ThS. Nguyễn Thị Ngọc Thảo
ThS. Ngô Thị Thanh Lan
Hồ Thị Quỳnh Như
Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng
Tóm tắt
TP. Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch và hiện là một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, nhân lực du lịch tại TP. Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế nhất định về cả chất lượng và số lượng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành. Do đó, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đầy đủ về số lượng, đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng cầu thị trường lao động là cấp thiết. Nghiên cứu phản ánh thực trạng đào tạo nhân lực du lịch, đồng thời đề xuất các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch cho TP. Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Du lịch, Đà Nẵng, đào tạo, nhân lực
Summary
Da Nang City possesses significant potential and advantages for tourism development and is currently one of Viet Nam’s key tourism hubs. This rapid growth has created an urgent demand for high-quality tourism human resources. However, Da Nang’s tourism workforce still faces certain limitations in both quality and quantity, thereby affecting the industry's development. Therefore, it is imperative to train and develop a tourism workforce that is sufficient in number, meets national and international standards, and aligns with the labor market demands of the tourism sector. This study reflects the current state of tourism workforce training and proposes solutions for human resource development in the tourism industry of Da Nang City in the current context.
Keywords: Tourism, Da Nang, training, human resources
ĐẶT VẤN ĐỀ
TP. Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm cả nước, có hệ thống hạ tầng hiện đại, nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, tạo nên sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. TP. Đà Nẵng hiện cũng là trung tâm du lịch trọng điểm trong bản đồ du lịch Việt Nam. Thành phố xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển ngành du lịch xứng tầm trong bối cảnh hiện nay, Thành phố cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ đạt chuẩn quốc tế. Trong những năm qua, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch tại TP. Đà Nẵng đã đạt được những thành công bước đầu, như: số lượng lao động qua đào tạo tăng, chất lượng được cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực du lịch của TP. Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển. Vì vậy, việc phân tích thực trạng và tìm ra các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là cần thiết.
THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC DU LỊCH TẠI TP. ĐÀ NẴNG
Thực trạng
Trong những năm qua, ngành du lịch của TP. Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch của Đà Nẵng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, các cơ sở lưu trú phục vụ gần 10,9 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 4,1 triệu lượt; khách nội địa đạt hơn 6,7 triệu lượt. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2024 đạt hơn 31.000 tỷ đồng. Thành phố hiện có 1.290 cơ sở lưu trú du lịch với 46.527 phòng từ 3 đến 5 sao, 548 đơn vị lữ hành, 5.988 hướng dẫn viên du lịch (1.712 hướng dẫn viên nội địa và 4.276 hướng dẫn viên quốc tế). Hoạt động lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực.
Bảng: Lao động ngành du lịch tại TP. Đà Nẵng
Năm |
Tổng lao động du lịch (người) |
Lao động đã qua đào tạo |
Có chứng chỉ ngoại ngữ |
||
Số lượng (người) |
Tỷ lệ (%) |
Số lượng (người) |
Tỷ lệ (%) |
||
2019 |
50.963 |
40.260 |
78 |
27.010 |
53 |
2021 |
15.564 |
12.451 |
80 |
7.003 |
45 |
2022 |
35.306 |
22.949 |
65 |
14.112 |
40 |
2023 |
50.700 |
33.462 |
66 |
20.278 |
40 |
2024 |
56.135 |
36.488 |
65 |
22.342 |
39,8 |
Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng
Theo Bảng, mặc dù số lao động du lịch tại TP. Đà Nẵng tăng mạnh sau đại dịch COVID-19 (từ 15.564 người năm 2021 lên 56.135 người năm 2024) nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là vào mùa cao điểm. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Thành phố còn thấp, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, đa phần tập trung vào các vị trí có yêu cầu kỹ năng đơn giản, như: buồng phòng, phục vụ, hướng dẫn nội địa... Nhiều lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Năm 2024, chỉ có 65% lao động qua đào tạo nhưng đa số mới chỉ được đào tạo ở trình độ trung cấp và sơ cấp.
Thành phố còn thiếu lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực quản lý điều hành, am hiểu về xu thế du lịch toàn cầu và công nghệ số (chỉ có gần 20% lao động có trình độ từ đại học trở lên). Năm 2024, chỉ 39,8% lao động có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ và chủ yếu là sử dụng ngoại ngữ mức cơ bản. Việc thiếu lao động có kỹ năng quản lý và giao tiếp quốc tế, thiếu kỹ năng mềm... đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và sức cạnh tranh và trải nghiệm của du khách.
TP. Đà Nẵng có 13 trường đại học, 19 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và khoảng 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác. Nhiều cơ sở như: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Vatel Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Đà Nẵng, Học viện IBH tại Furama Resort... đào tạo chuyên ngành du lịch - khách sạn - nhà hàng ở nhiều bậc học, từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học. Quy mô đào tạo nhân lực du lịch tăng; số lượng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo ở TP. Đà Nẵng tăng trung bình 9%-11%/năm. Sự đa dạng về chương trình đào tạo góp phần tạo ra hệ sinh thái đào tạo du lịch linh hoạt, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng và nhu cầu thị trường. Các cơ sở đào tạo ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng đào tạo, nghiên cứu, đặc biệt là chủ động trong việc phối hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường thực tế và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên, học viên.
Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng là cơ sở tiêu biểu trong hệ thống cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của Thành phố. Trường đào tạo đa trình độ, gồm: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các khóa đào tạo ngắn hạn, với chương trình đào tạo cập nhật, gắn liền thực tiễn, định hướng kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ chuyên ngành. Trường có cơ sở vật chất hiện đại, có nhà hàng mô phỏng, phòng buồng phòng - lễ tân - bếp đạt chuẩn quốc tế. Trường đã liên kết đào tạo, thực tập, tuyển dụng với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với đội ngũ cán bộ giảng viên và nhân viên 68 người, mỗi năm trường cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đào tạo 700-900 sinh viên; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 90%.
Bên cạnh các cơ sở đào tạo, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức của TP. Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân lực du lịch. Trong đó, Sở Du lịch Đà Nẵng triển khai kế hoạch “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng phục vụ ngành du lịch”, tổ chức nhiều lớp nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành cho lễ tân, hướng dẫn viên, lữ hành… Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng chủ động tổ chức đào tạo nội bộ, mời chuyên gia nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên.
Một số hạn chế
Thứ nhất, số lượng nhân lực du lịch qua đào tạo của TP. Đà Nẵng hiện còn ít, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; thiếu kỹ năng chuyên ngành du lịch; kỹ năng thực hành, kỹ năng ngoại ngữ còn yếu.
Thứ hai, chương trình đào tạo còn thiên về lý thuyết, điều kiện và thời lượng thực hành hạn chế, thiếu cập nhật thực tế... Thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn trong ngành dịch vụ - du lịch quốc tế.
Thứ ba, cơ cấu lao động ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp, không theo kịp tốc độ phát triển thị trường lao động, tỷ lệ làm trái ngành đào tạo còn cao.
Thứ tư, sự gắn kết giữa các bên liên quan (Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp,..) trong đào tạo nhân lực du lịch chưa hiệu quả.
Nguyên nhân của các hạn chế này chủ yếu là do chương trình đào tạo chưa sát thực tế, chưa cập nhật kịp với cầu của thị trường lao động. Trong khi đó, nhiều lao động du lịch được đào tạo bài bản lại lựa chọn chuyển sang ngành khác hoặc ra nước ngoài làm việc (do điều kiện làm việc tại địa phương thiếu ổn định, thu nhập không hấp dẫn...), khiến doanh nghiệp thiếu hụt nhân sự. Cơ sở hạ tầng và thiết bị đào tạo chưa đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Liên kết, phối hợp giữa nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng chất lượng nhân lực du lịch chưa hiệu quả, dẫn đến sinh viên thiếu kỹ năng thực hành thực tế.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC DU LỊCH TẠI TP. ĐÀ NẴNG
Để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng hiệu quả, sát với yêu cầu nhân lực thị trường. Đổi mới phương pháp theo hướng lấy người học làm trung tâm, kết hợp với công nghệ mô phỏng, thực tế ảo. Cập nhật và hiện đại hóa chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực tiễn, tăng ứng dụng công nghệ và thích ứng với xu thế toàn cầu. Tăng cường thời lượng thực tập, thực hành, kiến tập tại doanh nghiệp du lịch. Mời chuyên gia trong ngành tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm.
Hai là, tăng cường hợp tác công tư, hợp tác giữa các bên liên quan trong đào tạo phát triển nhân lực. Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Thành phố. Cơ quan quản lý nên ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch tài trợ học bổng, đào tạo nội bộ, tuyển dụng sinh viên thực tập. Phát triển hệ thống đào tạo kép kết hợp đào tạo lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình giảng dạy và đánh giá.
Ba là, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Tổ chức các lớp ngoại ngữ chuyên ngành du lịch, ưu tiên tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung; các học phần bắt buộc lồng ghép kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử trong môi trường đa văn hóa. Thiết kế các lớp tiếng Anh chuyên ngành bắt buộc đối với sinh viên năm cuối.
Bốn là, TP. Đà Nẵng cần tăng cường đầu tư vào giáo dục nghề du lịch, hình thành và phát triển trung tâm đào tạo nghề du lịch đạt chuẩn quốc tế. Các trường cần tăng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, như: phòng thực hành buồng phòng, nhà hàng mô phỏng, mô hình thực tế ảo. Hợp tác với các tổ chức đào tạo nước ngoài để chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo. Đầu tư vào cơ sở vật chất, công nghệ mô phỏng và giảng viên chất lượng cao.
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo nhân lực du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào đào tạo như học liệu số, mô phỏng dịch vụ ảo, quản lý thực hành qua hệ thống phần mềm chuyên ngành. Số hóa các chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch. Ứng dụng công nghệ ảo vào đào tạo nhân lực du lịch.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực du lịch. Khuyến khích nhân lực du lịch không ngừng học tập nâng cao trình độ. Mở rộng các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động đang làm việc. Hợp tác với doanh nghiệp du lịch trong việc mở rộng cơ hội thực tập, việc làm và nâng cao năng lực cho người học. Thúc đẩy đào tạo theo hướng quốc tế hóa, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các mô hình du lịch hiện đại.
KẾT LUẬN
Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là nhiệm vụ chiến lược trong tiến trình chuyên nghiệp hóa ngành du lịch tại TP. Đà Nẵng. Thực tiễn cho thấy, quá trình phát triển nhân lực du lịch không thể tách rời công tác đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, để đào tạo và phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển du lịch TP. Đà Nẵng, rất cần có sự đồng bộ trong chính sách, đầu tư cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.
(*)Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Thanh Huyền (2017). Quản lý nhà nước về phát triển nhân lực du lịch Đà Nẵng, thực trạng và giải pháp. Tạp chí Sinh hoạt lý luận, 3.
2. Nguyễn Thị Kiều Trinh (2024). Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch thành phố đà nẵng dưới sự tác động của đại dịch COVID-19. Tạp chí khoa học kinh tế, 11(03).
3. Nguyễn, V. H và Lê, T. B. (2021), Mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong phát triển nhân lực ngành du lịch. Tạp chí Giáo dục nghề nghiệp, (67), 44-49.
4. UNWTO (2022). Tourism and Jobs: Building a Better Future for All. World Tourism Organization.
Ngày nhận bài: 17/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 24/7/2025; Ngày duyệt đăng: 25/7/2025 |