
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Wikimedia).
Theo nhà báo Italy, hệ thống phòng không của Ukraine đã ngã quỵ. Các cuộc oanh tạc của Nga ngày càng dày đặc và hiệu quả hơn. Trong khi Ukraine yếu dần, Nga lại mạnh lên. Quân đội Nga đang tiến công trên tất cả các mặt trận chính. Còn Triều Tiên thì sẵn sàng gửi thêm 30.000 quân nhân để sát cánh cùng binh sĩ Nga.
Chiến dịch Kursk của Ukraine đã kết thúc bằng một thảm họa nữa. Ngày 6/8/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát động chiến dịch quân sự xâm nhập lãnh thổ Nga. Các phương tiện truyền thông lớn trên thế giới lúc đó đưa tin dồn dập. Nhưng vẫn có những ý kiến từ Italy cho rằng: “Mỗi bước tiến của Ukraine sẽ đi kèm hai bước lùi”.
Sau khi đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi Kursk, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức mở mũi đột phá vào Sumy, nơi lực lượng Moscow đã triển khai khoảng 50.000 quân và chỉ cách thành phố 19km. Xuất phát từ Sumy xông vào lãnh thổ Nga, Ukraine đã tiến được về phía trước được một bước. Bây giờ, họ phải lùi lại hai bước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đạt được hòa bình ở Trung Đông, ông đã có động thái cứng rắn khi ra lệnh cho máy bay ném bom tàng hình B-2 tập kích các cơ sở hạt nhân Iran. Và ông dường như muốn đạt được hòa bình ở châu Âu bằng bom Nga trút xuống Ukraine. “Công thức” vẫn như cũ: giành lấy hòa bình bằng chiến tranh.
Ông Zelensky thích công thức này khi nó được áp dụng với Tehran. Nhưng giờ đây khi nó được áp dụng với Kiev, công thức trở nên vô cùng khó chịu. Ông Trump tin rằng người đồng cấp Zelensky sẽ buộc phải nhượng bộ trước các đòn không kích dồn dập của Nga, vì vậy, ông cắt giảm hệ thống phòng không của Ukraine.
Theo nhà báo Alessandro Orsini, ông Zelensky đã mắc phải 4 sai lầm.
Sai lầm đầu tiên của ông Zelensky là thiếu kiến thức về chính trị quốc tế. Ông Zelensky đã sai khi tin rằng sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine sẽ là vô tận. Ông đã sai khi tin vào khẩu hiệu của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine bao lâu cần thiết”. Và rồi, vũ khí cùng tiền bạc cạn kiệt.
Sai lầm thứ hai của ông Zelensky là không hiểu rằng chính sách đối ngoại của Mỹ thay đổi thường xuyên tùy theo từng tổng thống. Ông Obama đã ký các thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Trump đã xé bỏ chúng, bất chấp việc Tehran được cho là đã tuân thủ. Ông Biden viện trợ vũ khí cho Ukraine, còn ông Trump thì rút lại.
Sai lầm thứ ba của ông Zelensky là đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nga, quốc gia mà ông luôn mô tả là một nhà nước yếu ớt, rệu rã như bìa các-tông.
Sai lầm thứ tư của ông Zelensky là đánh giá thấp mạng lưới quốc tế của Nga. Vì đã bắt đầu cuộc chiến với hiểu biết không đầy đủ về hệ thống quốc tế, nhà lãnh đạo Zelensky đã tin vào tuyên truyền của NATO rằng Nga sẽ bị cô lập và đơn độc.
Bên cạnh đó, có cả các sai lầm chiến thuật. Ông Zelensky đã ra lệnh tấn công vào Kursk mà không tính toán kỹ hệ quả tại Donbass, nơi quân đội Nga bắt đầu tiến công nhanh hơn.
Chính sách của NATO đã dẫn đến sự hủy diệt của Ukraine. Ý tưởng đánh bại Nga bằng cách dùng người Ukraine đã mang lại kết quả tồi tệ.
Ai biết được liệu việc dùng chiến tranh để đạt hòa bình có hiệu quả hơn ở Iran không. Cho đến nay, có vẻ là không: Iran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).