TS. Ngô Tiến Dũng
Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Chính sách và Phát triển
Email: ngotiendung@apd.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng để kiểm định mô hình lý thuyết về các nhân tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng kế toán quản trị môi trường (EMA) trong quyết định chiến lược tại doanh nghiệp sản xuất. Bảng hỏi khảo sát 300 doanh nghiệp tại các tỉnh, ngành có hoạt động sản xuất, sử dụng thang đo Likert 5 điểm. Dữ liệu được xử lý qua Cronbach’s Alpha, EFA và hồi quy tuyến tính bội. Kết quả cho thấy cả 5 nhân tố gồm: nhận thức nhà quản lý, áp lực bên ngoài,mức độ áp dụng EMA, năng lực hệ thống thông tin kế toán và văn hóa doanh nghiệp đều ảnh hưởng tích cực. Trong đó,áp lực bên ngoài có tác động mạnh nhất.
Từ khóa: Kế toán quản trị môi trường, quyết định chiến lược, doanh nghiệp sản xuất
Sammury
This study employs a quantitative method to test the theoretical model of factors influencing the application of Environmental Management Accounting (EMA) in strategic decision-making within manufacturing enterprises. A structured questionnaire using a 5-point Likert scale was distributed to 300 businesses across key manufacturing sectors and provinces. Data were analyzed using Cronbach’s Alpha, Exploratory Factor Analysis (EFA), and multiple linear regression. The results indicate that all five factors - managerial awareness, external pressure, level of EMA application, accounting information system capability, and corporate culture - positively impact EMA adoption. Among them, external pressure has the strongest influence.
Keywords: Environmental Management Accounting, strategic decision-making, manufacturing enterprises
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất hiện đại không chỉ phải tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh mà còn cần đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe về môi trường và trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới đang trải qua nhiều biến động lớn như xung đột thương mại giữa các cường quốc, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, áp lực thuế carbon xuyên biên giới (CBAM) từ Liên minh châu Âu (EU), cùng với hàng loạt rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng kế toán quản trị môi trường (Environmental Management Accounting - EMA) không chỉ là công cụ phục vụ quản trị nội bộ mà còn trở thành một phần thiết yếu trong chiến lược thích ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Kế toán quản trị môi trường là hệ thống thu thập, xử lý, phân tích và sử dụng thông tin liên quan đến chi phí và lợi ích môi trường, bao gồm cả chi phí ẩn và chi phí gián tiếp, nhằm hỗ trợ nhà quản trị trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và ra quyết định. Trong các doanh nghiệp sản xuất - nơi tiêu tốn nhiều nguyên vật liệu, năng lượng và tạo ra khối lượng chất thải lớn - thông tin từ EMA đặc biệt có ý nghĩa trong việc xác định các nguồn gây ô nhiễm, đo lường hiệu quả sử dụng tài nguyên, tính toán chi phí môi trường thực tế. Đây sẽ làm cơ sở cho các quyết định chiến lược như lựa chọn công nghệ sản xuất sạch, đầu tư thiết bị xử lý chất thải, tái chế, hoặc thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng "xanh hóa".
Tuy nhiên, tại Việt Nam, mặc dù nhận thức về phát triển bền vững ngày càng được nâng cao, nhưng việc triển khai kế toán quản trị môi trường trong thực tế doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn xem chi phí môi trường là gánh nặng hơn là cơ hội cải thiện hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp có mức độ áp dụng EMA cao thường chủ động hơn trong việc xác lập các chiến lược kinh doanh gắn với đổi mới xanh, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về trách nhiệm xã hội (CSR) và ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ đang áp dụng các biện pháp đánh thuế môi trường và kiểm soát carbon ngày càng chặt chẽ, nếu không kịp thời điều chỉnh chiến lược và hệ thống kế toán quản trị, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất thị trường, gia tăng chi phí và suy giảm năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, từ sau năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm dịch chuyển một phần dòng vốn và chuỗi cung ứng toàn cầu sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm vốn đầu tư và mở rộng sản xuất, nhưng cũng là thách thức về việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, lao động và minh bạch trong sản xuất. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... mà Việt Nam là thành viên, đều có các điều khoản liên quan đến môi trường, yêu cầu doanh nghiệp phải minh chứng được mức độ tuân thủ về phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo và quy trình sản xuất xanh. Tất cả những yếu tố này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tích hợp yếu tố môi trường vào trong hệ thống kế toán quản trị và từ đó đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã khẳng định vai trò quan trọng của kế toán quản trị môi trường trong việc hỗ trợ hoạch định chiến lược sản xuất xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chi phí môi trường và gia tăng giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh, EMA không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là một phần của hệ thống tư duy chiến lược bền vững trong doanh nghiệp. Tại các nước đang phát triển, các nghiên cứu cũng cho thấy việc áp dụng EMA gặp trở ngại bởi thiếu nguồn lực, nhận thức hạn chế và khung pháp lý chưa hoàn thiện. Ở Việt Nam, mặc dù đã có một số nghiên cứu bước đầu về kế toán môi trường và kế toán quản trị môi trường, song vẫn còn thiếu các nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa EMA và hoạt động ra quyết định chiến lược tại các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh kinh tế - thương mại đầy biến động hiện nay.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu làm rõ mức độ áp dụng EMA trong thực tiễn, phân tích các nhân tố ảnh hưởng và đánh giá vai trò của EMA trong việc hỗ trợ các quyết định chiến lược như đổi mới công nghệ, tái cấu trúc sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và thích ứng với các yêu cầu môi trường từ đối tác quốc tế. Kết quả nghiên cứu kỳ vọng sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện hệ thống EMA tại doanh nghiệp, đồng thời đưa ra gợi ý chính sách cho cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHÁT TRIỂN CÁC GIẢ THUYẾT
Cơ sở lý thuyết
Nền tảng lý thuyết của nghiên cứu này dựa trên sự tích hợp giữa Lý thuyết về tính hữu ích của thông tin trong ra quyết định quản trị, Lý thuyết các bên liên quan và Lý thuyết thể chế để giải thích vì sao và trong điều kiện nào các doanh nghiệp áp dụng kế toán quản trị môi trường EMA như một công cụ hỗ trợ chiến lược.
Lý thuyết tính hữu ích của thông tin trong quyết định quản trị
Lý thuyết này cho rằng thông tin kế toán chỉ có giá trị khi giúp nhà quản trị đưa ra quyết định tốt hơn. EMA với khả năng cung cấp thông tin chi tiết về chi phí môi trường, dòng nguyên vật liệu và hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần làm rõ các chi phí ẩn, chi phí gián tiếp liên quan đến hoạt động môi trường mà kế toán tài chính truyền thống thường bỏ qua. Khi nhà quản lý có thông tin chính xác, đầy đủ về các tác động môi trường, họ có thể đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả hơn như đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, lựa chọn nhà cung cấp xanh, hoặc tái cấu trúc sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường.
Lý thuyết các bên liên quan (Stakeholder Theory)
Lý thuyết này nhấn mạnh rằng doanh nghiệp không chỉ tồn tại để tạo ra lợi ích cho cổ đông mà còn cần đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan khác như khách hàng, cộng đồng, cơ quan quản lý và nhà đầu tư. Trong bối cảnh các tiêu chuẩn ESG và yêu cầu minh bạch về tác động môi trường ngày càng trở nên phổ biến, doanh nghiệp chịu áp lực ngày càng lớn từ thị trường và xã hội để minh chứng cam kết phát triển bền vững. Việc áp dụng EMA giúp doanh nghiệp phản hồi hiệu quả hơn trước áp lực của các bên liên quan, từ đó duy trì và gia tăng lợi thế cạnh tranh chiến lược.
Lý thuyết thể chế (Institutional Theory)
Theo lý thuyết thể chế, hành vi của doanh nghiệp không chỉ dựa trên tính hợp lý kinh tế mà còn bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực xã hội, chính sách và khung pháp lý. Các yêu cầu về môi trường từ các FTA như EVFTA, CPTPP, cùng với chính sách như thuế carbon, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, đang tạo ra áp lực thể chế lớn buộc doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam phải thích ứng. EMA được xem là công cụ phù hợp để doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu này, từ đó duy trì sự tuân thủ và tránh rủi ro pháp lý - thương mại trong dài hạn.
Phát triển các giả thuyết nghiên cứu
Dựa trên nền tảng lý thuyết và tổng quan nghiên cứu trước đây, đề tài đề xuất các giả thuyết nghiên cứu sau nhằm kiểm định mối quan hệ giữa việc áp dụng EMA và quá trình ra quyết định chiến lược tại doanh nghiệp cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ áp dụng EMA:
H1: Nhận thức của nhà quản trị về lợi ích môi trường có ảnh hưởng tích cực đến mức độ áp dụng kế toán quản trị môi trường.
Giải thích: Khi nhà quản trị có nhận thức rõ ràng về tác động môi trường trong hoạt động sản xuất và nhận thấy lợi ích của EMA, họ có xu hướng triển khai các công cụ quản trị phù hợp để theo dõi và cải thiện hiệu quả môi trường.
H2: Áp lực từ bên ngoài (thị trường, khách hàng, cơ quan quản lý, FTA) có ảnh hưởng tích cực đến mức độ áp dụng kế toán quản trị môi trường.
Giải thích: Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hoặc chịu sự giám sát từ các đối tác quốc tế có xu hướng áp dụng EMA như một phản ứng chiến lược để duy trì khả năng cạnh tranh và tuân thủ yêu cầu thị trường.
H3: Mức độ áp dụng kế toán quản trị môi trường có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả ra quyết định chiến lược.
Giải thích: EMA cung cấp thông tin đầy đủ về chi phí - lợi ích môi trường, từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định đầu tư, thay đổi quy trình, tối ưu hóa nguồn lực và phát triển sản phẩm bền vững.
H4: Năng lực hệ thống thông tin kế toán và công nghệ số hóa có tác động tích cực đến việc áp dụng kế toán quản trị môi trường.
Giải thích: Doanh nghiệp có hệ thống kế toán - công nghệ mạnh thường có điều kiện thuận lợi hơn để tích hợp các yếu tố môi trường vào hệ thống quản trị hiện có.
H5: Văn hóa tổ chức hướng đến phát triển bền vững có ảnh hưởng tích cực đến mức độ áp dụng kế toán quản trị môi trường.
Giải thích: Tổ chức có tầm nhìn chiến lược và giá trị tổ chức hướng đến phát triển bền vững sẽ có xu hướng đầu tư nghiêm túc hơn vào EMA và các công cụ quản trị môi trường khác.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tác giả vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, cụ thể như sau:
Phương pháp nghiên cứu định tính
Trước hết, phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng nhằm xây dựng khung lý thuyết và mô hình nghiên cứu. Tác giả tiến hành:
Tổng quan tài liệu: thu thập và phân tích các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan đến EMA, kế toán quản trị, ra quyết định chiến lược, phát triển bền vững trong sản xuất…
Phỏng vấn chuyên gia: phỏng vấn bán cấu trúc với một số chuyên gia trong lĩnh vực kế toán, quản trị doanh nghiệp và môi trường (bao gồm cả các nhà quản lý cấp cao trong doanh nghiệp sản xuất) để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc ứng dụng EMA và vai trò của EMA trong việc hỗ trợ ra quyết định chiến lược.
Kết quả từ bước định tính giúp điều chỉnh mô hình nghiên cứu, xây dựng thang đo và hệ thống câu hỏi phù hợp với bối cảnh doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu định lượng
Phương pháp định lượng được sử dụng để kiểm định mô hình lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu thông qua khảo sát bằng bảng hỏi. Cụ thể:
Thiết kế bảng hỏi: Bảng hỏi được xây dựng dựa trên các biến quan sát đo lường nhận thức và mức độ áp dụng EMA, các yếu tố ảnh hưởng đến EMA (như nhận thức lợi ích môi trường, áp lực từ đối tác, năng lực công nghệ, văn hóa doanh nghiệp…), và mức độ hỗ trợ ra quyết định chiến lược. Các thang đo Likert 5 điểm được sử dụng để thu thập dữ liệu.
Phương pháp chọn mẫu và thu thập dữ liệu: Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện kết hợp với chọn mẫu phân tầng theo ngành (dệt may, thực phẩm, nhựa, thép, hóa chất…) tại các tỉnh/thành phố có mật độ doanh nghiệp sản xuất cao như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên,... Mẫu khảo sát 300 doanh nghiệp để đảm bảo độ tin cậy cho phân tích định lượng.
Phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu
Phân tích thống kê mô tả để tổng hợp đặc điểm mẫu và các biến quan sát. Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Mô hình hồi quy tuyến tính bội để kiểm định mô hình nghiên cứu và các giả thuyết đề ra.
Phương trình hồi quy:
UD = ε + β1*QL + β2*AL+β3* MD + β4*NL + β5*VH + eY
Trong đó:
βn: Hệ số hồi quy chuẩn hóa của biến độc lập.
eY: sai số ngẫu nhiên của phương trình.
ε: hằng số của phương trình.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Kiểm định độ tin cậy của thang đo nhằm đánh giá mức độ nhất quán nội tại giữa các biến quan sát trong cùng một nhân tố, qua đó xác định mức độ phù hợp của thang đo với khái niệm lý thuyết trong nghiên cứu. Nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu trong phân tích ứng dụng EMA vào quyết định chiến lược, nghiên cứu sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha để kiểm định độ tin cậy. Theo Cronbach (1951), hệ số này dao động từ 0 đến 1, giá trị càng cao thể hiện độ tin cậy càng lớn. Tuy nhiên, nếu hệ số vượt quá 0,95 có thể cho thấy sự trùng lặp thông tin giữa các biến quan sát, gây hiện tượng đa cộng tuyến (Nguyễn Đình Thọ, 2013). Thang đo được chấp nhận khi Cronbach’s Alpha từ 0,7 trở lên (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008).
Bảng 1: Kết quả tổng hợp kiểm định độ tin cậy của thang đo
Nhóm nhân tố |
Mã hóa |
Trung bình thang đo nếu loại biến |
Phương sai thang đo nếu loại biến |
Tương quan biến tổng |
Hệ số Cronbach’s Alpha nếu loại biến |
Hệ số Cronbach's Alpha |
Nhận thức nhà quản lý |
QL1 |
13,3067 |
3,766 |
0,583 |
0,521 |
0,659
|
QL2 |
13,2311 |
4,001 |
0,511 |
0,559 |
||
QL3 |
13,4580 |
5,701 |
-0,035 |
0,787 |
||
QL4 |
13,2353 |
3,970 |
0,538 |
0,547 |
||
QL5 |
13,2227 |
3,904 |
0,555 |
0,538 |
||
Áp lực từ bên ngoài DN |
AL1 |
15,5294 |
6,512 |
0,465 |
0,688 |
0,727
|
AL2 |
15,4160 |
6,404 |
0,484 |
0,683 |
||
AL3 |
15,5546 |
5,885 |
0,612 |
0,642 |
||
AL4 |
15,5168 |
6,403 |
0,562 |
0,663 |
||
AL5 |
15,5252 |
6,014 |
0,526 |
0,669 |
||
AL6 |
15,4412 |
7,665 |
0,153 |
0,772 |
||
Mưc độ áp dụng EMA |
MD1 |
10,26 |
3.746 |
0,646 |
0,731 |
0,799
|
MD2 |
10,21 |
3,827 |
0,642 |
0,733 |
||
MD3 |
10,19 |
3,954 |
0,571 |
0,768 |
||
MD4 |
10,14 |
4,005 |
0,585 |
0,761 |
||
MD5 |
10,08 |
3.526 |
0,623 |
0,764 |
||
Năng lực hệ thống thông tin kế toán và công nghệ số hóa |
NL1 |
12,11 |
3,355 |
0,557 |
0,754 |
0,787
|
NL2 |
12,02 |
3,198 |
0,643 |
0,710 |
||
NL3 |
11,96 |
3,353 |
0,597 |
0,734 |
||
NL4 |
12,08 |
3,294 |
0,582 |
0,741 |
||
Văn hóa DN |
VH1 |
9,05 |
4,128 |
0,488 |
0,768 |
0,777
|
VH2 |
9,08 |
3,488 |
0,635 |
0,693 |
||
VH3 |
9,03 |
3,860 |
0,572 |
0,727 |
||
VH4 |
8,97 |
3,636 |
0,630 |
0,696 |
||
Ứng dụng EMA tại các DN sản xuất
|
UD1 |
25,46 |
24.393 |
0,753 |
0,889 |
0,915
|
UD2 |
25,48 |
23.862 |
0,755 |
0,889 |
||
UD3 |
25,41 |
24.175 |
0,731 |
0,891 |
||
UD4 |
25,65 |
28,017 |
0,515 |
0,906 |
||
UD5 |
25,93 |
23,130 |
0,740 |
0,892 |
||
UD6 |
25,92 |
26,171 |
0,611 |
0,900 |
||
UD7 |
25,93 |
27,244 |
0,555 |
0,903 |
||
UD8 |
25,93 |
26,126 |
0,746 |
0,892 |
||
UD9 |
25,55 |
24,940 |
0,751 |
0,890 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Trong nghiên cứu phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng nhằm đánh giá độ chính xác và mức độ đại diện của các biến quan sát trong thang đo đối với các khái niệm nghiên cứu. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả EFA, một số điều kiện cần được đáp ứng. Cụ thể, hệ số tải nhân tố (Factor loading) phải lớn hơn 0,5, thể hiện mức độ tương quan có ý nghĩa giữa biến quan sát và nhân tố. Hệ số KMO (Kaiser-Meyer-Olkin) phải nằm trong khoảng từ 0,5 đến 1; hệ số càng gần 1 càng chứng tỏ dữ liệu phù hợp với phân tích nhân tố. Nếu KMO
Bảng 2: Kết quả kiểm định KMO và Bartlett của các biến độc lập
Hệ số KMO |
0,784 |
|
Kiểm định Bartlett |
Hệ số Chi - Bình phương |
3526,154 |
df |
528 |
|
Sig. |
0,000 |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
Phân tích nhân tố khám phá (EFA) được triển khai nhằm xác định cấu trúc các thang đo và kiểm tra mức độ phù hợp của các biến quan sát. Kết quả kiểm định Bartlett (Bartlett’s Test of Sphericity) cho thấy giá trị Sig. = 0,000
Dựa trên tiêu chí Kaiser (Kaiser Criterion), số lượng nhân tố được trích rút được xác định dựa trên giá trị Eigenvalue. Cụ thể, các nhân tố có giá trị Eigenvalue > 1 được giữ lại vì chúng giải thích phần lớn phương sai trong dữ liệu, trong khi các nhân tố có Eigenvalue nhỏ hơn 1 sẽ bị loại bỏ do đóng góp không đáng kể. Giá trị Eigenvalue càng cao thì mức độ giải thích của nhân tố đối với biến thiên dữ liệu càng lớn, từ đó giúp xác định các nhóm biến quan sát có ý nghĩa trong đo lường các khái niệm lý thuyết trong nghiên cứu EMA.
Kết quả hồi quy và kiểm định các giả thuyết cho thấy, trong 5 nhân tố nhóm nghiên cứu đưa ra, cả 5 nhân tố đều ảnh hưởng đến việc Ứng dụng KTQTMT có ý nghĩa về mặt thống kê, bao gồm: Nhận thức nhà quản lý; Áp lực từ bên ngoài doanh nghiệp; Mưc độ áp dụng kế toán quản trị môi trường; Năng lực hệ thống thông tin kế toán và công nghệ số hóa; Văn hóa DN. Trong đó, nhân tố áp lực bên ngoài doanh nghiệp tác động mẽ nhất với hệ số Beta chuẩn hóa là 0,295, các nhân tố còn lại đều ảnh hưởng cùng chiều.
KẾT LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng, vai trò của EMA trong việc hỗ trợ các quyết định chiến lược như đổi mới công nghệ, tái cấu trúc sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và thích ứng với các yêu cầu môi trường từ đối tác quốc tế. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện hệ thống EMA tại doanh nghiệp, đồng thời đưa ra gợi ý chính sách cho cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Ứng dụng kế toán quản trị môi trường có ý nghĩa về mặt thống kê, bao gồm: Nhận thức nhà quản lý; Áp lực từ bên ngoài doanh nghiệp; Mưc độ áp dụng kế toán quản trị môi trường; Năng lực hệ thống thông tin kế toán và công nghệ số hóa; Văn hóa DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Công (2015). Kế toán quản trị. Nxb Tài chính.
2. Trần Mạnh Dũng (2018). Kế toán quản trị môi trường: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Kế toán & Kiểm toán, số 10/2018.
3. Nguyễn Thị Phương Hoa (2020). Yếu tố ảnh hưởng đến áp dụng kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp sản xuất. Tạp chí Khoa học Đại học Mở TP.HCM, số 2(65), tr. 33-45.
4. Nguyễn Văn Thạnh & Trần Thị Mai (2021). Áp dụng kế toán quản trị môi trường tại các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Tạp chí Kinh tế & Dự báo, số 18.
5. Vũ Hữu Đức (2022). Kế toán quản trị nâng cao. Nxb Lao động.
6. Đinh Thị Hồng Vân (2021). Thực trạng và giải pháp thúc đẩy kế toán quản trị môi trường trong doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí Tài chính, số 5.
7. Nguyễn Thanh Huyền (2019). Ứng dụng kế toán quản trị trong ra quyết định tại doanh nghiệp sản xuất. Tạp chí Kế toán, số 8.
8. United Nations Division for Sustainable Development (2001). Environmental Management Accounting Procedures and Principles. UNDSD.
9. Henri, J. F., & Journeault, M. (2008). Environmental performance indicators: An empirical study of Canadian manufacturing firms. Journal of Environmental Management, 87(1), 165-176.
10. Qian, W., Burritt, R. (2008). The potential for environmental management accounting to improve decision making at a local government level. Ecological Economics, 68(1), 1235-1246.
Ngày nhận bài: 10/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 20/7/2025; Ngày duyệt đăng 22/7/2025 |