Pháp muốn sát cánh cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển

() - Đại sứ Pháp Olivier Brochet khẳng định Pháp muốn sát cánh cùng Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Pháp muốn sát cánh cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển - 1

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp ngày 14/7 (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp vào ngày 14/7, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh rằng, năm qua là một năm đặc biệt đối với mối quan hệ Pháp - Việt.

“Trong bối cảnh mới này, hai nước chúng ta đã thể hiện cam kết tăng cường quan hệ đối tác và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt gắn kết hai nước, thành quả của một lịch sử chung trải dài hàng thế kỷ, với những thăng trầm, và cam kết kiên định của Pháp sát cánh cùng Việt Nam trong hơn 50 năm qua trong việc khẳng định chủ quyền và thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam”, Đại sứ Brochet nêu rõ.

Đại sứ Brochet nhắc lại rằng chuyến thăm tới Paris của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 10/2024 đã tạo ra xung lực mới cho quan hệ song phương. Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã quyết định nâng mối quan hệ của Pháp với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện.

“Là quốc gia châu Âu đầu tiên mà Việt Nam trao quy chế này, Pháp đánh giá rất cao ý nghĩa của động thái ngoại giao quan trọng này trên phương diện lịch sử chung của chúng ta và những kỳ vọng mà hai nước chúng ta đặt ra cho tương lai của mối quan hệ của giữa hai nước”, Đại sứ Brochet nhấn mạnh.

Theo nhà ngoại giao Pháp, chuyến thăm cấp nhà nước thành công tới Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron từ ngày 25/5 đến ngày 27/5 vừa qua cho phép hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đại sứ Brochet khẳng định quan hệ đối tác này trước hết là biểu hiện của tình hữu nghị chân thành và sâu sắc giữa hai dân tộc và hai đất nước. Quan hệ đối tác Việt - Pháp cũng được thể hiện qua khoảng 30 thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm, trải rộng trên nhiều lĩnh vực hợp tác.

Đại sứ Brochet cho biết, vài tháng sau khi khánh thành đoạn trên cao của Tuyến tàu điện ngầm số 3 Hà Nội, hai nước đã chứng tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông.

Đại sứ cũng hoan nghênh các đơn đặt hàng rất lớn mua máy bay Airbus được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp và tiếp đó tại Triển lãm hàng không Paris, cũng như thông báo về khoản đầu tư quan trọng của tập đoàn CMA-CGM vào một cảng nước sâu mới tại Hải Phòng nhằm tăng cường mạng lưới trung tâm của Việt Nam trong vận tải biển.

Theo Đại sứ Brochet, các doanh nghiệp Pháp, với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, cũng đang làm việc tích cực liên quan tới các dự án đường sắt của Việt Nam và để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng.

Đại sứ cũng điểm lại những lĩnh vực hợp tác tốt đẹp khác và trao đổi kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và nông sản. Đại sứ đề cập đến thỏa thuận cho phép thành lập một nhà máy sản xuất vắcxin gần thành phố Hồ Chí Minh, giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Đại sứ Brochet nhấn mạnh, hai nước hiện có một lộ trình đầy tham vọng để đẩy mạnh hợp tác nhằm tăng cường sự tự chủ chiến lược và an ninh, sự phát triển bền vững của Việt Nam và hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để có nguồn nhân lực có chuyên môn cao hơn, đồng thời thúc đẩy phát triển các dự án khoa học và công nghệ trình độ cao.

Đại sứ Brochet tin rằng bài phát biểu của Tổng thống Pháp trước các sinh viên tại Đại học Pháp - Việt USTH đã khẳng định cam kết của Pháp sát cánh với Việt Nam và Pháp cũng hy vọng được chào đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa đến Pháp.

3 nền tảng trong hợp tác song phương

Trước đó, trong cuộc gặp mặt báo chí vào ngày 11/7, Đại sứ Brochet khẳng định quan hệ song phương hiện được xây dựng trên 3 nền tảng chính: tình hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược và sự tin cậy lẫn nhau. Ông nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước không chỉ có chiều sâu lịch sử mà còn được các thế hệ lãnh đạo hai bên cùng vun đắp, hướng đến tương lai bền vững.

“Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổng thống Pháp lựa chọn trong chuyến công du đầu năm nay”, Đại sứ Brochet nói, đồng thời khẳng định đây là minh chứng cho sự tin tưởng chiến lược mà Pháp dành cho Việt Nam, cũng như mong muốn đồng hành trong các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thượng tôn pháp luật quốc tế.

Theo nhà ngoại giao Pháp, một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác song phương là lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong trí tuệ nhân tạo và y tế. Các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp hai bên đã có nhiều hoạt động kết nối sâu rộng. Pháp cam kết không chỉ cung cấp công nghệ mà còn hỗ trợ đào tạo nhân lực, chuyển giao tri thức cho Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, nhân chuyến thăm của Tổng thống Macron, hai bên đã triển khai sáng kiến “5 đổi mới của Pháp tại Việt Nam”, kéo dài đến hết năm 2026, phối hợp với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia để tổ chức hàng loạt hoạt động dành cho sinh viên, nhà khoa học và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quỹ học bổng trị giá 3 triệu euro mỗi năm cũng được duy trì nhằm khuyến khích sinh viên Việt Nam du học tại Pháp.

Chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển kinh tế xanh là một ưu tiên trong hợp tác song phương. Các doanh nghiệp Pháp đang tích cực tham gia vào nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thể hiện rõ cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Từ những bước tiến cụ thể trong ngoại giao, thương mại, năng lượng đến giáo dục và nghiên cứu, quan hệ Việt - Pháp đang bước vào một giai đoạn phát triển toàn diện, hướng đến tầm cao mới. Với sự tin tưởng lẫn nhau, sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hai nước, Đại sứ Brochet tin rằng tương lai hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ngày càng sâu sắc, hiệu quả và bền vững hơn.