Phi công MiG-29 Ukraine cơ động điêu luyện khiến phòng không Nga bó tay

() - Trước lực lượng tên lửa phòng không rất mạnh và máy bay tiêm kích hiện đại vượt trội của Nga, các phi công chiến đấu Ukraine đã áp dụng cách đánh độc đáo để tránh bị bắn hạ.

Kênh OSINTtechnical mới đây đã công bố cảnh quay đầy đủ về một chiếc MiG-29 Fulcrum của Không quân Ukraine thực hiện một đợt tập kích, phóng một cặp bom dẫn đường AASM Hammer do Pháp cung cấp vào một mục tiêu của Nga.

Đáng chú ý là phi công MiG-29 Ukraine đã thể hiện trình độ bay điêu luyện khi bám địa hình ở độ cao cực thấp, sát ngọn cây, trước khi kéo cao phóng bom rồi ngay lập tức lao xuống thấp.

Phi công MiG-29 Ukraine cơ động điêu luyện khiến phòng không Nga bó tay - 1

Phi công MiG-29 Ukraine thể hiện trình độ bay bám địa hình rất điêu luyện (Ảnh: Telegram).

Chiến thuật này được gọi là bay thấp - kéo cao, chớp nhoáng phóng đạn rồi thoát ly ngay lập tức để tránh bị tên lửa phòng không hoặc tiêm kích Nga bắn hạ.

Quả thật, toàn bộ thời gian từ lúc kéo cao cho tới khi phóng đạn và lao xuống là cực nhanh, vỏn vẹn có chừng 10 giây, quá ngắn để tên lửa phòng không hoặc máy bay tiêm kích Nga kịp phản ứng.

Phi công MiG-29 Ukraine cơ động điêu luyện khiến phòng không Nga bó tay - 2

MiG-29 Ukraine bất ngờ kéo cao, ném bom lượn rồi nhanh chóng lao xuống thấp để tránh bị phòng không Nga bắn hạ (Ảnh: Telegram).

Nga muốn bắn hạ những chiến đấu cơ Ukraine thực hiện chiến thuật này không hề đơn giản vì thời gian phản ứng quá ngắn, nếu không phát hiện sớm, từ xa để khai hỏa thì sẽ lỡ thời cơ. Hiện Nga rất thiếu máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không A-50 để "nhìn" thấy đối phương nhằm chỉ thị mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực.

Có thể thấy, không quân Ukraine đã làm tốt công tác phòng tránh để bảo toàn lực lượng. Ngay từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt Nga đã tìm cách hủy diệt sân bay và săn lùng các chiến đấu cơ Su-24, Su-25, Su-27 và MiG-29 có từ thời Liên Xô của đối phương nhằm quét sạch bầu trời nhưng đến nay họ vẫn chưa thành công triệt để.

Các dòng máy bay hệ 1 (Nga/Liên Xô) kể trên của Ukraine đã được một số nước đồng minh có tiềm lực khoa học kỹ thuật phát triển hỗ trợ nâng cấp và tích hợp với vũ khí hệ 2 do phương Tây cung cấp, để biến những cỗ máy tương đối lạc hậu trở nên nguy hiểm hơn.

Bom lượn (hay bom thông minh) là loại vũ khí thả từ trên không, được cải tiến bằng cách gắn thêm cánh và hệ thống dẫn đường, giúp máy bay có thể phóng từ xa thay vì phải bay trực tiếp qua mục tiêu mới thả theo phương thức bổ nhào hoặc thia lia. Chúng đã trở thành một phần không thể thiếu trên chiến trường Ukraine, trong đó nổi bật là bom lượn AASM Hammer do công ty Safran của Pháp sản xuất.

AASM Hammer về bản chất cũng giống như các loại bom lượn khác, đó là được gắn cánh cùng với hệ thống định vị, cho phép nó có thể tấn công mục tiêu rất chính xác ở cự ly tối đa khoảng 70km.

Hệ thống định vị GPS của AASM Hammer có thể được nâng cấp thêm bằng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại và laser, và được thiết kế đặc biệt để hoạt động hiệu quả ngay cả trong môi trường bị chặn hoặc gây nhiễu GPS.

Máy bay chiến đấu Ukraine thường phóng chúng gần tiền tuyến theo chiến thuật bay thấp để tránh radar Nga, rồi bất ngờ kéo cao để tạo lực nâng cho bom. Việc phóng bom theo cách này khiến cự ly hoạt động bị giới hạn phần nào, nhưng như thế sẽ an toàn cho máy bay.

Cũng giống như các loại bom lượn của Nga, AASM Hammer rất khó bị đánh chặn, đồng thời sở hữu ưu điểm vượt trội là tốc độ cao, mang theo đầu nổ lớn, có thể xuyên thủng các kết cấu bê tông cốt thép kiên cố trước khi phát nổ nhằm gây thiệt hại nghiêm trọng nhất cho đối phương.

Trong vài tháng gần đây, quân đội Ukraine đã công bố nhiều video ghi lại cảnh tấn công lực lượng Nga bằng bom Hammer và pha leo cao, phóng bom của chiếc MiG-29 kể trên là một điển hình.