Thực hành trách nhiệm xã hội của Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh: Góc nhìn từ các bên liên quan

Nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng với dữ liệu từ 322 đối tượng khảo sát và phân tích hồi quy đa biến, chỉ ra 5 yếu tố: kinh tế, đạo đức, phúc lợi xã hội, từ thiện và môi trường đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến Trách nhiệm xã hội của trường đại học (USR) tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện USR tại Trường.

Đoàn Thị Thanh Hằng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Võ Thị Thanh Lâm

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Nghiên cứu này nhằm khảo sát nhận thức và đánh giá việc thực hành Trách nhiệm xã hội của trường đại học (University Social Responsibility - USR) tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh từ góc nhìn của các bên liên quan bao gồm: Ban lãnh đạo, cán bộ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng. Nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng với dữ liệu từ 322 đối tượng khảo sát và phân tích hồi quy đa biến. Kết quả chỉ ra 5 yếu tố: kinh tế, đạo đức, phúc lợi xã hội, từ thiện và môi trường đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến USR tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện USR tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Từ khóa: Trách nhiệm xã hội đại học, USR, các bên liên quan, giáo dục đại học, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Summary

This study aims to examine the perception and assessment of university social responsibility (USR) at the Banking University of Ho Chi Minh City from the perspectives of various stakeholders including university administrators, faculty members, students, alumni, and employers. A quantitative research model was employed with data collected from 322 respondents and analyzed through multiple regression techniques. The finding indicates that five factors - economic, ethical, social welfare, philanthropic, and environmental aspects - have a positive and statistically significant impact on USR at the aforementioned university. Based on the result, the study proposes several managerial implications to improve the effectiveness of USR implementation within the university.

Keywords: University social responsibility, USR, stakeholders, higher education, Banking University of Ho Chi Minh City

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, thực hành trách nhiệm xã hội của các tổ chức, bao gồm cả các trường đại học, đã trở thành một yếu tố thiết yếu trong việc phát triển bền vững. Thực hành Trách nhiệm xã hội của trường đại học (USR) không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, trước những thách thức và yêu cầu ngày càng cao của thời đại hội nhập, các trường đại học không chỉ có nhiệm vụ cung cấp kiến thức mà còn phải đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các trường đại học cần phải linh hoạt thích ứng và không ngừng phát triển các chương trình giảng dạy cũng như hoạt động nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động và cho xã hội. Việc xây dựng một môi trường học tập và nghiên cứu, trong đó sinh viên và giảng viên có thể tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa xã hội, từ đó phát triển các kỹ năng cần thiết để đối phó với những thách thức trong tương lai góp cũng phần thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc thực hành USR tại các trường đại học nói chung và Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh (HUB) nói riêng mang tính chất tất yếu và là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

USR được hiểu là những cam kết của cơ sở giáo dục đại học trong việc tích cực đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội thông qua giảng dạy, nghiên cứu, quản trị và gắn kết cộng đồng. USR không chỉ đơn thuần là việc mở rộng các chức năng truyền thống của nhà trường, mà còn là sự tích hợp có hệ thống các giá trị đạo đức, nhân văn và bền vững vào trong mọi hoạt động của trường đại học (Vázquez và cộng sự., 2014).

Trong 3 thập kỷ gần đây, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội đã đặt ra yêu cầu mới đối với các trường đại học, đòi hỏi phải tích hợp trách nhiệm xã hội vào các hoạt động cốt lõi như đào tạo, nghiên cứu, quản lý và gắn kết cộng đồng (Larran Jorge & Andrades Pena, 2017). USR có thể được coi là “sứ mệnh thứ ba” của đại học, song song với 2 sứ mệnh truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu (Šimic và cộng sự, 2022).

Dựa trên tổng hợp các nghiên cứu lý thuyết, USR là một khái niệm đa chiều. Kouatli (2019) đã đề xuất một định nghĩa hiện đại về USR, trong đó các yếu tố như giáo dục, nghiên cứu, kinh tế và môi trường cần được tích hợp nhằm định lượng hóa tính bền vững trong môi trường giáo dục. Trong khi đó, Vázquez và cộng sự (2014) xác định 6 khía cạnh chính: quản lý nội bộ, nghiên cứu, dự án cộng đồng, giáo dục về giá trị môi trường và xã hội, cũng như mối quan hệ giữa đại học và doanh nghiệp.

Dựa trên mô hình kim tự tháp trách nhiệm xã hội của Carroll (1991), có thể chia các khía cạnh của USR thành 4 mức độ: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm từ thiện. Mức trách nhiệm kinh tế đặt nền tảng cho sự tồn tại của tổ chức, tiếp đến là tuân thủ pháp luật, tuân theo các chuẩn mực đạo đức xã hội, và cuối cùng là đóng góp tự nguyện cho cộng đồng (Carroll, 1991).

Bổ sung vào đó, nghiên cứu của Rodrigues de Sousa và cộng sự (2021) nhấn mạnh vai trò của phúc lợi xã hội và quyền con người trong cấu trúc USR, trong khi Chan và cộng sự (2021) khám phá mối quan hệ giữa USR và nhận thức đạo đức - giới tính trong môi trường đại học tư thục. Các phát hiện cho thấy, sinh viên có xu hướng phản ứng tích cực với các khía cạnh đạo đức và từ thiện, nhưng thường ít được tiếp cận các cơ chế triển khai cụ thể.

Để làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hành USR, nghiên cứu sử dụng 2 khung lý thuyết chủ đạo:

Thứ nhất, mô hình kim tự tháp CSR của Carroll (1991) cung cấp nền tảng phân loại trách nhiệm của tổ chức thành 4 cấp độ: kinh tế, pháp lý, đạo đức và từ thiện. Mô hình này được xem là nền tảng lý thuyết phổ biến nhất khi phân tích trách nhiệm xã hội trong cả lĩnh vực doanh nghiệp và giáo dục đại học.

Thứ hai, lý thuyết các bên liên quan của Freeman (1984) khẳng định rằng tổ chức không chỉ phục vụ lợi ích cổ đông mà còn phải cân nhắc lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng và cộng đồng. Việc áp dụng lý thuyết này trong bối cảnh đại học giúp làm rõ mối quan hệ giữa nhà trường và các nhóm có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, uy tín và sự bền vững của tổ chức (Burrows, 1999).

Từ các khung lý thuyết trên, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Thực hành trách nhiệm xã hội của Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh: Góc nhìn từ các bên liên quan

Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng thông qua khảo sát 322 đối tượng đại diện cho các nhóm bên liên quan: lãnh đạo (13,7%), giảng viên (43,8%), sinh viên (31,7%), cựu sinh viên (10,9%). Dữ liệu được xử lý bằng SPSS, sử dụng hồi quy đa biến để kiểm định ảnh hưởng của các biến độc lập (5 khía cạnh USR) đến biến phụ thuộc (mức độ thực hành USR - TH).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Để kiểm định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thực hành USR (biến phụ thuộc - TH), mô hình hồi quy tuyến tính được xây dựng với 5 biến độc lập: KT (Kinh tế); DD (Đạo đức); PL (Phúc lợi xã hội); TT (Từ thiện); MT (Môi trường). Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế.

Độ phù hợp của mô hình

Bảng 1: Tóm tắt độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến

Chỉ số

Giá trị

R

0.763

R Square

0.582

Adjusted R Square

0.575

Std. Error

0.49679

Durbin-Watson

1.912

Nguồn: Tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

Phân tích phương sai (ANOVA)

Để đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính giữa các biến độc lập (5 yếu tố USR) và biến phụ thuộc (mức độ thực hành USR tại HUB), phân tích ANOVA được thực hiện. Kết quả được trình bày tại Bảng 2.

Bảng 2: Kết quả phân tích ANOVA cho mô hình hồi quy

Thành phần

Tổng bình phương (Sum of Squares)

Bậc tự do (df)

Trung bình bình phương (Mean Square)

F

Sig.

Hồi quy

108.374

5

21.675

87.824

0.000

Phần dư

77.988

316

0.247

Tổng

186.362

321

Nguồn: Tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

Giá trị F = 87.824 và Sig. = 0.000 (

Phân tích hệ số hồi quy

Để xác định mức độ và chiều hướng ảnh hưởng của từng yếu tố độc lập đến mức độ thực hành USR, phân tích hệ số hồi quy được thực hiện.

Bảng 3: Kết quả phân tích hệ số hồi quy tuyến tính đa biến

Biến độc lập

Hệ số B (Unstandardized)

Sai số chuẩn

Beta chuẩn hóa

Giá trị t

Sig.

(Hằng số - Constant)

-0.811

0.217

-3.741

0.000

KT (Kinh tế)

0.307

0.042

0.286

7.270

0.000

DD (Đạo đức)

0.238

0.034

0.294

7.105

0.000

PL (Phúc lợi XH)

0.297

0.050

0.237

5.932

0.000

TT (Từ thiện)

0.219

0.029

0.298

7.613

0.000

MT (Môi trường)

0.144

0.044

0.124

3.245

0.001

Nguồn: Tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

Kết quả tại Bảng 3 cho thấy, tất cả các hệ số đều có giá trị Sig.

Trong đó:

- Từ thiện (TT) có hệ số beta chuẩn hóa cao nhất (β = 0.298), là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến USR.

- Đạo đức (DD) đứng thứ hai với β = 0.294, cho thấy vai trò của sự minh bạch, liêm chính và công bằng trong nhận thức và hành động USR.

- Kinh tế (KT) cũng là yếu tố quan trọng (β = 0.286), phản ánh nhu cầu kết hợp trách nhiệm tài chính và hiệu quả hoạt động trong giáo dục đại học.

- Phúc lợi xã hội (PL) và môi trường (MT) có ảnh hưởng thấp hơn nhưng vẫn đáng kể, cho thấy nhu cầu tạo ra môi trường học tập tích cực và hướng đến phát triển bền vững.

THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mô hình hồi quy đã chứng minh tác động đồng thời và tích cực của 5 yếu tố đến mức độ thực hành USR tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, 2 yếu tố nổi bật là từ thiện và đạo đức, phản ánh sự mong đợi của cộng đồng về một trường đại học không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có tinh thần trách nhiệm và chia sẻ xã hội. Mặc dù yếu tố môi trường có hệ số beta nhỏ hơn, nhưng vẫn có ý nghĩa thống kê. Điều này khẳng định nhu cầu ngày càng tăng về tích hợp các hoạt động môi trường và phát triển bền vững trong quản trị đại học. Kết quả này cung cấp cơ sở thực tiễn vững chắc để Trường có thể xây dựng và triển khai chiến lược USR toàn diện, bền vững và có định hướng lâu dài.

HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả 5 khía cạnh của USR, bao gồm: kinh tế, đạo đức, phúc lợi xã hội, từ thiện và môi trường đều có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến mức độ thực hành USR tại Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, Trường cần xây dựng chiến lược thực thi USR một cách toàn diện, tích hợp vào mọi lĩnh vực quản trị và hoạt động.

Trước hết, về khía cạnh kinh tế, Trường cần xác lập một mô hình quản lý tài chính hiệu quả, minh bạch và định hướng phát triển bền vững. Việc tối ưu hóa nguồn lực và phân bổ ngân sách hợp lý không chỉ nâng cao hiệu quả giáo dục và nghiên cứu, mà còn giúp Trường tăng cường đóng góp cho cộng đồng và địa phương. Ngoài ra, Trường nên xây dựng các chương trình đào tạo và hợp tác nghiên cứu phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra giá trị kinh tế - xã hội thực chất.

Về khía cạnh đạo đức, Trường cần thể chế hóa các quy chuẩn đạo đức học thuật thông qua việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về đạo đức nghề nghiệp cho giảng viên và sinh viên để góp phần hình thành môi trường học thuật minh bạch, công bằng, giảm thiểu các hành vi gian lận và vi phạm. Việc thiết lập cơ chế giám sát và xử lý vi phạm công khai, công bằng là cần thiết để củng cố lòng tin của các bên liên quan vào hệ thống quản trị của Trường.

Đối với khía cạnh phúc lợi xã hội, Trường cần tích cực triển khai các hoạt động hướng đến cộng đồng như tư vấn tài chính, đào tạo kỹ năng mềm miễn phí, các chương trình hỗ trợ sinh viên yếu thế và đến từ vùng khó khăn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao nhằm giải quyết các vấn đề xã hội như phát triển bền vững, tài chính toàn diện, và chuyển đổi số trong giáo dục.

Về mặt từ thiện, Trường nên thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng hoặc quỹ học bổng vì trách nhiệm xã hội. Việc tổ chức các chương trình như hiến máu, quyên góp sách vở, hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai cần được thực hiện thường xuyên, có định hướng và đo lường kết quả cụ thể. Song song đó, sự ghi nhận và khen thưởng những cá nhân, tập thể tích cực tham gia hoạt động từ thiện sẽ giúp lan tỏa văn hóa sẻ chia trong toàn trường.

Cuối cùng, trong khía cạnh môi trường, Trường cần thể hiện cam kết bảo vệ môi trường bằng việc lồng ghép nội dung phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy và nghiên cứu. Các giải pháp quản lý năng lượng, nước và rác thải thông minh nên được triển khai tại cơ sở vật chất của nhà trường cùng với việc xây dựng các khuôn viên xanh và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Đồng thời, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu suất môi trường và thực hiện báo cáo định kỳ sẽ là công cụ quản trị hiệu quả giúp Trường đo lường và cải tiến liên tục hoạt động bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Burrows, J. (1999). Going beyond Labels: a Framework for Profiling Institutional Stakeholders. Contemporary Education, 5-10.

2. Carroll, A. (1991). The pyramid of corporate social responsibility: toward the moral management of organizational stakeholders. Business Horizon, 39-43.

3. Chan, T. J., Huam, H. T., & Sade, A. B. (2021). Students' perceptions of a Malaysian private university's university social responsibilities: Does gender play a role? International Journal of Academic Research in Business and Social Sciences, 11(2), 1460-1473.

4. Freeman, R. E. (1984). Strategic management: A stakeholder approach. Pitman Publishing Inc.

5. Kouatli, I. (2019). The contemporary definition of university social responsibility with quantifiable sustainability. Social Responsibility Journal, 15(6), 888-909.

6. Larran Jorge, M., & Andrades Pena, F. J. (2017). Analysing the literature on university social responsibility: A review of selected higher education journals. Higher Education Quarterly, 71(3), 302-319.

7. Rodrigues de Sousa, J. C., Siqueira, E. S., Binotto, E., & Nobre, L. H. N. (2021). University social responsibility: Perceptions and advances. Social Responsibility Journal, 17(2), 263-281.

8. Šimic, M. L., Sharma, E., & Kadlec, Ž. (2022). Students’ perceptions and attitudes toward university social responsibility: Comparison between India and Croatia. Sustainability. https://doi.org/10.3390/su14020678

9. Vázquez, J. L., Aza, C. L., & Lanero, A. (2014). Are students aware of university social responsibility? Some insights from a survey in a Spanish university. International Review on Public and Nonprofit Marketing, 11(2), 195-208. https://doi.org/10.100 7/s12208-014-0114-3

Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/7/2025; Ngày duyệt đăng: 10/7/2025