
Mỹ và Israel nhằm mục tiêu vào cơ sở hạt nhân Iran trong cuộc tấn công hồi tháng trước (Ảnh: Reuters).
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng gây ảnh hưởng đến Iran", bà Ravit Baer, Tổng lãnh sự Israel tại Thượng Hải, phát biểu trước báo giới hôm 1/7 tại thành phố này. Bà cho rằng chương trình hạt nhân của Iran sẽ khó tồn tại nếu Bắc Kinh ngừng mua dầu từ Tehran.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Trung Đông vừa hạ nhiệt.
Trong cuộc chiến kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran, nhiều cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran đã bị tàn phá, một số tướng lĩnh cấp cao và nhà khoa học hạt nhân của nước này cũng đã thiệt mạng.
Hiện hai bên đã bước vào thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, song Tehran tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của lệnh ngừng bắn và tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu Israel tấn công trở lại.
Cả Trung Quốc và Nga, hai đối tác lớn nhất của Iran trên trường quốc tế, đều lên án các đợt không kích của Israel.
Bắc Kinh cũng liên tục kêu gọi Israel chấm dứt xung đột tại Gaza và tiến tới giải pháp hai nhà nước cho Palestine.
Trung Quốc hiện đang mua khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran, tương đương gần 1,7 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, Bắc Kinh và Tehran đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược năm 2021, theo đó Trung Quốc có thể đầu tư 400 tỷ USD trong 25 năm vào các lĩnh vực chủ chốt tại Iran.
“Trung Quốc có thể gây áp lực lên Iran, họ có sức mạnh chính trị đối với Iran, và họ có thể giúp thay đổi các hoạt động gây bất ổn của nước này trong khu vực. Trung Quốc có rất nhiều công cụ để hành động", bà Baer nói.
Tuy nhiên, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh thực sự có thể ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược quân sự và hạt nhân của Iran.
Dù Iran những năm gần đây có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga, Tehran vẫn luôn bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào các chính sách trọng yếu.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác kinh tế hơn là vai trò trung gian hòa giải trong quan hệ với Iran với các đối thủ.
“Tôi không nghĩ Trung Quốc muốn trở thành một bên trung gian giữa Israel và Iran. Làm trung gian là một trách nhiệm lớn, tốn kém và cần những quyết định khó khăn", bà Baer nhận định.
Mặt khác, bà Baer cho biết quan hệ Israel - Trung Quốc chưa xấu đi ở mức nghiêm trọng.
“Chúng tôi vẫn đang có những cuộc đối thoại tích cực. Ngay cả khi có bất đồng về chính trị, không có nghĩa là không thể hợp tác", bà nói.