Chiến sự Ukraine lan sát biên giới, Ba Lan mua thêm 180 xe tăng Hàn Quốc

() - Trong lúc chiến sự Ukraine áp sát biên giới, Ba Lan tăng tốc mua vũ khí Hàn Quốc, củng cố vị trí tuyến đầu NATO với đơn hàng 6,7 tỷ USD.
Chiến sự Ukraine lan sát biên giới, Ba Lan mua thêm 180 xe tăng Hàn Quốc - 1

Xe tăng K2 của Ba Lan tham gia cuộc tập trận Slovak Shield 25 tại Slovakia (Ảnh: Lữ đoàn Kỵ binh Thiết giáp số 9).

Ba Lan vừa công bố kế hoạch mua thêm 180 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 của Hàn Quốc, tiếp nối hợp đồng vũ khí lớn ký năm 2022 nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang và tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Đây là lô thứ hai trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, qua đó Warsaw có thể tiếp nhận gần 1.000 xe tăng trong những năm tới. Hợp đồng mới trị giá 6,7 tỷ USD bao gồm cả xe hỗ trợ, đạn dược, hậu cần và huấn luyện. Trong số này, 60 xe sẽ được sản xuất ngay tại Ba Lan với một biến thể riêng mang tên K2PL.

Theo kế hoạch, lô 30 xe tăng đầu tiên từ hợp đồng mới sẽ được giao vào năm 2026. Số lượng còn lại của đơn hàng đầu tiên từ năm 2022 hiện cũng gần như hoàn tất. Đây được coi là thương vụ xuất khẩu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, không chỉ bao gồm 980 xe tăng K2 mà còn có 648 pháo tự hành K9 và 48 tiêm kích FA-50.

Ba Lan là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ ngành công nghiệp quốc phòng đang lên của Hàn Quốc. Theo báo cáo năm 2024 của SIPRI, gần một nửa số vũ khí xuất khẩu của Seoul trong 5 năm qua được chuyển tới Warsaw.

Việc Ba Lan đẩy mạnh mua sắm vũ khí diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới với Ukraine. Các cuộc tấn công bằng UAV của Nga tại thành phố Lutsk gần đây buộc Warsaw phải kích hoạt chiến đấu cơ phòng thủ. Thành phố này chỉ cách Ba Lan khoảng 80km, khiến nguy cơ xung đột lan rộng luôn hiện hữu.

Là thành viên NATO giáp Ukraine, Ba Lan được xem là tuyến đầu của liên minh nếu xung đột vượt ra ngoài phạm vi hiện tại. Chính phủ nước này đã tăng chi tiêu quốc phòng từ 2,7% GDP năm 2022 lên mức dự kiến 4,7% vào năm 2025, cao nhất trong toàn khối NATO, theo một báo cáo của liên minh.

Song song với việc tự trang bị, Ba Lan cũng là quốc gia châu Âu viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Hơn 300 xe tăng cùng hơn 350 phương tiện bọc thép đã được Warsaw chuyển cho Kiev kể từ đầu chiến sự, theo Trung tâm Wilson (Mỹ).

Trong bối cảnh kho vũ khí của Mỹ đang bị "hụt hơi" do vừa viện trợ Ukraine, vừa hỗ trợ Israel, Hàn Quốc đang nổi lên như một nguồn cung thay thế đáng tin cậy. Không chỉ với xe tăng và pháo, các xưởng đóng tàu của Seoul còn được Mỹ lựa chọn để sửa chữa tàu hậu cần, trong khi các xưởng tại Mỹ đang quá tải.