Ông Trump có thể dùng cơ chế đặc biệt để gửi khẩn cấp vũ khí cho Ukraine

() - Lần đầu tiên kể từ khi trở lại nhiệm sở, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho phép gửi khẩn cấp vũ khí tới Ukraine thông qua cơ chế đặc biệt.
Ông Trump có thể dùng cơ chế đặc biệt để gửi khẩn cấp vũ khí cho Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine trong một cuộc gặp hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters).

Các nguồn thạo tin ngày 10/7 cho hay, đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xác định các loại vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ để gửi cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine.

Một nguồn tin cho rằng giá trị của gói viện trợ này có thể vào khoảng 300 triệu USD.

Đáng chú ý là lần đầu tiên kể từ khi trở lại nhiệm sở, Tổng thống Trump sẽ cho phép gửi khẩn cấp vũ khí tới Ukraine bằng thông qua cơ chế Quyền Rút kho Tổng thống (PDA). Điều này báo hiệu sự thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của chính quyền ông Trump nhằm bảo vệ Ukraine.

PDA là đạo luật cho phép chính phủ Mỹ rút trực tiếp vũ khí trong kho để chuyển cho đối tác trong trường hợp khẩn cấp mà không cần quốc hội thông qua.

Chính quyền tiền nhiệm Joe Biden cũng đã sử dụng PDA để cung cấp hàng vũ khí cho Ukraine trong suốt 3 năm xung đột Nga - Ukraine, một động thái mà ông Trump từ chỉ trích gay gắt.

Tổng thống Trump hồi đầu tuần tuyên bố Mỹ sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này phòng thủ trước các đợt tấn công ngày càng ác liệt của Nga.

Gói viện trợ có thể bao gồm tên lửa phòng không Patriot và tên lửa tầm trung tấn công. Quyết định cụ thể sẽ được đưa ra trong một cuộc họp trong tuần này.

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng chưa bình luận về thông tin trên.

Cho đến nay, viện trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Trump dành cho Ukraine chỉ bao gồm các loại vũ khí đã được cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt.

Lập trường của Tổng thống Trump về việc hỗ trợ Ukraine bị đánh giá là thiếu nhất quán. Đôi lúc ông chỉ trích việc Mỹ chi hàng chục tỷ USD viện trợ cho Ukraine, và có quan điểm thân thiện với Nga. Đôi lúc, ông bày tỏ ủng hộ Kiev và chỉ trích Điện Kremlin.

Hiện Mỹ còn khoảng 3,86 tỷ USD dành cho Ukraine thông qua PDA, với gói gần nhất là khoản viện trợ 500 triệu USD do ông Biden phê duyệt ngày 9/1, chưa đầy hai tuần trước khi rời nhiệm sở.

Các ưu tiên cấp thiết nhất của Ukraine hiện nay bao gồm tên lửa Patriot và pháo phản lực dẫn đường GMLRS (Guided Multiple Launch Rocket System). Cả hai đều có thể nằm trong gói viện trợ mới.

Do kho dự trữ của Mỹ đặt tại châu Âu, các loại vũ khí đó có thể đến tiền tuyến chỉ trong vài ngày sau khi được phê duyệt.

Đầu tháng này, chính quyền ông Trump từng tạm dừng việc chuyển giao một số loại vũ khí thiết yếu vốn đã được chính quyền tiền nhiệm phê duyệt.

Quốc hội Mỹ đã thông qua gần 175 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ quân sự cho Ukraine cùng các đồng minh trong khoảng 3 năm rưỡi kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và leo thang.