
Hội Quảng cáo TP.HCM phối hợp MVL, TikTokShop và nhiều đơn vị để hỗ trợ cuộc thi livestream bán hàng, kết hợp các chuyên đề nâng cao kiến thức pháp luật cho sinh viên - Ảnh: BÔNG MAI
Thương mại điện tử là "mỏ vàng" với giới trẻ, nhưng rủi ro lớn nếu thiếu hiểu biết pháp luật. Cảnh báo được đưa ra tại hội thảo "Kiến thức pháp luật, kỹ năng bán hàng và kỹ thuật livestream" vừa diễn ra vào hôm nay 1-7, tại khu phức hợp Giáo dục Văn Lang (TP.HCM).
Sự kiện thu hút hàng trăm sinh viên cùng chuyên gia kinh tế, luật sư, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC)...
Livestream là cơ hội, nhưng không bước qua ranh giới pháp luật
Tại hội thảo, có sinh viên hỏi: “Nếu chẳng may quảng cáo sản phẩm giả hoặc kém chất lượng, và sau đó công an phát hiện giấy tờ và các tài liệu đi kèm đều không đúng sự thật, thì người quảng cáo có phải chịu trách nhiệm không?”.
Luật gia Ngô Minh Tín (Chi hội Luật gia, Trường đại học Kinh tế - Luật) trả lời: Đối với hoạt động bán hàng thông qua livestream (phát trực tuyến), có ba bên chịu trách nhiệm liên đới chính gồm: nhà sản xuất chịu trách nhiệm chính về sản phẩm, sàn
Ông Nguyễn Thanh Đảo nhấn mạnh Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có siết chặt hoạt động quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng - Ảnh: BTC StudentLive
Ông Nguyễn Thanh Đảo - chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) - nhận định bên cạnh những lợi ích trong việc kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, hình thức bán hàng qua livestream trên các sàn thương mại điện tử cũng tồn tại nhiều thách thức và hệ lụy.
Đặc biệt là tình trạng những người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC) quảng cáo sai sự thật, không đúng với thành phần của sản phẩm, trái quy định pháp luật. Thậm chí, nhiều trường hợp bị khởi tố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và doanh nghiệp.
Vấn đề nhức nhối này không chỉ tác động đến niềm tin của người tiêu dùng mà còn làm thiệt hại uy tín của ngành quảng cáo. Với vai trò là một tổ chức nghề nghiệp, HAA luôn kiên định theo đuổi mục tiêu xây dựng một ngành quảng cáo chân chính, minh bạch và có trách nhiệm, thông qua nhiều hoạt động hướng đến doanh nghiệp và cả những người thực hiện quảng cáo, trong đó có đối tượng trẻ - sinh viên.
Ông Nguyễn Ngọc Hồi - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - chia sẻ: “Nhiều người cho rằng không gian mạng là ảo, nhưng hậu quả để lại là thật”. Hệ thống pháp luật hiện hành tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, nhưng cũng kiểm soát hoạt động quảng cáo sai sự thật.
Đã có những trường hợp bị xử lý hình sự vì phát tán hoặc kinh doanh hàng giả trên mạng, quảng cáo sai sự thật. Điều này cho thấy việc phổ cập kiến thức pháp luật và kỹ năng số là cấp thiết, đặc biệt giới trẻ.
Ông nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, TP.HCM cũng đang nỗ lực đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Trong hành trình đó, phát triển nền kinh tế số thông qua thương mại điện tử là xu hướng tất yếu.
