
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra (Ảnh: Reuters).
Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 1/7 đã ra quyết định đình chỉ công tác Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong lúc chờ xét xử vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà, gia tăng thêm áp lực lên chính phủ vốn đang chịu chỉ trích từ nhiều phía.
Trong thông cáo, tòa án cho biết đã chấp nhận đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ cáo buộc bà Paetongtarn không trung thực và vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức theo hiến pháp, liên quan đến vụ rò rỉ một cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Ai sẽ lãnh đạo chính phủ Thái Lan hiện tại?
Trong bối cảnh Thủ tướng bị đình chỉ chức vụ, Phó Thủ tướng Thái Lan Suriya Juangroongruangkit, người đang giữ chức Bộ trưởng Giao thông, sẽ trở thành lãnh đạo tạm quyền của chính phủ.
Ông Suriya, 70 tuổi, là một cựu chiến binh của chính trường Thái Lan, từng tham gia vào cuộc xung đột trong thập niên 1990 và đã đảm nhiệm nhiều vị trí trong nội các cho nhiều đảng phái, bao gồm cả đảng tiền nhiệm của đảng Pheu Thai cầm quyền.
Vụ kiện sẽ diễn ra như thế nào?
Theo trang Nation Thailand, toàn bộ 9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp Thái Lan bỏ phiếu nhất trí xem xét đơn kiện chống lại Thủ tướng Paetongtarn. Ngoài ra, 7 thẩm phán bỏ phiếu ủng hộ phương án đình chỉ chức vụ của bà Paetongtarn, trong khi 2 thẩm phán còn lại phản đối.
Tòa yêu cầu bà Paetongtarn phải đệ trình văn bản bào chữa trong vòng 15 ngày. Đồng thời, tòa cũng yêu cầu bà tạm ngừng thực hiện nhiệm vụ thủ tướng từ ngày 1/7, cho đến khi có phán quyết cuối cùng về vụ kiện.
Bà Paetongtarn làm gì trong thời gian bị đình chỉ chức vụ?
Bà Paetongtarn vẫn sẽ giữ ghế trong nội các với vai trò tân Bộ trưởng Văn hóa sau đợt cải tổ chính phủ vừa qua.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/7, bà Paetongtarn có thể tham dự các cuộc họp nội các với tư cách là Bộ trưởng Văn hóa, bất chấp lệnh đình chỉ chức vụ từ Tòa án Hiến pháp Thái Lan.
Quốc hội sẽ hành động như thế nào?
Quốc hội Thái Lan sẽ họp lại vào ngày 3/7.
Đảng Bhumjaithai, đảng từng tham gia liên minh cầm quyền của bà Paetongtarn, thúc đẩy bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với bà Paetongtarn và nội các của bà.
Tuy nhiên, động thái này không thể thực hiện khi bà Paetongtarn đang bị đình chỉ chức vụ. Trong mọi trường hợp, để nỗ lực này thành công, đảng Bhumjaithai sẽ cần sự ủng hộ của đảng Nhân dân, nhóm đối lập lớn nhất vẫn chưa quyết định về lập trường của mình.
Cuộc điều tra nào đang được tiến hành?
Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC), cơ quan có thẩm quyền rộng, cũng đang điều tra bà Paetongtarn về bất kỳ hành vi vi phạm đạo đức nào phát sinh từ cuộc điện đàm bị rò rỉ giữa Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Điều này dựa trên đơn kiến nghị do 36 thượng nghị sĩ đệ trình ngày 19/6, đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan điều tra đoạn ghi âm bị rò rỉ về cuộc trò chuyện của bà Paetongtarn và ông Hun Sen.
Các nghị sĩ cho rằng, đoạn ghi âm cho thấy bà Paetongtarn có thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức. Họ cũng cáo buộc bà đã lạm dụng quyền lực bằng cách không tách bạch lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, vi phạm nguyên tắc phụng sự công và quản trị minh bạch.
Trong cuộc điện đàm hôm 15/6 nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới với Campuchia, bà Paetongtarn, 38 tuổi, bị cho là đã tỏ thái độ nhún nhường trước ông Hun Sen, trong khi chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan. Sau đó, bà đã công khai xin lỗi và nói rằng phát biểu này chỉ là một chiến thuật đàm phán.
Không rõ khi nào NACC sẽ kết thúc cuộc điều tra, nhưng quá trình này có thể dẫn đến một vụ việc khác tại Tòa án Tối cao Thái Lan, nơi có thể ra phán quyết cấm bà Paetongtarn tham gia chính trường.