Lộ nguyên nhân ban đầu thảm kịch rơi máy bay Ấn Độ làm 260 người thiệt mạng

() - Báo cáo sơ bộ cho thấy máy bay Air India rơi khiến 260 người thiệt mạng là do động cơ bị ngắt nhiên liệu ngay sau khi cất cánh khỏi sân bay Ahmedabad.
Lộ nguyên nhân ban đầu thảm kịch rơi máy bay Ấn Độ làm 260 người thiệt mạng - 1

Hiện trường vụ rơi máy bay ở Ấn Độ khiến 260 người thiệt mạng (Ảnh: Getty).

Báo cáo sơ bộ về thảm kịch hàng không khiến 260 người thiệt mạng tại Ấn Độ vừa hé lộ nguyên nhân ban đầu: hai động cơ của chiếc Boeing 787 bị ngắt nguồn nhiên liệu chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh khỏi sân bay Ahmedabad.

Theo cơ quan điều tra tai nạn hàng không Ấn Độ, các công tắc điều khiển nhiên liệu trong buồng lái đã bị chuyển sai vị trí, khiến động cơ mất hoàn toàn nguồn cung nhiên liệu. Khi tổ lái cố gắng khởi động lại động cơ, máy bay đã không kịp lấy lại độ cao và rơi xuống khu vực ký túc xá của một trường đại học gần đó, khiến không chỉ hành khách mà cả nhiều người dưới mặt đất thiệt mạng.

Đáng chú ý, đoạn ghi âm buồng lái cho thấy một trong hai phi công bất ngờ hỏi người còn lại lý do “cắt nhiên liệu”, người kia lập tức phản bác rằng mình không làm điều đó. Dù công tắc sau đó đã được khôi phục về vị trí ban đầu và hệ thống động cơ bắt đầu khởi động lại, chiếc máy bay đã rơi xuống đất chỉ vài giây sau.

Chiếc Dreamliner mang số hiệu AI171 đang trên hành trình từ thành phố Ahmedabad (bang Gujarat) đến sân bay Gatwick (London) thì gặp sự cố nghiêm trọng chỉ vài chục giây sau khi rời đường băng. Dữ liệu từ hộp đen ghi nhận máy bay đạt vận tốc khoảng 180 hải lý/giờ khi lần lượt cả hai công tắc nhiên liệu được chuyển từ chế độ hoạt động sang ngắt chỉ cách nhau đúng 1 giây.

Các công tắc nhiên liệu được đặt ngay giữa hai ghế phi công, có thanh bảo vệ và khóa chống thao tác nhầm. Chuyên gia an toàn David Soucie đánh giá việc cả hai công tắc cùng lúc bị tắt là tình huống "cực kỳ hiếm gặp", vì thiết kế của hệ thống này gần như không cho phép sự cố do thao tác vô ý.

Chuyến bay gặp nạn có 242 người trên khoang, chủ yếu là công dân Ấn Độ và Anh. Một số người trong khu ký túc xá của Đại học Y BJ cũng không qua khỏi sau khi máy bay đâm trúng tòa nhà.

Cơ trưởng của chuyến bay là một phi công kỳ cựu với hơn 15.000 giờ bay. Cơ phó trẻ tuổi hơn nhưng cũng có hơn 3.400 giờ tích lũy. Các yếu tố kỹ thuật như cấu hình cất cánh, chất lượng nhiên liệu, thời tiết, trọng lượng hay ảnh hưởng từ chim trời đều được loại trừ khỏi danh sách nguyên nhân.

Air India xác nhận đã tiếp nhận báo cáo sơ bộ và cam kết phối hợp toàn diện với các cơ quan chức năng. “Chúng tôi xin chia sẻ nỗi mất mát lớn lao với gia đình các nạn nhân và tiếp tục hỗ trợ hết sức có thể trong thời gian khó khăn này", hãng đăng thông điệp chính thức trên mạng xã hội X.