Mỹ - Israel tìm cách "bài toán nóng" ở Trung Đông

() - Thủ tướng Israel Netanyahu đã lên đường đến Mỹ và có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Donald Trump trong ngày 7/7 nhằm bàn cách giúp thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
Mỹ - Israel tìm cách bài toán nóng ở Trung Đông - 1

Tổng thống Trump và Thủ tướng Netanyahu gặp nhau tại Nhà Trắng hồi tháng 4 (Ảnh: WSJ).

Khi Tổng thống Trump gặp Thủ tướng Netanyahu tại Nhà Trắng lần này, Trung Đông đã quá khác so với chỉ vài tháng trước. Một khu vực Trung Đông "nóng như lửa", ngập tràn xung đột và rủi ro dường như đã đến thời chín muồi cho ngoại giao.

Thoạt nhìn, đây có vẻ là một cơ hội hiếm có cho các thương vụ của Tổng thống Trump.

Israel và Hamas đã nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp về lệnh ngừng bắn ở Gaza sau nhiều tháng xung đột dữ dội. Iran, vốn bị tàn phá bởi các cuộc không kích của Mỹ và Israel, đang gửi tín hiệu rằng họ có thể sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, mặc dù theo các điều khoản của riêng mình.

Nhà Trắng đang tiếp cận chính phủ mới của Syria, hy vọng cải thiện mối quan hệ giữa Damascus và Tel Aviv.

Cuộc gặp giữa ông Trump và Netanyahu tại Nhà Trắng một phần nhằm mục đích nhận công cho những thay đổi này và một phần để thảo luận về các động thái tiếp theo.

Nhưng tính bền vững và phạm vi của hoạt động ngoại giao này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm khẳng định danh hiệu "Tổng thống hòa bình", như Ngoại trưởng Marco Rubio đã gọi ông, có khả năng sẽ bị thử thách bởi những bất đồng dai dẳng với Thủ tướng Netanyahu, vấn đề về nhà nước Palestine, một Iran bị tổn thương và phong cách ứng biến của nhà lãnh đạo Mỹ.

Việc tạm dừng giao tranh trong 2 tháng ở Gaza là điều rất quan trọng để hai nhà lãnh đạo Trump và Netanyahu có bất kỳ hy vọng nào về việc đạt được tiến triển cuối cùng hướng tới mục tiêu: bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả rập Xê út. Một mục tiêu thậm chí còn tham vọng hơn của Tổng thống Trump là xoa dịu sự thù địch kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Iran.

“Về việc chấm dứt chiến tranh ở Gaza, dựa trên các cuộc không kích chống lại Iran và mở rộng bình thường hóa, ông Trump và Netanyahu đang đối mặt với một khoảnh khắc thực sự quan trọng có thể xảy ra”, Daniel Shapiro, cựu đại sứ Mỹ tại Israel và là quan chức Lầu Năm Góc hiện đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết. “Hy vọng là họ sẽ nắm bắt được cơ hội này”.

Nhưng ông nói thêm: “Nếu chiến tranh ở Gaza kéo dài sau 60 ngày tạm dừng, nếu Iran che giấu uranium làm giàu cao và đe dọa sẽ làm giàu thêm nữa, hoặc nếu các tính toán chính trị của ông Netanyahu cản trở các quyết định quan trọng, thì khoảnh khắc đó có thể trôi qua mà không đạt được nhiều kết quả”.

Trong tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo lần này, lệnh ngừng bắn ở Gaza là kết quả khả thi nhất.

Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần phản đối các lời kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột này mà không chấm dứt vai trò của Hamas, nhưng các quan chức Israel và các nhà lãnh đạo Hamas đã nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp tại Qatar về một thỏa thuận khả thi.

Tướng hàng đầu của Israel, Eyal Zamir, đã nói với chính phủ rằng ông thích tiến tới một thỏa thuận con tin vì các hoạt động tiếp theo sẽ đe dọa đến tính mạng của con tin trong khi lợi ích của việc làm suy yếu Hamas vẫn chưa rõ ràng, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Khi lên máy bay đến Washington, Thủ tướng Netanyahu cho biết sẽ không từ bỏ mục tiêu là loại bỏ hoàn toàn Hamas, ngay cả khi nói về lời hứa mở rộng quan hệ của Israel với các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và cam kết giải thoát các con tin người Israel.

Thủ tướng Netanyahu khẳng định, cuộc gặp với ông Trump "chắc chắn có thể giúp xúc tiến thỏa thuận mà tất cả chúng ta đều mong đợi". Tuy nhiên, trước đó, ông từng chỉ trích phản hồi của Hamas với đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn là "không thể chấp nhận được".

Ông Netanyahu cũng cho biết, phái đoàn Israel đã được cử đến Doha với "hướng dẫn rõ ràng" để tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas

Nếu liên minh của Thủ tướng Netanyahu tồn tại cho đến cuối tháng, ông có thể sẽ có ít nhất 6 tháng nữa được đảm bảo làm thủ tướng. Quốc hội Israel sẽ nghỉ vào ngày 27/7 và sẽ không hoạt động trở lại cho đến ngày 19/10. Ngay cả khi liên minh của ông tan rã sau kỳ nghỉ, vẫn còn ít nhất 3 tháng nữa mới có thể tiến hành bất kỳ cuộc bầu cử nào.

Các cựu quan chức và nhà phân tích cho biết, việc thiết lập lại khu vực này sẽ đòi hỏi phải chấm dứt giao tranh ở Gaza nhiều hơn so với thời gian tạm dừng 60 ngày, một mục tiêu đòi hỏi Hamas phải nhượng bộ thêm, Israel phải linh hoạt hơn và nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia Ả rập trong khu vực.

Ngay cả khi chấm dứt giao tranh vĩnh viễn ở Gaza cũng khó có thể đủ để khôi phục triển vọng đột phá ngoại giao giữa Israel và Ả rập Xê út.

Mỹ - Israel tìm cách bài toán nóng ở Trung Đông - 2

Khói bốc lên ở Gaza sau vụ nổ hôm 5/7 (Ảnh: WSJ).

Trong nhiều năm, Ả rập Xê út đã tuyên bố Israel phải nhất trí với mục tiêu hướng tới nhà nước Palestine trước khi có thể bình thường hóa quan hệ song phương. Các nhà phân tích Israel và Ả rập cho biết, Ả rập Xê út sẽ thấy khó có thể xoa dịu yêu cầu đó hơn nữa sau khi xung đột Gaza gây ra ác cảm với Israel ở các nước Ả rập.

Tuy nhiên, phần lớn người Israel hiện phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, cho rằng đó sẽ là phần thưởng cho các cuộc tấn công của Hamas và sẽ đe dọa đến an ninh của Israel trong tương lai.

Việc thuyết phục Iran từ bỏ kế hoạch làm giàu uranium cũng hứa hẹn sẽ là một cuộc đấu tranh khó khăn khác. Các quan chức Ả rập đang hy vọng đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về một thỏa thuận sẽ đề xuất dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế hạt nhân nhằm đóng cửa lựa chọn sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này.

Một cuộc họp như vậy vẫn chưa được công bố và không có dấu hiệu nào cho thấy các quan chức Iran sẵn sàng từ bỏ việc làm giàu uranium và thay vào đó chỉ dựa vào nguồn cung cấp nhiên liệu nước ngoài cho chương trình hạt nhân dân sự của nước này, như yêu cầu của ông Witkoff.

Lầu Năm Góc mới đây cho rằng, cuộc tập kích của Mỹ đã làm chậm chương trình hạt nhân của Iran từ 1-2 năm.

Trong chuyến đi hồi tháng 5 đến Ả rập Xê út, Tổng thống Trump tuyên bố rằng Mỹ sẽ tránh can thiệp quân sự và theo đuổi "giấc mơ" của mình rằng Ả rập Xê út sẽ tham gia Hiệp định Abraham, một tập hợp các thỏa thuận thiết lập bình thường hóa ngoại giao giữa Israel và một số quốc gia Ả rập, bắt đầu với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Bahrain.

Khi giới hạn các cuộc tấn công của Mỹ là chỉ nhằm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran trong khi tránh thay đổi chế độ ở nước này, Tổng thống Trump phần lớn đã tuân theo mục tiêu đó.

Mặc dù Israel là nước bắt đầu các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, quyết định sử dụng máy bay ném bom B-2 và tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm của ông Trump nhằm vào các địa điểm kiên cố nhất của Iran đã mang lại cho ông thêm sức ảnh hưởng với Thủ tướng Netanyahu. Nhưng giờ đây, ông phải đối mặt với câu hỏi về cách sử dụng nó.

Thủ tướng Netanyahu đã nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Iran đã tạo ra các cơ hội ngoại giao cho Israel. Các tuyên bố của ông cho thấy bản thân nghĩ rằng mình có thể theo đuổi cuộc chiến ở Gaza và đồng thời tìm cách bình thường hóa quan hệ với Ả rập Xê út, một đánh giá trái ngược với hầu hết các nhà phân tích của Mỹ.

“Câu hỏi đặt ra là liệu Israel có thể bắt đầu tiến tới bình thường hóa mà không cần chấm dứt chiến tranh hay không”, Amir Avivi, một cựu quan chức quốc phòng thân cận với chính phủ và cơ quan an ninh Israel hiện tại, cho biết.

Một cựu quan chức Mỹ cho biết động lực đằng sau những động thái có vẻ không nhất quán của Tổng thống Trump là quyết tâm được biết đến như một "vị tổng thống có công giúp ổn định Trung Đông".

Tuy nhiên, những cơ hội ngoại giao mà ông hiện đang tìm cách khai thác phụ thuộc vào có sự tham gia của Israel, cùng với Hamas và Iran hay không.

Theo các chuyên gia, một số ý tưởng ban đầu của Tổng thống Trump về Trung Đông kể từ khi trở lại Nhà Trắng có vẻ như là ngẫu hứng và không đi xa được.