NCS. Lê Nguyễn Thành Đồng
Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Email: lnt.dong83@hutech.edu.vn
Tóm tắt
Chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng số hóa. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam, nhóm chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn là yêu cầu sống còn trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, quá trình triển khai chuyển đổi số trong SMEs vẫn gặp nhiều thách thức. Bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thực hiện chuyển đổi số trong SMEs từ góc độ quản trị, chỉ ra những cơ hội, tiềm năng cũng như những rào cản, thách thức; từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số bền vững trong khu vực doanh nghiệp này.
Từ khóa: Chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa, rào cản, thách thức, giải pháp
Summary
Digital transformation is becoming an inevitable trend in the context of an increasingly digitized global economy. For small and medium-sized enterprises (SMEs) in Vietnam, which account for over 97% of the total number of businesses, digital transformation is not only an opportunity to enhance competitiveness but also a vital requirement in the post-Covid-19 era and the context of deep international integration. However, the implementation of digital transformation in SMEs still faces numerous challenges. This article analyzes the factors influencing the ability to implement digital transformation in SMEs from a management perspective, identifies opportunities, potentials, as well as barriers, and challenges, and thereby proposes practical solutions to promote sustainable digital transformation in this business sector.
Keywords: Digital transformation, small and medium-sized enterprises, barriers, challenges, solutions
ĐẶT VẤN ĐỀ
Chuyển đổi số đã và đang trở thành một động lực thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Tại Việt Nam, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thông qua “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020), trong đó xác định doanh nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng bên cạnh Chính phủ số và xã hội số. Tuy nhiên, mức độ tham gia và triển khai chuyển đổi số giữa các nhóm doanh nghiệp đang có sự chênh lệch rõ rệt, đặc biệt là đối với khối SMEs.
Theo Báo cáo Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2022, SMEs chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra trên 60% việc làm cho xã hội (MPI, 2022). Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy, song SMEs vẫn đối mặt với hàng loạt rào cản trong hành trình chuyển đổi số. Những khó khăn phổ biến bao gồm: hạn chế về vốn đầu tư công nghệ, năng lực quản trị còn yếu, thiếu hụt nhân lực có trình độ công nghệ thông tin và thiếu chiến lược số hóa rõ ràng (Nguyen, 2023). Thực tế cho thấy, phần lớn SMEs chỉ mới tiếp cận chuyển đổi số ở cấp độ sơ khai, chủ yếu là sử dụng phần mềm kế toán, bán hàng hoặc các nền tảng mạng xã hội phục vụ tiếp thị, thay vì thực hiện số hóa toàn diện quy trình hoạt động hay mô hình kinh doanh (VCCI, 2023). Bên cạnh đó, khảo sát của Deloitte (2023) tại khu vực Đông Nam Á cho thấy, các SMEs tại Việt Nam tụt hậu đáng kể so với doanh nghiệp cùng quy mô tại Singapore, Malaysia hay Thái Lan trong việc ứng dụng các công nghệ như: AI, IoT, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Điều này cho thấy không chỉ là vấn đề về nhận thức, mà còn liên quan đến thể chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi công nghệ, cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.
Quá trình chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mà là quá trình thay đổi tổng thể từ tư duy chiến lược, mô hình kinh doanh đến cấu trúc tổ chức và văn hóa doanh nghiệp. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng triển khai chuyển đổi số của SMEs là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu không chỉ mang ý nghĩa lý luận trong việc củng cố khung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số, mà còn đóng góp thực tiễn cho nhà hoạch định chính sách, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và chính bản thân các SMEs trong việc xây dựng chiến lược và lộ trình số hóa hiệu quả hơn trong tương lai.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Khái niệm về chuyển đổi số
Chuyển đổi số được hiểu là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp nhằm tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức tổ chức hoạt động và tạo ra giá trị cho khách hàng (Vial, 2019). Khác với quá trình số hóa (digitization), là việc chuyển đổi dữ liệu vật lý sang dạng số và tự động hóa (automation), là việc ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động thủ công, chuyển đổi số bao hàm cả sự thay đổi về chiến lược, văn hóa tổ chức và mô hình kinh doanh (Bharadwaj, 2013).
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và kỳ vọng của khách hàng thay đổi nhanh chóng, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà là điều kiện sống còn đối với doanh nghiệp, kể cả SMEs. Tuy nhiên, khả năng triển khai thành công chuyển đổi số chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nội tại và ngoại tại, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực của SMEs còn hạn chế.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs
Năng lực lãnh đạo và cam kết chiến lược
Cam kết và tầm nhìn của lãnh đạo đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Lãnh đạo là người định hướng chiến lược, phân bổ nguồn lực và tạo dựng văn hóa tổ chức phù hợp với tư duy số (Westerman và cộng sự, 2014). Đối với SMEs, nơi người lãnh đạo thường đồng thời là người sáng lập, việc họ chấp nhận thay đổi và đầu tư dài hạn là yếu tố sống còn (Matarazzo và cộng sự, 2021).
Hạ tầng công nghệ và hệ thống thông tin
Hạ tầng công nghệ bao gồm phần cứng, phần mềm, hệ thống mạng và nền tảng dữ liệu. Việc thiếu nền tảng công nghệ ổn định và linh hoạt khiến nhiều SMEs khó mở rộng quy mô chuyển đổi số (Li, 2023). Ngoài ra, khả năng tích hợp hệ thống và đảm bảo an ninh mạng là 2 yếu tố kỹ thuật đặc biệt quan trọng.
Nguồn nhân lực và kỹ năng số
Sự thiếu hụt kỹ năng số trong lực lượng lao động là một trong những rào cản lớn nhất đối với SMEs. Các kỹ năng quan trọng bao gồm: phân tích dữ liệu, vận hành nền tảng số và kỹ năng học tập công nghệ mới (Al-Omoush, 2022). Các doanh nghiệp thiếu chiến lược phát triển năng lực số nội bộ thường không thể duy trì kết quả chuyển đổi số lâu dài.
Văn hóa tổ chức và khả năng thích nghi
Một văn hóa cởi mở, khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận rủi ro là nền tảng để quá trình chuyển đổi số thành công. Doanh nghiệp có cấu trúc cứng nhắc, tôn ti trật tự quá lớn hoặc sợ thay đổi thường thất bại khi đưa vào các mô hình công nghệ mới (Vial, 2019). Văn hóa học tập liên tục, tư duy hướng đến khách hàng và đổi mới được xem là những trụ cột văn hóa quan trọng cho chuyển đổi số.
Mức độ hỗ trợ từ hệ sinh thái bên ngoài
Hệ sinh thái bên ngoài bao gồm các tác nhân bên ngoài doanh nghiệp, đóng vai trò hỗ trợ hoặc cản trở quá trình chuyển đổi số. Có thể chia nhóm này thành 4 yếu tố cụ thể như sau:
Chính sách công và khung pháp lý: Các chương trình hỗ trợ của nhà nước như: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (2020), Quỹ đổi mới công nghệ, hoặc các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tạo động lực quan trọng cho SMEs chuyển đổi số. Tuy nhiên, mức độ phổ biến và khả năng tiếp cận thực tế của các chính sách này vẫn còn hạn chế (Nguyen và Le, 2022).
Mạng lưới đối tác công nghệ: Các nhà cung cấp giải pháp công nghệ (vendor), chuyên gia tư vấn và các startup công nghệ là nguồn lực giúp SMEs lựa chọn, triển khai và vận hành giải pháp chuyển đổi số. Việc thiếu liên kết chặt chẽ với các bên này khiến SMEs tự mò mẫm, triển khai rời rạc và dễ thất bại (Li và cộng sự, 2023).
Tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp: Bao gồm hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm khởi nghiệp và các tổ chức tài chính hỗ trợ SMEs. Đây là nơi cung cấp tài nguyên đào tạo, thông tin thị trường và kết nối công nghệ. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực khiến doanh nghiệp ở địa phương gặp bất lợi (Nguyen, 2023).
Áp lực cạnh tranh từ thị trường: Mức độ cạnh tranh và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng là động lực để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Những ngành như: logistics, bán lẻ, tài chính… đang bị buộc phải thay đổi nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. SMEs hoạt động trong các ngành có tính cạnh tranh cao có xu hướng chuyển đổi sớm hơn.
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA CÁC SMEs
Cơ hội, tiềm năng
Quá trình chuyển đổi số trong các SMEs có những cơ hội và tiềm năng nhất định. Cụ thể:
Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ SMEs trong quá trình chuyển đổi số, như “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế như: GIZ, USAID, JICA cũng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bao gồm: đào tạo, tư vấn và hỗ trợ công nghệ.
Sự phát triển của hạ tầng công nghệ và dịch vụ số
Sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng công nghệ, như: mạng 5G, điện toán đám mây và các nền tảng số, tạo điều kiện thuận lợi cho SMEs tiếp cận và triển khai các giải pháp công nghệ với chi phí hợp lý. Ngoài ra, sự gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ trong nước cũng giúp SMEs dễ dàng tìm kiếm đối tác phù hợp.
Thị trường tiêu dùng số hóa và xu hướng kinh doanh mới
Sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, với xu hướng mua sắm trực tuyến và sử dụng các dịch vụ số, tạo ra cơ hội lớn cho SMEs mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng mới thông qua các kênh số. Việc áp dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng doanh thu.
Khả năng nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động
Chuyển đổi số giúp SMEs tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý và kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động. Việc áp dụng các hệ thống quản lý hiện đại như: ERP, CRM và các công cụ phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn.
Cơ hội hợp tác và học hỏi từ các doanh nghiệp tiên phong
Việc tham gia vào các mạng lưới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số giúp SMEs có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp tiên phong, tiếp cận các giải pháp công nghệ phù hợp và nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia trong lĩnh vực.
Rào cản, thách thức
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, quá trình chuyển đổi số trong các SMEs phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể:
Hạn chế về tài chính và nguồn lực đầu tư
Một trong những rào cản lớn nhất đối với các SMEs tại Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số là hạn chế về tài chính. Việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý và đào tạo nhân lực đòi hỏi chi phí đáng kể, điều mà nhiều SMEs không đủ khả năng chi trả. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), nhiều SMEs cho biết, chi phí đầu tư cao cho công nghệ là một trong những nguyên nhân chính khiến họ chậm triển khai chuyển đổi số.
Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và kỹ năng số
Nguồn nhân lực có kỹ năng số là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều SMEs gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên có trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng số cần thiết. Ngoài ra, việc đào tạo lại nhân viên hiện tại để thích nghi với công nghệ mới cũng là một thách thức lớn. Theo báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), thiếu hụt nhân lực kỹ thuật là một trong những khó khăn chính mà SMEs đối mặt khi triển khai chuyển đổi số.
Thiếu chiến lược và lộ trình chuyển đổi số rõ ràng
Nhiều SMEs chưa xây dựng được chiến lược và lộ trình cụ thể cho quá trình chuyển đổi số. Việc thiếu định hướng rõ ràng dẫn đến việc triển khai các giải pháp công nghệ một cách rời rạc, thiếu hiệu quả và không đồng bộ. Hiện một số SMEs không xác định được lộ trình chuyển đổi số phù hợp dẫn đến gặp khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ một cách tối ưu.
Hạn chế về nhận thức và hiểu biết về chuyển đổi số
Mặc dù khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ bản chất và lợi ích của nó. Một số doanh nghiệp chỉ coi chuyển đổi số là việc áp dụng công nghệ thông tin vào một số hoạt động nhất định, mà chưa nhận thức được rằng đó là một quá trình thay đổi toàn diện về mô hình kinh doanh và quản trị. Theo đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, dẫn đến việc đầu tư giải pháp không mang lại hiệu quả (Đan Thanh, 2024).
Khó khăn trong việc lựa chọn và triển khai công nghệ phù hợp
Với sự đa dạng của các giải pháp công nghệ trên thị trường, SMEs thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô và đặc thù hoạt động của mình. Việc thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn khiến doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng “lạc lối” trong quá trình lựa chọn và triển khai công nghệ. Theo một chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi số, những “băn khoăn” thường xuyên của các SMEs là lựa chọn đúng nền tảng chuyển đổi số phù hợp, bởi nếu lựa chọn nhà tư vấn không phù hợp dẫn đến tổn thất cả thời gian và tiền bạc (Trình, 2023).
Rào cản văn hóa và thói quen kinh doanh truyền thống
Thay đổi thói quen và văn hóa doanh nghiệp là một trong những thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì phương thức kinh doanh truyền thống, ngại thay đổi và không sẵn sàng chấp nhận rủi ro từ việc áp dụng công nghệ mới. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), 52,3% doanh nghiệp cho rằng, khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh là rào cản lớn thứ hai khiến họ gặp khó khăn trong chuyển đổi số.
GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT
Để vượt qua những rào cản, thách thức, thúc đẩy chuyển đổi số bền vững, trong thời gian tới, các SMEs cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, phát triển chiến lược chuyển đổi số phù hợp theo từng giai đoạn
Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số theo từng giai đoạn cụ thể, từ nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng các công cụ cơ bản (như: ERP, CRM, phần mềm kế toán), đến từng bước tích hợp các công nghệ nâng cao (AI, dữ liệu lớn, IoT). Mô hình “chuyển đổi số tối thiểu khả thi” (Minimum Viable Digital Transformation) nên được áp dụng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt hiệu quả (Li, 2023).
Hai là, đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng số cho nhân sự
Chuyển đổi số thành công phụ thuộc lớn vào năng lực nội bộ. Doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo định kỳ về kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn dữ liệu, tư duy số cho nhân viên và quản lý. Có thể hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc các nền tảng đào tạo trực tuyến để tối ưu chi phí.
Ba là, tăng cường kết nối với hệ sinh thái chuyển đổi số
Doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào các mạng lưới hỗ trợ như: trung tâm đổi mới sáng tạo, hiệp hội ngành nghề và các chương trình chuyển đổi số cấp tỉnh/thành. Việc hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ uy tín giúp SMEs tránh sai lầm trong chọn lựa giải pháp, đồng thời tiếp cận nhanh các công nghệ phù hợp với đặc thù ngành.
Bốn là, tận dụng các chính sách và chương trình hỗ trợ của Chính phủ
SMEs nên tích cực tìm hiểu và đăng ký tham gia các chương trình như “Hỗ trợ SMEs chuyển đổi số” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai từ năm 2021. Các chính sách ưu đãi tín dụng, giảm thuế, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật… hiện đang có sẵn, nhưng ít được khai thác do thiếu thông tin và năng lực tiếp cận (Nguyen và Le, 2022). Các địa phương cũng nên có thêm các cán bộ chuyên trách giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn các chính sách này.
Năm là, thay đổi tư duy lãnh đạo và văn hóa tổ chức
Lãnh đạo doanh nghiệp cần chấp nhận thay đổi, sẵn sàng thử nghiệm và tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Văn hóa tổ chức linh hoạt, phản ứng nhanh với thay đổi sẽ là nền tảng để chuyển đổi số bền vững. Có thể học hỏi từ các mô hình doanh nghiệp nhỏ thành công như Tictag (TP. Hồ Chí Minh), nơi CEO trực tiếp tham gia nhóm vận hành công nghệ và thực hiện chuyển đổi số từ văn hóa làm việc nhóm.
KẾT LUẬN
Chuyển đổi số không phải là đích đến, mà là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự kiên định và năng lực thích nghi. Đối với SMEs tại Việt Nam, việc bắt đầu từ những giải pháp nhỏ, nhưng đúng hướng sẽ tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Chính phủ, tổ chức hỗ trợ và bản thân doanh nghiệp cần hợp lực để biến chuyển đổi số thành động lực thực sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo và năng suất quốc gia./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Al-Omoush, K. S., Simón-Moya, V., and Sendra-García, J. (2022). The impact of digital transformation strategy on innovation performance in SMEs: The mediating role of knowledge management, Journal of Business Research, 145, 43-58, https://doi.org/10.1016/j.jbusres.2022.02.045.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024). Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023.
3. Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023). Khảo sát thực trạng chuyển đổi số trong SMEs tại Việt Nam.
4. Đan Thanh (2024). Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất chuyển đổi số, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/nhieu-doanh-nghiep-chua-hieu-ro-ban-chat-chuyen-doi-so-post365894.html.
5. Li, L., Su, F., Zhang, W., and Mao, J. Y. (2023). Digital transformation and SMEs’ performance: The moderating role of knowledge integration mechanisms, Technological Forecasting and Social Change, 190, 122370, https://doi.org/10.1016/j.techfore.2023.122370.
6. Matarazzo, M., Penco, L., Profumo, G., and Quaglia, R. (2021). Digital transformation and customer value creation in Made in Italy SMEs: A dynamic capabilities perspective, Journal of Business Research, 123, 642-656.
7. Ministry of Planning and Investment (2022). Vietnam Enterprise White Book 2022, Hanoi: Statistical Publishing House.
8. Nguyễn, T. H., và Lê, M. T. (2022). Hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho SMEs tại Việt Nam: Nghiên cứu phương pháp hỗn hợp, Tạp chí Quản lý Kinh tế Việt Nam, 7(2), 25-40.
9. Trình, K. (2023). Chuyển đổi số: Nhiều thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, truy cập từ https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-nhieu-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-post827579.html.
10. Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp số (2023). Báo cáo chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, https://digital.business.gov.vn/2153-2/.
11. Vietnam Chamber of Commerce and Industry (VCCI) (2023). Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2022-2023, truy cập từ https://vienptdn-vcci.vn/bao-cao-thuong-nien-doanh-nghiep-viet-nam-2022-2023.html
12. Vial, G. (2019). Understanding digital transformation: A review and a research agenda, The Journal of Strategic Information Systems, 28(2), 118-144, https://doi.org/10.1016/j.jsis.2019.01.003.
13. Westerman, G., Bonnet, D., and McAfee, A. (2014). Leading digital: Turning technology into business transformation, Harvard Business Review Press.
Ngày nhận bài: 13/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 17/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025 |