
Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022 (Ảnh: Anadolu).
Đề xuất đàm phán trực tiếp
Tuần trước, sau cuộc họp tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn 30 ngày ở Ukraine.
Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU cam kết sẽ tăng cường lệnh trừng phạt Nga nếu Moscow không chấp nhận đề xuất.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ đề xuất, thay vào đó, đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine không cần điều kiện tiên quyết tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5.
Hiện các bên không ấn định thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc đàm phán, song đều khẳng định phái đoàn của họ sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Ai sẽ có mặt ở bàn đàm phán?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh hành pháp đề cử các quan chức cấp cao của Nga tham gia đàm phán hòa bình với Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5.
Theo sắc lệnh, dẫn đầu phái đoàn đàm phán là Cố vấn của tổng thống, ông Vladimir Medinsky. Phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Aleksandr Fomin và người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân sự Nga Igor Kostyukov.
Ngoài các nhà đàm phán, một nhóm chuyên gia của Nga đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Tổng thống cũng sẽ tham gia. Nhóm này bao gồm một số quan chức quân sự và dân sự cấp cao, cũng như các nhà ngoại giao.
Ông Medinsky, người được chỉ định dẫn đầu đoàn đàm phán của Nga tại Istanbul, từng là thành viên của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) từ năm 2004 đến năm 2011 và là Bộ trưởng Bộ Văn hóa từ năm 2012 đến năm 2020.
Ông là Chủ tịch Hội Lịch sử Quân sự Nga, một tổ chức có nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá vai trò của đất nước trong nhiều cuộc xung đột khác nhau, bao gồm Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, cũng như ủy quyền xây dựng các đài tưởng niệm chiến tranh.
Ông cũng dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ vào những tuần đầu tiên của cuộc xung đột Ukraine.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, ông sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thủ đô Ankara và chờ ở đó. Nếu Tổng thống Putin đến Istanbul để tham gia đàm phán, ông Zelensky và Tổng thống Erdogan sẽ đến đó.
Theo danh sách mà Điện Kremlin công bố, ông Putin sẽ không có mặt tại bàn đàm phán lần này. Do đó, ông Zelensky dường như sẽ không đến Istanbul.
Theo truyền thông Ukraine, phái đoàn của Ukraine có thể gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andrey Yermak, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andrii Sybiha sẽ đến Istanbul. Tuy nhiên, thành phần chính xác của phái đoàn sẽ được Tổng thống Zelensky quyết định vào phút chót.
Ngoài phái đoàn của Nga và Ukraine, một số quan chức của Mỹ cũng có mặt tại Istanbul dù không có Tổng thống Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham ngày 14/5 đã đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Những vấn đề đàm phán có thể được đàm phán

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).
Đến nay, quan điểm của Nga và Ukraine về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn quá khác biệt, do đó rất khó đoán định chính xác những vấn đề sẽ được đưa ra tại bàn đàm phán.
Ông Zelensky nhấn mạnh, bất kỳ điều gì khác ngoài thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện đều sẽ là thất bại.
Trong khi đó, ông Putin cho biết mặc dù Nga không loại trừ khả năng sắp xếp một số loại lệnh ngừng bắn mới", nhưng mục tiêu chính của các cuộc đàm phán sẽ là loại bỏ "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột.
"Nguyên nhân gốc rễ" mà ông đề cập bao gồm những bất bình lâu nay của Nga liên quan đến sự tồn tại của Ukraine, trước đây là một phần của Liên Xô, như một quốc gia có chủ quyền, và sự mở rộng về phía Đông của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Đối với Ukraine và các đồng minh, cả hai điều này đều không thể thương lượng.
Năm ngoái, ông Putin yêu cầu Ukraine nhượng lại 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập dù chưa kiểm soát hoàn toàn gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia. Ông cũng muốn Kiev công nhận bán đảo Crimea (Nga sáp nhập năm 2014) là của Nga. Ngoài ra, Ukraine phải từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và cắt giảm mạnh quy mô quân đội. Ông cũng yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow.
Các quan chức Nga gần đây cho biết, đàm phán hiện giờ sẽ dựa trên nền tảng dự thảo thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí tại Istanbul năm 2022, nhưng sẽ có điều chỉnh nhất định cho phù hợp thực tế.
Tình hình chiến trường
Trong khi chuẩn bị cho hòa đàm trực tiếp tiềm năng, cả Nga và Ukraine đều đang lên dây cót cho một chiến dịch tiến công khi thời tiết ấm áp trên chiến trường.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn tại Washington, cho biết Nga đang "nhanh chóng bổ sung tân binh cho các đơn vị tiền tuyến để duy trì thế chủ động trên chiến trường".
Trong năm 2024 và gần đây, quân đội Nga đã đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc chắn ở một số khu vực dọc chiến tuyến kéo dài hơn 1.000km với Ukraine.
Tháng trước, lực lượng Nga cũng tuyên bố rằng họ đã giành lại hoàn toàn lãnh thổ Kursk bị Ukraine chiếm giữ suốt 8 tháng. Kiev bác bỏ tuyên bố này, nhưng họ liên tục mất đi lãnh thổ ở đó khi Moscow nỗ lực đẩy lùi quân Ukraine nhằm tước đi lá bài quan trọng của Kiev trước bất cứ cuộc đàm phán nào.
Thông qua nỗ lực trung gian của Mỹ, Nga và Ukraine đã thiết lập một số lệnh ngừng bắn tạm thời, tuy nhiên, hai bên vẫn cáo buộc đối phương vi phạm.