Đồng minh NATO "bối rối" khi Mỹ tuyên bố cung cấp vũ khí cho Ukraine

() - Truyền thông phương Tây đưa tin, nhiều đồng minh NATO đã tỏ ra bất ngờ và bối rối khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine và châu Âu là phía chi trả.
Đồng minh NATO bối rối khi Mỹ tuyên bố cung cấp vũ khí cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này công bố kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine dường như đã khiến nhiều đồng minh bất ngờ, khi các nhà ngoại giao khắp châu Âu cho biết họ không được thông báo hay tham vấn trước khi thông báo diễn ra, truyền thông Anh dẫn nguồn tin cho hay.

Theo đó, tuyên bố của ông Trump dường như đang gây ra sự bối rối trong các đối tác chủ chốt của NATO.

Theo đề xuất của ông Trump, các nước thành viên NATO sẽ tặng cho Ukraine các hệ thống tên lửa Patriot, trong khi Mỹ sẽ bán các phiên bản mới hơn cho các nước.

Ngoài ra, ông Trump cũng nói rằng, Mỹ sẽ là bên cung cấp vũ khí và các đồng minh NATO sẽ là những người chi tiền để mua và chuyển cho Ukraine. 

Trong một buổi phát biểu đầu tuần cùng Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Trump khẳng định rằng một số hệ thống có thể được giao cho Ukraine "trong vòng vài ngày".

Tuy nhiên, theo một số quan chức ẩn danh của châu Âu và Mỹ, kế hoạch này dường như đã được soạn thảo một cách nhanh chóng và công bố công khai mà không có thông báo trước cho các quốc gia dự kiến sẽ tham gia.

Trong cuộc họp với ông Trump, ông Rutte đã nêu tên 6 quốc gia thành viên NATO, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Canada, là những nước sẵn sàng tham gia chương trình mua sắm vũ khí này.

Tuy nhiên, các nguồn tin cấp cao tại 2 đại sứ quán của những quốc gia đó ở Washington cho biết họ chỉ nắm được kế hoạch khi nó được công bố. Ngay cả những đồng minh thân cận của Mỹ cũng dường như chỉ nhận được các chi tiết theo thời gian thực.

“Tôi cảm thấy rõ ràng rằng không ai được thông báo trước về các chi tiết cụ thể. Tôi cũng cho rằng chính quyền mới chỉ bắt đầu đánh giá xem việc này có ý nghĩa như thế nào", một đại sứ châu Âu giấu tên, cho biết.

Một số quan chức ban đầu đã bày tỏ sự nhiệt tình. “Chúng tôi sẵn sàng tham gia", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói với báo giới tại Bỉ vào ngày 15/7, trước cuộc họp bộ trưởng của Liên minh Châu Âu.

Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể về việc tham gia vào kế hoạch vẫn còn chưa rõ ràng. Khi được hỏi trong một buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 16/7 về việc có hay không các quốc gia đã chính thức cam kết, người phát ngôn Tammy Bruce từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối cung cấp thêm các thông tin chi tiết.

Một nguồn tin khác cho biết Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Tây Ban Nha có thể là những ứng viên tiềm năng tặng các hệ thống Patriot cho Ukraine.

Trong khi đó, cả Pháp và Italy được cho là đã lựa chọn không tham gia sáng kiến này, với lý do cần ưu tiên chi tiêu cho quốc phòng nội địa.

Một đại sứ Bắc Âu tại Mỹ cho biết, vấn đề nằm ở chi tiết của quyết định, điều dường như phản ánh việc kế hoạch của ông Trump vẫn chưa thực sự rõ ràng với các đồng minh. 

Cho đến nay, chưa có cam kết chính thức nào được xác nhận, và những câu hỏi then chốt vẫn chưa có lời đáp, bao gồm quốc gia nào sẽ chuyển các hệ thống Patriot cho Ukraine, khi nào chúng sẽ đến và cách thức phối hợp nỗ lực này.

Trong khi ông Trump đã mô tả sáng kiến này như một bước đột phá, nhiều quan chức châu Âu cho rằng việc không có sự tham vấn trước đã khiến các đồng minh bối rối chưa hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Mặt khác, Cao ủy của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Kaja Kallas, đã hoan nghênh lời hứa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gửi thêm vũ khí cho Kiev, nhưng nhấn mạnh rằng ông không thể gọi đó là “viện trợ của Mỹ” nếu các thành viên NATO ở châu Âu là bên chi trả toàn bộ cho những vũ khí này.

Bà cũng lưu ý rằng châu Âu “muốn thấy Mỹ chia sẻ gánh nặng" trong việc viện trợ quân sự cho Ukraine.