
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: TASS).
Trả lời phỏng vấn báo Magyar Nemzet của Hungary ngày 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh các điều kiện để ký hiệp ước hòa bình với Ukraine.
"Trong chương trình nghị sự có các mục tiêu về phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga, rút lại tất cả các vụ kiện chống Nga và trả lại các tài sản của chúng tôi đã bị phương Tây tịch thu trái phép. Tất cả những điều khoản này phải được nêu rõ trong một thỏa thuận hòa bình có tính ràng buộc pháp lý”, ông nói.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga vẫn luôn sẵn sàng cho một giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán phải tập trung vào một nền hòa bình lâu dài, chứ không phải một lệnh ngừng bắn.
"Chúng tôi không cần một khoảng dừng mà Ukraine và những người bảo trợ bên ngoài của họ mong muốn nhằm tái tập hợp quân đội, tiếp tục huy động và tăng cường năng lực quân sự", ông nhấn mạnh.
Ông cho rằng một giải pháp bền vững sẽ là không thể nếu không loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột. Theo ông, trước tiên cần phải loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga liên quan đến việc NATO mở rộng và việc Ukraine tham gia khối quân sự này.
"Không kém phần quan trọng là phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền ở các vùng lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Ukraine, chính quyền đã tìm cách hủy mọi thứ liên quan đến Nga, người Nga và cộng đồng nói tiếng Nga kể từ năm 2014: ngôn ngữ Nga, văn hóa, truyền thống, chính thống giáo theo giáo hội Nga, các phương tiện truyền thông bằng tiếng Nga", ông Lavrov nói.
Ông lưu ý thêm: "Cần có sự công nhận pháp lý quốc tế đối với thực tế lãnh thổ mới đã hình thành với việc bán đảoa Crimea, Sevastopol, Donetsk, Lugansk, các vùng Zaporozhia và Kherson được sáp nhập vào Nga. Người dân ở đó đã quyết định vận mệnh của mình thông qua việc bày tỏ ý chí tự do trong một cuộc trưng cầu dân ý”.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Ukraine nên "trở lại cội nguồn nhà nước của mình và tuân theo tinh thần và văn bản của các tài liệu đã tạo nên cơ sở pháp lý của nước này”.
"Xin nhắc lại, quy định về tình trạng trung lập, không liên kết và phi hạt nhân của quốc gia này đã được ghi trong tuyên bố về chủ quyền năm 1990. Vào tháng 8/1991, cơ quan lập pháp đã thông qua Đạo luật Tuyên bố Độc lập của Ukraine, qua đó tái khẳng định tính bất khả xâm phạm của các điều khoản trong tuyên bố đó. Lời nói đầu của hiến pháp Ukraine hiện nay cũng có các tham chiếu đến đạo luật tuyên bố độc lập”, ông nói.
Nga đã mang dự thảo bản ghi nhớ hòa bình đến các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine gần đây. Tuy nhiên, Ukraine coi đó là những “tối hậu thư không thể chấp nhận được”.