Nhận thức của sinh viên ngành kế toán trong bối cảnh thay đổi xã hội - công nghệ: Nghiên cứu tại Việt Nam

Nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức của sinh viên đại học ngành kế toán tại Việt Nam trong môi trường ứng dụng công nghệ số.

Trần Khánh Lâm

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Nguyễn Hữu Thiện

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Đỗ Thị Phương Anh

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Email: trankhanhlam@vacpa.org.vn

Tóm tắt

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá nhận thức của sinh viên đại học ngành kế toán tại Việt Nam trong môi trường ứng dụng công nghệ số. Dựa trên các lý thuyết: Giá trị nghề nghiệp, Chứng chỉ hành nghề, Lo ngại về định kiến xã hội, Năng lực bản thân và các Yếu tố tâm lý - xã hội, nghiên cứu tiến hành khảo sát trên 1.205 sinh viên từ nhiều trường đại học. Kết quả chỉ ra Năng lực cá nhân là yếu tố tác động tích cực mạnh nhất tới Nhận thức nghề nghiệp; Chứng chỉ nghề nghiệp và Yếu tố thu nhập ổn định cũng đóng vai trò quan trọng; Định kiến xã hội có ảnh hưởng không lớn nhưng đáng chú ý. Kết quả nghiên cứu giúp các trường đại học và tổ chức nghề nghiệp định hướng cải tiến chương trình đào tạo và giảm thiểu các định kiến lỗi thời để nâng cao hiệu quả đào tạo chuyên ngành kế toán phù hợp với xu thế phát triển.

Từ khóa: Chứng chỉ hành nghề, giá trị nghề nghiệp, giáo dục đại học, kế toán, nhận thức sinh viên.

Summary

The objective of the study is to assess the perceptions of accounting university students in Viet Nam in the digital technology application environment. Based on the theories: Professional values, Professional certificates, Concerns about social prejudices, Personal capacity and Psychological - social factors, the study conducted a survey on 1,205 students from many universities. The results show that Personal capacity is the factor with the strongest positive impact on Professional awareness; Professional certificates and Clarity income factors also play an important role; Social prejudices have a small but noticeable impact. The research results help universities and professional organizations orient to improve training programs and minimize outdated prejudices to improve the effectiveness of accounting training in line with development trends.

Keywords: Professional certificates, professional values, higher education, accounting, student perception.

GIỚI THIỆU

Nghề kế toán giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo minh bạch tài chính, quản lý hiệu quả nguồn lực và hỗ trợ điều hành doanh nghiệp. Tiến trình toàn cầu hóa, các quy định quản lý ngày càng nghiêm ngặt và tiến bộ công nghệ đang liên tục thay đổi yêu cầu đối với kế toán viên (Bui và cộng sự, 2017). Kế toán hiện là ngành thu hút rất nhiều sinh viên Việt Nam nhờ sự ổn định và vai trò quan trọng trong hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ nhận thức của sinh viên về công nghệ mới như số hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và các chuẩn mực kế toán quốc tế vẫn chưa thực sự đồng nhất (Yen và cộng sự, 2017). Một số nghiên cứu quốc tế đã chứng minh rằng, động lực cá nhân, tâm lý và môi trường có ảnh hưởng đáng kể đến thái độ và nhận thức của sinh viên về nghề kế toán (Karlsson và cộng sự, 2021; Yen và cộng sự, 2017). Các định kiến như kế toán là công việc nhàm chán hoặc chỉ xoay quanh các con số cũng là rào cản lớn khiến một số cá nhân không lựa chọn ngành nghề này.

Nghiên cứu sẽ làm rõ cách thức những yếu tố lý thuyết này cùng các đặc điểm thực tiễn nói trên hội tụ thành một mô hình khái niệm; đồng thời đề xuất các giả thuyết về việc mỗi yếu tố có thể tác động thế nào đến nhận thức của sinh viên Việt Nam về nghề kế toán.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Sự hấp dẫn của nghề kế toán là một vấn đề phức tạp, chịu ảnh hưởng giao thoa giữa nhiều yếu tố cá nhân, xã hội, kinh tế và văn hóa với các lý thuyết tiêu biểu:

Giá trị công việc và lựa chọn nghề nghiệp

Lý thuyết giá trị công việc cho rằng mỗi cá nhân đánh giá một nghề nghiệp dựa trên mức độ phù hợp với các giá trị cốt lõi của bản thân như thu nhập, sự ổn định, ý nghĩa và cơ hội phát triển (Elizur, 1984). Nghiên cứu tập trung vào sinh viên kế toán và chỉ ra rằng sự hấp dẫn của nghề thường xuất phát từ thu nhập ổn định, an toàn nghề nghiệp và vị thế xã hội được công nhận (Germanou và các cộng sự, 2009).

Nỗi lo về định kiến

Một góc nhìn khác nhấn mạnh hiện tượng nguy cơ định kiến, chẳng hạn như nỗi lo bị đánh giá hoặc bị nhìn nhận tiêu cực bởi xã hội (Spencer và cộng sự, 1999). Trong bối cảnh văn hóa như Việt Nam, việc lựa chọn nghề nghiệp thường chịu ảnh hưởng từ kỳ vọng gia đình hay văn hóa đặc thù, khiến các cá nhân có tài năng nhưng không muốn bị bó hẹp trong vai trò tính toán đơn thuần sẽ từ bỏ ý định theo đuổi nghề kế toán.

Sự tự tin vào năng lực bản thân

Sự tự tin vào năng lực bản thân là niềm tin của mỗi người về khả năng hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể (Bandura, 2006). Sinh viên càng tin tưởng vào khả năng của mình thì càng có xu hướng nhìn nhận nghề kế toán như một công việc triển vọng và đáng để theo đuổi (Chen và các cộng sự, 2001).

Chứng chỉ nghề nghiệp

Các chứng chỉ chuyên nghiệp như kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề Việt Nam (ACCA, CPAA, CIMA) hoặc các chứng chỉ uy tín khác củng cố sự đáng tin cậy của kế toán viên và thường được coi là thước đo quan trọng trên thị trường lao động trong nước lẫn quốc tế. Smith và Hall (2008) nhận định rằng sinh viên hiểu rõ hoặc coi trọng các chứng chỉ nghề nghiệp chuyên nghiệp thì thường có động lực cao hơn để đầu tư vào việc học kế toán.

Chấp nhận công nghệ

Mô hình chấp nhận công nghệ của Davis (1989) cho rằng việc chấp nhận công nghệ phụ thuộc vào cảm nhận về tính hữu dụng và dễ sử dụng. Khi kế toán hiện đại ngày càng tích hợp điện toán đám mây (cloud computing), phân tích dữ liệu lớn (big data) và các giải pháp AI, thì người mới vào nghề không chỉ cần kỹ năng chuyên môn vững mà còn phải thích nghi nhanh với các thay đổi công nghệ.

Cân bằng công việc - cuộc sống

Smith, Smith và Brower (2016) chỉ ra rằng, thế hệ trẻ rất quan tâm đến sức khỏe cá nhân và lịch làm việc linh hoạt. Việc cảm nhận nghề kế toán khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể làm thoái chí người mới hoặc tạo ấn tượng tiêu cực. Ngược lại, một môi trường ủng hộ giờ làm linh hoạt hoặc quan tâm đến nhu cầu cá nhân có thể giúp nâng cao nhận thức tích cực và giữ chân nhân tài.

Bản sắc xã hội

Tajfel và Turner (1979) chỉ ra rằng, niềm tự hào và nhận thức cá nhân thường gắn liền với tư cách thành viên của một nhóm xã hội nhất định. Nếu cộng đồng kế toán được nhìn nhận là danh giá và hữu ích, sinh viên sẽ dễ dàng tự nhận diện bản thân với nhóm này và cảm thấy tự hào. Ngược lại, nếu tồn tại định kiến hoặc thiếu cảm giác gắn kết, người mới sẽ có xu hướng ngần ngại khi lựa chọn nghề kế toán.

BỐI CẢNH CỦA VIỆT NAM

Công cuộc hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam đã tạo ra bối cảnh đặc thù để xem xét các khái niệm lý thuyết trong nghiên cứu này được hiện thực hóa như thế nào. Trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ các thực hành kế toán mang tính quốc gia sang việc tiếp cận sâu hơn các chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), thúc đẩy sự hội tụ giữa cấu trúc kế toán trong nước và các khung quy chuẩn quốc tế. Sự chuyển đổi này một phần được hỗ trợ bởi sự khuyến khích từ phía Nhà nước, một phần do lực thúc đẩy của thị trường, làm thay đổi đáng kể giáo dục đại học, kỳ vọng văn hóa, các chuẩn mực đạo đức và sự tiếp nhận công nghệ.

Các trường đại học lớn tại các trung tâm đô thị như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã nhanh chóng mở rộng quy mô, với số lượng lớn sinh viên theo học ngành kế toán. Trong khi những trường công lập hàng đầu cung cấp các chương trình giảng dạy theo hướng IFRS, những trường cao đẳng nhỏ ở các tỉnh, thành phố thường gặp khó khăn về nguồn lực và đội ngũ giảng viên hạn chế, dẫn tới chất lượng chưa đồng đều. Ở một số nơi, sự khác biệt này thể hiện rõ trong phương pháp giảng dạy, mức độ tiếp cận quốc tế và kỹ năng thực hành của sinh viên (World Bank, 2019). Do đó, cách thức kế toán được giảng dạy - và từ đó cách sinh viên nhìn nhận - có thể rất khác biệt.

Áp lực từ văn hóa và gia đình cũng có ảnh hưởng lớn đến lựa chọn của sinh viên (Nikolakis và các cộng sự, 2022). Nhiều gia đình Việt Nam xem kế toán là nghề ổn định và đáng trọng, định hướng con em theo lĩnh vực này. Trong một số gia đình, kế toán được coi là con đường truyền thống để vươn lên trong xã hội, trong khi ở những gia đình khác, đây là lựa chọn mặc định cho việc an toàn trong công việc (Nikolakis và cộng sự, 2022; Karlsson và cộng sự, 2021).

Trong khi đó, những sai phạm tài chính gần đây đã làm tăng sự chú ý đến quản trị doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh; đồng thời đòi hỏi cao hơn về tính minh bạch trong báo cáo và trách nhiệm nghề nghiệp của kế toán viên cũng như kiểm toán viên. Do đó, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn và các hiệp hội nghề nghiệp chú trọng vào đào tạo đạo đức và minh bạch (Bùi và cộng sự, 2017).

Tiến bộ công nghệ cũng tương tác sâu sắc với những thay đổi trên (Yen và cộng sự, 2017). Nhiều công ty kiểm toán trong nước cùng với các chi nhánh công ty quốc tế đang áp dụng phân tích dữ liệu tiên tiến, các công cụ kiểm toán sử dụng AI và hệ thống kế toán điện toán đám mây. Tuy nhiên, sinh viên tại các trường ít nguồn lực hơn hoặc không được đào tạo sâu về công nghệ có thể vẫn chưa rõ các công cụ này đang thay đổi như thế nào trong thực tế công việc hàng ngày.

Nhìn chung, bối cảnh nghề nghiệp tại Việt Nam mang tính đa chiều, vừa phản ánh đặc điểm riêng của đất nước, vừa chịu ảnh hưởng từ những chuẩn mực quốc tế, khiến các nhận định từ môi trường nước ngoài chưa hẳn phù hợp với Việt Nam. Những biến đổi liên tục trong giáo dục, văn hóa, đạo đức và công nghệ đang tạo nên một môi trường phức tạp, trong đó giá trị nghề nghiệp, niềm tin vào khả năng bản thân và việc sở hữu các chứng chỉ chuyên nghiệp đều đóng vai trò quan trọng.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp khảo sát

Phương pháp nghiên cứu định lượng được triển khai thông qua khảo sát trực tuyến và trực tiếp tại nhiều trường đại học trên cả nước, dành cho sinh viên các ngành kế toán, tài chính và liên quan. Sau hiệu chỉnh, khảo sát chính thức thu được 1,205 câu trả lời hợp lệ, phản ánh đặc điểm nhân khẩu học gồm giới tính, năm học, ngành học và loại hình trường đại học. Mẫu chủ yếu là sinh viên nữ (83.9%); sinh viên năm nhất chiếm tỷ lệ cao nhất (40.7%); tập trung ngành kế toán (76.8%) và chủ yếu từ các trường công lập (92%). (Số liệu trong nghiên cứu sử dụng cách viết theo chuẩn quốc tế).

Bảng câu hỏi và các thang đo

Phương pháp nghiên cứu định lượng được triển khai thông qua khảo sát trực tuyến và trực tiếp. Bảng câu hỏi sử dụng thang đo Likert 5 mức (từ 1 = Hoàn toàn không đồng ý đến 5 = Hoàn toàn đồng ý), đo lường các khái niệm: giá trị công việc, nhận diện xã hội, định kiến xã hội, tự tin vào năng lực bản thân, cân bằng công việc - cuộc sống, chấp nhận công nghệ, giá trị chứng chỉ nghề nghiệp và nhận thức tổng quát về nghề kế toán.

Phân tích dữ liệu

Dữ liệu sau khi thu thập được làm sạch và phân tích bởi phần mềm SPSS26, thông qua thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy, phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy đa biến. Thống kê mô tả cung cấp đặc điểm mẫu nghiên cứu với 1,205 sinh viên, bao gồm các yếu tố nhân khẩu học như giới tính, độ tuổi, trường học (công lập hoặc tư thục) và chuyên ngành. Kiểm định độ tin cậy được thực hiện bằng hệ số Cronbach’s Alpha (hệ số ≥ 0.7) để đánh giá tính nhất quán của các thang đo, hệ số tải nhân tố trong phân tích nhân tố khám phá (EFA) được áp dụng để xác định các nhóm nhân tố tiềm ẩn là ≥ 0.5. Phân tích hồi quy đa biến được tiến hành nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của các biến độc lập đến biến phụ thuộc

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả

Thống kê mô tả kết quả khảo sát với điểm trung bình dao động từ 3.28 đến 4.20 trên thang đo Likert 5 điểm. Trong đó, sinh viên đánh giá cao nhất yếu tố "thu nhập ổn định hoặc cao là động lực chính" (điểm trung bình 4.20), thể hiện rõ rằng yếu tố kinh tế đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quyết định lựa chọn nghề kế toán. Ngược lại, yếu tố "định kiến rằng nghề kế toán chỉ phù hợp với nữ giới" nhận được điểm đánh giá thấp nhất (3.28), điều này cho thấy mặc dù vẫn tồn tại những quan điểm định kiến xã hội, nhưng chúng không ảnh hưởng mạnh mẽ đến lựa chọn nghề nghiệp của sinh viên hiện nay.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng nhấn mạnh sự đánh giá cao của sinh viên đối với các chứng chỉ nghề nghiệp (điểm trung bình 4.12), khẳng định sự công nhận và giá trị thực tiễn của chứng chỉ chuyên môn trong định hướng nghề nghiệp của sinh viên kế toán. Nhận thức chung về nghề kế toán ở mức khá tích cực (3.81), cho thấy đa số sinh viên nhìn nhận nghề kế toán với những ưu điểm nhất định về cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển cá nhân, dù nhận thức này vẫn chưa đạt mức tuyệt đối tích cực. Nhìn chung, các phát hiện này phản ánh rõ nét quan điểm thực tế và thái độ tích cực của sinh viên về nghề kế toán trong bối cảnh hiện tại.

Kiểm định độ tin cậy và giá trị

Bảng 1: Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha

Nội dung

Cronbach’s Alpha

Number of Items

Giá trị công việc (GTCV)

0.857

5

Nhận diện/ghi nhận của xã hội (GNXH)

0.888

4

Định kiến của xã hội (DKXH)

0.894

4

Năng lực bản thân (NLBT)

0.919

4

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống (CVCS)

0.833

4

Tác động của công nghệ (TDCN)

0.812

4

Sự công nhận/chứng nhận nghề nghiệp (CNNN)

0.921

4

Nhận thức về nghề kế toán (NTKT)

0.891

4

Nguồn: Kết quả kiểm định

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha trong Bảng 1 cho thấy mức độ đồng nhất của các thang đo đo lường cho các biến trong nghiên cứu. Giá trị Cronbach Alpha cho từng chỉ số đều > 0.7. Điều này cho thấy các câu hỏi được sử dụng để đo lường các khái niệm cho các biến độc lập và biến phụ thuộc đều đồng nhất và có tính ổn định. Đồng thời tất cả các thang đo đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0.3, được chấp nhận đưa vào phân tích nhân tố EFA.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Kết quả EFA cho thấy các thang đo đều có trọng số nhân tố lớn hơn 0.5, chứng tỏ chúng đại diện tốt cho các nhân tố tương ứng. Cụ thể:

- Năng lực cá nhân sinh viên (NLSV) gồm các mục đo liên quan đến năng lực bản thân và cân bằng giữa công việc và cuộc sống với tổng cộng 7 mục đo.

- Sự công nhận/chứng nhận nghề nghiệp (CNNN) bao gồm 4 mục đo về giá trị và vai trò của các chứng chỉ chuyên môn.

- Giá trị công việc (GTCV) gồm 5 mục đo về thu nhập, ổn định, danh tiếng và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

- Định kiến của xã hội (DKXH) gồm 4 mục đo phản ánh những lo ngại về các đánh giá tiêu cực và định kiến của xã hội đối với nghề kế toán.

Việc các nhân tố này được phân định rõ ràng giúp khẳng định tính hợp lý và hiệu quả của các biến đo lường trong việc khảo sát nhận thức của sinh viên về nghề nghiệp kế toán.

Kết quả phân tích hồi quy đa biến

Bảng 2: Kết quả thực hiện hồi quy

Coefficientsa

Model

Unstandardized Coefficients

Standardized Coefficients

t

Sig.

Collinearity Statistics

B

Std. Error

Beta

Tolerance

VIF

1

(Constant)

0.562

0.096

5.857

0.000

NLSV

0.426

0.031

0.408

13.674

0.000

0.452

2.214

GTCV

0.150

0.027

0.149

5.581

0.000

0.568

1.760

CNNN

0.286

0.028

0.290

10.306

0.000

0.509

1.964

DKXH

-0.052

0.016

-0.072

-3.274

0.001

0.826

1.210

Nguồn: Kết quả mô hình phân tích

Số liệu Bảng 2 thể hiện hệ số hồi quy của tất cả các biến độc lập đều có ý nghĩa thống kê với giá trị Sig.

Bên cạnh đó, hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.515 tương đương 51.5% thay đổi nhận thức về nghề kế toán của sinh viên được giải thích bởi 4 biến độc lập là: Năng lực cá nhân sinh viên; Giá trị công việc; Sự công nhận/chứng nhận nghề nghiệp; Định kiến của xã hội.

Bảng 3: Kết quả kiểm định tính phù hợp của mô hình

Model

R

R Square

Adjusted R Square

Std. Error of the Estimate

Change Statistics

Durbin-Watson

R Square Change

F Change

df1

df2

Sig. F Change

1

.719a

0.517

0.515

0.50154

0.517

320.711

4

1200

0.000

2.000

Nguồn: Kết quả mô hình nghiên cứu

Từ Bảng 2 và Bảng 3, có thể kết luận 4 nhân tố đưa vào mô hình phân tích hồi quy đều có mối quan hệ cùng chiều với nhận thức về nghề kế toán của viên với mức ý nghĩa 1%. Cụ thể là yếu tố Năng lực cá nhân sinh viên có β1 = 0.408 và Sig. = 0.000 2 = 0.149 và Sig. = 0.000 3 = 0.290 và Sig. = 0.000 4 = -0.072 và Sig. = 0.000

Y = 0.408 NLSV + 0.149 GTCV + 0.290 CNNN - 0.072 DKXH

Với hệ số Beta của 3 nhân tố NLSV, GTCV và DKXH đều có giá trị dương nên mối quan hệ giữa những nhân tố này và nhận thức nghề kế toán là mối quan hệ cùng chiều. Trong đó nhân tố Năng lực cá nhân sinh viên (β = 0.408) có mức tác động mạnh nhất, tác động mạnh thứ hai là 2 nhân tố: Sự công nhận/chứng nhận nghề nghiệp (β = 0.290), và Giá trị công việc có mức tác động yếu nhất (β = 0.149). Đồng thời hệ số Beta của nhân tố Định kiến xã hội có giá trị âm nên mối quan hệ giữa những nhân tố này và nhận thức nghề kế toán là mối quan hệ ngược chiều. Điều này phản ánh khi định kiến xã hội về nghề kế toán càng lớn thì nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của nghề kế toán càng giảm.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố quan trọng tác động đến nhận thức của sinh viên về ngành kế toán trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu đã làm sáng rõ những yếu tố chủ chốt, từ đó đưa ra các khuyến nghị giúp trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp và các nhà hoạch định chính sách kết nối hiệu quả hơn giữa đào tạo và yêu cầu thực tiễn, gồm:

Thứ nhất, năng lực cá nhân nổi lên như một yếu tố then chốt. Cụ thể, sự tự tin vào năng lực bản thân và cảm nhận về khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống là những nhân tố dự báo mạnh nhất về niềm tin của sinh viên vào tiềm năng của nghề kế toán. Sinh viên càng tự tin vào kỹ năng chuyên môn và khả năng thích nghi thì càng thấy nghề kế toán là phù hợp và đáng để theo đuổi. Do đó, các trường đại học cần chú trọng xây dựng kỹ năng thực tế, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và tăng cường hoạt động cố vấn, hỗ trợ ngay từ những năm đầu đào tạo.

Thứ hai, chứng chỉ nghề nghiệp là một động lực quan trọng. Những sinh viên đánh giá cao giá trị của các chứng chỉ chuyên nghiệp sẽ tin tưởng hơn vào triển vọng nghề nghiệp lâu dài. Tại Việt Nam, điều này nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa các hiệp hội nghề nghiệp trong nước với các tổ chức quốc tế như ACCA, CPAA hoặc các chương trình đào tạo theo chuẩn IFRS. Việc xây dựng quan hệ đối tác này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn giá trị toàn cầu của chứng chỉ nghề nghiệp, nâng cao sức hút và định hướng rõ ràng cho ngành kế toán.

Thứ ba, thu nhập ổn định và các định kiến xã hội vẫn đóng vai trò đáng kể nhưng ở mức độ thấp hơn. Tương tự các nghiên cứu trước, thu nhập và sự ổn định nghề nghiệp có mối tương quan tích cực nhưng không nổi bật bằng các yếu tố tâm lý cá nhân, cho thấy sinh viên ngày càng chú ý nhiều hơn đến những khía cạnh vô hình của công việc. Định kiến xã hội tuy không phải yếu tố chính nhưng vẫn có tác động tiêu cực nhất định, cần được giải quyết bằng cách nhấn mạnh những khía cạnh sáng tạo, tư vấn của nghề kế toán và truyền tải các câu chuyện thành công đa dạng hơn.

Ngoài ra, đưa thêm các nội dung công nghệ mới như AI, trực quan hóa dữ liệu vào chương trình giảng dạy kế toán là hướng đi hiệu quả nhằm giảm nỗi lo công việc trở nên nhàm chán hoặc lỗi thời.

Tài liệu tham khảo:

1. Bandura, A. (2006). Guide for constructing self-efficacy scales. In F. Pajares & T. Urdan (Eds.), Self-efficacy beliefs of adolescents (pp. 307-337).

2. Bui, B., Hoang, H., Phan, D. P. T., & Yapa, P. W. S. (2017). Governance and compliance in accounting education in Vietnam - case of a public university. Accounting Education, 26(3), 265-290. https://doi.org/10.1080/09639284.2017.1286603

3. Davis, F. D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology. MIS Quarterly, 13(3), 319-340. https://doi.org/10.2307/249008

4. Elizur, D. (1984). Facets of work values: A structural analysis of work outcomes. Journal of Applied Psychology, 69(3), 379-389. https://doi.org/10.1037/0021-9010.69.3.379

5. Karlsson, P., & Noela, M. (2021). Beliefs influencing students’ career choices in Sweden and reasons for not choosing the accounting profession. Journal of Accounting Education, 58, 100756. https://doi.org/10.1016/j.jaccedu.2021.100756

6. Nikolakis, W., Olaru, D., & Kallmuenzer, A. (2022). What motivates environmental and social sustainability in family firms? A cross‐cultural survey. Business Strategy and the Environment, 31(5), 2351-2364. https://doi.org/10.1002/bse.3025

7. Smith, D., & Hall, M. (2008). Three-Component Model of Professional Commitment among Public Accountants. Behavioral Research in Accounting, 20(1), 75-92.

8. Tajfel, H., & Turner, J. C. (1979). An integrative theory of intergroup conflict.

9. Yen, N. H., Lai, S.-P., Lee, H., Yap, J.-Y., Teoh, H.-Q., & Su, Z.-P. (2017). Factors influencing accounting students’ career paths. Journal of Management Development, 36(3), 319-329. https://doi.org/10.1108/jmd-11-2015-0169

Ngày nhận bài: 27/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 29/6/2025; Ngày duyệt đăng: 02/7/2025