Ngoại trưởng Mỹ nêu lý do chưa áp thêm trừng phạt lên Nga

() - Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nêu lý do mà chính quyền nước này chưa muốn áp thêm lệnh trừng phạt Nga dù các đồng minh phương Tây đã thực hiện điều này.
Ngoại trưởng Mỹ nêu lý do chưa áp thêm trừng phạt lên Nga - 1

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã lên tiếng bảo vệ chính sách đối ngoại và các ưu tiên của Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả việc ông không muốn cùng Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga hay tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Sau cuộc điện đàm kéo dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/5, ông Trump nói với báo giới rằng Washington không muốn áp đặt thêm trừng phạt với Moscow vì "vẫn còn cơ hội" đạt được tiến triển trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine.

Ngoại trưởng Rubio đã bị chất vấn gay gắt về vấn đề này và nhiều chủ đề khác trong buổi điều trần kéo dài 3 tiếng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 20/5.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons (bang Delaware) cho rằng "bất cứ điều gì xảy ra ở Ukraine sẽ định hình những gì diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ám chỉ rằng một chiến thắng của Nga có thể khiến Trung Quốc mạnh tay hơn trong các bước đi chiến lược của mình.

Tuy nhiên, ông Rubio đáp trả: "Tôi nghĩ điều đó cũng có một chiều ngược lại, rằng mỗi phút và mỗi đồng chúng ta chi cho cuộc xung đột ở châu Âu này lại làm phân tán sự tập trung và nguồn lực của chúng ta khỏi nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu nghiêm trọng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ông Rubio từng nhiều lần tuyên bố rằng việc đối phó Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump.

Tại buổi điều trần hôm 20/5, ông nhấn mạnh lại: "Mỗi phút chúng ta dành cho cuộc chiến ở Ukraine - một cuộc chiến không thể thắng bằng biện pháp quân sự - là mỗi phút, mỗi nguồn lực bị tiêu tốn mà lẽ ra có thể được dùng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều từ góc nhìn toàn cầu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã leo thang kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, với việc cả hai nước đều mở rộng ảnh hưởng quân sự và kinh tế trong khu vực và xa hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth hồi tháng 2 tuyên bố Trung Quốc là ưu tiên phòng thủ số một của Mỹ, viện dẫn "những thực tế chiến lược".

Phát biểu tại Brussels trong một hội nghị những nước ủng hộ Ukraine, ông gọi Bắc Kinh là "đối thủ ngang hàng" có cả năng lực và ý định đe dọa lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Washington trước đây đã phát tín hiệu rằng họ sẽ chuyển trọng tâm quân sự sang châu Á, trong khi Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi EU tự đứng ra bảo vệ mình và chịu trách nhiệm chính về các cam kết an ninh tương lai với Kiev.

Tổng thống Mỹ lập luận rằng Washington lẽ ra không nên can thiệp vào Ukraine, cho rằng Kiev sẽ "tốt hơn" nếu cuộc xung đột với Moscow vẫn là "vấn đề nội bộ của châu Âu".

"Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta. Ý tôi là, chúng ta đã tự vướng vào một việc mà đáng lẽ không nên vướng vào. Số tiền bỏ ra cho việc này thực sự là điên rồ", ông Trump phát biểu hôm 19/5.

Cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Trump được cả hai nhà lãnh đạo mô tả là mang tính xây dựng. Ông Trump nói rằng ông tin Tổng thống Nga muốn kết thúc cuộc chiến, đồng thời cảnh báo rằng việc gia tăng áp lực kinh tế có thể cản trở nỗ lực làm trung gian của Mỹ.

Tuy vậy, EU và Anh vẫn tiếp tục áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Nga vào ngày 20/5, trong nỗ lực gia tăng sức ép lên Moscow.