Ukraine tung robot phun lửa 2.500⁰C ra chiến trường

() - Ukraine thông báo đã cấp phép cho robot phun lửa KRAMPUS do nước này sản xuất ra chiến trường.
Ukraine tung robot phun lửa 2.500⁰C ra chiến trường - 1

Robot KRAMPUS (Ảnh: Kyiv Post).

Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 20/5 thông báo trên website chính thức rằng họ đã chuẩn hóa và phê duyệt hệ thống robot mặt đất KRAMPUS, một phương tiện không người lái tấn công bằng súng phun lửa, để sử dụng tác chiến trong Lục quân Ukraine.

KRAMPUS là một UGV (robot mặt đất không người lái) do Ukraine sản xuất, được thiết kế cho cả nhiệm vụ tấn công và phòng thủ trong mọi điều kiện thời tiết.

Hệ thống nhỏ gọn, nhẹ, có thể vận chuyển bằng xe bán tải, minibus hoặc rơ-moóc. Nó vận hành bằng hai động cơ điện gần như không phát ra tiếng ồn và di chuyển bằng bánh xích đã được thử nghiệm trên nhiều địa hình phức tạp như rừng, cát, đầm lầy và dốc cao.

Theo thông báo, hệ thống có kênh điều khiển ổn định, hoạt động tốt trong điều kiện lạnh, nóng, tuyết và mưa. Dung lượng pin cho phép robot hoạt động liên tục trong nhiều giờ, đủ để duy trì trạng thái trực chiến tại vị trí trong thời gian dài.

KRAMPUS được trang bị camera quan sát và mang theo súng phun lửa bộ binh RPV-16, loại vũ khí do Ukroboronprom sản xuất từ năm 2017 và được biên chế vào lực lượng vũ trang Ukraine từ tháng 10/2018.

RPV-16 sử dụng đầu đạn nhiệt áp phóng bằng rocket, có khả năng tấn công sinh lực đối thủ, phương tiện hạng nhẹ và các công trình. Khi trúng mục tiêu, đầu đạn phát nổ tạo ra đám mây aerosol đường kính 8m, hình thành quả cầu lửa đạt sức nóng tới 2.500⁰C.

Tính từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2022, Bộ Quốc phòng Ukraine đã chuẩn hóa và đưa vào sử dụng hơn 80 loại UGV, phần lớn do trong nước thiết kế và sản xuất. Các robot này được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ như mang vũ khí tấn công, đánh bom cảm tử, trinh sát, rải mìn, rà phá bom mìn, hậu cần, cứu thương, tuần tra...

Dù không công bố số lượng KRAMPUS sẵn sàng triển khai, giới chức quốc phòng Ukraine cho biết đây là bước tiến trong việc tích hợp robot chiến đấu tự hành nhằm tăng cường hỏa lực hỗ trợ các nhiệm vụ trên chiến trường.

Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong cuộc chiến với Nga, giới chức Ukraine tháng trước đã công bố kế hoạch triển khai tới 15.000 UGV trong năm 2025, một bước nhảy vọt chưa từng có, nhằm đưa máy móc thay thế con người trên tuyến đầu. Nhưng phía sau con số ấn tượng đó là vô vàn thách thức về công nghệ, hậu cần.

"Khi không còn đủ người, Ukraine buộc phải dùng đến máy móc. Đây không phải lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn", bà Kateryna Bondar, chuyên gia tại Trung tâm AI Wadhwani thuộc Viện CSIS (Mỹ), nhận định.

Nguyên nhân mà Ukraine khó triển khai UGV trên diện rộng không nằm ở công nghệ chế tạo mà ở tính thực tiễn. "Thử tưởng tượng phải đưa một cỗ máy nặng cả tấn ra tiền tuyến. Nếu chạy bằng xăng dầu thì phải chở thêm nhiên liệu. Nếu dùng pin thì lại cần máy phát điện để sạc. Cả một cơn ác mộng hậu cần", bà Bondar nói.

Chưa kể, giá thành cũng là trở ngại lớn. Một UGV nhỏ cũng tiêu tốn từ 2.000-3.000 USD, loại tiên tiến có thể lên đến 10.000 USD, đắt hơn gấp hàng chục lần so với một UAV tự sát FPV. Với chi phí như vậy, robot mặt đất chỉ thực sự hữu ích khi làm được những việc mà UAV không thể.