Nga - Ukraine lần đầu đàm phán sau 3 năm: Bế tắc chưa thể khơi thông

() - Dù cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine có những kết quả, nhưng giới quan sát cho rằng nó còn tương đối hạn chế và thế bế tắc giữa 2 bên vẫn tồn tại.
Nga - Ukraine lần đầu đàm phán sau 3 năm: Bế tắc chưa thể khơi thông - 1

Cuộc đàm phán diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Ukraine và Nga đã được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên ngoại giao mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Tuy nhiên, bối cảnh, thời lượng ngắn ngủi và kết quả hạn chế của cuộc gặp đã khiến cho các bên hoài nghi về thời điểm xung đột có thể chấm dứt.

Ba kết quả đạt được - một cuộc trao đổi tù binh, kế hoạch tiếp tục bàn về khả năng gặp gỡ giữa hai tổng thống, và việc mỗi bên phác thảo tầm nhìn về một lệnh ngừng bắn trong tương lai - thoạt nhìn có vẻ là bước tiến.

Nhưng trên thực tế, hoạt động trao đổi tù binh vẫn diễn ra thường xuyên.

Trong khi đó, Ukraine từ lâu đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện trên không, trên biển và trên bộ; và Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng đã ngỏ ý sẵn sàng đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Moscow từng bác bỏ cả hai đề xuất đó, nhưng đến ngày 16/5 lại tuyên bố sẽ xem xét lại.

Nga có lý do để làm vậy. Họ thể hiện rõ mong muốn đạt được một nền hòa bình lâu dài thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời, có nguy cơ đổ vỡ. Ngoài ra, Nga cũng từng viện dẫn việc Ukraine ra lệnh cấm đàm phán với ông Putin là một lý do khiến tình thế bế tắc dù Kiev sau đó đã giải thích rằng lệnh cấm này không có hiệu lực với ông Zelensky.

Dù mỗi bên đều đưa ra lý lẽ của riêng mình, một thực tế không thể chối cãi rằng, nỗ lực ngoại giao giữa 2 bên đã đi một vòng rất xa để trở lại nơi xuất phát.

Cuối tuần trước tại Kiev, Ukraine cùng Pháp, Đức, Anh và Ba Lan đồng loạt yêu cầu ngừng bắn một tháng và công bố bức ảnh 5 nhà lãnh đạo cùng gọi điện cho Tổng thống Trump.

Họ ca ngợi sự hậu thuẫn của ông cho lệnh ngừng bắn, đồng thời cảnh báo về "các lệnh trừng phạt khổng lồ" - theo cách gọi của Pháp - nếu Nga không chấp nhận.

Sáu ngày sau, lại là một cảnh tượng tương tự diễn ra: Năm nhà lãnh đạo ngồi quanh điện thoại, lần này là tại thủ đô Tirana của Albania, tiếp tục gọi cho Tổng thống Mỹ. Cả Pháp và Anh đều lên tiếng chỉ trích Nga, kêu gọi gia tăng áp lực lên Moscow.

Hàng loạt diễn biến xảy ra chỉ trong 1 tuần từ việc Nga kêu gọi tổ chức đối thoại trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Zelensky chấp nhận và ngỏ ý muốn gặp trực tiếp ông Putin và ông Trump úp mở về việc có thể làm trung gian.

Tuy nhiên, Nga vẫn đang thể hiện sự thận trọng chiến lược. Họ cử phái đoàn cấp tương đối thấp sang Istanbul, động thái khiến Ukraine chỉ trích. Ông Trump sau đó tuyên bố rằng, nếu không có cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Putin, sẽ khó có đột phá xảy ra.

Điều rõ ràng có thể nhận thấy là Nga đang thể hiện thế chủ động trên bàn đàm phán. Họ dường như bỏ ngoài tai những lời cảnh báo bị trừng phạt thêm từ châu Âu sau khi bị áp hơn 20.000 lệnh cấm vận trong 3 năm qua.

Trên thực tế, Nga vẫn đang có lợi thế trên chiến trường. Họ kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine và đẩy lùi Kiev khỏi Kursk. Ukraine giờ đây có những lá bài chưa đủ mạnh để lật trên bàn đàm phán và họ đang nỗ lực để thuyết phục đồng minh gia tăng áp lực lên Nga.

Tuy nhiên, cách mà Mỹ đang "bắc cầu" ngoại giao giữa 2 bên dường như cũng khiến cho Ukraine khó thực hiện mục tiêu trên. Một mặt, Mỹ vẫn ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến nhưng cũng công khai chìa "nhành ô liu" bằng cách đề xuất gặp song phương với ông Putin, bất cứ khi nào Moscow sẵn sàng.

Thỉnh thoảng, Nhà Trắng cũng phát đi tín hiệu rằng sự kiên nhẫn với ông Putin đang cạn dần và đôi khi ông Trump cũng gợi ý điều đó, như khi úp mở về các biện pháp trừng phạt thứ cấp hồi đầu tuần. Nhưng đến nay, sự thiếu kiên nhẫn đó vẫn chưa biến thành hành động cứng rắn mà châu Âu và Ukraine mong đợi.

Điều khiến Nga có lợi là những bước đi chậm đủ để thể hiện rằng họ đang nghiêm túc với mục tiêu hòa bình. Mặt khác, họ vẫn đang có ưu thế trên thực địa nên Nga chắc chắn sẽ không vội vàng đồng ý cho một quyết định mà không đảm bảo quyền lợi tối đa mà Moscow có thể đạt được.  

Kết quả là, thế bế tắc giữa 2 bên giờ đây vẫn chưa thể khơi thông vì một lý do đã hiện hữu suốt 3 năm qua: Các bên vẫn lệch pha nhau rõ ràng về điều kiện tiên quyết để tiến đến hòa bình.