
Tiêm kích F-16C mang theo tên lửa AIM-120 AMRAAM (Ảnh: TWZ).
Theo thông báo của Không quân Ukraine, tiêm kích F-16 mất liên lạc vào khoảng 3h30 ngày 16/5. Vào thời điểm đó, tiêm kích Ukraine đang đẩy lùi một cuộc không kích của Nga.
"Các báo cáo ban đầu cho biết phi công đã tiêu diệt 3 mục tiêu trên không và đang tấn công mục tiêu thứ 4 bằng pháo. Tuy nhiên, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra trên máy bay. Phi công đã điều khiển máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư và phóng ghế thoát hiểm thành công", Không quân Ukraine cho biết thêm.
Đội tìm kiếm và cứu nạn đã nhanh chóng xác định vị trí của phi công và đưa người này tới nơi an toàn.
"Phi công đang trong tình trạng ổn định, ở nơi an toàn và tính mạng cũng như sức khỏe không bị đe dọa. Một ủy ban điều tra đã được thành lập để làm rõ một cách khách quan mọi tình huống và đã bắt đầu làm việc", Không quân Ukraine xác nhận.
Đây là sự cố tiếp theo liên quan đến tiêm kích F-16 kể từ khi Ukraine bắt đầu nhận dòng máy bay chiến đấu hiện đại này từ các đồng minh của Mỹ vào năm ngoái.
Vào cuối tháng 8/2024, một tiêm kích F-16 đã bị rơi và phi công đã tử nạn khi đang đẩy lùi một cuộc không kích lớn của Nga.
Ngày 12/4, Không quân Ukraine xác nhận một tiêm kích F-16 đã bị bắn rơi trong một nhiệm vụ chiến đấu ở miền Đông nước này.
Dù xác nhận đã bắn rơi F-16 của Ukraine, phía Nga không tiết lộ loại vũ khí hay vị trí cụ thể được sử dụng.
Ukraine hiện thời chỉ có một số lượng F-16 hạn chế, được cho là không quá 16 chiếc, trong đó khoảng 6-8 chiếc có thể sẵn sàng chiến đấu.
Những máy bay này được phân tán tại nhiều căn cứ và thường làm nhiệm vụ phòng không, chủ yếu đánh chặn tên lửa hành trình Nga như Kh-101 hay Kalibr. Thỉnh thoảng, chúng được giao nhiệm vụ tấn công.
Sự cố hồi tháng 4 cũng làm nổi bật tính dễ tổn thương của lực lượng F-16 ít ỏi mà Ukraine đang sở hữu. Dù là dòng máy bay tiên tiến, chúng phải đối mặt với loạt thách thức: thiếu phụ tùng, thiếu phi công huấn luyện đầy đủ, và đặc biệt là mối đe dọa từ hệ thống phòng không hiện đại của Nga.
Nếu tình trạng thiếu chia sẻ dữ liệu tình báo chiến thuật vẫn tiếp diễn, khả năng Ukraine triển khai hiệu quả loại vũ khí chiến lược này sẽ bị đặt dấu hỏi lớn, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với cục diện chiến tranh trong tương lai gần.
F-16 là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ tư có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm tấn công mặt đất, yểm trợ đường không và đánh chặn máy bay đối phương.
Quyết định viện trợ F-16 của phương Tây giúp Kiev tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ và mang lại cho quân đội Ukraine cơ hội tấn công các mục tiêu mặt đất.
Trong một thời gian dài, nguồn lực chính của Không quân Ukraine vẫn là các máy bay Liên Xô, như MiG-29 và Su-27, vốn thua kém F-16 về đặc tính kỹ thuật trên lý thuyết.