
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Trang tin Axios ngày 14/7 dẫn các nguồn tin am hiểu về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng ông dự định leo thang các hoạt động quân sự ở miền Đông Ukraine trong vòng 60 ngày.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Trump được cho là đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, Tổng thống Putin sẽ một lần nữa tìm cách kiểm soát các vùng lãnh thổ đến tận biên giới hành chính của các tỉnh ở Ukraine, nơi Nga giành được chỗ đứng đáng kể.
Tiết lộ này được đưa ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc tấn công khốc liệt vào tỉnh Donetsk và tìm cách xâm nhập vào tỉnh Dnipropetrovsk lân cận.
Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm phần lớn tỉnh Lugansk, 2/3 tỉnh Donetsk và một số khu vực thuộc tỉnh Zaporizhzhia và Kherson. Moscow đã tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh này sau các cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm 2022.
Quân đội Nga đang tích cực tiến quân về hướng Pokrovsk, gia tăng sức ép lên hệ thống phòng thủ của Ukraine. Pokrovsk là một trung tâm hậu cần quan trọng của lực lượng vũ trang Ukraine tại vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk) ở miền Đông Ukraine.
Thành phố này là một phần của cụm cứ điểm Pokrovsk - Mirnograd, nơi cung cấp hậu cần cho quân đội Ukraine. Việc mất quyền kiểm soát Pokrovsk có thể dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng về hậu cần và làm suy yếu các vị trí của lực lượng vũ trang Ukraine trong khu vực.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cũng xác nhận quân đội Nga được giao nhiệm vụ thiết lập một vùng đệm sâu tới 10km vào vùng Dnipropetrovsk, một khu vực công nghiệp lớn ở miền Trung Ukraine.
Đây là trung tâm khai khoáng và công nghiệp quan trọng của Ukraine và những bước tiến sâu hơn của Nga vào khu vực này có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và quân sự đang gặp khó khăn của Kiev.
Ngày 3/7, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã điện đàm để bàn về nhiều nội dung.
Theo Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov, ông Putin đã thông báo cho ông Trump về tiến trình thực hiện các thỏa thuận Istanbul giữa Nga và Ukraine. Phía Nga mô tả cuộc điện đàm là "thẳng thắn, thực tế, cụ thể".
Ông Putin nói với nhà lãnh đạo Mỹ rằng Nga vẫn theo đuổi một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột Ukraine. Ông cũng khẳng định Nga sẽ không từ bỏ việc loại bỏ tận gốc các nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột hiện tại.
Trong khi đó, ông Trump đã kêu gọi chấm dứt sớm cuộc xung đột ở Ukraine trong cuộc trao đổi. Ngoài ra, hai Tổng thống cũng trao đổi về một số dự án kinh tế đầy triển vọng trong lĩnh vực năng lượng và khám phá không gian giữa hai quốc gia.
Kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay, ông và người đồng cấp Nga Putin đã có ít nhất 6 cuộc điện đàm chính thức. Các cuộc thảo luận tập trung vào nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine, kiểm soát vũ khí và khôi phục quan hệ song phương.
Vào ngày 14/7, ông Trump đã cam kết gửi thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Nếu được chấp thuận, động thái chuyển giao mới này sẽ đánh dấu gói viện trợ quân sự đầu tiên của ông cho Ukraine mà không phải do chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden trước đây khởi xướng.
Ukraine đã nhiều lần hối thúc các đối tác phương Tây mở rộng phạm vi bảo vệ phòng không, khi lực lượng Nga tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine bằng máy bay không người lái, tên lửa và bom.
Tổng thống Trump từng phản đối việc cấp viện trợ mới cho Ukraine, thay vào đó ông muốn theo đuổi chiến lược thúc giục Tổng thống Putin đàm phán. Một làn sóng không kích mới của Nga vào các thành phố của Ukraine và việc Điện Kremlin bác bỏ lệnh ngừng bắn dường như đã làm thay đổi lập trường của Tổng thống Trump.
Theo hãng tin Axios, Tổng thống Mỹ dự kiến sẽ công bố một kế hoạch vũ khí mới cho Ukraine, có thể bao gồm vũ khí tấn công. Các nguồn tin cho biết kế hoạch này có thể bao gồm tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga, bao gồm thủ đô Moscow.