Trịnh Thị Lan Anh
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi
Tóm tắt
Algeria là quốc gia rộng nhất châu Phi với dân số hơn 44 triệu người. Đây cũng là nền kinh tế lớn thứ tư lục địa, có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đa dạng từ khai khoáng, xây dựng, điện nước, lái xe, ốp lát, thạch cao đến phiên dịch tiếng Pháp. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Algeria đang có những dấu hiệu khởi sắc, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu lao động Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Algeria, qua đó gợi mở hàm ý chính sách nhằm nâng cao chất và lượng của lao động Việt Nam sang thị trường này.
Từ khóa: Algeria, xuất khẩu, lao động, Việt Nam
Summary
Algeria is the largest country in Africa by land area, with a population of over 44 million people. As the continent's fourth-largest economy, it has a diverse demand for labor across various sectors, including mining, construction, utilities, driving, tiling, plastering, and French translation. Economic and trade relations between Vietnam and Algeria have recently improved, creating significant opportunities for Vietnamese labor export. This article examines the current situation of Vietnamese labor export to Algeria and offers policy implications to enhance both the quality and quantity of Vietnamese labor in this market.
Keywords: Algeria, export, labor, Vietnam
GIỚI THIỆU
Algeria có bờ biển dài khoảng 1.622 km dọc Địa Trung Hải, với 3 vùng địa lý chính từ Bắc xuống Nam: vùng đồng bằng ven biển và đồi núi Atlas Tell; cao nguyên phía Nam dãy Atlas với các hồ muối, vùng chăn nuôi; sa mạc Sahara chiếm 80% diện tích, giàu dầu khí và khoáng sản. Algeria có trữ lượng khí tự nhiên đứng thứ bảy, dầu mỏ thứ 14 thế giới; xuất khẩu dầu khí chiếm 93% giá trị xuất khẩu. Là nền kinh tế lớn thứ tư châu Phi, Algeria đang nỗ lực đa dạng hóa, phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư để giảm phụ thuộc dầu khí. Quốc gia này có tiềm năng lớn về khoáng sản, nông nghiệp ven biển và du lịch nhờ cảnh quan, di sản phong phú.
Dân số Algeria chủ yếu sống ở ven biển, đồng bằng phía Bắc. Ngôn ngữ chính thức là Ả Rập, khoảng 65% dân số dùng tiếng Pháp. Algeria có nhu cầu lớn lao động nước ngoài, nhất là trong xây dựng, cơ khí, do nhiều dự án hạ tầng, khai khoáng đang được tập trung đầu tư. Nước này chủ yếu tuyển lao động phổ thông nam 28-48 tuổi cho các công việc xây dựng, điện nước, lắp đặt điều hòa, lái máy… Một số đơn hàng cần lao động tay nghề, kinh nghiệm, hoặc kỹ sư đến 50 tuổi. Chi phí xuất cảnh thấp, điều kiện tuyển dễ, không yêu cầu ngoại ngữ hay tay nghề cao khiến Algeria trở thành thị trường hấp dẫn cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
THỰC TRẠNG KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG ALGERIA
Kể từ năm 2016, sau khi Chính phủ Việt Nam và Algeria ký kết thỏa thuận hợp tác chính thức, hoạt động xuất khẩu lao động sang Algeria đã được triển khai theo con đường chính ngạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay là Bộ Nội vụ), trong năm 2016, số lao động Việt Nam xuất cảnh sang Algeria là 103 người. Đến cuối năm 2016, đã có khoảng 3.000 lao động Việt Nam làm việc tại nước này, chủ yếu cho các nhà thầu xây dựng thuộc các quốc gia thứ ba như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng.
Bước sang năm 2017, số lao động Việt Nam làm việc tại Algeria đã tăng lên hơn 4.000 người, với 438 lao động mới, cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này nhờ mức lương dao động từ 600-1.500 USD/tháng, cao hơn nhiều thị trường khác trong khu vực, chưa tính làm thêm, trợ cấp; chi phí ăn ở, đi lại do chủ sử dụng chi trả, gần như không bị trừ lương.
Năm 2018, hoạt động xuất khẩu lao động sang Algeria tiếp tục có những tín hiệu tích cực nhờ nền tảng hợp tác chính trị và kinh tế ổn định giữa 2 quốc gia. Dù vậy, số lượng lao động mới sang chỉ đạt 52 người. Số lao động Việt tại Algeria tính đến cuối năm 2018 vẫn duy trì ở mức khoảng 5.000 người, tập trung nhiều trong lĩnh vực xây dựng.
Trong năm 2019, số lao động Việt Nam sang Algeria đạt 359 người, tăng đáng kể so với năm 2018. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và bất ổn kinh tế toàn cầu, số lượng lao động mới giảm mạnh, chỉ còn 150 người.
Đến năm 2021, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, hoạt động xuất khẩu lao động sang Algeria đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, với khoảng 213 lao động mới sang làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và cơ khí.
Năm 2022, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn và nỗ lực hợp tác lao động, số lượng lao động mới sang Algeria đạt khoảng 287 người. Trong năm này, các cơ quan xúc tiến thương mại và lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía Algeria tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến nhằm thúc đẩy và chuẩn bị các đơn hàng lao động mới.
Sang năm 2023, nền kinh tế Algeria tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ổn định, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế từ Mỹ, Anh, Pháp, dẫn đến nhu cầu lớn về lao động nước ngoài. Trong bối cảnh đó, số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Algeria đạt 332 người. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty VINA-MEC HR đã ký kết nhiều thỏa thuận sơ bộ với Algeria, đẩy mạnh xuất khẩu lao động; đồng thời mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và thương mại.
Hình 1: Số lao động Việt Nam đi làm việc Algeria giai đoạn 2016-2024
Đơn vị tính: Người
![]() |
Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước
Năm 2024, hoạt động xuất khẩu lao động sang Algeria tiếp tục phát triển, với 397 lao động Việt Nam mới sang, trong đó có 6 lao động nữ, phản ánh sự mở rộng cơ hội việc làm và xu hướng đa dạng hóa ngành nghề tuyển dụng. Các chương trình xuất khẩu lao động bao gồm cả lao động phổ thông và tu nghiệp sinh, với điều kiện tuyển dụng linh hoạt: độ tuổi tới 55, không yêu cầu tay nghề hay ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn.
Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của chính phủ Algeria về trợ cấp nhiên liệu, điện nước cũng như nhu cầu tuyển dụng cao trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí đã góp phần thúc đẩy hợp tác lao động giữa 2 nước. Chi phí đi Algeria không quá cao (1.000-2.000 USD), mức thu nhập dao động 600-1.500 USD/tháng, phù hợp với lao động phổ thông. Điều kiện tuyển dụng tương đối thuận lợi: tuyển người đến 55 tuổi, không yêu cầu bắt buộc về tay nghề hay ngoại ngữ...
Tại khu vực châu Phi, Algeria tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất và được xem là thị trường trọng điểm với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho lao động Việt. Tuy nhiên, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Algeria chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số lao động của Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài (năm 2024 chỉ chiếm khoảng 0,25% trong tổng số lao động đi làm việc tại nước ngoài) (Hình 2).
Hình 2: Cơ cấu lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài năm 2024
![]() |
Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước
Mặc dù thị trường Algeria mang lại nhiều cơ hội với mức thu nhập ổn định, xuất khẩu lao động Việt Nam tại nước này vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Vị trí địa lý xa xôi không chỉ khiến hành trình di chuyển tốn kém và kéo dài, mà còn tạo thêm áp lực cho người lao động trong việc duy trì liên lạc và nhận hỗ trợ từ gia đình. Tại nhiều công trường, điều kiện làm việc còn khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao và thiếu trang thiết bị bảo hộ đầy đủ. Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ - tiếng Pháp và tiếng Ả Rập - đã khiến nhiều lao động gặp khó khăn trong giao tiếp với chủ sử dụng lao động và đồng nghiệp. Sự bất đồng ngôn ngữ cùng với phong cách văn hóa khác biệt, đôi khi gây hiểu nhầm và áp lực xã hội trong sinh hoạt hàng ngày.
GIẢI PHÚC ĐẨY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM SANG ALGERIA
Để khắc phục những thách thức trên, qua đó thúc đẩy xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Algeria, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần:
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Việt Nam cần chủ động thúc đẩy đàm phán với phía Algeria nhằm ký kết hoặc hoàn thiện các hiệp định song phương về hợp tác lao động, bảo hiểm xã hội, công nhận giá trị bằng cấp, chứng chỉ nghề. Điều này không chỉ hình thành một hành lang pháp lý vững chắc mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc tại thị trường này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là đối với các thị trường tiềm ẩn rủi ro cao như Algeria. Việc ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn doanh nghiệp phái cử, trách nhiệm của các bên liên quan cùng chế tài xử phạt nghiêm minh sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo, bóc lột hoặc chèn ép lao động. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp phái cử cần được tăng cường, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện ngoại giao tại nước sở tại, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm cũng như hỗ trợ người lao động giải quyết các tranh chấp, khiếu nại phát sinh trong quá trình làm việc.
Hai là, cần mở rộng và đa dạng hóa thị trường lao động. Việc duy trì và phát triển thị trường Algeria như một thị trường truyền thống cần được tiếp tục thực hiện; song song với đó, cần nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề tuyển dụng, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực xây dựng, cơ khí. Việc mở rộng sang các ngành nghề khác như dịch vụ, vận hành thiết bị hiện đại, công nghiệp phụ trợ..., sẽ giúp gia tăng cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam, đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực ngày càng đa dạng tại Algeria. Chính phủ cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu, định kỳ về nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập, điều kiện lao động cũng như hệ thống pháp luật sở tại. Việc này nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giúp họ chủ động trong kế hoạch đào tạo, phái cử lao động.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, diễn đàn xúc tiến lao động song phương, tạo cơ hội kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Algeria, góp phần hình thành các thỏa thuận hợp tác bền vững. Việc sử dụng đa dạng các kênh truyền thông như website chính thức, nền tảng mạng xã hội, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ góp phần quảng bá rộng rãi tiềm năng, cơ hội của thị trường Algeria, giúp người lao động tiếp cận thông tin chính thống, tin cậy, tránh bị các đối tượng môi giới bất hợp pháp lợi dụng.
Ba là, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng lao động. Việt Nam cần hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, tập trung bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, kiến thức về văn hóa, pháp luật của Algeria để người lao động thích nghi nhanh, nâng cao hiệu quả làm việc. Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để mở các khóa học chuyên sâu, thiết kế phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động Algeria, nhất là các ngành xây dựng, cơ khí, nông nghiệp và dịch vụ. Nội dung đào tạo cần bao quát cả kỹ năng nghề, kiến thức về an toàn lao động cũng như các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm để người lao động tự tin hòa nhập. Ngoài ra, tổ chức các khóa học về ngôn ngữ cơ bản và tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán Algeria. Điều này sẽ giúp người lao động hạn chế được cú sốc văn hóa, dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc tại nước sở tại, đồng thời giảm thiểu các rủi ro phát sinh do khác biệt về phong cách ứng xử, qua đó nâng cao hình ảnh lao động Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế.
Bốn là, tăng cường các biện pháp hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các kênh chính thống, đồng thời đẩy mạnh công tác cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các đơn hàng lao động không rõ ràng, thiếu minh bạch, nhằm tránh tình trạng người lao động bị lừa đảo, mất tiền. Việc xây dựng, vận hành các kênh thông tin tin cậy, dễ tiếp cận để người lao động có thể phản ánh khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình làm việc tại Algeria là rất cần thiết. Qua đó, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Algeria có thể tiếp nhận, hỗ trợ kịp thời, giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời góp phần hạn chế các rủi ro, tranh chấp kéo dài. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng Việt Nam và Algeria cũng cần được duy trì thường xuyên, nhằm nắm bắt các thay đổi về chính sách, điều kiện lao động, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, thuận lợi hơn cho người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ người lao động hình thành và phát triển các tổ chức, cộng đồng người Việt tại Algeria. Việc này không chỉ giúp họ hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, mà còn tạo dựng môi trường gắn kết, an toàn, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh người lao động Việt Nam tại thị trường này.
Năm là, giữ mức chi phí xuất cảnh thấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường công tác thông tin, tư vấn để người lao động dễ dàng tiếp cận các đơn hàng chính ngạch, đảm bảo minh bạch và hiệu quả. Cần đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời, chính xác cho người lao động về các cơ hội việc làm tại Algeria. Ngoài ra, cần nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành cho người lao động có nguyện vọng sang Algeria làm việc, nhằm giảm bớt áp lực tài chính ban đầu, tạo điều kiện để họ dễ dàng tiếp cận thị trường, góp phần mở rộng kênh xuất khẩu lao động chính ngạch.
Sáu là, thúc đẩy hợp tác giữa 2 nước. Cần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Algeria trong các lĩnh vực như xây dựng, xuất khẩu lao động và các ngành nghề tiềm năng khác, qua đó hình thành các liên doanh, dự án hợp tác chung nhằm gia tăng quy mô, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu. Song song đó, cần đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan chức năng hai nước để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động Việt Nam hoạt động tại Algeria, góp phần ổn định, mở rộng thị trường lao động, phát huy tiềm năng hợp tác dài hạn giữa hai quốc gia.
Bảy là, hỗ trợ người lao động sau khi về nước. Cần tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn nhằm giúp người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng tại Algeria nhanh chóng hòa nhập lại thị trường lao động trong nước, phát huy hiệu quả những kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được từ thời gian làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, cần đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động sau khi hồi hương, tạo điều kiện cho họ tiếp tục ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập và đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) (2016-2024). Báo cáo xuất lao động của Việt Nam các năm từ 2016-2024.
2. Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria (2023). Thông tin thị trường lao động Algeria và hướng dẫn cho lao động Việt Nam.
3. Global Finance Magazine (2023). Algeria GDP & economic data. https://gfmag.com/country/algeria‑gdp‑country‑report
4. International Labour Organization (2022). Labour Migration in North Africa: Opportunities and Challenges.
Ngày nhận bài: 1/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 30/6/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025 |