Đánh giá mức độ hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang

Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ hài lòng của thành viên về việc cung cấp các dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang.

Trần Quốc Nhân

Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ

Email: tqnhan@ctu.edu.vn

Trần Đình Duệ

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

Lê Văn Tuyên

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm đánh giá mức độ hài lòng của thành viên về việc cung cấp các dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hộ thành viên sử dụng các dịch vụ nông nghiệp do hợp tác xã cung cấp chưa cao, tuy nhiên họ khá hài lòng khi sử dụng các dịch vụ của hợp tác xã cũng như các hoạt động của hợp tác xã nói chung.

Từ khóa: Dịch vụ, hài lòng, hợp tác xã nông nghiệp

Summary

This study aims to assess member satisfaction with the provision of services by agricultural cooperatives in Hau Giang Province. Survey results indicate that the proportion of member households utilizing agricultural services provided by cooperatives remains relatively low; however, they are fairly satisfied with the services offered as well as the overall activities of the cooperatives.

Keywords: Services, satisfaction, agricultural cooperatives

GIỚI THIỆU

Hậu Giang là tỉnh thuần nông có vị trí địa lý ở vùng trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp luôn được Tỉnh quan tâm đầu tư và phát triển. Trong đó, lĩnh vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã (HTX) chú trọng phát triển. Ngày 18/7/2018, Tỉnh ủy Hậu Giang ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Ngày 05/8/2020, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 1656/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025. Trong 5 năm trở lại đây, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh. Đến cuối năm 2023, tỉnh Hậu Giang có 243 HTX, trong đó 211 HTX nông nghiệp, 10 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 6 HTX vận tải, 3 HTX thương mại - dịch vụ, 13 HTX xây dựng và 4 liên hiệp HTX.

HTX nông nghiệp chiếm khoảng 86,9% tổng số HTX trong toàn tỉnh với tổng thành viên là 6.677 người và tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 213 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của HTX hơn 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 55 triệu đồng/người/năm. Kết quả phân loại các HTX theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT cho thấy HTX xếp loại khá chiếm 69,5%, HTX xếp loại trung bình chiếm 24,8% và HTX xếp loại yếu chiếm 5,7% (Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, 2024).

Bên cạnh việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp trong vùng nguyên liệu trên địa bàn Tỉnh, các HTX nông nghiệp, còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho thành viên. Các HTX thường cung cấp cho thành viên các dịch vụ như dịch vụ bơm tưới, thu hoạch (55%); cung ứng vật tư nông nghiệp (13%); cung cấp giống cây trồng, vật nuôi (15%) và cung cấp dịch vụ làm đất (17%).

Các hoạt động dịch vụ của HTX góp phần làm giảm chi phí sản xuất cho thành viên do chi phí dịch vụ của HTX thường thấp hơn so với các đơn vị tư nhân cung cấp, mục đích hoạt động của HTX là phi lợi nhuận và mang tính chất hỗ trợ cho thành viên là chính. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá mức độ hài lòng của thành viên trong việc sử dụng dịch vụ do HTX cung cấp. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để đề xuất giải pháp giúp các HTX cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ để phục vụ cho thành viên tốt hơn.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp chọn mẫu và thu thập số liệu

Bài viết sử dụng phương pháp điều tra hộ để thu thập thông tin và số liệu. Nhóm nghiên cứu chọn những HTX có cung cấp dịch vụ cho thành viên để khảo sát. Ở mỗi HTX đã chọn, nhóm nghiên cứu chọn ngẫu nhiên từ 20 - 25 hộ thành viên để thu thập thông tin thông qua việc phỏng vấn trực tiếp dựa vào bảng hỏi cấu trúc. Thang đo Likert 3 mức độ (1: Không hài lòng; 2: Hài lòng và 3: Rất hài lòng) được sử dụng để đánh giá mức độ hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Nhóm nghiên cứu đã chọn 10 HTX có cung cấp các dịch vụ và hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái để khảo sát. Tổng số hộ tham gia HTX được khảo sát là 231 hộ thành viên.

Phương pháp phân tích số liệu

Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả để đánh giá mức độ hài lòng về sử dụng dịch vụ HTX của thành viên.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thông tin chung về hộ khảo sát

Kết quả (Bảng 1) cho thấy, trình độ học vấn của đáp viên khoảng lớp 7. Tuổi đáp viên trung bình khoảng 53, với kinh nghiệm sản xuất hơn 25 năm và thời gian tham gia HTX khoảng 7 năm. Về quy mô sản xuất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ khảo sát khoảng 1,4 ha. Thu nhập của nông hộ chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chiếm 90,17% tổng thu nhập của nông hộ.

Bảng 1: Thông tin chung về mẫu khảo sát

Tiêu chí

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Tuổi đáp viên (tuổi)

53,48

12,07

Kinh nghiệm sản xuất (năm)

25,46

14,19

Trình độ học vấn đáp viên (năm học)

6,91

2,96

Tổng diện tích đất nông nghiệp (ha/hộ)

1,44

1,18

Tỉ lệ thu nhập từ nông nghiệp của hộ (%)

90,17

-

Tỉ lệ hộ tham gia tập huấn (%)

79,65

-

Tỉ lệ hộ tham gia hội thảo (%)

52,81

-

Số năm tham gia HTX

7,0

2,6

Tỉ lệ hộ có góp vốn vào HTX (%)

76,62

-

Số tiền góp vốn vào HTX (triệu đồng/hộ)

4,72

9,49

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích

Số liệu phân tích (Bảng 2) cho thấy, số năm tham gia HTX của thành viên khoảng 7 năm và tỷ lệ thành viên có góp vốn khoảng 76,62% với số vốn góp trung bình của mỗi thành viên khoảng 4,72 triệu đồng/hộ thành viên. Kết quả phân tích cũng cho thấy, tỷ lệ hộ tham dự tập huấn chiếm khoảng 79,65% và tham gia hội thảo chiếm khoảng 52,81%.

Bảng 2: Mức độ sử dụng dịch vụ HTX của nông dân

Tiêu chí

Tần suất

Tỉ lệ (%)

Sử dụng dịch vụ cung cấp giống của HTX

124

53,68

Sử dụng dịch vụ cung cấp phân bón của HTX

146

63,20

Sử dụng dịch vụ cung cấp thuốc BVTV của HTX

137

59,31

Sử dụng cung cấp túi bao trái của HTX

25

10,82

Sử dụng dịch vụ bơm nước của HTX

126

54,55

Sử dụng tín dụng của HTX

36

15,58

Sử dụng dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm của HTX

103

44,59

Sử dụng dịch vụ liên kết vật tư đầu vào của HTX

100

43,29

Sử dụng dịch vụ thu mua sản phẩm của HTX

35

15,15

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích

Đánh giá hài lòng của nông dân trong việc sử dụng dịch vụ của HTX

Kết quả khảo sát cho thấy, các HTX cung cấp dịch vụ do cho thành viên chủ yếu tập trung vào cung cấp vật tư đầu vào sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư khác như túi bao trái; liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm và thu mua sản phẩm cho thành viên và cung cấp dịch vụ tín dụng cho thành viên. Nhìn chung, thành viên rất hài lòng khi sử dụng các dịch vụ của HTX, mức đánh giá thấp nhất là 2,43 và cao nhất là 2,72 (Hình 1).

Đánh giá mức độ hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang
Hình 1: Mức độ hài lòng sử dụng dịch vụ của HTX

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích

Nhóm dịch vụ có liên quan đến hoạt động tiêu thụ nông sản, kết quả cho thấy, thành viên có mức độ hài lòng cao nhất về việc thu mua sản phẩm của thành viên (2,72/3); tuy nhiên mức độ sử dụng dịch vụ này chỉ khoảng 15,15%. Điều này cho thấy, có thể nhiều HTX không thực hiện dịch vụ thu mua nông sản hay thành viên không sử dụng dịch vụ của HTX vẫn còn cao. Dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được thành viên đánh giá khá hài lòng (2,51/3), tỷ lệ thành viên có sử dụng dịch vụ này khá cao, chiếm 44,59% số mẫu khảo sát.

Nhóm dịch vụ có liên quan đến hoạt động cung cấp vật tư đầu vào sản xuất như: Cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và túi bao trái; bên cạnh việc cung ứng trực tiếp, HTX còn liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào cho thành viên. Kết quả cho thấy, thành viên khá hài lòng về dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cung cấp giống của HTX, cũng như việc liên kết của HTX với các doanh nghiệp để cung cấp vật tư đầu vào sản xuất cho thành viên, đánh giá đều đạt ở mức trên 2,4/3. Đánh giá về dịch vụ cung cấp túi bao trái ở các HTX sản xuất cây ăn trái khá tốt, đạt 2,6/3.

Ngoài ra, dịch vụ bơm nước của HTX cũng được thành viên sử dụng nhiều và mức độ hài lòng khá cao (2,6/3). Đây là dịch vụ quan trọng của các HTX sản xuất lúa vì đa số thành viên sử dụng dịch vụ bơm nước chung của HTX, qua đó giúp tiết giảm chi phí sản xuất vì phí dịch vụ bơm nước được HTX thu thấp hơn đối với thành viên.

Dịch vụ tín dụng được thành viên đánh giá rất hài lòng (2,7/3), tuy nhiên tỷ lệ thành viên có vay vốn tín dụng của HTX chỉ chiếm khoảng 15,58% tổng số mẫu khảo sát. Điều này có thể do các HTX không cung cấp dịch vụ tín dụng cho thành viên hay các thành viên không có nhu cầu vay vốn từ HTX.

Nhìn chung, tỷ lệ thành viên sử dụng do HTX cung cấp của thành viên còn thấp, điều này có thể do các dịch vụ của HTX chưa cạnh tranh được với các dịch vụ do các đơn vị tư nhân cung cấp. Các dịch vụ của từng HTX cung cấp cũng có giới hạn, không thể cung cấp hết tất cả các dịch vụ phục vụ sản xuất cho thành viên nên có thể chưa đáp ứng hết được yêu cầu của họ.

Đánh giá sự hài lòng về kết quả hoạt động của HTX

Kết quả phân tích cho thấy, thành viên khá hài lòng về kết quả hoạt động của HTX, mức độ hài lòng được thành viên đánh giá dao động từ 2,28/3-2,4/3. Kết quả khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng chung về các dịch vụ của HTX được thành viên đánh giá ở mức 2,37/3. Về khâu tổ chức và quản lý hoạt động của HTX, kết quả trình bày ở Hình 2 cho thấy thành viên khá hài lòng về khâu tổ chức và quản lý các hoạt động của ban lãnh đạo HTX, đặc biệt trong khâu quản lý tài chính của HTX khá rõ ràng và minh bạch.

Đánh giá mức độ hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang
Hình 2: Hài lòng về hoạt động chung của HTX

Nguồn: Nhóm tác giả phân tích

Theo đánh giá của thành viên, nhìn chung HTX có mối liên kết và quan hệ hợp tác khá tốt với các cơ quan ở địa phương như: Tổ kỹ thuật, phòng tài chính - kế hoạch, phòng nông nghiệp hay phòng kinh tế cũng như các cơ quan liên quan ở cấp tỉnh như liên minh HTX, chi cục phát triển nông thôn. Ngoài ra, HTX còn hợp tác và liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư đầu vào sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Nhìn chung, thành viên khá hài lòng về mối quan hệ hợp tác của HTX với các cơ quan, ban ngành ở địa phương và các doanh nghiệp.

Hiệu quả hoạt động của HTX khá tốt thông qua kết quả đánh giá của thành viên là khá hài lòng về hiệu quả hoạt động của HTX. Điều này được thể hiện qua các dịch vụ do HTX cung cấp cho thành viên. Do đó, thành viên cảm thấy khá hài lòng về lợi ích do HTX mang lại như được tham dự tập huấn, được tham dự các hội thảo hay được đi tham quan học tập. Đặc biệt, các dịch vụ do HTX cung cấp như giống, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật thường thấp hơn so với khi mua ở cửa hàng vật tư nông nghiệp.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ thành viên sử dụng một số dịch vụ do HTX cung cấp còn ở mức thấp. Tuy vậy, thành viên nhìn chung đánh giá tích cực đối với chất lượng dịch vụ cũng như hoạt động tổ chức và quản lý của HTX.

Để nâng cao mức độ tham gia và sự gắn kết của thành viên trong thời gian tới, các HTX cần tập trung cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất. Việc này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của thành viên mà còn thúc đẩy sự gắn bó lâu dài giữa thành viên và HTX.

Ban lãnh đạo HTX nên chủ động thiết lập mối liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên. Cách tiếp cận này giúp HTX phát huy vai trò kết nối, đồng thời phù hợp với điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn chế hiện nay. Bên cạnh đó, HTX cần tăng cường hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp như làm đất, phun thuốc, thu hoạch... nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh từ các khâu trung gian, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất cho thành viên.

(*)Nghiên cứu này là một phần kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Hậu Giang năm 2023.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cronin Jr., J., & Taylor, S. A (1992). Measuring service quality: A reexamination and extension. Journal of Marketing, 56 (3), 55 - 68, https://doi.org/10.1177/002224299205600304

2. Kotler, P. (2000). Marketing Management (10th ed.). New Jersey: Prentice-Hall.

3. Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang (2024). Báo cáo tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025.

4. Tỉnh ủy Hậu Giang (2018). Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 18/7/2018 của Tỉnh ủy Hậu Giang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh.

5. UBND tỉnh Hậu Giang (2020). Kế hoạch số 1656/KH-UBND ngày 05/8/2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Ngày nhận bài: 08/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 16/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025