
Các nhà lãnh đạo Israel, Mỹ, Iran (Ảnh: AFP/Getty Images).
Bối cảnh cuộc chiến và hệ lụy tức thời
Cuộc xung đột bắt đầu từ ngày 13/6 khi Israel phát động chiến dịch “Sư tử Trỗi dậy” nhắm vào các cơ sở hạt nhân, căn cứ quân sự và các chỉ huy cấp cao của Iran. Theo New York Times, chiến dịch này được thúc đẩy bởi thông tin tình báo cho rằng Iran đang tiến gần đến khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, với các cơ sở như Natanz và Fordow có khả năng làm giàu uranium đến cấp độ vũ khí.
Theo Izvestia, phía Israel đã sử dụng lực lượng biệt kích, không quân và chiến tranh mạng, phối hợp sự hỗ trợ tình báo (Mossad) và quân sự (hệ thống phòng thủ và vệ tinh) từ Mỹ, để tấn công các mục tiêu chiến lược. Đáp lại, Iran triển khai chiến dịch “Lời hứa đích thực 3”, phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) vào các trung tâm tình báo, quân sự và năng lượng của Israel.
Theo Reuters, cơ sở hạt nhân Natanz bị phá hủy phần trên mặt đất, với khoảng 15.000 máy ly tâm bị hư hại nghiêm trọng hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Cơ sở ngầm tại Fordow cũng bị tấn công, dù một số nguồn tin cho rằng các khu vực lưu trữ uranium làm giàu cao không bị ảnh hưởng lớn.
Về phía nhân sự, Iran mất hàng loạt chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), bao gồm Tư lệnh Hossein Salami, Tổng Tham mưu trưởng Mohammad Bagheri và Tư lệnh Không quân IRGC Amirali Hajizadeh. Ngoài ra, hơn 10 nhà khoa học hạt nhân then chốt cũng bị hạ sát, làm gián đoạn nghiêm trọng chương trình hạt nhân của quốc gia này.
Israel, dù chịu thiệt hại từ các cuộc tấn công trả đũa của Iran, đặc biệt tại Tel Aviv và Jerusalem, vẫn được đánh giá là giành lợi thế chiến thuật.
Trong khi đó, Iran đối mặt với sự sụp đổ của hệ thống phòng không và một phần kho tên lửa, làm suy yếu nghiêm trọng thế trận răn đe của nước này.
Cuộc chiến kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 24/6, với cả hai bên tuyên bố chiến thắng để duy trì thể diện trong nước. Tuy nhiên, tại Iran, những tổn thất chiến lược đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nội bộ sâu sắc về tương lai của chế độ và chiến lược an ninh quốc gia.
Cuộc tranh luận nội bộ: Cứng rắn hay cải cách?
Cuộc chiến đã phơi bày những điểm yếu nghiêm trọng trong hệ thống chính trị, quân sự và kinh tế của Iran, dẫn đến sự phân cực rõ rệt trong nội bộ giới lãnh đạo. Hai luồng ý kiến chính đã nổi lên: một bên là những người theo đường lối cứng rắn, kêu gọi tăng cường quân sự hóa và duy trì chính sách đối kháng; bên kia là những người theo chủ nghĩa cải cách, ủng hộ một cách tiếp cận thực dụng hơn, nhấn mạnh vào sự gắn kết quốc gia và cải tổ nội bộ.
Những người theo đường lối cứng rắn đề xuất tăng cường quân sự hóa và phổ biến về câu chuyện chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, những người theo đường lối cứng rắn trong IRGC và các cơ quan quyền lực nhà nước đã nỗ lực định khung cuộc chiến như một chiến thắng chiến lược.
Trong tuyên bố công khai đầu tiên sau lệnh ngừng bắn, Đại giáo chủ Khamenei khẳng định Israel "bị nghiền nát” và các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của quốc gia.
Để củng cố lập trường này, Quốc hội Iran đã thông qua dự luật đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), với lý do cần đảm bảo an ninh quốc gia trước các mối đe dọa từ Israel và Mỹ.
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc, Amir Saeed Iravani, nhấn mạnh Tehran sẽ không hạn chế các hoạt động tên lửa và sẽ tiếp tục làm giàu uranium như một quyền chủ quyền. Động thái này phản ánh sự kiên định của phe cứng rắn trong việc duy trì “Trục kháng chiến”, mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm như Hezbollah, Hamas và Houthi và chính sách “mơ hồ hạt nhân” như một công cụ răn đe chiến lược.
Chuyên gia Gregory Brew từ Eurasia Group nhận định: “Phe cứng rắn đang sử dụng câu chuyện chiến thắng để khỏa lấp những tổn thất nghiêm trọng về các cơ sở chiến lược. Tuy nhiên, việc tiếp tục đầu tư vào tên lửa và chương trình hạt nhân trong bối cảnh kinh tế suy yếu có thể làm gia tăng bất ổn nội bộ”.
Khoảnh khắc bom Israel rơi trúng đoàn xe đang dừng đèn đỏ ở thủ đô Iran (Video: Telegram).
Thật vậy, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của Iran năm 2025 được dự báo chỉ đạt 0,3%, do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và chi phí tái thiết sau chiến tranh.
Những người theo chủ nghĩa cải cách cần nghiêm túc đánh giá thực tế và điều chỉnh chiến lược. Trái ngược với phe cứng rắn, những tiếng nói cải cách - thường liên quan đến các nhà kỹ trị từ thời cựu Tổng thống Hassan Rouhani - kêu gọi một cuộc tự đánh giá trung thực về những điểm yếu, lỗ hổng của Iran từ cuộc chiến 12 ngày.
Nhật báo cải cách Etemad đăng bài xã luận cảnh báo chiến tranh phải được tiếp nối bằng sự tự đánh giá “dũng cảm và chính xác” để tìm ra những điểm yếu chính trị, kinh tế và xã hội đang làm xói mòn đất nước từ bên trong. Các nhà cải cách lập luận, việc tiếp tục chính sách đối kháng mà không giải quyết các vấn đề nội tại như kinh tế và chính trị, sẽ đẩy Iran vào tình trạng bất ổn.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, một nhân vật được xem là thuộc phe cải cách, đã bày tỏ sự sẵn sàng cho phép thanh tra các cơ sở hạt nhân bởi IAEA, nhưng nhấn mạnh rằng Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức áp đặt nào từ bên ngoài. Ông cũng kêu gọi cách tiếp cận ngoại giao để giảm căng thẳng với phương Tây, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân tại Geneva ngày 20/6 không đạt được tiến triển
Theo Ali Vaez từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, “ông Pezeshkian đại diện cho luồng tư duy thực dụng, nhận thức rằng Iran không thể tiếp tục dựa vào sự mơ hồ hạt nhân và các lực lượng ủy nhiệm mà không trả giá đắt về kinh tế và chính trị”.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của phe cải cách bị hạn chế bởi sự kiểm soát chặt chẽ của IRGC và Lãnh tụ Tối cao. Theo Foreign Affairs, sự vắng mặt kéo dài của Lãnh tụ Khamenei trong các sự kiện công khai sau cuộc chiến đã làm dấy lên tin đồn về sức khỏe của ông. Điều này đặt ra câu hỏi liệu phe cải cách có thể tận dụng khoảng trống quyền lực để thúc đẩy cải tổ hay không.
Hậu quả chiến lược: Từ răn đe đến nghi ngờ
Giới chuyên gia nhận định, cuộc chiến 12 ngày đã làm lung lay Học thuyết răn đe của Iran, vốn dựa trên ba trụ cột: năng lực tên lửa, sự mơ hồ về hạt nhân và ảnh hưởng khu vực thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Sự phá hủy kho vũ khí tên lửa và các cơ sở hạt nhân, cùng với việc mất đi các chỉ huy cấp cao, đã khiến Iran phải đối mặt với một thực tế: thế trận răn đe của họ không còn đáng sợ như trước.
Theo Reuters, Israel đã phá hủy 120 bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Iran, tương đương 1/3 tổng kho tên lửa của Tehran. Hệ thống phòng không Iran “gây thất vọng”, với nhiều radar và căn cứ bị vô hiệu hóa ngay trong những ngày đầu xung đột.
Chuyên gia Fabian Hinz từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) nhận xét: “Sự phối hợp giữa tình báo Mossad và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) biến chiến dịch ‘Sư tử trỗi dậy’ thành một đỉnh cao của chiến tranh hiện đại, khai thác triệt để những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Iran”.
Chương trình hạt nhân của Iran, từng là công cụ răn đe chiến lược, giờ đây đứng trước nguy cơ sụp đổ. Theo Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, các cuộc không kích của Israel và Mỹ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng hạt nhân, đặc biệt tại Natanz.
Tuy nhiên, một số chuyên gia, như Ellen Wald từ Atlantic Council, cho rằng, các cơ sở ngầm như Fordow vẫn có thể bảo vệ kho uranium làm giàu cao, cho phép Iran duy trì một phần năng lực hạt nhân. Dù vậy, việc Iran đình chỉ hợp tác với IAEA vào ngày 2/7 cho thấy sự phản kháng mạnh mẽ đối với áp lực, nhưng cũng làm gia tăng nguy cơ bị cô lập hơn nữa.
Cuộc chiến cũng làm suy yếu mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Theo The Times of Israel, các cuộc tấn công của Israel đã hạ sát các chỉ huy then chốt của Lực lượng Quds, IRGC như Saeed Izadi, người chịu trách nhiệm điều phối hoạt động với Hamas, Hezbollah. Điều này làm giảm khả năng của Iran trong việc duy trì ảnh hưởng tại Li Băng, Iraq và Yemen.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan và câu hỏi chiến lược
Giới lãnh đạo Iran hiện phải đối mặt với một loạt câu hỏi chiến lược khó khăn, mỗi câu hỏi đều mang theo những rủi ro và cơ hội.
Thứ nhất: Liệu Iran có thể xây dựng lại năng lực quân sự dưới sự giám sát quốc tế? Với các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt và nền kinh tế suy yếu, việc tái thiết kho vũ khí tên lửa và cơ sở hạt nhân sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ. Theo First Post, nền kinh tế Israel có khả năng chịu đựng xung đột kéo dài tốt hơn Iran, vốn đang đối mặt với đồng rial mất giá và lạm phát tăng cao.
Thứ hai: Iran nên duy trì chính sách “mơ hồ hạt nhân” hay chuyển sang Học thuyết răn đe? Việc công khai phát triển vũ khí hạt nhân có thể giúp Iran lấy lại vị thế răn đe, nhưng sẽ kích hoạt các phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây và Israel.
Theo nhận định của chuyên gia Laure Foucher từ Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp: “Một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang tại Trung Đông, với các quốc gia Ả rập Xê út và UAE cũng tìm cách phát triển năng lực tương tự”.
Thứ ba: Các mệnh lệnh ý thức hệ có tiếp tục lấn át sự thực dụng? Phe cứng rắn, dẫn đầu bởi IRGC, vẫn kiên định các nguyên tắc cách mạng Hồi giáo nhưng áp lực từ các cuộc biểu tình trong nước và sự bất mãn của giới trẻ có thể buộc chế độ phải cân nhắc các cải cách thực dụng.
Thứ tư: Thông điệp chiến thắng có thể duy trì tính hợp pháp trong bao lâu? Dù truyền thông nhà nước Iran tung hô về “chiến thắng” trước Israel, thực tế và an ninh ngày càng xấu đi có thể làm xói mòn niềm tin của người dân
Có thể thấy, “cuộc chiến 12 ngày” với Israel đã đẩy nội bộ Iran vào một thời điểm bước ngoặt. Liệu Iran sẽ chọn con đường cải cách để đảm bảo sự sống còn hay tiếp tục cố thủ trong ý thức hệ đối kháng vẫn là một câu hỏi mở.