
Khói lửa bốc lên sau cuộc tấn công của Nga vào vùng Kiev của Ukraine đêm 3/7, rạng sáng 4/7 (Ảnh: Reuters).
Cái chết của một phi công tiêm kích F-16 giàu kinh nghiệm của Ukraine trong trận chiến chống lại các máy bay không người lái của Nga mới đây cho thấy những chiến thuật rủi ro cao mà Kiev sẽ ngày càng phải áp dụng nếu không thể có được các hệ thống phòng không thiết yếu mới.
Hàng chục người đã thiệt mạng trong các đợt không kích ngày càng dữ dội của Nga nhằm vào các thành phố Ukraine trong những tuần gần đây, một xu hướng mà các quan chức nói sẽ còn tồi tệ hơn nếu các đồng minh của Kiev không tăng cường cung cấp các loại đạn dược thiết yếu.
Ông Oleh Zakharchuk, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân miền Tây Ukraine, cảnh báo: “Mọi người phải hiểu rằng không có khái niệm đủ vũ khí. Nếu chúng tôi không được cung cấp thêm tên lửa, mọi thứ sẽ rất khó khăn”.
Phi công tiêm kích F-16 của Ukraine, Maksym Ustymenko, đã thiệt mạng hôm 29/6 sau khi bắn hạ 7 máy bay không người lái Shahed của Nga trong một đợt không kích quy mô lớn bao gồm hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa.
Ông Zakharchuk cho biết phi công này trước tiên đã sử dụng hết tất cả các tên lửa không đối không của tiêm kích để tác chiến, sau đó phải dùng đến pháo gắn trên máy bay, một chiến thuật rủi ro hơn vì buộc các phi công Ukraine phải tiếp cận gần máy bay không người lái của đối phương.
“Nếu chúng tôi không bắn hạ một chiếc Shahed, và nó rơi xuống một khu dân cư, vào một tòa nhà và khiến người dân thiệt mạng, chúng tôi nên chọn gì? Tất nhiên, chúng tôi chọn tiêu diệt các mục tiêu trên không, bất chấp mức độ khó khăn và nguy hiểm”, ông Zakharchuk nói.
Những bình luận trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Lầu Năm Góc cho biết đang tạm dừng một số chuyến viện trợ vũ khí mà Ukraine cần để bảo vệ các thành phố của mình.
Gói viện trợ của Mỹ đang bị trì hoãn bao gồm cả tên lửa được trang bị cho các máy bay F-16 cũng bao gồm cả các loại đạn chính xác mà Ukraine cần để đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga trên chiến trường.
Lầu Năm Góc cho biết, quyết định tạm dừng viện trợ này nhằm bảo toàn kho dự trữ của Mỹ.
Báo Bild của Đức dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine sẽ gặp khó khi đối đầu với Nga ở nhiều trận địa lớn.
Việc thiếu tên lửa Patriot có thể làm suy giảm đáng kể năng lực phòng không của Ukraine bởi chúng được cho là hệ thống duy nhất của Kiev hiện nay có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Trong khi đó, việc ngừng cung cấp tên lửa AIM có thể khiến quân đội Ukraine khó đánh chặn các máy bay không người lái tấn công của Nga. Thiếu đạn dược cũng sẽ khiến các hệ thống HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine gần như vô dụng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/7 cho biết ông hy vọng sẽ nói chuyện với người đồng cấp Mỹ Donald Trump vào ngày 4/7 hoặc trong vài ngày tới về quyết định đóng băng viện trợ. "Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho người dân”, ông nói.