Nguyễn Lưu Diễm Phúc
Trường Đại học Văn Hiến
Email: Phucnld@vhu.edu.vn
Tóm tắt
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, du lịch Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để thu hút du khách toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, du lịch quốc tế tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều hạn chế như sản phẩm chưa đa dạng, thiếu liên kết vùng, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và năng lực cạnh tranh còn thấp so với các quốc gia trong khu vực. Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, làm rõ những thách thức trong tiến trình hội nhập, từ đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch quốc tế bền vững, góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Từ khóa: Đẩy mạnh, phát triển, du lịch quốc tế, du khách, Việt Nam
Summary
Amidst deepening international integration, Vietnam’s tourism industry is facing major opportunities to attract global travelers. However, despite its potential, international tourism in Vietnam continues to encounter several limitations, including a lack of product diversification, weak regional connectivity, inconsistent service quality, and relatively low competitiveness compared to other countries in the region. This article analyzes the development of international tourism in Vietnam, identifies the key challenges in the integration process, and proposes key solutions to foster sustainable international tourism, contributing to elevating Vietnam’s position on the global tourism map.
Keywords: Promotion, development, international tourism, travelers, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những thập niên gần đây, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới. Sự dịch chuyển mạnh mẽ của các dòng khách quốc tế không chỉ mang lại giá trị kinh tế trực tiếp mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh quốc gia và nâng cao vị thế quốc tế. Việt Nam, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa đa dạng và vị trí địa lý chiến lược, là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn nổi bật trên trường quốc tế khi được trao tặng 3 danh hiệu uy tín gồm: “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á” đã được Việt Nam vinh dự nhận lần thứ sáu trong vòng 7 năm gần đây (các năm 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và 2024) (Ngọc Trảng, 2024). Thành tích này một lần nữa khẳng định sức hút mạnh mẽ và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành Du lịch nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tiếp cận các mô hình phát triển tiên tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các dòng khách quốc tế từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Nga… tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách đến Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thực tiễn phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Sản phẩm du lịch chưa thực sự phong phú và mang tính đặc thù cao; hạ tầng du lịch phát triển chưa đồng bộ giữa các vùng miền; năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia; trong khi hoạt động xúc tiến, quảng bá còn thiếu chuyên nghiệp, chưa tận dụng hiệu quả các nền tảng số và chưa có chiến lược bài bản cho từng thị trường cụ thể… Hơn nữa, quá trình hội nhập toàn cầu, bên cạnh những cơ hội, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam. Cạnh tranh về điểm đến ngày càng khốc liệt; xu hướng tiêu dùng du lịch thay đổi nhanh chóng theo hướng cá nhân hóa, số hóa và xanh hóa; yêu cầu về chất lượng dịch vụ, an toàn du lịch, bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa ngày càng cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam không chỉ tiếp tục phát huy tiềm năng sẵn có, mà còn cần có những chiến lược và giải pháp đồng bộ, đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng linh hoạt với bối cảnh toàn cầu hóa.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
Tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn đầu năm 2025
Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế tăng trưởng tích cực. Tổng lượng khách quốc tế đạt trên 9,2 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 5/2025, lượng khách quốc tế đạt 1,53 triệu lượt, tăng 10,5% so với tháng 5/2024 (Đăng Huy, 2025). Điều này phản ánh xu hướng phục hồi mạnh mẽ và bền vững sau đại dịch COVID-19, đồng thời cho thấy hiệu quả bước đầu từ các chính sách điều hành, xúc tiến và ưu đãi thị thực mà Chính phủ và ngành Du lịch đang triển khai.
Hình 1. Khách quốc tế đến Việt Nam theo tháng
(ĐVT: triệu lượt)
![]() |
Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch, 2025 |
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2025, có 85,2% đến bằng đường hàng không, 12,9% bằng đường bộ và 1,9% bằng đường biển (Trung tâm Thông tin Du lịch, 2025). Tỷ lệ rất cao khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không khẳng định vai trò then chốt của các đường bay quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu phát triển hạ tầng hàng không đồng bộ hơn trong thời gian tới.
Cơ cấu thị trường khách quốc tế
Theo số liệu của Cục Thống kê, lượng khách Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với khoảng 2,36 triệu lượt, chiếm 25,7% tổng lượng khách quốc tế, cho thấy vai trò trung tâm của thị trường này trong chiến lược phát triển du lịch dành cho khách quốc tế (inbound) của Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 1,9 triệu lượt (20,7%), khẳng định vị thế là thị trường ổn định và trọng yếu.
Hình 2: 10 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2025
(ĐVT: nghìn lượt)
![]() |
Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch, 2025 |
Bên cạnh đó, các thị trường truyền thống khác tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong top 10, bao gồm: Đài Loan (533.000 lượt), Mỹ (375.000 lượt), Nhật Bản (342.000 lượt), Campuchia (325.000 lượt), Ấn Độ (272.000 lượt), Úc (241.000 lượt), Malaysia (221.000 lượt). Đáng chú ý, Nga trở thành thị trường gửi khách lớn nhất từ châu Âu, với 210 nghìn lượt, đánh dấu mức tăng trưởng vượt bậc và tiềm năng phục hồi rõ rệt.
Xu hướng tăng trưởng theo khu vực và quốc gia
Về động lực tăng trưởng, thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhóm dẫn đầu, đạt mức tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2024. Các thị trường khác cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực như Nhật Bản (+18,3%), Mỹ (+7,2%). Trong khi đó, Hàn Quốc giảm nhẹ 2,4%, cho thấy dấu hiệu chững lại và cần có giải pháp khôi phục phù hợp. Một số thị trường Đông Nam Á cho thấy sự bứt phá rõ rệt, điển hình như Philippines tăng 104,3%, Campuchia tăng 64,8%, Lào tăng 39,8%, tiếp đến là Indonesia (+11,6%), Thái Lan (+4,1%), Malaysia (+2,9%), Singapore (+2,6%). Những thị trường gần này thể hiện xu hướng du lịch ngắn ngày và tăng cường kết nối hàng không trong khu vực.
Thị trường tiềm năng như Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh 38,3%, Úc 13,1%, cho thấy khả năng mở rộng thị trường khách có thời gian lưu trú dài và mức chi tiêu cao. Đặc biệt, Nga tăng trưởng ấn tượng ở mức 121,1%, minh chứng cho hiệu quả từ các chiến dịch xúc tiến tại châu Âu và nhu cầu tăng cao trở lại sau khủng hoảng địa chính trị.
Đáng chú ý, các quốc gia được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể lượng khách đến Việt Nam như Anh (+19,5%), Pháp (+19,8%), Đức (+16,1%), Ý (+24,7%), Tây Ban Nha (+10,3%), Đan Mạch (+10,9%), Thụy Điển (+15,1%), Na Uy (+14,3%). Ngoài ra, các nước thuộc chương trình miễn visa ngắn hạn cũng đạt kết quả khả quan như Ba Lan (+44,5%), Thụy Sỹ (+10,7%) (Trung tâm Thông tin Du lịch, 2025).
Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế
Để thúc đẩy phát triển thị trường quốc tế, ngành Du lịch Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều chiến dịch xúc tiến trọng điểm. Trong tháng 5/2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức chương trình giới thiệu Du lịch Việt Nam tại 3 nước châu Âu: Pháp, Ý và Thụy Sỹ, đồng thời kết hợp quảng bá du lịch - điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes. Tiếp nối chuỗi hoạt động này, trong tháng 6/2025, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại các nước Trung - Đông Âu gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc và Đức. Những nỗ lực quảng bá này không chỉ củng cố thị trường truyền thống mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng mới, góp phần đa dạng hóa nguồn khách quốc tế.
THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM
Mặc dù ngành Du lịch Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút khách quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19 và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, song quá trình phát triển du lịch quốc tế vẫn còn đối mặt với không ít thách thức mang tính hệ thống. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác thị trường quốc tế mà còn làm hạn chế khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bình diện khu vực và toàn cầu.
Hạn chế về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch: Một trong những điểm yếu cố hữu của du lịch Việt Nam là sản phẩm du lịch còn mang tính lặp lại, chưa có nhiều đột phá, thiếu sự đa dạng hóa phù hợp với thị hiếu từng thị trường khách quốc tế. Các sản phẩm mang tính trải nghiệm cao như du lịch cao cấp, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng xanh, du lịch kết hợp hội nghị (MICE)... phát triển chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở một số đô thị lớn và địa phương có tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ tại nhiều điểm đến chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của du khách quốc tế, đặc biệt là về vệ sinh môi trường, an toàn, tiện nghi và giao tiếp.
Thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp: Nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là nhóm lao động có khả năng ngoại ngữ, nghiệp vụ quốc tế và hiểu biết sâu về văn hóa - tâm lý du khách đến từ các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, việc đào tạo chưa gắn với thực tiễn, thiếu sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch, khiến kỹ năng của người lao động không đáp ứng kịp yêu cầu hội nhập quốc tế. Phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là tiêu chí đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững (Đăng Nguyên, 2024).
Hạn chế trong công tác xúc tiến và quảng bá du lịch quốc tế: Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển. Việc thiếu chiến lược quảng bá dài hạn, thiếu thông điệp đặc trưng cho từng thị trường, cùng với việc chưa khai thác hiệu quả các nền tảng truyền thông số và xu hướng marketing du lịch hiện đại đã khiến hình ảnh du lịch Việt Nam chưa tạo được dấu ấn rõ nét trên thị trường quốc tế. Kinh phí dành cho quảng bá còn hạn chế và thiếu cơ chế huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú.
Hạ tầng và kết nối du lịch chưa đồng bộ: Mặc dù hệ thống sân bay, đường cao tốc, cảng biển đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ lượng khách quốc tế lớn và yêu cầu kết nối linh hoạt. Nhiều điểm đến tiềm năng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận, làm giảm sức hút với các nhóm du khách muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng, sinh thái. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật như trung tâm thông tin du lịch, biển chỉ dẫn đa ngôn ngữ, phương tiện công cộng thân thiện với khách quốc tế vẫn còn thiếu.
Cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến trong khu vực: Trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã phát triển mạnh du lịch quốc tế với chiến lược bài bản, sản phẩm sáng tạo và hệ thống hạ tầng đồng bộ. Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Indonesia đều là những đối thủ đáng gờm của Việt Nam, không chỉ về lượng khách mà còn về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của du khách. Trong khi đó, mức độ sẵn sàng của Việt Nam để tiếp cận thị trường khách cao cấp, khách du lịch theo xu hướng cá nhân hóa hoặc thân thiện với môi trường còn hạn chế.
GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các cơ hội từ tiến trình hội nhập và khắc phục những thách thức đã phân tích, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp chiến lược. Các giải pháp không chỉ hướng đến mục tiêu tăng trưởng về lượng khách mà còn phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong dài hạn.
Thứ nhất, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao. Trong bối cảnh nhu cầu và thị hiếu du khách quốc tế ngày càng đa dạng, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính trải nghiệm cao là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam cần tập trung khai thác hiệu quả các loại hình du lịch có giá trị gia tăng cao như du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch golf, du lịch văn hóa - ẩm thực hay du lịch kết hợp hội nghị. Đồng thời, việc thiết kế sản phẩm cần dựa trên nhu cầu cụ thể của từng thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ hoặc Úc… để đảm bảo tính thích ứng và thu hút. Mỗi địa phương cũng nên định vị sản phẩm riêng biệt dựa trên tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa đặc trưng, tránh tình trạng trùng lặp và thiếu dấu ấn vùng miền trong chuỗi sản phẩm du lịch quốc gia.
Thứ hai, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế. Để nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường khách quốc tế, công tác xúc tiến, quảng bá cần được đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp. Việt Nam cần xây dựng chiến lược quảng bá bài bản, dài hạn, có thông điệp rõ ràng gắn với hình ảnh quốc gia và điều chỉnh phù hợp cho từng khu vực thị trường. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội, video marketing và trí tuệ nhân tạo vào quảng bá sẽ giúp mở rộng độ phủ và tương tác với khách quốc tế hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành quốc tế để tổ chức các sự kiện tại những thị trường trọng điểm như Pháp, Ý, Thụy Sỹ, Ba Lan, Đức… để vừa quảng bá vừa tạo cơ hội kết nối kinh doanh du lịch xuyên biên giới.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, cần cải tiến chương trình đào tạo gắn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và khả năng thích ứng với các nhóm khách đa quốc tịch. Việc thiết lập cơ chế liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để đảm bảo đầu ra phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, cần hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho các cấp quản lý, nhân viên tuyến đầu, hướng dẫn viên nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Thứ tư, phát triển hạ tầng và kết nối du lịch quốc tế. Hạ tầng du lịch hiện đại và kết nối thuận tiện là điều kiện tiên quyết để mở rộng thị trường quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống sân bay quốc tế, đặc biệt tại các điểm đến tiềm năng, và mở rộng các đường bay thẳng đến thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu. Song song đó, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các điểm đến như hệ thống giao thông liên vùng, biển chỉ dẫn đa ngôn ngữ, trung tâm hỗ trợ du khách, phương tiện công cộng thân thiện với người nước ngoài. Ngoài ra, phát triển hạ tầng số, như hệ thống thông tin điểm đến trực tuyến, ứng dụng hỗ trợ du khách đa ngôn ngữ cũng là hướng đi cần thiết để bắt kịp xu thế du lịch thông minh toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Đăng Huy (2025). 5 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,2 triệu lượt. https://bvhttdl.gov.vn/5-thang-dau-nam-2025-khach-quoc-te-den-viet-nam-dat-92-trieu-luot-20250606164242986.htm
2. Đăng Nguyên (2024). Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch: Thách thức trước yêu cầu của tình hình mới. https://bvhttdl.gov.vn/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-du-lich-bai-1-thach-thuc-truoc-yeu-cau-cua-tinh-hinh-moi-20240427071506484.htm
3. Ngọc Trảng (2024). 17 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa. https://baovinhlong.com.vn/thoi-su/thoi-su-goc-nhin/202412/17-trieu-luot-khach-quoc-te-va-120-trieu-luot-khach-noi-dia-fac6dc3/
4. Trung tâm thông tin Du lịch (2025). Thông tin Du lịch Tháng 5/2025.
Ngày nhận bài: 4/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 15/7/2025; Ngày duyệt đăng: 17/7/2025 |