Rơi máy bay Jeju Air khiến 179 người chết: Phi công "tắt nhầm động cơ"?

() - Phi công của hãng Jeju Air bị cho là đã tắt nhầm động cơ máy bay ít hỏng hóc hơn sau va chạm với chim trong lúc hạ cánh ở sân bay Muan, Hàn Quốc cuối năm ngoái dẫn đến thảm kịch khiến 179 người chết.
Rơi máy bay Jeju Air khiến 179 người chết: Phi công tắt nhầm động cơ? - 1

Hiện trường tai nạn máy bay Jeju Air ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap).

Reuters dẫn nguồn thạo tin ngày 21/7 cho hay, cuộc điều tra do Hàn Quốc dẫn đầu về vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng Jeju Air vào tháng 12 năm ngoái đã phát hiện "bằng chứng rõ ràng" cho thấy phi công đã tắt nhầm động cơ ít hư hỏng hơn sau khi máy bay va chạm với chim.

Theo nguồn tin, dữ liệu từ hộp ghi âm buồng lái, máy tính và công tắc động cơ được tìm thấy trong đống đổ nát cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái của máy bay thay vì bên phải khi thực hiện quy trình khẩn cấp sau khi gặp sự cố ngay trước khi hạ cánh theo kế hoạch.

"Nhóm điều tra có đầy đủ bằng chứng và dữ liệu hỗ trợ, vì vậy kết luận này sẽ không thay đổi", nguồn tin nói với Reuters với điều kiện giấu tên do báo cáo chính thức vẫn chưa được công bố.

Một nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho biết các cuộc kiểm tra hai động cơ thu hồi từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy không có hư hỏng trước khi máy bay bị va chạm với chim và rơi.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 29/12 tại sân bay Muan liên quan đến chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air khiến 179 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, chỉ hai tiếp viên may mắn sống sót. Đây là thảm họa hàng không gây chết người nhiều nhất từng xảy ra trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tại cuộc họp báo với gia đình các nạn nhân cuối tuần trước, các điều tra viên cho biết động cơ bên phải của máy bay bị hư hỏng nặng hơn do va chạm với chim so với động cơ bên trái. Họ cũng cho biết có bằng chứng gián tiếp cho thấy phi công đã tắt động cơ bên trái ít hư hỏng hơn.

Thông tin này được các hãng truyền thông Hàn Quốc như MBN và Yonhap đăng tải cuối tuần qua.

Ủy ban Điều tra Tai nạn Hàng không và Đường sắt Hàn Quốc (ARAIB), cơ quan chủ trì cuộc điều tra, chưa đưa ra bình luận. Boeing từ chối bình luận. CFM International, liên doanh giữa GE của Mỹ và Safran của Pháp, đơn vị chế tạo động cơ máy bay, cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Jeju Air cho biết họ đang tích cực hợp tác với ARAIB và chờ đợi công bố chính thức kết quả điều tra.

Theo các quy tắc quốc tế, báo cáo cuối cùng thường được công bố trong vòng một năm sau vụ tai nạn. Báo cáo sơ bộ được công bố hồi tháng 1 cho biết có dấu vết của chim trong cả hai động cơ nhưng không nêu chi tiết mức độ hư hại của từng động cơ.

Hôm 19/7, cơ quan điều tra bất ngờ hủy kế hoạch công bố báo cáo cập nhật cho truyền thông sau khi gặp phản đối từ phía gia đình các nạn nhân. Luật sư đại diện cho họ cho biết báo cáo sơ bộ dường như đổ lỗi cho phi công mà chưa làm rõ toàn bộ các yếu tố góp phần gây tai nạn.

Máy bay của Jeju Air trượt bụng trên đường băng, đâm ụ bê tông và phát nổ

Máy bay đã lao khỏi đường băng sân bay Muan khi thực hiện cú hạ cánh khẩn bằng bụng, đâm vào một bờ kè có chứa thiết bị dẫn đường, gây cháy và một phần nổ.

Đại diện gia đình các nạn nhân và công đoàn phi công Jeju Air cho rằng cuộc điều tra cũng cần tập trung vào vai trò của bờ kè nói trên, vốn có thể là nguyên nhân khiến số người thiệt mạng cao như vậy.

Công đoàn phi công cáo buộc ARAIB đang "đánh lạc hướng dư luận" khi cho rằng không có vấn đề gì với động cơ bên trái, trong khi thực tế có dấu vết chim trong cả hai động cơ.

Công đoàn cũng chỉ trích ARAIB vì chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức hay cơ quan chức năng liên quan.

Đại diện gia đình các nạn nhân khẳng định một số cụm từ trong bản thảo báo cáo có thể bị hiểu lầm là đã có kết luận cuối cùng, và nhấn mạnh mọi khía cạnh của vụ tai nạn cần được điều tra đầy đủ trước khi công bố chính thức.