
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak (Ảnh: Pravda).
Phản ứng về thành phần phái đoàn đàm phán mà Nga vừa công bố ngày 14/5, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podoliak, cho rằng trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky không phải là người phù hợp để thảo luận về "các vấn đề cơ bản" với phía Ukraine.
"Tất nhiên đó không phải là một lựa chọn phù hợp. Tổng thống Volodymyr Zelensky không thể gặp phái đoàn Nga, đặc biệt là ông Medinsky, mọi thứ sẽ không hoàn toàn rõ ràng", ông Podoliak nói.
Bình luận của ông Podoliak là phản ứng đầu tiên của Ukraine sau khi Nga công bố thành phần phái đoàn sẽ đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để tham gia hòa đàm trực tiếp tiềm năng với Ukraine vào ngày 15/5.
Trước đó, Ukraine tuyên bố các bước tiếp theo của Kiev sẽ phụ thuộc vào danh sách phái đoàn đàm phán của Nga. Tổng thống Zelensky đã đề xuất hội đàm trực tiếp với Tổng thống Putin, và nêu rõ chỉ đàm phán với ông Putin, mà không tiếp bất cứ quan chức nào khác của Nga. Tuy nhiên, rõ ràng đề xuất này không được Moscow chấp nhận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hành pháp đề cử các quan chức cấp cao của Nga tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5.
Theo sắc lệnh, dẫn đầu phái đoàn đàm phán là Cố vấn của tổng thống, ông Vladimir Medinsky. Phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân sự Nga Igor Kostyukov.
Ngoài các nhà đàm phán, một nhóm chuyên gia của Nga đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng thống cũng sẽ tham gia. Nhóm này bao gồm một số quan chức quân sự và dân sự cấp cao, cũng như các nhà ngoại giao.
Ông Medinsky, người được chỉ định dẫn đầu đoàn đàm phán của Nga tại Istanbul, từng là thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) từ năm 2004 đến năm 2011 và là Bộ trưởng Bộ Văn hóa từ năm 2012 đến năm 2020.
Ông là Chủ tịch Hội Lịch sử Quân sự Nga, một tổ chức có nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá vai trò của đất nước trong nhiều cuộc xung đột khác nhau, bao gồm Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, cũng như ủy quyền xây dựng các đài tưởng niệm chiến tranh.
Cuối năm ngoái, ông Medinsky khẳng định Ukraine có cơ hội thực sự để đạt được thỏa thuận hòa bình vào mùa xuân năm 2022 nhưng đột ngột "hủy bỏ mọi thỏa thuận" và rút khỏi các cuộc đàm phán.
Trong một diễn biến liên quan khác, Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik cho biết, dự thảo thỏa thuận mà Nga và Ukraine đã nhất trí vào tháng 3/2022 tại Istanbul vẫn có thể đóng vai trò là một lựa chọn giải quyết xung đột trên cơ sở có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế sau 3 năm.
Ông nhắc lại, theo dự thảo thỏa thuận này, Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO.
"Ukraine nên bị tước bỏ khả năng quân sự và không được sử dụng như một công cụ chống lại Nga. Điều này liên quan đến việc giảm quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine và hạn chế vũ khí mà nước này có. Mặc dù con số chính xác không được nêu rõ, nhưng quân đội của họ chỉ đủ để quản lý các vấn đề nội bộ, hàng chục nghìn, không phải hàng triệu. Ít hơn nhiều", ông nói.