kiến tăng gấp đôi khả năng giam giữ từ 51.000 lên 100.000 giường, với các trung tâm giam giữ mới được xây dựng bởi các nhà thầu tư nhân như CoreCivic và Geo Group. Một ví dụ điển hình là trung tâm “Alligator Alcatraz” ở Ochopee, Florida, được xây dựng nhanh chóng để chứa 5.000 người nhập cư.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại về điều kiện tại các trung tâm giam giữ này. Theo Moscow Times, ít nhất 10 người nhập cư đã tử vong trong các cơ sở của ICE trong nửa đầu năm 2025, cao hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 2020. Các báo cáo về điều kiện sống tồi tàn, thiếu chăm sóc y tế và tình trạng quá tải đã làm dấy lên chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền như Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU).

Quyền lực của ICE: Vũ khí sắc bén của ông Trump

Theo Reuters, ICE hoạt động thông qua hai nhánh chính: Điều tra An ninh Nội địa (HSI) và Thực thi và Di dời (ERO). HSI tập trung vào các tội phạm xuyên quốc gia như buôn lậu ma túy, buôn người và gian lận tài chính, trong khi ERO chịu trách nhiệm bắt giữ, giam giữ và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Dưới thời Tổng thống Trump, quyền hạn của ICE được mở rộng đáng kể thông qua các sắc lệnh hành pháp. Một trong những thay đổi lớn là việc loại bỏ các khu vực “nhạy cảm” như trường học, bệnh viện, nhà thờ khỏi danh sách cấm truy quét, cho phép ICE hoạt động gần như không giới hạn.

Ông Trump cũng thúc đẩy chương trình hợp tác với cảnh sát địa phương, cho phép các cơ quan này thực hiện nhiệm vụ nhập cư thay cho ICE. Theo The New York Times, tại bang Virginia, 19 quận đã ký thỏa thuận hợp tác với ICE, cho phép cảnh sát địa phương bắt giữ người dựa trên nghi ngờ vi phạm luật nhập cư. Bà Ava Benach, một luật sư nhập cư ở Washington, nhận định: “Việc bang Virginia trở thành tâm điểm của các hoạt động ICE một phần là do sự gần gũi với Nhà Trắng và áp lực chính trị từ ông Trump nhằm nhắm vào các khu vực do Đảng Dân chủ kiểm soát”.

Chính sách “Không khoan nhượng” được ông Trump khôi phục trong nhiệm kỳ thứ hai, cho phép ICE bắt giữ, trục xuất bất kỳ người nhập cư nào không có giấy tờ hợp pháp, bất kể họ có tiền án hay không. Chính sách này từng gây tranh cãi gay gắt trong nhiệm kỳ đầu (2017-2021) khi dẫn đến việc chia cắt hàng ngàn gia đình tại biên giới. Năm 2025, ICE được khuyến khích “sáng tạo” trong việc tìm kiếm, bắt giữ những người nhập cư bất hợp pháp, bao gồm cả những người được gọi là “collaterals” - những người bị bắt tình cờ trong các cuộc truy quét.

Chuyên gia Sarah Mehta, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ của ACLU, cảnh báo: “Việc biến USCIS, cơ quan vốn chịu trách nhiệm cấp các lợi ích nhập cư, thành cánh tay thực thi cho ICE sẽ gây hiệu ứng rùng mình đối với những người đang tìm kiếm cơ hội ở lại Mỹ hợp pháp”. Điều này đặc biệt rõ ràng trong kế hoạch của Mỹ nhằm hủy bỏ các đơn xin tị nạn, đẩy nhanh quá trình trục xuất, khiến hàng trăm ngàn người có nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức mà không qua xét xử.

Át chủ bài trong chiến dịch truy quét người nhập cư của Tổng thống Trump - 2

Những người nhập cư bị ICE bắt giữ lên một chuyến bay tại Gary, Indiana (Ảnh: Reuters).

Thành tựu và tranh cãi: ICE trong lằn ranh

Dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Trump, ICE đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thực thi luật nhập cư. Theo NBC News, trong 50 ngày đầu của nhiệm kỳ thứ hai, ICE đã tăng gấp đôi tỷ lệ bắt giữ, đạt trung bình 666 vụ/ngày so với 255 vụ/ngày năm 2024. Tính đến tháng 6, ICE đang giam giữ hơn 58.000 người, vượt quá khả năng của các trung tâm giam giữ hiện tại. Tại các bang như Virginia, số vụ bắt giữ của ICE tăng 350% so với năm 2024, vượt qua cả các bang đông dân như California và New York.

Ông Trump đặt mục tiêu trục xuất 1 triệu người/năm; khoản ngân sách khổng lồ từ “Đạo luật To Đẹp” được kỳ vọng sẽ giúp ICE đạt được con số này. Tuy nhiên, Kathleen Bush-Joseph, nhà phân tích chính sách tại Viện Chính sách Di cư, lưu ý rằng “việc đạt được mục tiêu này không thể diễn ra ngay lập tức, vì cần thời gian để xây dựng một hệ thống hậu cần trên toàn quốc”.

Ngoài trục xuất, ICE còn đạt được thành tựu trong việc triệt phá các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia. Nhánh HSI của ICE đã điều tra, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu ma túy, vũ khí và buôn người. Ví dụ, USCIS đã hỗ trợ điều tra dẫn đến việc truy tố một giáo viên trung học ở Florida vì âm mưu cung cấp súng cho một tổ chức tội phạm ở Trinidad. Những nỗ lực này củng cố vai trò của ICE trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, một ưu tiên hàng đầu của Trump.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, các hoạt động của ICE cũng vấp phải chỉ trích gay gắt. Theo Guardian, khoản đầu tư 170 tỷ USD cho ICE có nguy cơ “đe dọa các biện pháp bảo vệ nhân đạo và gây rối loạn kinh tế”. Các cuộc truy quét tại các thành phố lớn như Los Angeles, Chicago và New York đã gây ra các cuộc biểu tình lan rộng, với 54% người Mỹ được khảo sát bởi NPR/PBS News/Marist cho rằng các hoạt động của ICE “đã đi quá xa”.

Chuyên gia Jason Houser, cựu chánh văn phòng ICE dưới thời ông Biden, chỉ trích Tổng thống Trump vì tập trung quá mức vào trục xuất mà không tạo ra các con đường hợp pháp cho người nhập cư. Ông Houser lập luận: “Chúng ta đang tài trợ cho một hệ thống chỉ tập trung vào một phần của vấn đề nhập cư, bỏ qua nhu cầu lao động nhập cư trong các ngành như nông nghiệp và khách sạn”. Thực tế, ông Trump đã phải tạm dừng các cuộc truy quét tại các trang trại và khách sạn sau khi các ngành này phàn nàn về thiếu hụt lao động.

Tác động và triển vọng tương lai

Chiến dịch trục xuất của ICE đã gây ra nỗi sợ hãi trong các cộng đồng nhập cư. Các vụ bắt giữ tại các địa điểm công cộng như bãi đỗ xe Home Depot, nhà thờ và tòa án nhập cư đã làm gia tăng cảm giác bất an. Trường hợp nổi bật là bắt giữ đứa trẻ 6 tuổi mắc bệnh bạch cầu tại tòa án nhập cư ở California, gây phẫn nộ trong dư luận. Các tổ chức như ACLU cảnh báo việc mở rộng giam giữ trẻ em có thể vi phạm Thỏa thuận Flores 1997, vốn đặt ra giới hạn về thời gian giam giữ trẻ em nhập cư.

Giới chuyên gia cho rằng các chính sách của ICE đang đối mặt với hàng chục vụ kiện từ các tổ chức bảo vệ quyền nhập cư. Vụ việc của Kilmar Abrego Garcia, một người nhập cư El Salvador bị trục xuất sai trái, đã khiến một thẩm phán liên bang yêu cầu Tổng thống Trump ra tòa để giải thích kế hoạch trục xuất. Những thách thức pháp lý này có thể làm chậm tiến độ chiến dịch trục xuất của ông Trump, đặc biệt khi công chúng ngày càng mất lòng tin vào các chính sách này.

Trong tương lai, ICE có thể tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chính sách nhập cư của Ông chủ Nhà Trắng, với mục tiêu hoàn thành bức tường biên giới Mexico và tăng cường trục xuất. Tuy nhiên, để giảm thiểu tranh cãi, các chuyên gia đề xuất cải cách như tăng tính minh bạch trong hoạt động của ICE; sử dụng các chương trình giám sát cộng đồng thay cho giam giữ; cải thiện điều kiện tại các trung tâm giam giữ. Chuyên gia David Bier nhấn mạnh: “Một hệ thống nhập cư cân bằng cần kết hợp thực thi pháp luật với các con đường hợp pháp để nhập cư, thay vì chỉ tập trung vào trục xuất”.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, ICE đã trở thành công cụ hữu hiệu, đội quân tiên phong trong chiến dịch trục xuất quy mô lớn, được hỗ trợ bởi nguồn tài chính khổng lồ từ “Dự luật to đẹp” và quyền lực ngày càng được mở rộng. Với các khoản đầu tư chưa từng có, ICE đã tăng mạnh số vụ bắt giữ, phá vỡ các mạng lưới tội phạm và giảm vượt biên trái phép.

Tuy nhiên, các hoạt động của cơ quan này cũng gây ra tranh cãi gay gắt về tác động kinh tế, đặt ra thách thức cho ông Trump trong việc cân bằng giữa an ninh quốc gia và lòng nhân ái. Trong bối cảnh chính trị và xã hội đầy biến động, vai trò của ICE dự kiến tiếp tục là tâm điểm của các cuộc tranh luận, định hình tương lai của chính sách nhập cư Mỹ.