
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars của Nga (Ảnh: Sputnik).
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự suy giảm các hiệp ước kiểm soát vũ khí, tiềm lực hạt nhân của Nga tiếp tục là tâm điểm chú ý. Bản báo cáo Các vũ khí hạt nhân Nga 2025 của “Bản tin các nhà khoa học hạt nhân” (Bulletin of the Atomic Scientists), do Hans M. Kristensen và các cộng sự thực hiện, cung cấp góc nhìn chi tiết về kho vũ khí hạt nhân của Nga, các nỗ lực hiện đại hóa, chiến lược răn đe.
Với 4.309 đầu đạn hạt nhân, Nga duy trì vị thế siêu cường hạt nhân nhưng chương trình hiện đại hóa đối mặt với nhiều thách thức.
Kho vũ khí hạt nhân của Nga
Theo báo cáo, Nga hiện sở hữu khoảng 4.309 đầu đạn hạt nhân, chia thành hai loại chính. Một là đầu đạn chiến lược. Có khoảng 2.832 đầu đạn, trong đó 1.718 đầu đạn được triển khai trên các phương tiện phóng như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), 870 đầu đạn triển khai trên các hệ thống RS-24 Yars, RS-20V Voevoda; tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) khoảng 640 đầu đạn, chủ yếu trên tàu ngầm lớp Borei và Delta IV. Máy bay ném bom chiến lược sở hữu khoảng 200 đầu đạn, tại các căn cứ không quân Engels và Ukrainka. Khoảng 1.114 đầu đạn chiến lược còn lại được dự trữ, sẵn sàng sử dụng khi cần.
Hai là đầu đạn phi chiến lược (chiến thuật). Khoảng 1.477 đầu đạn sử dụng cho các hệ thống tầm ngắn và tầm trung như tên lửa Iskander, tên lửa hành trình Kalibr. Giới chuyên gia quân sự cho rằng đây là lực lượng gây tranh cãi vì thiếu minh bạch và khả năng sử dụng kép (hạt nhân hoặc thông thường).
Ngoài ra, 1.150 đầu đạn đã rút khỏi hoạt động đang chờ tháo dỡ, nâng tổng kho lên 5.459 đầu đạn. So với năm 2024, số đầu đạn giảm nhẹ (71 đơn vị), chủ yếu do điều chỉnh ước tính đầu đạn phi chiến lược.
So sánh với Mỹ, Nga và Mỹ duy trì sự ngang bằng hạt nhân, mỗi nước sở hữu khoảng 4.000-5.000 đầu đạn. Tuy nhiên, Nga có số đầu đạn phi chiến lược lớn hơn (1.477 so với khoảng 200 của Mỹ), trong khi Mỹ vượt trội về công nghệ phòng thủ tên lửa. Sự ngang bằng này là động lực chính thúc đẩy Nga hiện đại hóa kho vũ khí, nhằm duy trì khả năng răn đe trước Mỹ và NATO.
Chương trình hiện đại hóa hạt nhân
Nga bắt đầu chương trình hiện đại hóa từ những năm 1990, với mục tiêu thay thế toàn bộ hệ thống hạt nhân thời Liên Xô bằng các phiên bản mới hiệu quả hơn. Đến năm 2025, chương trình này đã đạt 88% tiến độ, đặc biệt trong lực lượng ICBM di động và tàu ngầm hạt nhân.
Các mục tiêu chính trước hết là tăng cường khả năng sống sót. Các hệ thống mới như ICBM RS-28 Sarmat và khối chiến đấu lướt siêu thanh Avangard được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa. Phát triển vũ khí phi chiến lược đa năng, có thể sử dụng trong các kịch bản xung đột khu vực. Ngoài ra, Nga coi vũ khí hạt nhân là biểu tượng sức mạnh, củng cố vị thế siêu cường.
Các hệ thống chủ lực bao gồm: Thứ nhất là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nga triển khai khoảng 330 ICBM, mang tới 1.254 đầu đạn, bao gồm các loại như RS-24 Yars (di động và hầm phóng), RS-20V Voevoda, và RS-28 Sarmat (đang triển khai). RS-28 Sarmat, có biệt danh “Con trai của Satan”, thay thế SS-18, có khả năng mang 10-14 đầu đạn và vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, việc triển khai bị chậm trễ do vấn đề kỹ thuật và ưu tiên sản xuất cho xung đột Ukraine. Khối Avangard trên ICBM SS-19 Mod 4 cung cấp khả năng tấn công siêu thanh, tăng tính bất ngờ.
Thứ hai, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Lực lượng Hải quân Nga vận hành 12 tàu ngầm hạt nhân (7 lớp Borei, 5 lớp Delta IV), mang 640 đầu đạn trên SLBM Sineva và Bulava. Lớp Borei, với tàu mới như Imperator Alexander III, là trụ cột của lực lượng SLBM, dự kiến thay thế hoàn toàn Delta IV vào cuối thập kỷ này.
Thứ ba, máy bay ném bom chiến lược. Nga hiện có 67 máy bay ném bom Tu-160, Tu-95MS, mang tên lửa hành trình Kh-102 (hạt nhân) và Kh-101 (thông thường). Khoảng 200 đầu đạn được phân bổ tại các căn cứ Engels và Ukrainka. Chương trình nâng cấp Tu-95MSM và Tu-160 giúp cải thiện khả năng mang tên lửa và độ chính xác nhưng các máy bay này dễ bị tổn thương trước hệ thống phòng không hiện đại.
Thứ tư, vũ khí phi chiến lược, bao gồm tên lửa Iskander, tên lửa hành trình Kalibr, và tên lửa siêu thanh Kinzhal. Những hệ thống này được sử dụng trong cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine hiện nay, đã chứng minh được khả năng sử dụng kép. Bên cạnh đó, Nga cũng đang phát triển tên lửa hành trình liên lục địa Burevestnik và ngư lôi hạt nhân Poseidon, nhưng cả hai gặp nhiều thất bại trong thử nghiệm, theo TASS.
Mặc dù đạt những tiến bộ nhất định trên, chương trình hiện đại hóa cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Việc triển khai tên lửa Sarmat và Avangard bị trì hoãn do vấn đề sản xuất và thử nghiệm. Cuộc xung đột quân sự với Ukraine buộc Nga dành ưu tiên cho sản xuất các loại vũ khí thông thường, làm giảm nguồn lực cho chương trình hạt nhân. Ngoài ra, việc tạm dừng triển khai “Hiệp ước New START” năm 2023 khiến dữ liệu về lực lượng chiến lược khó xác minh, gây khó khăn cho các nhà phân tích.
Chiến lược hạt nhân và học thuyết
Nga cập nhật Học thuyết răn đe hạt nhân vào năm 2024, mở rộng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm: (i) Phát hiện phóng tên lửa đạn đạo tấn công Nga hoặc đồng minh. (ii) Đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. (iii) Tấn công làm gián đoạn khả năng đáp trả hạt nhân của Nga. (iv) Xâm lược bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền Nga hoặc Belarus. (v) Phát hiện các phương tiện không gian-vũ trụ vượt biên giới Nga.
So với Học thuyết cũ ban hành năm 2020, phiên bản mới đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, phản ánh sự leo thang căng thẳng với Mỹ/phương Tây trong bối cảnh xung đột Ukraine, khi nhiều lần Nga đưa ra các “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, không rõ liệu kế hoạch quân sự có thay đổi thực chất hay không.
Trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine, Tổng thống Putin và các quan chức Nga thường xuyên phát tín hiệu hạt nhân như tuyên bố sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phi chiến lược. Những tín hiệu này nhằm răn đe NATO, Mỹ khi cung cấp vũ khí tối tân cho Ukraine, thậm chí có nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho rằng lực lượng quân đội NATO tham chiến tại chiến trường Ukraine, qua đó đe dọa đến lợi ích an ninh quốc gia Nga, nhưng gây lo ngại về ý định thực sự. Theo giới chuyên gia, vấn đề “lãnh thổ Nga” trong Học thuyết cũng gây tranh cãi, vì không rõ liệu các vùng Nga đã sáp nhập từ Ukraine có được coi là lãnh thổ Nga hay không.
Hiện chỉ có ba người, gồm Tổng thống Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov và Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov, có quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân, với yêu cầu xác nhận từ ít nhất hai người. Điều này đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nhưng bối cảnh hiện nay có thể làm tăng khả năng leo thang.
Về vai trò của Belarus, Nga đang xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân tại Belarus, bao gồm cải tiến máy bay Su-25 và triển khai tên lửa Iskander. Kho lưu trữ tiềm năng tại Osipovichi được cho là nơi chứa đầu đạn hạt nhân, dù chưa có bằng chứng xác thực. Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố Nga cung cấp “hàng chục” đầu đạn hạt nhân vào cuối năm 2024, song các chuyên gia Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ. Việc triển khai này nhằm tăng cường răn đe NATO nhưng đặt ra câu hỏi về hậu cần, kiểm soát.
Nga rút phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) năm 2023, và bãi thử Novaya Zemlya cho thấy dấu hiệu hoạt động, với xe tải, cần cẩu và cơ sở mới. Đô đốc Andrei Sinitsyn tuyên bố rằng thao trường Novaya Zemlya đã “sẵn sàng” cho các vụ thử quy mô lớn, nhưng Nga nhấn mạnh sẽ không thử trừ khi Mỹ làm trước. Động thái này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới.
Tác động toàn cầu
Đối với an ninh khu vực, việc Nga hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và triển khai tại Belarus làm gia tăng căng thẳng với Mỹ/NATO. Các nước Đông Âu như Ba Lan và Litva (tuyến đầu chống Nga), lo ngại về nguy cơ leo thang. Sự hiện diện của tàu ngầm Nga gần bờ biển Mỹ, châu Âu cũng gây áp lực lên các hệ thống phòng thủ.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí New START sẽ hết hạn năm 2026. Nếu không gia hạn, Nga có thể tăng số đầu đạn triển khai lên 60%, làm suy yếu sự ổn định chiến lược. Việc thiếu cơ chế giám sát sau khi tạm dừng hiệp ước khiến các đánh giá về lực lượng Nga kém chính xác, làm phức tạp đàm phán tương lai. Chương trình hiện đại hóa của Nga thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng và phát triển vũ khí mới; làm giảm triển vọng cắt giảm vũ khí hạt nhân, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu.
Giới chuyên gia nhận định, tiềm lực hạt nhân của Nga năm 2025 phản ánh sự kết hợp giữa sức mạnh và thách thức. Với kho vũ khí lớn, chương trình hiện đại hóa tiến bộ, Nga duy trì vị thế siêu cường hạt nhân nhưng các vấn đề kỹ thuật, hạn chế công nghiệp và căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở mục tiêu.
Học thuyết hạt nhân mới và các động thái tại Belarus, Novaya Zemlya cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân như công cụ răn đe nhưng cũng làm tăng nguy cơ. Để giảm căng thẳng, cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy đàm phán kiểm soát vũ khí và tăng cường minh bạch. Tương lai an ninh toàn cầu phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa răn đe và đối thoại.