
Lính Ukraine sử dụng vũ khí phòng không khi theo dõi mục tiêu ở Biển Đen (Ảnh: AFP).
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt một Thỏa thuận Bán vũ khí Quân sự Nước ngoài tiềm năng cho Ukraine để bảo trì hệ thống tên lửa HAWK Giai đoạn III, bao gồm các thiết bị và dịch vụ liên quan, với chi phí ước tính 172 triệu USD.
Đối với hệ thống HAWK - tên lửa phòng không tầm trung, cung cấp khả năng đối phó với máy bay ở độ cao từ thấp đến trung bình - Ukraine đã yêu cầu một loạt thiết bị và dịch vụ liên quan đến việc bảo trì.
Gói thiết bị bao gồm xe tải chở hàng 5 tấn, phụ tùng thay thế, cùng với dịch vụ tân trang và nâng cấp các đơn vị hỏa lực. Gói cũng cung cấp bộ dụng cụ, thiết bị thử nghiệm và các hạng mục hỗ trợ bổ sung, cùng với tài liệu kỹ thuật, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và văn phòng thực địa từ chính phủ Mỹ và đại diện nhà thầu.
Ngoài ra, thỏa thuận còn cung cấp các container lưu trữ và thiết bị, phụ tùng thay thế tên lửa MIM-23 HAWK, sửa chữa tên lửa và các dịch vụ hỗ trợ hậu cần và chương trình khác, theo thông báo được công bố vào ngày 23/7.
Thỏa thuận được đề xuất nhằm tăng cường năng lực phòng vệ của Ukraine, điều mà các quan chức Mỹ cho biết sẽ nâng cao khả năng đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai của Kiev. Thỏa thuận cũng được kỳ vọng sẽ củng cố an ninh khu vực mà không làm thay đổi cán cân quân sự tổng thể.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận việc phê duyệt thỏa thuận sẽ không gây ra tác động tiêu cực nào đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê duyệt gói viện trợ tiềm năng trị giá 150 triệu USD cho Ukraine, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley và dịch vụ bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các phương tiện này.
Thỏa thuận mới nhất của Mỹ được công bố sau một thỏa thuận khác vào đầu tháng 5 trị giá 310,5 triệu USD cho chương trình huấn luyện và bảo dưỡng tiêm kích F-16.
Động thái của Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự thất vọng về việc Nga từ chối đồng ý ngừng bắn tại Ukraine. Ông Trump cũng tuyên bố một đợt cung cấp vũ khí mới của Mỹ cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot, do NATO và các đồng minh châu Âu chi trả.
Tổng thống Trump đã đưa ra một tối hậu thư cứng rắn: Nga có 50 ngày để đạt được một thỏa thuận hòa bình, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế quan "rất nghiêm khắc" đối với hàng xuất khẩu của Moscow - có khả năng lên tới 100%.
Tối hậu thư của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc không kích vào thủ đô Kiev của Ukraine cũng như các thành phố ở xa tiền tuyến.
Nga liên tiếp phóng tên lửa và máy bay không người lái với số lượng chưa từng có vào Ukraine. Trong bối cảnh đó, các đồng minh đã tìm cách tăng cường viện trợ khẩn cấp cho Kiev.