Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam

Trong nền kinh tế Việt Nam, hệ thống ngân hàng thương mại giữ vai trò huyết mạch, không chỉ là kênh trung gian tài chính quan trọng, mà còn là chất xúc tác không thể thiếu cho sự tăng trưởng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

ThS. Trần Thị Thu Dung

Trường Đại học Sài Gòn

Email: tttdung@sgu.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của 22 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam giai đoạn 2016-2024 thông qua việc sử dụng mô hình SGMM với 198 quan sát. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các biến ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng bao gồm: Dư nợ cho vay, Rủi ro tín dụng, Chi phí hoạt động, Tính thanh khoản và Lạm phát. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ các nhà quản trị, nhà đầu tư và nhà hoạch định chiến lược trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh tương lai.

Từ khóa: Ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận, Việt Nam

Summary

This study examines the factors influencing the profitability of 22 joint-stock commercial banks in Vietnam over the period 2016-2024 by employing the System Generalized Method of Moments (SGMM) model with 198 observations. The results indicate that the key variables affecting bank profitability include: loan outstanding, credit risk, operating costs, liquidity, and inflation. Based on the findings, the author proposes several recommendations to assist managers, investors, and strategic planners in developing future business plans.

Keywords: Joint-stock commercial banks, profitability, Viet Nam

GIỚI THIỆU

Trong nền kinh tế Việt Nam, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) giữ vai trò huyết mạch, không chỉ là kênh trung gian tài chính quan trọng, mà còn là chất xúc tác không thể thiếu cho sự tăng trưởng và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bước vào giai đoạn 2024-2025, ngành Ngân hàng Việt Nam thể hiện một bức tranh đầy năng động với triển vọng được đánh giá là ổn định, song hành cùng những thách thức và cơ hội đan xen. Bối cảnh kinh tế vĩ mô đang dần được củng cố nhờ sự phục hồi của các hoạt động sản xuất, thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền vững và các chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.

Năm 2024 khép lại với những kết quả tích cực khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 15,08% và lợi nhuận của Ngành được dự báo tăng 14%. Đà tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15%-16% và lợi nhuận toàn Ngành có thể tăng đến 17%. Sự phục hồi ấn tượng được ghi nhận ngay từ quý I/2025, khi tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngân hàng đã báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể, được thúc đẩy bởi nhu cầu vay vốn trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, xây dựng và bất động sản.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, ngành Ngân hàng vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức. Chất lượng tài sản là mối quan tâm hàng đầu, với mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (NPL) nội bảng dưới 3% vào cuối năm 2025. Mặc dù rủi ro tài sản đã ổn định hơn trong năm 2024, áp lực xử lý nợ xấu vẫn còn hiện hữu. Rủi ro từ thị trường bất động sản với sự phục hồi chưa đồng đều tiếp tục là một trong những quan ngại tín dụng chính, do sự liên kết chặt chẽ của Ngành với lĩnh vực này. Thêm vào đó, các ngân hàng, đặc biệt là các định chế tài chính quy mô vừa và nhỏ, phải đối mặt với áp lực cạnh tranh huy động vốn và chi phí vốn gia tăng, có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) và hiệu quả sinh lời. Rủi ro về quản trị, đặc biệt là mối liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, cũng là một yếu tố cần được giám sát chặt chẽ.

Trước thực trạng một ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đồng thời phải điều hướng qua nhiều rủi ro phức tạp, việc xác định các yếu tố nền tảng quyết định đến lợi nhuận trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM cổ phần tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2024 là điều cần thiết, mang ý nghĩa thực tiễn.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

NHTM là một tổ chức tài chính trung gian, thực hiện các hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng và dịch vụ tài chính, nhằm mục tiêu sinh lời. Theo Luật Các tổ chức tín dụng, NHTM được phép thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật. Tại Việt Nam, các NHTM cổ phần đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung ứng vốn và dịch vụ tài chính. Lợi nhuận của NHTM cổ phần là chỉ tiêu tài chính cốt lõi, phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời từ các nguồn vốn. Lợi nhuận không chỉ giúp ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, mà còn tăng thu nhập cho cổ đông thông qua cổ tức, đồng thời nâng cao phúc lợi cho nhân viên. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận bền vững, các ngân hàng cần cân bằng giữa gia tăng thu nhập và kiểm soát rủi ro, đồng thời tối ưu hóa chi phí hoạt động.

Lợi nhuận của NHTM thường được đo lường qua 2 chỉ số chính: Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). ROA được tính bằng lợi nhuận sau thuế chia cho bình quân tổng tài sản trong kỳ. Chỉ số này phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận. ROA càng cao cho thấy ngân hàng quản lý tài sản hiệu quả, biến đầu tư thành thu nhập tốt hơn. ROE được tính bằng lợi nhuận sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu bình quân. Chỉ số này đo lường khả năng sinh lời từ vốn của cổ đông. ROE cao thể hiện ngân hàng sử dụng vốn hiệu quả, đồng thời hấp dẫn nhà đầu tư nhờ khả năng cân đối giữa vốn cổ đông và vốn vay. Cả 2 chỉ số đều mang tính tổng quát, dễ tính toán và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về lợi nhuận ngân hàng. Ngoài ra, các chỉ số khác như Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cũng được sử dụng, nhưng không phản ánh toàn diện lợi nhuận do không bao gồm thu nhập ngoài lãi.

Các nghiên cứu liên quan

Nghiên cứu của Muhammad Bilal và cộng sự (2014) về ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đến lợi nhuận của NHTM Pakistan, sử dụng dữ liệu từ báo cáo hàng năm, đã chỉ ra mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa hiệu suất lợi nhuận và quản lý rủi ro tín dụng, dù tỷ lệ cho vay có tác động nghịch chiều không đáng kể ở mức 5%.

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Mỹ Linh và Nguyễn Thị Ngọc Hương (2016) về thu nhập lãi cận biên của 27 NHTM tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2014 cho thấy, quy mô ngân hàng, cho vay, rủi ro tín dụng và vốn chủ sở hữu tác động cùng chiều với NIM, trong khi hiệu quả quản lý và GDP tác động ngược chiều.

Nghiên cứu của Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2016) phân tích đa dạng hóa thu nhập và lợi nhuận của 22 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2008-2014. Kết quả cho thấy, dư nợ cho vay, tiền gửi khách hàng và lạm phát tác động tích cực; trong khi nợ xấu và chi phí hoạt động tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Các nghiên cứu của Đặng Thị Minh Nguyệt và cộng sự (2022), Trần Huy Hoàng và Nguyễn Hữu Huân (2016) về NHTM chỉ ra quy mô ngân hàng và nợ xấu tác động tiêu cực, còn năng suất lao động tác động tích cực đến ROA và ROE.

Nghiên cứu của Lê Long Hậu và Phạm Xuân Quỳnh (2016) cho thấy, việc đa dạng hóa thu nhập, tăng tỷ lệ thu nhập thuần ngoài lãi có lợi cho các NHTM, vì giúp tăng khả năng sinh lời cũng như hiệu quả kinh doanh ngân hàng. Nguyên (2024) chỉ ra các yếu tố chính ảnh hưởng đến lợi nhuận bao gồm: nợ xấu, tiền gửi, dư nợ cho vay, vốn, chi phí hoạt động, chi phí dự phòng, quy mô ngân hàng, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và cơ cấu sở hữu.

Mô hình nghiên cứu

Xuất phát từ các kết quả nghiên cứu tổng quan trước đây, tác giả chọn mô hình hồi quy tuyến tính đa biến của Muhammad Bilal và cộng sự (2014) để nghiên cứu các yếu tố có ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM cổ phần tại Việt Nam, bởi đây là mô hình nghiên cứu tại quốc gia đang phát triển, có tính chất phổ biến và tương đối với các nghiên cứu khác, có dữ liệu nghiên cứu phù hợp với cơ sở dữ liệu có thể thu thập được tại Việt Nam.

Mô hình 1:

ROEit = β1+ β2*SIZEit + β3* CAPit + β4* LOANit + β5* LLRit + β6* COSRit + β7 *LIQit + β8* INFt + eit

Mô hình 2:

ROAit = β 1+ β2*SIZEit + β3* CAPit + β4* LOANit + β5* LLRit + β6* COSRit + β7 *LIQit + β8* INFt + eit

Bảng 1 mô tả cụ thể các biến trong mô hình nghiên cứu.

Bảng 1: Mô tả các biến trong mô hình

Biến

Diễn giải

Công thức

Biến phụ thuộc

ROA

Khả năng sinh lời trên tổng tài sản

ROE

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu

Biến độc lập

Kỳ vọng

SIZE

Quy mô ngân hàng

+

CAP

Quy mô vốn chủ sở hữu

+

LOAN

Quy mô cho vay khách hàng

+

LIQ

Tính thanh khoản

+

LLR

Rủi ro tín dụng

-

COSR

Chi phí hoạt động

-

INF

Tỷ lệ lạm phát

Tỷ lệ lạm phát hàng năm

-

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ báo cáo tài chính trên các trang web vietsock.com.vn hoặc cophieu68.vn của với 22 NHTM cổ phần tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2024 với gần 198 quan sát được sử dụng để phục vụ nghiên cứu.

Đầu tiên, tác giả tiến hành kiểm định hiện tượng nội sinh, phát hiện cả 2 mô hình đều bị nội sinh, nên tác giả dùng phương pháp SGMM của Blundell và Bond (1998). Mô hình này sử dụng biến công cụ là các biến nội sinh, các biến trễ của biến nội sinh và được lấy sai phân (phần GMM); các biến ngoại sinh sẽ được đưa vào phần công cụ (phần IV).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thống kê mô tả

Bảng 2: Thống kê mô tả

Biến

Quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị

nhỏ nhất

Giá trị

lớn nhất

Tỷ suất sinh lợi (ROA)

198

0,0088

0,0058

0,0001

0,0472

Tỷ suất sinh lợi (ROE)

198

0,0937

0,0628

0,0007

0,2846

Quy mô ngân hàng

198

31,9

1,2

7,091

45,454

Quy mô cho vay khách hàng

198

0,5307

0,1295

0,1942

0,8516

Quy mô vốn chủ sở hữu

198

0,1049

0,05

0,0108

0,3563

Rủi ro tín dụng

198

0,0162

0,0068

0,0044

0,0428

Chi phí hoạt động

198

0,6759

0,283

0,3087

3,266

Tính thanh khoản

198

0,2127

0,1038

0,0455

0,6103

Lạm phát

198

0,0888

0,0707452

0,0063

0,2312

Nguồn: Tác giả tính toán

Bảng 2 cho thấy, các chỉ số tài chính có sự biến động đáng chú ý. ROA trung bình đạt 0,0088 (0,88%), với độ lệch chuẩn thấp (0,0058), cho thấy sự chênh lệch nhỏ giữa các ngân hàng, từ mức thấp nhất (0,0001) đến mức cao nhất (0,0472). ROE trung bình là 0,0937 (9,37%); độ lệch chuẩn 0,0628, dao động từ 0,0007 đến 0,2846, phản ánh sự khác biệt lớn hơn trong hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu. Quy mô cho vay khách hàng trung bình đạt 0,5307, khá đồng đều. Chi phí hoạt động trung bình ở mức cao (0,6759), cho thấy sự biến động lớn (độ lệch chuẩn 0,283). Các chỉ số như: vốn chủ sở hữu, rủi ro tín dụng, thanh khoản và lạm phát cũng cho thấy sự phân hóa nhất định giữa các ngân hàng.

Kiểm định hiện tượng nội sinh

Bảng 3: Kết quả hiện tượng nội sinh

Biến

Kiểm định Wu-Hausman (P-value)

Kết luận

Mô hình 1

SIZE

0,0000

Bị nội sinh

LOAN

0,5853

Không bị nội sinh

CAP

0,9046

Không bị nội sinh

LLR

0,1339

Không bị nội sinh

COSR

0,9762

Không bị nội sinh

LIQ

0,6458

Không bị nội sinh

INF

0,0007

Bị nội sinh

Mô hình 2

SIZE

0,0000

Bị nội sinh

LOAN

0,3331

Không bị nội sinh

CAP

0,9523

Không bị nội sinh

LLR

0,2874

Không bị nội sinh

COSR

0,8913

Không bị nội sinh

LIQ

0,4863

Không bị nội sinh

INF

0,0262

Bị nội sinh

Nguồn: Tác giả tính toán

Kết quả kiểm định (Bảng 3) cho thấy, Prob = 0,00

Ước lượng SGMM

Bảng 4: Ước lượng SGMM

Biến

phụ thuộc

ROE

ROA

Biến

độc lập

Hệ số

Giá trị thống kê z

P > z

Hệ số

Giá trị thống kê z

P > z

SIZE

-0,0184

-1,46

0,145

-0,00183

-1,46

0,144

LOAN

0,1542***

4,19

0,000

0,0166***

5,27

0,000

CAP

-0,7824**

-2,03

0,043

0,0068

0,22

0,829

LLR

3,0924***

5,3

0,000

0,2481***

4,43

0,000

COSR

-0,1014***

-6,84

0,000

-0,0082***

-6,66

0,000

LIQ

0,1718*

1,95

0,051

0,0162***

2,04

0,041

INF

0,2580***

4,1

0,000

0,0273***

4,51

0,000

_cons

0,6412

1,47

0,142

0,0537

1,24

0,217

Kiểm định Arellano-Bond

0,921

0,471

Kiểm định Sargan

0,000

0,000

Kiểm định Hansen

0.825

0.782

Nguồn: Tác giả tính toán

Kết quả ước lượng SGMM

Biến LOAN tác động cùng chiều với tỷ suất sinh lợi của ngân hàng, điều này phù hợp với giả thuyết đặt ra. Hầu hết các tài liệu cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng kỳ vọng tăng khi danh mục tài sản gồm các khoản cho vay tăng so với các tài sản an toàn hơn khác. Có nhiều nghiên cứu ủng hộ quan điểm này như Hồ Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Cành (2016).

Biến COSRit tác động ngược chiều đến tỷ suất sinh lợi, phù hợp với giả thuyết đưa ra và phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hồ Thị Hồng Minh, Nguyễn Thị Cành (2016), có nghĩa là khi biến chi phí hoạt động (COSR) tăng lên, thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm đi.

Biến LLRit tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lợi, chưa phù hợp với giả thuyết đưa ra. Bởi, dựa vào định hướng phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu theo chiều rộng; thâm dụng vốn chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng, theo đó, rủi ro tín dụng của các NHTM cổ phần cũng gia tăng.

Biến LIQit tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lợi, phù hợp với giả thuyết đưa ra. Tính thanh khoản của ngân hàng được xem như khả năng đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi và giải ngân các khoản tín dụng đã cam kết một cách tức thời. Để đảm bảo an toàn trong hoạt động, ngân hàng cần thiết phải duy trì tài sản có tính lỏng hay có khả năng thanh khoản nhanh để có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, nhằm tránh các vấn đề thiếu hụt nhất thời dẫn đến mất uy tín ngân hàng hoặc thậm chí là phá sản.

Biến INFit tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lợi với mức ý nghĩa thống kê 1%, chưa phù hợp với giả thuyết đưa ra. Trong giai đoạn nghiên cứu, thì lạm phát tăng cao kéo dài, các nhà quản trị ngân hàng có thể dự đoán trước được chính xác tình hình lạm phát để có thể điều chỉnh mức lãi suất phù hợp, tăng doanh thu nhanh hơn chi phí, làm tăng lợi nhuận của ngân hàng. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng theo chiều rộng, tỷ lệ lạm phát là hệ quả tất yếu của tăng trưởng tín dụng trong thời gian dài. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng mang lại cơ hội để các NHTM cổ phần mở rộng cho vay và gia tăng lợi nhuận từ hoạt động này. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Hồ Thị Hồng Minh và Nguyễn Thị Cành (2016).

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Nghiên cứu tập trung phân tích các yếu tố tác động đến lợi nhuận của các NHTM cổ phần tại Việt Nam, sử dụng dữ liệu bảng từ 22 ngân hàng trong giai đoạn 2016-2024. Kết quả định lượng xác định mô hình SGMM là phù hợp nhất để giải thích sự thay đổi lợi nhuận. Các biến có ý nghĩa thống kê bao gồm: LOAN (Dư nợ cho vay), LLR (Rủi ro tín dụng), COSR (Chi phí hoạt động), LIQ (Tính thanh khoản) và INF (Lạm phát). Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố trên đối với lợi nhuận, hỗ trợ các nhà quản trị, nhà đầu tư và nhà hoạch định chiến lược trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh tương lai.

Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị như sau:

Về Rủi ro tín dụng: Kết quả cho thấy, rủi ro tính dụng tác động mạnh và cùng chiều với lợi nhuận (ROA, ROE). Để tận dụng rủi ro tín dụng cao mà vẫn đảm bảo an toàn, cần nâng cao chất lượng tài sản thế chấp thông qua việc thẩm định chặt chẽ, ban hành quy định định giá tài sản phù hợp và xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Ngoài ra, việc tăng trích lập dự phòng và chuyển nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là biện pháp cần thiết.

Về Tính thanh khoản: Tính thanh khoản tác động tích cực đến lợi nhuận, do đó, cần xây dựng quy chế quản trị rủi ro thanh khoản phù hợp, thiết lập hệ thống báo cáo thông tin hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực chất lượng để quản lý thanh khoản tốt hơn.

Về Dư nợ cho vay: Dư nợ cho vay tác động cùng chiều với lợi nhuận, đòi hỏi ngân hàng phải tìm chuẩn mực cho vay cân bằng, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án hiệu quả và đa dạng hóa sản phẩm cho vay cá nhân.

Về Chi phí hoạt động: Chi phí hoạt động tác động ngược chiều với lợi nhuận, vì vậy, cần giảm chi phí huy động vốn qua hiện đại hóa công nghệ, kiểm soát chi phí kinh doanh và tối ưu hóa chi phí nhân sự bằng các giải pháp như tự động hóa và đào tạo nhân viên hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

1. Bilal, M., Saeed, A., Gull, A. A., and Akram, T. (2014). Influence of bank specific and macroeconomic factors on profitability of commercial banks: A case study of Pakistan, Research Journal of Finance and Accounting, 4(2), 116-127.

2. Đặng, T. M. N., Phạm, T. T., và Nguyễn, B. N. (2022). Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh tại các NHTM có vốn nhà nước Việt Nam, Tạp chí Thương mại, 164.

3. Hậu, L. L., và Quỳnh, P. X. (2016). Tác động của đa dạng hóa thu nhập đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, 124, 11-22.

4. Hoàng, T. H., và Huân, N. H. (2016). Phân tích các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hệ thống NHTM Việt Nam trong thời kỳ hội nhập tài chính quốc tế, Tạp chí Science & Technology Development, 19(1), 88-101.

5. Hồ, T. H. M., và Nguyễn, T. C. (2015). Đa dạng hóa thu nhập và các yếu tố tác động đến khả năng sinh lời của các NHTM Việt Nam, Tạp chí Công nghệ Ngân hàng, 106+107, 13-24.

6. Nguyen, P. D. (2024). Determinants of bank profitability in Vietnam: a focus on financial and COVID-19 crises, Journal of Business Economics and Management, 25(4), 709-730, https://doi.org/10.3846/jbem.2024.22070.

7. Nguyễn, T. M. L., và Nguyễn, T. N. H. (2016). Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập lãi cận biên của các NHTM cổ phần Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, 19, 8-14.

Ngày nhận bài: 2/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 8/7/2025; Ngày duyệt đăng: 9/7/2025