Nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam: Phân tích thực chứng và hàm ý chính sách

Trong giai đoạn hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, quy mô thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyễn Trọng Uyển - Viện Kinh tế và Phát triển

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tóm tắt

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, nghiên cứu tập trung phân tích chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong giai đoạn 2019-2023 theo số liệu khảo sát tại ba địa phương tiêu biểu (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên) dưới các góc độ: phân tích mức độ hài lòng, nhu cầu và những khó khăn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi tiếp cận dịch vụ hỗ trợ, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI.

Từ khóa: Hỗ trợ doanh nghiệp, hiệu quả dịch vụ hỗ trợ, đầu tư nước ngoài

Summary

In the context of increasingly deep international integration, Vietnam has become an attractive destination for foreign investors. However, the quality and effectiveness of support services for FDI enterprises remain a significant challenge. This paper focuses on analyzing the quality of support services for foreign-invested enterprises in Vietnam during the period 2019-2023. Based on surveys conducted in three representative localities (Hanoi, Bac Ninh, and Thai Nguyen), the study assesses the level of satisfaction, demand, and difficulties faced by FDI enterprises in accessing support services, thereby proposing policy implications to enhance the effectiveness of investment support in Vietnam.

Keywords: Business support, effectiveness of support services, foreign direct investment

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong giai đoạn hiện nay, dòng vốn FDI ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, quy mô thị trường lớn, lực lượng lao động dồi dào và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài: nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với 3.375 dự án đầu tư mới vào 18 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 38,23 tỷ USD (2024). Đây là một minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế đất nước. Lý do vì các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng chú trọng đến chất lượng thể chế, tính minh bạch của thị trường và đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư bởi đây là yếu tố mang tính quyết định đến khả năng khởi sự, vận hành và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như: chi phí một số dịch vụ còn cao; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều; hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp FDI còn chồng chéo và chưa thật sự đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp quốc tế.

Vì vậy, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Do vậy, nghiên cứu này hướng tới cung cấp bằng chứng thực nghiệm để đề xuất một số giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là hướng đến chất lượng môi trường đầu tư phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

THỰC TRẠNG DỊCH VỤ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP FDI

Những kết quả đạt được

Từ kết quả khảo sát và phân tích hồi quy đa biến, nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI dựa trên số liệu của 350 doanh nghiệp FDI (chủ yếu là doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên) và 90 đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ, nghiên cứu đã ghi nhận một số kết quả tích cực mà dịch vụ hỗ trợ mang lại cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn 2019-2023 như sau:

Thứ nhất, các hình thức dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI tương đối đa dạng, phong phú với nhiều loại dịch vụ khác nhau.

Khi Việt Nam thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các dịch vụ hỗ trợ không chỉ dừng lại ở hỗ trợ pháp lý hay thủ tục hành chính mà mở rộng sang tư vấn chiến lược, công nghệ thông tin và các giải pháp chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp FDI thích nghi tốt hơn với thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ hiện đại để tối ưu hóa quy trình, cung cấp dịch vụ trực tuyến và tạo sự tiện lợi cho khách hàng quốc tế. Hiện nay, số lượng tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI khá đa dạng từ quy mô, loại hình với nhiều hình thức, dịch vụ khác nhau.

Các lĩnh vực hỗ trợ phổ biến đang được cung cấp bao gồm: (1) Dịch vụ hỗ trợ thông tin và tư vấn với các tổ chức luật sư và công ty tư vấn đầu tư như VILAF, Baker McKenzie Vietnam và các công ty trong nước đảm nhiệm vai trò giải đáp thắc mắc pháp lý, hỗ trợ thủ tục hành chính; (2) Dịch vụ hỗ trợ thủ tục gồm hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh; hỗ trợ soạn thảo và xem xét hợp đồng; giải quyết tranh chấp kinh tế tại nước sở tại; (3) Dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh gồm tìm kiếm nhà cung cấp; kết nối với khách hàng; phát triển đối tác chiến lược; (4) Dịch vụ hỗ trợ tài chính với các doanh nghiệp như PwC Vietnam, KPMG, EY đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp giúp nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ luật thuế và kế toán tại Việt Nam; (5) Dịch vụ hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực cung cấp giải pháp tuyển dụng, đào tạo và tư vấn nhân sự cho các doanh nghiệp FDI nhằm giải quyết bài toán lao động địa phương và (6) Dịch vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Thứ hai, chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, từ đó tạo được niềm tin và uy tín đối với doanh nghiệp khi sử dụng, thể hiện ở các khía cạnh: Giá cả dịch vụ; Cam kết thực hiện dịch vụ; Mức độ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa các bên. (Bảng 1).

Bảng 1: Đánh giá về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

ĐVT: điểm

Tiêu chí

Điểm trung bình

Mức độ đồng ý

Tiêu chí

Điểm

trung bình

Mức độ đồng ý

1. Giá cả dịch vụ

Giá cả hợp lý

2,50

Không đồng ý

Dịch vụ cung cấp tương xứng với chi phí bỏ ra

3,34

Phân vân

Giá cả minh bạch

2,77

Không đồng ý

Phương thức thanh toán linh hoạt, thuận tiện

3,66

Đồng ý

2. Cam kết thực hiện dịch vụ

Nhà cung cấp dịch vụ có chuyên môn và kinh nghiệm

3,43

Đồng ý

Nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, sự tin cậy

3,51

Đồng ý

Thực hiện đúng theo kết quả mong muốn

3,35

Phân vân

Dịch vụ có tính linh hoạt, nhanh chóng thay đổi nếu cần

3,52

Đồng ý

Thời gian phản hồi nhanh chóng, kịp thời

3,38

Phân vân

Dịch vụ có tiêu chuẩn cao

3,43

Đồng ý

3. Mức độ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa các bên

Có giải pháp đánh giá và quản lý rủi ro

3,46

Đồng ý

Hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp

3,46

Đồng ý

Có tính minh bạch và công bằng

3,49

Đồng ý

Tạo sự tin tưởng và hợp tác lâu dài

3,60

Đồng ý

Có tính hợp pháp và tuân thủ quy định

3,66

Đồng ý

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của tác giả năm 2024

Về giá cả dịch vụ: 175/350 doanh nghiệp được hỏi cho biết đồng ý dịch vụ cung cấp tương xứng với chi phí bỏ ra. Trong đó, phương thức thanh toán được đánh giá là tương đối linh hoạt, thuận tiện với 3,66/5 điểm. Lý do vì hệ thống ngân hàng cùng với hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam tương đối phát triển nên các hình thức thanh toán đa dạng như: Thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt (QR code, chuyển khoản, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, thẻ tín dụng…).

Về cam kết thực hiện dịch vụ: 4/6 nhận định được các doanh nghiệp đánh giá đồng ý gồm: Nhà cung cấp dịch vụ có chuyên môn và kinh nghiệm; nhà cung cấp dịch vụ có uy tín, sự tin cậy; dịch vụ có tính linh hoạt, nhanh chóng thay đổi nếu cần; dịch vụ có tiêu chuẩn cao. Điều đó thể hiện những đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bước đầu đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ phía đối tác nên quá trình xây dựng chiến lược, tuyển dụng và năng lực cung ứng đều khá tốt để có thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Về mức độ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa các bên: Với 5 nhận định đều có mức đồng ý (từ 3,46-3,66/5 điểm) cho thấy: Đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ làm việc tương đối chuyên nghiệp, có tâm và uy tín. Điều này tạo ra sự tin tưởng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức của Chính phủ đã hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

Thứ ba, hiệu quả sử dụng dịch vụ hỗ trợ đối với các doanh nghiệp được thể hiện trên các khía cạnh chính: hiệu quả hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp FDI.

Hình 1: Đánh giá về tác động của dịch vụ hỗ trợ đến doanh nghiệp FDI

ÂNG CAO HIỆU QUẢ DỊCH VỤ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP FDI TẠI  VIỆT NAM: PHÂN TÍCH THỰC CHỨNG VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của tác giả năm 2024

Về cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh: Các doanh nghiệp FDI được khảo sát đều cho thấy mức độ đồng ý cao từ 3,56-3,61 điểm với nhận định rằng: Dịch vụ hỗ trợ đã giúp giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, góp phần tạo nên tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Trong đó: Dịch vụ tư vấn pháp lý và thủ tục hành chính giúp rút ngắn thời gian đăng ký, giấy phép, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đặc biệt quan trọng với các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường Việt Nam; dịch vụ đào tạo nhân lực giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo nội bộ.

Về nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thích ứng thị trường: Với các dịch vụ hỗ trợ gồm xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tư vấn chiến lược kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện được khả năng cạnh tranh trên thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng, hình thành liên kết bền vững và nâng cao nhận diện thương hiệu. Mức độ đồng ý của doanh nghiệp FDI với việc dịch vụ hỗ trợ “nâng cao năng lực cạnh tranh” đạt trung bình 3,5 điểm trở lên, cho thấy sự ghi nhận rõ rệt về giá trị thực tiễn của các dịch vụ này.

Về mở rộng thị trường và phát triển bền vững: Dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ tư vấn chiến lược và hỗ trợ nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch mở rộng hiệu quả, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Việt Nam, mở rộng cơ hội hợp tác, từ đó mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như tiến tới phát triển lâu dài và bền vững. Đặc biệt, những doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 3 năm trở lên càng đề cao vai trò của dịch vụ hỗ trợ trong việc duy trì sự ổn định và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp đánh giá mức tác động tích cực từ dịch vụ hỗ trợ đối với việc phát triển dài hạn và xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác ở mức đồng thuận cao (trên 3,4 điểm).

Về đóng góp vào môi trường đầu tư minh bạch và chuyên nghiệp hơn: Sự hiện diện ngày càng nhiều của các tổ chức trung gian chuyên nghiệp và uy tín từ các công ty tư vấn quốc tế đến cơ quan xúc tiến đầu tư địa phương đã góp phần cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư của Việt Nam, tạo tâm lý yên tâm hơn và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế khi tiếp cận và làm việc tại Việt Nam. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trở thành một chỉ số mềm phản ánh chất lượng thể chế, giúp doanh nghiệp giảm bớt các khó khăn trong việc hiểu, tuân thủ và thực thi các quy định tại địa phương, qua đó gia tăng cơ hội thành công và phát triển bền vững.

Một số hạn chế

Thứ nhất, chi phí một số dịch vụ hỗ trợ còn cao, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thường xuyên sử dụng dịch vụ hỗ trợ đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm nữa, theo khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp FDI, một số dịch vụ cung cấp có chi phí khá cao nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến dịch vụ xây dựng chiến lược nhân sự, hỗ trợ tranh chấp kinh tế tại Việt Nam… Đối với tiêu chí giá cả hợp lý và giá cả minh bạch thì điểm trung bình chỉ đạt lần lượt là 2,5/5 điểm và 2,77/5 điểm. Mặt khác, theo ý kiến của các nhà quản lý, hiện nay dịch vụ hỗ trợ tại mỗi đơn vị cung cấp có mức giá khác nhau, thậm chí có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nên việc so sánh gặp nhiều khó khăn (Bảng 1). Các doanh nghiệp cũng thể hiện sự phân vân khi đưa ra nhận định: Dịch vụ hỗ trợ giúp doanh nghiệp giảm các chi phí trong sản xuất kinh doanh và đáp ứng sự quan tâm của doanh nghiệp với mức đánh giá từ 3,13-3,18/5 điểm (Hình 1).

Thứ hai, chất lượng dịch vụ hỗ trợ chưa đồng đều giữa các địa phương và giữa các đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI phát triển mạnh mẽ và đa dạng, trong khi đó ở các địa phương khác, nhất là các tỉnh còn khó khăn thì dịch vụ hỗ trợ vẫn còn hạn chế, thiếu chuyên sâu.

Thứ ba, hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chồng chéo khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoàn thiện thủ tục pháp lý. Điều này cũng đòi hỏi các công ty dịch vụ phải luôn cập nhật thông tin để tư vấn chính xác. Đồng thời, sự chưa rõ ràng trong một số văn bản dưới luật khiến cả đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ hỗ trợ gặp lúng túng khi triển khai và làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện hợp đồng, dịch vụ. Do vậy với nhận định gồm: Thực hiện đúng theo kết quả mong muốn; Thời gian phản hồi nhanh chóng, kịp thời chưa thực sự được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao với mức đánh giá phân vân và điểm trung bình đạt 3,3/5 điểm (Bảng 1)

Thứ tư, các dịch vụ hỗ trợ ngày càng cạnh tranh gay gắt. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn đến các dịch vụ hỗ trợ ngày càng cạnh tranh gay gắt với nhau, không chỉ cạnh tranh về giá cả mà còn cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, sư cạnh tranh này đôi khi không lành mạnh và gây ra những khó khăn nhất định cho việc duy trì chất lượng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất.

Nguyên nhân của những hạn chế

Một là, thiếu đồng bộ và thiếu cơ chế phối hợp nhịp nhàng trong quản lý do năng lực điều hành, quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI còn chưa cao. Điều này dẫn đến chậm trễ trong thủ tục và quá trình triển khai dịch vụ.

Hai là, sự không đồng đều về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc của bộ phận người lao động làm việc tại các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI. Việt Nam vẫn thiếu nhiều những chuyên gia có kinh nghiệm quốc tế và hiểu biết sâu về văn hóa, luật pháp của các quốc gia đầu tư.

Ba là, sự khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, phương thức kinh doanh giữa Việt Nam và các quốc gia đầu tư cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong triển khai các dịch vụ hỗ trợ để tạo ra hiệu quả tốt nhất.

Bốn là, các doanh nghiệp FDI đôi khi phải đối mặt với tình trạng thiếu thông tin do kênh thông tin tại Việt Nam nói chung và các kênh thông tin liên quan đến đầu tư nước ngoài nói riêng còn phân tán dẫn đến sự gián đoạn trong việc nhận dịch vụ hỗ trợ, hoặc không tìm được đúng đối tác hỗ trợ cho nhu cầu cụ thể của họ.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Với những phân tích trên, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được chỉ ra cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư tại Việt Nam và nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Do đó, cần triển khai mô hình quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong quản lý hồ sơ, theo dõi tiến độ và kịp thời xử lý thông tin đến nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành giữa các lĩnh vực như đất đai, môi trường, thuế, hải quan… cũng góp phần giảm thiểu sự chồng chéo trong quá trình hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, đẩy mạnh cải cách hành chính, số hóa thủ tục và triển khai dịch vụ công trực tuyến, tăng cường sử dụng mô hình “một cửa” cũng là điều kiện quan trọng để rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao sự hài lòng của nhà đầu tư. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối với hệ sinh thái dịch vụ như ngân hàng, pháp lý, kế toán, logistics và đào tạo nhân lực nhằm mang đến dịch vụ hỗ trợ toàn diện và linh hoạt.

Thứ hai, minh bạch thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hiện đại, công khai và bình đẳng. Trong đó, quan trọng nhất là minh bạch thông tin về quy hoạch, thông tin đất đai và thông tin tài chính. Đây là cơ sở để nhà đầu tư có thể chủ động đánh giá tiềm năng từng địa bàn, lựa chọn địa điểm phù hợp, đánh giá chính xác chi phí đầu tư và hiệu quả kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời hạn chế rủi ro phát sinh do thay đổi quy hoạch hoặc thiếu thông tin ban đầu, tránh tình trạng nhũng nhiễu và môi giới không minh bạch.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách ưu đãi tài chính nhằm giảm gánh nặng chi phí ban đầu và vận hành cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các nhà đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch. Các chính sách ưu đãi tài chính cần tập trung vào các vấn đề cụ thể như: Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí dịch vụ hỗ trợ đầu tư; miễn, giảm phí và lệ phí hành chính liên quan đến đăng ký đầu tư hoặc giấy phép xây dựng trong thời gian đầu; cấp kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư nước ngoài tại địa phương;…

Thứ tư, nâng cao năng lực các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Các đơn vị hỗ trợ cần được đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan đến FDI như pháp luật đầu tư, thuế, hải quan, đất đai và chính sách ưu đãi. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ kết hợp với tăng cường tìm hiểu văn hoá các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh, Hàn, Nhật, Trung, nhằm đáp ứng yêu cầu tư vấn và giao tiếp hiệu quả với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trang bị các kỹ năng mềm về tư vấn, đàm phán, hỗ trợ pháp lý và cập nhật thông tin về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là điều kiện để nhân lực dịch vụ hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thêm nữa, dịch vụ hỗ trợ cần nâng cao năng lực điều hành, quản lý, chuẩn hóa toàn bộ quy trình tư vấn và kỹ năng triển khai các bước hỗ trợ đầu tư một cách hiệu quả, đúng pháp luật và minh bạch.

KẾT LUẬN

Thời gian qua, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp FDI. Trên cơ sở đó, dịch vụ hỗ trợ cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, mở rộng theo chiều sâu, đồng thời, cần nâng cao chất lượng nhân lực tư vấn, tăng cường sự phối hợp liên ngành và thiết lập hệ thống đánh giá hiệu quả dịch vụ một cách minh bạch, khách quan.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2025). https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-6/Tinh-hinh-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-2024-5ihdt0.aspx

2. Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thị Nguyệt Dung (2020). Tạp chí Khoa học và Công nghệ, tập 56 số 5 (10/2020), tr 137-141.

3. Cục Đầu tư nước ngoài. Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài giai đoạn 2005-2023.

4. Nguyễn Thị Phương Thu (2017). Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

5. Nguyễn Trần Hưng (2022). Các nhân tố tác động đến chất lượng dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp thương mại điện tử của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Tạp chí Kinh tế & dự báo, số 06/2022, trang 31-35.

Ngày nhận bài: 10/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/6/2025; Ngày duyệt đăng: 17/7/2025