Iran yêu cầu đảm bảo an ninh trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ

() - Ngoại trưởng Iran tuyên bố nước này sẽ không dễ dàng lùi bước trước chương trình hạt nhân, điều được xem là biểu tượng của lòng tự hào và danh dự quốc gia.
Iran yêu cầu đảm bảo an ninh trước khi nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ - 1

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi (Ảnh: AFP).

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 1/7 cho biết việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ chỉ diễn ra nếu Tehran nhận được cam kết chắc chắn từ phía Mỹ rằng Washington sẽ không tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào trong quá trình đối thoại.

Ông Araghchi nhấn mạnh: “Trước khi quyết định quay lại bàn đàm phán, chúng tôi cần có sự đảm bảo rằng Mỹ sẽ không dùng vũ lực với Iran trong lúc hai bên đang đối thoại. Với tình hình hiện nay, điều đó đòi hỏi thêm thời gian”. Quan chức này cũng cho biết Tehran cần thêm thời gian để đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các kênh ngoại giao đang được kích hoạt trở lại sau khi khu vực vừa trải qua cuộc xung đột kéo dài 12 ngày, từng đẩy Trung Đông tới bờ vực của một cuộc chiến quy mô lớn.

Một ngày trước đó, Nhà Trắng xác nhận, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Steve Witkoff - đã có cuộc trao đổi với các quan chức Iran. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng đang có tiến triển.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Ngoại trưởng Araghchi tiếp tục khẳng định lập trường kiên định của Iran đối với chương trình hạt nhân, đồng thời gọi đây là “niềm kiêu hãnh và danh dự quốc gia”, điều mà Tehran “không dễ gì từ bỏ”.

Ông đồng thời nhắc lại khả năng phòng thủ của Tehran sau 12 ngày xung đột vừa qua: "Chúng tôi đã chứng minh có thể bảo vệ chủ quyền. Nếu bị tấn công, chúng tôi sẽ đáp trả kiên quyết".

Khoảnh khắc tên lửa Iran vượt qua lưới lửa phòng không Israel, lao xuống nổ lớn trước mặt một tài xế (RT).

Cuộc khủng hoảng bắt đầu ngày 13/6, khi Israel tiến hành hàng loạt đợt không kích nhắm vào các mục tiêu quân sự, dân sự và hạt nhân của Iran, khiến ít nhất 935 người thiệt mạng và hơn 5.300 người bị thương, theo số liệu từ Bộ Y tế Iran.

Đáp lại, Iran phóng tên lửa và triển khai máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu tại Israel. Thống kê từ Đại học Hebrew Jerusalem cho biết, các đòn trả đũa này đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và hơn 3.400 người bị thương.

Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi Mỹ tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran tại Fordow, Natanz và Isfahan, động thái khiến lo ngại về nguy cơ chiến tranh toàn khu vực gia tăng rõ rệt.

Ngày 24/6, một thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian chính thức có hiệu lực, giúp tạm thời chấm dứt giao tranh, mở ra cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững trong thời gian tới.