
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho vẫn coi Tổng thống Ukraine Zelensky là trở ngại chính trong việc giải quyết xung đột, bất chấp những chỉ trích gần đây của ông chủ Nhà Trắng đối với Moscow, Financial Times đưa tin hôm 12/7, dẫn nguồn từ các quan chức.
Trả lời báo chí hồi đầu tuần, ông Trump cho biết ông “không hài lòng” với ông Putin, cho rằng nhà lãnh đạo Nga không muốn chấm dứt cuộc chiến.
Sau đó, ông Trump tuyên bố sẽ sớm đưa ra một “tuyên bố lớn” liên quan đến Nga, trong bối cảnh Washington đang thảo luận khả năng áp thuế 500% đối với các quốc gia mua năng lượng và hàng hóa từ Nga.
Tuy nhiên, hai quan chức cấp cao giấu tên có tham gia các cuộc thảo luận về quốc phòng và an ninh với Washington nói rằng không có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng thực sự đã nghiêng về phía Ukraine.
Theo nguồn tin, các nước hậu thuẫn Ukraine vẫn “cho rằng ông Trump có xu hướng xem ông Putin là đối tác chính trong bất kỳ thỏa thuận nào, còn ông Zelensky là chướng ngại vật lớn nhất đối với một giải pháp hòa bình khả thi”.
Một quan chức cảnh báo rằng có “một chút hào hứng vì ông Trump thay đổi trong giọng điệu về ông Putin”, nhưng thực chất thì “chúng tôi chưa thấy điều đó chuyển hóa thành hành động cụ thể".
Bài báo của Financial Times tương tự một bài viết trên New York Times hồi tháng 6, trong đó cho biết Tổng thống Mỹ đang bất mãn với cả ông Putin lẫn ông Zelensky, nhưng lại đặc biệt không hài lòng với nhà lãnh đạo Ukraine.
Hồi tháng 5, ông Trump công khai chỉ trích ông Zelensky, cho rằng “mọi điều ông ấy nói ra đều gây rắc rối”. Cuộc đối đầu công khai gay gắt nhất giữa hai người diễn ra vào tháng 2 tại Nhà Trắng, khi ông Trump cáo buộc ông Zelensky không biết ơn viện trợ của Mỹ và đang “đánh cược với Thế chiến III".
Bình luận về phát ngôn của ông Trump nhắm vào Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga “giữ thái độ bình tĩnh,” đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng tôi vẫn cam kết tiếp tục đối thoại với Washington và theo đuổi chính sách khôi phục quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng".
Nga khẳng định sẵn sàng tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine, nhưng theo cách có thể giải quyết các “nguyên nhân gốc rễ” và mối lo ngại an ninh của Moscow. Điện Kremlin kiên quyết yêu cầu Ukraine giữ trung lập, công nhận “thực tế lãnh thổ trên thực địa”, cũng như tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa.