
Pháo phản lực của Campuchia (Ảnh: Reuters).
Trong thông báo trên mạng xã hội Truth Social ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Họ (Campuchia và Thái Lan) đã đồng ý gặp nhau ngay lập tức và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, và cuối cùng là hòa bình!”.
Ông cũng nói thêm: “Họ cũng đang tìm cách quay lại bàn đàm phán thương mại với Mỹ, điều mà chúng tôi cho là không phù hợp cho đến khi các cuộc giao tranh chấm dứt”.
Chủ nhân Nhà Trắng cho hay, ông đã điện đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet và quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai trong nỗ lực khôi phục hòa bình trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa hai quốc gia láng giềng này kéo dài 3 ngày.
Ông đã cảnh báo ông Hun Manet và ông Phumtham rằng Mỹ sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với hai quốc gia này nếu giao tranh biên giới còn tiếp diễn.
Đầu tháng này, Tổng thống Trump đã gửi thư cho Thái Lan và Campuchia, đe dọa áp thuế 36% lên hầu hết hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ bắt đầu từ ngày 1/8. Theo các nguồn thạo tin, khi đó, cả Campuchia và Thái Lan đều đã đưa ra các đề xuất đáng kể với phía Mỹ nhằm tìm cách được ưu tiên ký kết thỏa thuận thương mại.
Vào sáng sớm 27/7 theo giờ địa phương, Thủ tướng Hun Manet đã cảm ơn Tổng thống Trump và cho biết Campuchia đồng ý với “đề xuất về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện giữa Campuchia và Thái Lan”. Ông cũng cho biết trước đó đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn với Thái Lan thông qua Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thái Lan thì thận trọng hơn, cho biết nước này mong muốn thấy được “thiện chí thực sự từ phía Campuchia”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh quyền Thủ tướng Phumtham đã “yêu cầu Tổng thống Trump chuyển lời rằng Thái Lan mong muốn tổ chức đối thoại song phương sớm nhất có thể để đưa ra các biện pháp và quy trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn và tiến tới giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình”.
Campuchia và Thái Lan đã tranh chấp vùng lãnh thổ kể từ khi thực dân Pháp vạch đường biên giới giữa hai nước hơn một thế kỷ trước. Cuộc đụng độ vũ trang lần này giữa hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á có thể coi là nghiêm trọng nhất hơn một thập niên qua.
Theo số liệu từ giới chức trách hai bên, giao tranh 3 ngày qua đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương và khoảng 200.000 người phải sơ tán ở cả Thái Lan và Campuchia.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại. Liên hợp quốc sẵn sàng “hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm đạt được giải pháp hòa bình cho tranh chấp giữa hai nước”.