Ông Putin: UAV Nga phá hủy hơn 2 tỷ USD thiết bị quân sự của Ukraine

() - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các máy bay không người lái (UAV) của nước này đã phá hủy thiết bị quân sự trị giá hơn 2 tỷ USD của Ukraine.
Ông Putin: UAV Nga phá hủy hơn 2 tỷ USD thiết bị quân sự của Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại một diễn đàn ở Moscow ngày 6/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Tổng cộng, các UAV của Nga đã phá hủy hơn 2 tỷ USD trang thiết bị quân sự của Ukraine. Hãy để người đóng thuế phương Tây nghe được những con số này và nghĩ xem liệu chính phủ của họ đã chi tiền thuế của người dân vào đâu".

Theo ông Putin, các nước phương Tây đang viện trợ vũ khí cho Ukraine nên cân nhắc tính hợp lý của việc sử dụng tiền thuế của người dân, xét đến những tổn thất đáng kể mà phía Ukraine phải gánh chịu.

Ông nhấn mạnh rằng lực lượng Nga vẫn tiếp tục đối phó hiệu quả với cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine nhờ các loại UAV có độ chính xác cao.

Những bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh giao tranh leo thang và các cuộc tấn công bằng UAV của Nga nhằm vào vị trí Ukraine ngày càng gia tăng.

Kể từ đầu năm, Nga đã tăng cường đáng kể việc sử dụng UAV, bao gồm các loại Geran và Lancet, để tấn công thiết bị quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Moscow nhiều lần khẳng định việc phương Tây cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự không thể giúp Ukraine xoay chuyển tình thế trên chiến trường, mà chỉ khiến cuộc xung đột leo thang và kéo dài.

Mới đây, Moscow đề nghị Ukraine phá hủy toàn bộ vũ khí do phương Tây viện trợ, coi đó là một phần trong các điều kiện để tiến tới một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua.

Tuy vậy, bất chấp tuyên bố của ông Putin và giới chức Nga, các nhà lãnh đạo phương Tây nhiều lần khẳng định họ sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine “chừng nào còn cần thiết” để đối phó với Nga.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào đầu năm 2022, các nước NATO đã nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine, chủ yếu bằng cách rút từ kho dự trữ của chính họ, và Ukraine khi đó phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn quốc phòng phương Tây.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Maik Keller, phó tư lệnh Bộ Chỉ huy Hỗ trợ An ninh và Huấn luyện cho Ukraine của NATO (NSATU), cho biết hiện nay, viện trợ quân sự đang ngày càng chuyển hướng sang củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine. "Giờ chúng ta cần thay đổi trọng tâm”, ông Keller nói.

Theo ông, Ukraine đã thể hiện sự sáng tạo, tốc độ đổi mới. Lĩnh vực sản xuất UAV là một trong những điểm mà các quốc gia NATO có thể học hỏi, thậm chí về lâu dài còn có thể mua vũ khí từ Ukraine.

"Việc mua sắm quốc phòng không phải là con đường một chiều. Nhìn vào mảng UAV, chắc chắn có rất nhiều thứ chúng ta có thể muốn mua từ Ukraine, mặc dù hiện tại tôi tin rằng họ cần toàn bộ sản lượng cho chính mình", ông Keller nhấn mạnh.

Phó Tư lệnh tối cao Liên quân NATO tại châu Âu, Đô đốc Keith Blount, cũng cho rằng các đồng minh phương Tây có thể học hỏi nhiều điều từ Ukraine, đặc biệt là về các loại vũ khí tự động như UAV.

"Chúng ta đang chứng kiến sức mạnh của công nghệ tự động hóa theo cách mà trước đây chúng ta chỉ tưởng tượng sẽ là của tương lai, nhưng nay nó đã được thúc đẩy nhanh hơn những gì bất kỳ ai có thể hình dung", ông Blount chia sẻ. Ông đề cập đến việc sử dụng UAV trên biển, dưới biển, trên bộ cũng như trên không.

"Đó thật sự là một tốc độ phát triển theo cấp số nhân, không chỉ ở khả năng Ukraine học cách sử dụng, mà còn học cách tự sản xuất chúng, điều đó thật sự rất đáng kinh ngạc", ông nói.

Ông Keller cũng cho biết nhu cầu cấp thiết nhất hiện nay của Ukraine là các hệ thống phòng không, đạn dược và mìn chống tăng để có thể giữ vững lãnh thổ mà không cần phải huy động quá nhiều binh sĩ trong cuộc chiến với Nga.